Trong những năm tháng quan hệ Việt-Trung
xấu đi, anh vẫn gìn giữ các bức thư, các huy hiệu, kỷ vật của thầy cô, các bạn
Việt Nam và tin sẽ có lúc quan hệ trở lại bình thường.
"Anh Trỗi không chỉ là Anh hùng của nhân dân VN mà còn là thần tượng của thanh niên TQ chúng tôi", Cao nói vậy khi cùng anh Tuyên đến thăm chị Quyên đầu năm 2005 tại PHCM. |
Đầu năm 2005, anh mời anh Đỗ Kiếm
Tuyên cùng sang Việt Nam, tìm gặp các bạn Trỗi. Tôi nhớ như in sớm ấy cùng Kiến
Quốc ra ga Hoà Hưng đón hai anh, đưa về
một khách sạn nhỏ trên đường Nguyễn Thị Huỳnh, Phú Nhuận. Lần đó anh gặp lại rất
nhiều bạn Trỗi. Mọi người đều nhớ anh, yêu quý anh như người nhà.
Tôi được Phan Nam mời đưa Cao và anh Đỗ Kiếm Tuyên đi thăm địa đạo Củ Chi. Lần đó anh hiểu hơn về
tinh thần quật cường của người dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh, hiểu hơn về
sự ác liệt của cuộc chiến với quân đội Mỹ.
Dịp đó anh còn dự đám cưới của con gái Giáp Hùng Trỗi k2.
Khi chuẩn bị cho buổi chia tay,
anh ngồi viết một bài nói chuyện rất cảm động về tình cảm của anh đối với các bạn
Việt Nam. Tháng 10-2005, các cựu học viên Trường Trỗi tổ
chức kỷ niệm 40 năm thành lập trường tại Hà Nội. Anh lại có mặt và gặp được nhiều
bạn bè sau bao năm xa cách.
Tôi gặp lại anh vào 2009, khi cùng
3 người bạn ở Tam Thuỷ đi du lịch bằng đường bộ xuyên Việt từ Bắc vào Nam. Ấn tượng
đầu tiên của 4 người bạn Tam Thuỷ là được Kiến Quốc cùng các bạn Trỗi k7 đưa xe
lên tận cửa khẩu Hữu Nghị đón. Trên đường thiên lý, đến đâu cũng được anh em
Trỗi đón tiếp nồng hậu.
Tôi và Đông Nhân được phân công ra đón các anh tại ga Hoà Hưng, đưa về nghỉ tại một khách sạn của bạn
con trai tôi ở Phạm Ngũ Lão. Dương Minh, Phan Nam cùng nhiều bạn đưa các anh đi
chơi, thăm thành phố trong tình thân gia đình. Rồi tôi và Đông Nhân cũng là người
đưa các anh lên tầu Thống Nhất ra Bắc. Chuyến đi đó để lại ấn tượng rất tốt về
quan hệ hữu nghị giữa bạn Trỗi, giữa nhân dân Việt Nam với các anh, những người
bạn Trung Quốc.
Tháng 5-2010, tôi cùng 20 bạn
Trỗi về Quế Lâm. Cao và anh Hà (một cựu chiến
binh “kháng Mỹ viện Việt”, từng sang Việt Nam năm 2009) từ Phật Sơn đến Quế Lâm gặp anh em chúng tôi. Tôi và Quốc tranh thủ thời gian theo anh Cao tới thăm hai
cụ thân sinh, rồi 4 anh em ngồi ăn ở nhà hàng đặc sản dê Quế Lâm. Khi tôi muốn
đến thăm cô y tá Lý Thiệu Vân (đã chăm sóc
chúng tôi cách đây hơn 50 năm) Cao rất tận
tình giúp đỡ, đưa tôi và Vũ Minh Trực đến thăm cô.
Tháng 10-2010 Cao lại sang Hà Nội
dự kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.
Hè 2009, Cao cùng 3 bạn ở Tam Thủy, Phật Sơn đã du lịch ba lô xuyên Việt và thăm các bạn Trỗi. Dịp 27/7 năm đó đã đến thắp hương cho anh Trỗi tại nghĩa tranh Văn Giáp, Q9. |
Tháng 7 vừa qua, khi tôi tới Nam
Ninh thì biết giáo sư Hoàng Tranh cùng các cán bộ Viện Khoa học xã hội Quảng Tây
đang tiến hành dịch các bài viết từ các tập “Sinh ra trong khói lửa” ra
tiếng Trung. Xem bản thảo thấy có ảnh, bài về
Cao Cẩm Quỳ thì nghe giáo sư Hoàng Tranh nói: “Cao “Tư lệnh”, một con người có quan hệ rất tốt, rất thân tình với
các bạn Việt Nam. Blog của anh trên mạng góp phần cho nhân dân Trung Quốc hiểu
thêm về Việt Nam. Anh Cao với tư cách cá nhân
đã làm được nhiều việc cho việc củng cố quan hệ hữu nghị giữa nhân dân
hai nước”.
Lần này khi biết tôi sẽ đến Quảng
Châu thăm anh, anh lập ngay một kế hoạch đón tiếp rất chu đáo. Anh đón tại ga
Quảng Châu, bố trí nghỉ ngơi tại một khách sạn bình dân (theo yêu cầu của chúng
tôi), đưa đi chơi, thăm thắng cảnh quan Quảng Châu.
Chúng tôi còn tới thăm gia đình các
con của lão thành cách mạng Lý Ban (anh Lý Tân Hoa, chị Kim Na, cháu Đông Minh, vợ chồng chị Lý
Niệm Vân). Anh Hoa mời chúng tôi ăn bữa cơm gia đình. Tôi giới thiệu với cả nhà, anh Cao Cẩm Quý là bạn rất thân
thiết của các học sinh Trường Trỗi khi đóng tại Quế Lâm thời kỳ 1967-1968. Gia đình
bác Lý Ban có Lý Tân Huệ là học sinh k7 của trường.
Khi giới thiệu do ở gần các bạn Việt Nam mà Cao có
biết chút ít tiếng Việt thì anh liền đứng lên nhắc lại bằng tiếng Việt những gì anh thường được nghe vào buổi sáng sớm
từ loa phát thanh của Trường Nguyễn Văn Trỗi: “Đây là Đài tiếng
nói Việt Nam, phát đi từ Hà Nội - thủ Đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà’’; sau đó
anh nhắc lại rất chính xác nhạc hiệu cùng lời của bài “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi). Anh Hoa và cả nhà rất ngạc
nhiên, cảm phục, thích thú. Là một người
rất am hiểu đời, từng dạy học tại Đại học
Tổng hợp Hà Nội, am hiểu về quan hệ Việt-Trung;
anh Hoa nhận xét: Cao Cẩm Quỳ là một người
rất thông minh, hiểu nhiều, biết rộng, rất
quý Việt Nam, rất hiểu Việt Nam. Đối với
Cao Cẩm Quỳ được làm quen với gia đình bác Lý Ban - một gia đình Việt-Trung có
truyền thống cách mạng là việc đáng mừng,
vì họ là “một phần của Việt Nam giữa đất Quảng Châu”.
Tam Thuỷ là một quận của thành phố
Phật Sơn, có ba dòng sông chảy qua. Dân số khoảng 700 ngàn. Gia đình anh sống trong
một căn hộ 60 mét vuông từ 1989. Cao cho biết lúc đó như vậy là rất tốt. Vợ anh
là công nhân, đã nghỉ hưu. Con gái lớn sinh 1978, lấy chồng, hiện sống ở Ma Cao,
có 2 con trai. Con trai anh đã ra ở riêng, là doanh nhân tự do, chuyên doanh
trong ngành dược, đã có một con trai.
Cao về hưu năm 2009, lương hưu mỗi tháng là 2500 tệ (tương đường
10 triệu VNĐ), chị được 1500 tệ, sống tạm đủ. So với mức sống tại Quảng Đông thì
thu nhập như vậy xếp mức dưới trung bình,
nhưng anh cho biết còn hơn nhiều người.
Anh thường sang Ma Cao thăm con gái. Sau khi nghỉ hưu, Cao đi du lịch khắp Trung Quốc, tìm hiểu các địa danh nổi tiếng
của đất nước mình.
Chúng tôi được Cao bố trí giao lưu với các cựu chiến binh “kháng Mỹ viện
Việt”, với các vận động viên TDTT cấp quốc gia, với doanh nhân, với lái xe… là bạn bè thân thiết của anh. Trong quan hệ với mọi
người anh luôn ân cần, chu đáo. Tôi cảm nhận
được mọi người rất quý mến anh. Cuộc gặp mặt với các cựu chiến
binh diễn ra rất cảm động, thắm tình hữu nghị.
Tranh thủ thời gian bên nhau tôi
và anh trao đổi rất cởi mở về quan hệ Việt-Trung, những vướng mắc, những khó khăn.
Cách suy nghĩ của anh rất khách quan, khoa học, thẳng thắn. Hai chúng tôi tìm được
tiếng nói chung, mong muốn quan hệ hai nước luôn phát triển tích cực, vì lợi ích
của nhân dân hai nước.
Anh Cao lập blog riêng. Anh cho
biết rất nhiều người truy cập blog của anh nhưng 70% là các bạn Việt Nam. Trên
blog Bantroi5 dành cho anh hẳn một mục.
Tôi được anh giới thiệu trên máy
tính của anh các trang điện tử tiếng Hoa của các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân,
Đài Tiếng nói Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Anh theo
rõi rất sát tình hình Việt Nam. Anh thích thú khi Quốc hội Việt Nam tiến hành
chất vấn các bộ trưởng, khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các cán bộ do Quốc hội
bầu ra.
Viết những dòng này về Cao Cẩm Quỳ vì muốn chia sẻ những gì mình đã biết,
vừa mới biết về người bạn Trung Quốc tuyệt
vời mà các bạn Trỗi rất mực quý mến.
3 nhận xét:
Khi báo có bài viết của anh Chiến trên BT5, Cao đã trả lời bằng tiếng Anh:
thank you! i am going to macau tomorrow. in there ,i can see bantroi5.blogspot.
Anh Cao viết như vậy vì,sáng nào anh cũng vào blog bantroik5 ,để cảm nhận cho bằng được tại Tam Thuỷ ,quê hương anh hơi thở của cuộc sống tinh thần của dân Trỗi mà anh coi như người nhà. Anh có thể qua Goole (mạng "Bách Bộ",đã rút khỏi Trung Quốc),song chỉ đến được mục "Báo liếp",không thể đọc tiếp sau khi nhấp "chuột".Anh phải ấm ức để dành đến khi đến Macao thăm con,hoăc tới Hong Kong mới đọc được thoải mái bantroik5.
Tôi đi "Phượt" từ Nam Ninh đến Quế Lâm ,đến Quảng Châu,về Tam Thuỷ quê hương anh Cao, tôi trải qua sự ấm ức vì không đọc được nôi dung các bài viết của bantroik5 tại Trung Quốc.Tôi trao đổi với anh nCao thì anh cho biết đó là thực tế,phải chấp nhận. Tôi báo về cho Kiên Quốc , Quốc ngạc nhiên vì hối 2010 ,khi chúng tôi về Quế Lâm ,việc theo rõi Bantroik5 qua mạng diễn ra rất bình thường. Tôi suy đoán có lẽ do nhà mạng Google rút khỏi Trung Quốc nên tất cả các thông tin qua mạng từ nước ngoài vào Trung Quốc qua Google đều bị chặn. KC
Một người bạn TQ tuyệt vời, Ai chưa gặp Cao Cẩm Quỳ thì đó là một điều tiếc đấy. Nếu có điều kiện hãy gặp Cao "Tư lệnh" ít nhất một lần. Một người bạn lớn của học sinh trường Trỗi chúng ta.
Đăng nhận xét