Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

"Vào tay" được biên tập lại

Cao Bắc
Một ngày hè, sau khi trường đã giải tán.  Sáng đó, Linh “đen” báo, Quốc Bình k6 mời tỷ thí võ tối hôm đó tại sân vận động “Quần ngựa”. Đúng 8 giờ tối, chúng tôi đạp xe lên “Quần ngựa”. Cùng đi với Linh “đen” có tôi, Nguyễn Lâm, Bắc Việt, Trần Bình (gân) cùng Tạ Sơn (dân 20 Nguyễn Biểu, đối diện nhà thờ Cửa Bắc). Phía Quốc Bình có Hồng “lồi”, Vũ Biên Hòa (tầu) cùng mấy bạn (nay không nhớ tên).

Cả sân vận động tối đen, không một ánh đèn. Hai bên dàn trận. Bọn chưa đến lượt ngồi quây thành vòng tròn rộng. Đầu tiên 2 cao thủ Quang Linh và Quốc Bình giao đấu. Linh đứng thế “phượng hoàng”, Bình đứng thế “trảo mã”, rồi Bình dùng thế “gà trống đạp mái” tấn công. Linh “xàng xê” qua lại rồi bất ngờ tấn công Bình bằng một cú đá. Bình gạt được và trả lại bằng một cú “đả hồ song quyền”. Linh né người tránh được và nhảy ra thủ thế. Cứ như thế 2 bên vờn nhau chừng 5 phút, không phân thắng bại. Cả bọn đứng ngoài thán phục, trận đấu của 2 cao thủ thật đẹp mắt.




Sau đó tôi thi đấu với Hòa “tầu”. Hai bên thi đấu chừng 3-4 phút, cũng không phân thắng bại. Vì Bắc Việt, Trần Bình nhỏ con nên Linh chỉ cho dự khán. Lâm “tắc ly” lần đó dự bị.

Cặp cuối cùng là Tạ Sơn và Hồng “lồi”. Trời tối đen. Chả biết đã học được gì, Sơn xàng qua xàng lại. Vừa nghe Linh nhắc: “Nó xàng thế “hổ thọt ba chân” đấy!” thì nghe phản ứng của đối phương: “Ê, không chơi nhắc”. Lập tức, Tạ Sơn tung người phi 2 cước vào bóng đen lờ mờ. Và… “huỵch”, đối phương đổ vật. Cả bọn bên kia xúm lại: “Ê, hèn! Không chơi nhắc vở mà”.

Ngay lúc đó chả hiểu từ đâu đèn pin dăm cái quét qua quét lại, chĩa vào cả bọn. Vậy là vệ binh của BTL Công-Pháo (nay là Viện quân y 354) gần đấy biết có đánh nhau, đã đến bao vây. Ai đấy hô “Té!”. Cả bọn mạnh thằng nào thằng nấy ù té quyền, tán loạn tìm xe đạp.

Ra đến ngã  ba Đội Cấn, 2 cánh tụ  lại rồi hẹn nhau, sẽ luyện tập thêm để tái đấu. Không ngờ  đó cũng là lần cuối tôi gặp Linh “đen”.

Truyền thống thượng võ là những tài sản quý báu của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nếu có thể quay ngược được thời gian và tôi là hiệu trưởng Quỳnh thì tôi sẽ tổ chức một Câu-lạc-bộ võ thuật để những người ham muốn môn này có thể luyện tập và tránh được tất cả những điều đáng tiếc đã xảy ra.

Loạt bài viết này để tặng 3 người bạn sớm đi xa: Nguyễn Lâm, Quang Linh, Quốc Bình.

(Cảm ơn Tạ Sơn còn nhớ và đóng góp biên tập lại).


7 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết để nhớ lại những bạn đã đi xa, đầu tiên cũng nhớ là Sơn, nhưng sau đó sợ không chính xác nên phút cuối cùng lại không đăng, cảm ơn Sơn đã làm cho những kỷ niệm sống lại rõ nét hơn để nhớ đến 3 bạn sớm đi xa, Linh,Lâm và Bình.
CB

TranKienQuoc nói...

Sáng qua còn ở SG, trưa nay Tạ Thanh Sơn đã ra HN. Bọn lớp vỡ lòng (Đôn Hà, Đôn Hòa, Huy Mai, Tất Thắng, Xuân Phương, Hạ Thanh Xuyên, Hồng Dung, Đông Nhân...) hẹn hau đi chơi Mộc Châu, Hòa Bình kỉ niệm 60 năm "nên não nàng".

Nặc danh nói...

Đó là những kỷ niệm từ những lúc học cùng trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An.
CB

Nặc danh nói...

Vậy Đông Nhân với HTX còn nhớ cái lớp (hình như là 1d hay 1c) của trường Nguyễn Trãi nó nằm ở chỗ nào không?

Nặc danh nói...

À mà đúng cái lớp vỡ lòng nữa, trước khi chuyển sang lớp 1.
Tất Thắng nhớ tìm trả mình quyển "E-dốp" nhé.

Nặc danh nói...

Mình còn nhớ đến cả cái lớp mẫu giáo lúc đó nằm trong thành nữa.

Nặc danh nói...

Mình đang sống lại với đầy những kỷ niệm. "Cáo chết còn quay đầu về núi", liệu mình quay về VN để sống nốt cuộc đời của mình? hay còn đi nữa sau đó chết ở đó: Miến Điện, Nam Mỹ, (chắc phải qua du lịch Nhật) hay Mông Cổ? Chưa biết được, nhưng thấy những kỷ niệm thời thơ ấu nó đẹp quá, (không phải từ những ngày trường Trỗi mà còn với nhau từ lớp vỡ lòng).
Chính Linh với Tạ Thanh Sơn đã sống với chúng mình từ những ngày đó, nên mặc dù Sơn không học trường Trỗi nhưng vẫn có nhiều người biết Sơn.