Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

“ÔNG PHÁN MEN” NGUYỄN VĂN TỐ - CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN CỦA CHÍNH THỂ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (Nguyễn Thìn Xuân) - ST: Việt Dũng


Cụ Nguyễn Văn Tố.
       Trong một lần Bác Hồ gửi chai rượu quí cho người thư ký để tặng cụ Nguyễn Văn Tố, vừa đưa tay ra nhận rượu, cụ Tố vừa nhỏ nhẹ nói: “Nhờ anh về thưa lại là Cụ hiểu lầm tôi rồi đấy”. Người thư ký vội về thưa lại, Bác ngồi yên lặng hút thuốc. Rồi Bác quay ra hỏi: “Ông cụ trách như vậy ý chú thì sao?”. Người thư ký nói: “ Thưa Bác hình như cụ Tố không uống rượu”. Bác Hồ bật cười: “ Phải, chúng ta đã nhầm. Phán men không phải là Phán rượu, đây là người men tường mà đi. Quân tử nép tường mà đi, chú có biết ai đã nói thế không, là Khổng Tử nói đấy”.
       Ông phán Men.


       Cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947) hiệu là Ứng Hòe, một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch QH), Bộ trưởng Bộ Cứu tế – Xã hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã hy sinh tại Bắc Cạn năm 1947.


       Cụ sinh 5/6/1889 trong một gia đình nho giáo, gốc Hà Nội (tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ). Tốt nghiệp trường Thông ngôn (phiên dịch), cụ đến làm thư ký tòa soạn Bộ Kỷ yếu (D.P.C.H.V). Từ nhân viên phụ tá, cụ lên chức chủ sự Học viện Viễn Đông Bác cổ, một cơ quan nghiên cứu lịch sử văn hoá của người Pháp ở 26 phố Lý Thường Kiệt, lớn nhất Đông Dương thời kỳ đó. Ngoài thời gian làm việc ở công sở, cụ thường viết bài in trên các báo chí tiếng Việt như tạp chí Tri Tân, Đông Thanh, Thanh Nghị… và các báo chí tiếng Pháp về nhiều lĩnh vực như văn học, nghệ thuật…
        Cụ đã soạn thảo được hai bộ sử học đồ sộ “Đại Nam dật sử”, “Sử ta so với sử Tàu” rất công phu, nghiên cứu, đối chiếu nhiều nguồn thư tịch, tranh luận kịch liệt với các nhà sử học Pháp ở Đông Dương để làm sáng tỏ chân lý một cách khoa học. Rất tiếc bộ “Sử ta so với sử Tàu”, cụ mới soạn đến cuối đời nhà Lý, sau đó ít lâu cụ bị hy sinh nên còn dang dở.
       Cụ Nguyễn Văn Tố không những uyên thâm Hán học mà tinh thông cả Tây học. Ngay cả với ông Nguyễn Thiệu Lâu, giáo sư trường Khải Định (Huế), có 5 bằng cử nhân KHXH, khi nhờ cụ xem bản thảo, cụ cũng gạch đỏ, ghi rõ lỗi thuộc loại nào khiến ông Lâu cũng phải tâm phục, khẩu phục. Người Pháp cũng rất kính nể ông. Bezacier, chuyên viên khảo cổ học người Pháp cũng phải nhờ cụ sửa bài. Ông Coedès ,Giám đốc Viện, khi đưa bài cho cụ, nói hẳn với cụ rằng: “Có sai cứ sửa, nếu sau này có ai chỉ trích một điểm gì là lỗi ông đó”.
       Trong số 128 vị sáng lập hội Trí Tri, có tên 20 người Pháp, đứng đầu là toàn quyền P.Doumer. Năm 1934 – 1935, cụ Nguyễn Văn Tố, thành viên cũ của Hội Đông kinh nghĩa thục được bầu làm Hội trưởng của Hội Trí Tri thay cho Phạm Quỳnh được Bảo Đại vời vào Huế làm Thượng thư bộ Học. Bởi vậy, ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, danh tiếng của cụ được xếp vào loại tứ danh kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn).
Cụ Tố đứng hàng sau, thứ 4 từ trái sang.
        Cụ sống rất mực thước, quanh năm trong chiếc áo dài đen dân tộc, quần chúc bâu, đội khăn xếp ngay ngắn, đi giầy Gia Định. Cụ không bao giờ mặc âu phục mặc dù cụ làm việc cho một cơ quan nghiên cứu của người Pháp. Cụ cũng không bao giờ đi xe đạp hay xe kéo, mà đi bộ từ nhà đến cơ quan men theo mái hiên các nhà dãy phố. Bởi vậy, đương thời, cụ còn có cái tên “ông phán men”.
         Lập hội truyền bá chữ Quốc ngữ
         Tuy nhiên điều làm cho người dân đất Việt còn mãi mãi ghi ơn công đức của cụ là việc cụ tham gia sáng lập ra Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ để mong “95% dân số Việt Nam không biết một thứ chữ gì” (thống kê của Nha học chính Đông pháp năm 1938) được học chữ quốc ngữ, một thứ chữ chỉ cần học 3 tháng là có thể biết đọc, biết viết – một thứ chữ mà ngày nay “ như sinh ra là đã có thứ chữ này rồi” (nhà văn Hoàng Tiến).
        Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng lớp trí thức đầu thế kỷ XX như các ông Trương Văn Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Lương Văn Can, Phan Kế Bính, Vũ Đình Hòe… phát động công cuộc Cách mạng chữ quốc ngữ. Đầu năm 1938, theo đề nghị của Trường Chinh, xứ ủy Bắc kỳ quyết định vận động một tổ chức công khai chống nạn mù chữ và giao cho Trần Huy Liệu, chủ bút báo Tin Tức cùng các ông Đặng Thai Mai, Võ nguyên Giáp, giáo sư trường tư thục Thăng Long, tập hợp một số tri thức tiêu biểu như Bùi Kỷ, Hoàng xuân Hãn, Quản Xuân Nam… họp tại nhà ông Phan Thanh bàn bạc thành lập một tổ chức lấy tên là Hội truyền bá học chữ quốc ngữ. Các thành viên nhất trí cử cụ Nguyễn văn Tố làm Hội trưởng, đặt trụ sở tại hội quán Trí Tri ở phố Hàng Quạt (số nhà 47. Nay thuộc quận Hoàn Kiếm).
         Sau này, Hội TBQN lần lượt được thành lập ở cả Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Mặc dù thực dân Pháp đã phải công nhận việc thành lập, nhưng chúng ra sức ngăn cản, tìm mọi cách phá rối, cản trở Hội hoat động. Sau này nhớ lại, Đại tướng Võ nguyên Giáp đã từng phải nói: “Đi học lúc bấy giờ là đi làm cách mạng”.
        Tuy Hội TBQN chỉ hoat động đến Cách mạng tháng 8 nhưng cũng đã giải phóng cho được gần 7 vạn người thoát nạn mù chữ, là vườn ươm cho ngành Bình dân học vụ do Bác Hồ kính yêu sáng lập ra sau ngày 3/9/1945.
         Chủ tịch Quốc hội đầu tiên
         Cách mạng tháng 8 mới thành công, bộn bề khó khăn, thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Nguyễn văn Tố mới có dịp gặp nhau. Mến vì đức, trọng vì tài, Bác Hồ mời cụ Tố ra giúp nước, để cùng Chính phủ và đồng bào đẩy lùi ba loại giặc “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.  Được Bác Hồ phân công, cụ Tố sẵn lòng nhận nhiệm vụ là Bộ trưởng Bộ Cứu tế – Xã hội (nay là Bộ LĐ-TB-XH) trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Sau Tổng tuyển cử đầu tiên (tháng 1/1946), cụ trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách là đại biểu tỉnh Nam Định. Trong cuộc họp Quốc hội sau đó, cụ đươc bầu là Trưởng ban Thường trực Quốc hội (ngày nay là Chủ tịch Quốc hội) khóa 1 và cho đến ngày 8/11/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn thay thế. Ngày 3/11/1946, cụ lại giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ.
Cụ Tố đứng bìa trái.
          Trước âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ kháng chiến đã lãnh đạo toàn dân làm cuộc trường kỳ chống xâm lược vĩ đại. Trong cuộc tấn công lên chiến khu kháng chiến Việt Bắc của ta, ngày 7/10/1947, Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến, không may trong lúc chạy giặc, cụ Nguyễn Văn Tố bị chúng bắt, ban đầu quân giặc đã lầm tưởng là chúng bắt được lãnh tụ kháng chiến Việt Minh là Hồ Chí Minh. Mặc dù bị quân thù tra tấn hết sức dã man nhưng cụ Tố vẫn giữ vững khí tiết, nói tiếng Pháp yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết đó không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết cụ.
       Sang năm 1948, sau khi đánh tan cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Việt bắc, Chính phủ và đông đảo nhân dân, cán bộ, chiến sỹ trên chiến khu đã tổ chức lễ truy điệu cụ Tố trong niềm thương tiếc vô hạn. Trong bài truy điệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời trân trọng, thống thiết: “…Nhớ cụ xưa/ Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng/ Phú quý công danh, cụ nào có thiết”… Chúng tra tấn cực kỳ dã man, tàn khốc/ Cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt/ Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa…/Cụ dù hy sinh,tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt/ Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc”.

        Nói đến cụ Ứng Hòe – Nguyễn Văn Tố, nhà trí thức lớn của đất nước, nhà bác học “thông kim bác cổ” (lời Giáo sư Nguyên Xuân), “nhà sử học anh hùng” (GS Hà Văn Tấn), là Tổ quốc và nhân dân mãi nhắc đến vị liệt sỹ Bộ trưởng đầu tiên đã ngã xuống vì nền độc lập còn non trẻ của nước nhà.

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đ/c Dũng là người có nhiều bài tư liệu quý. Cảm ơn Dũng từ khi chơi sân này làm cho trang mạng sáng hẳn lên.
ND

Việt Dũng nói...

ANH EM MÌNH CHẮC ĐỀU CÙNG THẾ HỆ. HƠI HOÀI CỔ. VÀ ĐỀU LÀ BẠN TRỖI. CÁM ƠN "ĐẠI CA", MONG CÓ DỊP GẶP MẶT QUA "CHỦ THỚT" KIẾN QUỐC.

TranKienQuoc nói...

Chủ thớt sẵn sàng!

Ng.HN nói...

VD trỗi k nào vậy, mình thấy bạn là một trong những người làm phong phú cho nội dung của trang báo liếp k5, hoan hô bạn....

TranKienQuoc nói...

VD không là lính Trỗi mà là bạn Trỗi (Trung Quốc k7). Anh quý tính cách của anh em mình.

TranKienQuoc nói...

Đọc bài này không chỉ lớp trẻ mà lớp trung chúng ta cũng hiểu thêm bao điều. Không chỉ cái tên Nguyễn Văn Tố mà hơn nữa như Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Văn Ký, Lương Văn Can, Phan Kế Bính, Vũ Đình Hòe... ngày nào cũng chạy xe qua những con đường mang tên danh nhân mà ta chưa hiểu hết về họ.
Bài viết thật giá trị!

Ng. HN nói...

Ok KQ, tks

NH nói...

Cảm ơn KHO TƯ LIỆU LỊCH SỬ Việt Dũng. Lúc này đây có nhiều xu hướng để quan tâm. Những người như chúng ta lại hướng về Lịch sử, hướng về cái tốt, hướng về dân tộc...Mong được nhiều người như vậy và Việt Dũng hãy phát huy nghề nghiệp của mình cho Báo Liếp này nhé!
Bạn đọc NH