Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Vé về tuổi thơ (ST: Đạt)


Sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, vừa buông sách xuống, tôi đã nghi ngờ: “Không, ông Ánh này bề ngoài hiền lành lắm, người nhỏ nhắn, mắt bồ câu, da trắng hồng, giọng nói dịu dàng. Chả lý do gì lại nghĩ được một ý hay đến thế”.


Tôi bèn gọi điện thoại cho Ánh:
- Alô, anh Ánh đấy à? Tèo đây. “Tèo đau khổ” chứ còn Tèo nào nữa, nhớ không? Đã có lần tớ ngồi trong một nhà hàng, nhìn thấy cậu ở xa xa.
Nhà văn có vẻ nghi ngờ, nhưng trả lời rất dễ thương, chắc là đã quen với kiểu hâm mộ này:
- À, à, nhớ rồi. Dạo này lu bu quá. Có gì không hả bạn Tèo?

Tôi giả lả:
- Mới đọc sách của ông xong. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, hay thiệt. Này, chỗ bạn bè, hỏi thực nhé, ý ấy anh lấy ở đâu ra?
Nhà văn hỏi lại:
- Ý là gì?
Tôi xởi lởi:
- Là cái “iđê” ấy, cái tứ ấy?
Nhà văn nói ngay:
- Có gì đâu. Chả là vừa qua đi Hà Nội bằng tàu hỏa, tớ ra ga Hòa Hưng thấy có một quầy đường sắt bán vé đi tuổi thơ cậu ạ.
Tôi sửng sốt:
- Thiệt không?
Giọng Ánh sang sảng:
- Tớ là Bồ Câu. Bồ Câu chả khi nào nói dối.
Tôi mừng quá, chào anh, hẹn anh một cách cầu cạnh là lúc nào rảnh qua chơi. Rồi tôi bỏ máy, phóng ra ga. Vừa đi tôi vừa nghĩ “Nhà văn có gì ghê gớm đâu, chẳng qua chỉ phản ánh hiện thực thôi mà”.
Ga Hòa Hưng đây rồi. Sạch đẹp, khang trang. Tôi nhớ lại câu ca dao nổi tiếng ngày xưa “Góp phần ích nước lợi nhà, tham gia tiết kiệm con gà Hòa Hưng”.
Tất cả các quầy vé đều ngăn nắp, trật tự. Nào vé đi Đà Nẵng, nào đi Huế, nào đi Vinh, đi Nha Trang.
Riêng có một quầy ở góc xa ồn ào, hỗn độn. Tôi lao tới. Đúng rồi, trên bảng có ghi dòng chữ to đùng “Bán vé đi tuổi thơ”.
Chen lấn kinh khủng. Xô đẩy ầm ầm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cả ngàn hành khách không ai chịu ai. Mấy anh cảnh sát giữ trật tự mặt mũi bơ phờ.
Tôi có một tuổi thơ khá êm đềm, nhưng chả gì xuất sắc. Song lớn lên, nghĩ lại thấy hồi ấy mình có quá nhiều cái lợi. Chẳng hạn thay vì đi chăn trâu cắt cỏ, dùng thời gian đó cho việc học vi tính với Anh văn thì bây giờ đã đỡ hơn nhiều. Do đó, tôi quyết trở lại tuổi thơ, nếu không lâu dài thì ít ra cũng vài năm để học lại.
Tôi hỏi bà con:
- Bao nhiêu một vé?
Một hành khách trả lời:
- Đồng hạng mười triệu đồng. Có kèm theo hai suất ăn trưa và một chai nước suối.
Tôi giật mình. Đắt quá là đắt. Với một gã nghèo như tôi, mười triệu đồng có thể lên tới thiên đường chứ đừng nói tuổi thơ tuổi thiếc.
Tôi cố vớt vát:
- Không ăn có được không?
Ông khách lườm:
- Đâu được. Buộc phải ăn. Quy định rồi.
Tôi thầm nghĩ “giá thời thơ ấu, mình lúc nào cũng buộc phải ăn thì tốt biết bao nhiêu”. Tôi không đủ tiền, nhưng quay về thì ngượng quá vì ra đi đã chào bạn bè rồi. Chúng nó còn mở một bữa tiệc chiêu đãi và dặn khi về đến nơi hãy mua cho chúng một con diều. Quay về kỳ quá.
Tôi bèn bán ngay chiếc xe máy, cầm tiền lao vào hàng người. Mới bỏ đi nửa tiếng mà đã đông thêm dày đặc.
Tôi kêu to:
- Ưu tiên cho tôi đi. Tôi là bạn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Thiên hạ bảo:
- Ông Ánh không mua được vé, nên về nhà viết sách rồi. Ở chỗ này ai cũng như ai, chẳng có ông nọ ông kia đâu nhé. Mọi người đều bình đẳng trước tuổi thơ, hiểu chưa?
Tôi hiểu rồi. Đúng là tuổi thơ, hồi mẫu giáo, có ai biết ai sẽ lớn lên như thế nào đâu. Chẳng có giàu nghèo, chẳng có chức vụ gì cả.
Tôi đành cắn răng xếp hàng nghĩ bụng thay vì về tuổi thơ vài tháng, mình sẽ ở lại vài năm mới bõ công. Nhưng rồi lại hơi ái ngại, chả hiểu lúc trở lên mọi thứ có còn nguyên không? Tuổi thơ đã khó khăn, tuổi trưởng thành còn vất vả nữa thì chết.
Cuối cùng tôi cũng mua được tấm vé quý giá sau ba ngày xếp hàng không ăn không ngủ. Nắm chặt vé trong tay, tôi còn nghe tiếng loa văng vẳng, nhắc hành khách cẩn thận bọn trộm cắp. Trong trường hợp này, chúng không cắp tiền, mà cắp cả tuổi ấu thơ.
Vừa ló đầu ra cửa thì mấy thanh niên lao tới:
- Có bán vé lại không? Ba chục triệu?
Tôi giật mình:
- Các chú mua làm gì?
Họ thì thầm:
- Tỉnh tổ chức đội tuyển bóng đá thiếu niên, mà chúng tớ đều quá tuổi. Mua được vé này, sẽ trở nên thi đấu hợp lệ.
Tôi khó nghĩ quá. Ba mươi triệu quá to. Suốt cả tuổi thơ tôi chưa làm ra một phần mười như thế. Nhưng không bán, vì đã quyết rồi.
Mới đi thêm vài bước chân, đã có mấy ông đứng tuổi lao tới:
- Bán lại vé đi!
Tôi sửng sốt:
- Bao nhiêu?
Họ tranh nhau:
- Một tỉ đồng!
Tôi choáng váng:
- Một tỉ đồng. Sao trả cao thế?
Các ông thì thầm:
- Bọn này sắp phải về hưu. Nếu có tấm vé sẽ thêm nhiều năm nữa. Gỡ lại nhanh thôi.
Không còn kháng cự nổi nữa, tôi bán vội cái vé của mình. Tôi nghi Nguyễn Nhật Ánh cũng làm như tôi!
Lê Hoàng

Không có nhận xét nào: