Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Hai người lính (Ngô Hạnh)

Anh lính Cộng hòa lên Cao nguyên nắng gió
Anh Giải phóng quân vào Tây Nguyên đất đỏ
Rằng nơi đây huyệt tử giữ Miền Nam
Hai lính gặp nhau, chiến dịch mở màn....
                             *
Rồi hai lính bỗng trở thành tử sĩ
Có biết được chăng cùng sinh ra từ Mẹ
Đứa vào Nghĩa trang đứa vất vưởng nơi đâu?
Dù lính bên nào mẹ cũng xót cũng đau
Lòng người mẹ chẳng bao giờ phe phái
Rừng Tây Nguyên đây có ai qua lại
Dừng thắp nén nhang cho cả địch - ta
Xác chúng giờ đây mưa gió đã chan hòa
Hồn phiêu lãng chẳng còn chia ta - địch
Xưa hai đứa vì Tây Nguyên mà chết
Ở lại rừng thiêng chẳng nỡ tiếc đời
Chỉ đớn đau cho dải đất này thôi
Nay đã nhượng cho ai ai đâu đó
Hài cốt các con có hòa trong bùn đỏ
Nằm bể chứa kia hay đã chảy trôi?
Cúi cầu xin Đức Phật ở trên trời
Bể đừng vỡ lại gây thêm tai họa!
                           *
Chẳng dám xin cho những linh hồn bé nhỏ
Chỉ mong Tây Nguyên dải đất mãi còn!
Chiến tích xưa kia của lính Hai Miền
Vẫn mãi mãi là linh thiêng huyệt tử.
                                                         27/7/2014

12 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Vừa đi xa về, nhận được mail của bác NH. Vội post lên đúng cái ngày chúng ta tưởng nhớ các AHLS và bậc tiền bối đã dũng cảm hy sinh cho đất nước yêu quý này.

Q.MF nói...

"Dù lính bên nào mẹ cũng xót cũng đau
Lòng người mẹ chẳng bao giờ phe phái"
Thiệt là hay!

SonTung k9 nói...

Hai người lính
Sinh cùng trên mảnh đất
Bên dòng sông, êm ả nắng chiều
Lớn lên theo lời ru của mẹ
Bổng chiến tranh
Hai người lính hai bên chiến tuyến
Một người lính cộng hòa
Súng cầm tay đạn bắn như mưa
Vào người lính giải phóng quân
Đồng đội tôi mười người chín chết
Thế rồi cuối trận chiến
Chỉ còn hắn, tên lính cộng hòa
Và bạn tôi, anh giải phóng quân
Hai người lính bổng trở thành tử sĩ
Đau lòng mẹ, lệ trào bốn mắt
Rồi trời, mưa, gió bay, sấm chớp
Nhắc nhở đời, nhắc chính lòng ta
Hồn phiêu lãng vẫn chia Ta – địch
Nợ máu này, sao lại chóng quên nhanh
Thương đồng đội, thương bạn bè đã chết
Thắp nén nhang cầu siêu cho bạn
Cho muôn vàn người lính Giải phóng quân

Nặc danh nói...

Lần đầu tiên kỷ niệm ngày 27/7 tôi được nghe nói về người lính cộng hòa ngang phân với lính ta, thú thật là một người lính GPQ, chiến đấu ở thành Quảng trị, tôi không tài nào hiểu được, chắc ông NH không phải là lính

TranKienQuoc nói...

NH là lính chống Mỹ từ 1968 đấy.
Có thể tư duy của ta đã được định hình nên thấy suy nghĩ này khó hiểu?

NH nói...

Xin các bạn hiểu cho hai người lính và Mẹ chung ở đây là Đất nước VN, hai người lính từ hai phía và họ cũng vì bổn phận với quốc gia mà thôi chứ ai muốn đi chiến trận. Tự chúng ta cho Miền Bắc là chính nghĩa, còn quốc gia Miền Nam cũng là một chính thể thì sao dân của họ tránh được nghĩa vụ. Gia đình tôi có 4 lính chiến 2 chống Mỹ, 1 chống Campuchia, 1 chống tàu đấy. Mẹ tôi không có con ở 2 chiến tuyến chứ các má Miền Nam hẳn không ít người có các con ở hai phía đối địch nhau. Ngay cả ở chiến trường khi tiếp xúc tù binh tôi cũng vẫn cho rằng họ có bổn phận của họ nên chúng tôi mới phải bắn nhau. Đừng nên tuyệt đối hóa một phạm trù gì khi nó luôn vận động như ta thường nghĩ xưa nay. Đất nước VN toàn vẹn dân ấm no hạnh phúc là mục tiêu tối thượng để dân ta phấn đấu. Nếu nhà bạn có 2 người lính chết trận thì người Cộng Hòa chắc không được làm giỗ. Đa phần dân sẽ không nghĩ vậy. Chúa cũng tha tội khi chết, Đức Phật cũng vậy còn SonTung và bạn Nặc danh 23:47 chắc không tha và căm thù đến chết! Không sao mỗi người một quan điểm.

TranKienQuoc nói...

Tôi đồng tình suy nghĩ của anh NH.

Nặc danh nói...

Cái cảnh: Nhà có hai anh em cùng tử trận trong cuộc chiến trước 75, có điều hai anh em là hai người lính ở hai đầu chiến tuyến ( một người vô Cứ theo Mặt trận, một ngưiời đi quân dịch theo luật của VNCH), tất nhiên hiện nay Anh GP thỉ hài cốt đặt tại nghĩa trang liệt sỹ, còn người Em, má chưa tìm thấy cốt nằm đâu.
Những người gieo chủ thuyết " Thù muôn đời muôn kiếp không tan" xin hãy nhìn, ngày hai đứa con tử trận, NGƯỜI MẸ thắp hương , cúng giỗ thế nào để mà định tâm cho mình. Bài học thù hận mà người TQ khăng khăng đối với người Nhật hiện nay há chẳng cho chúng ta lời khuyện mở lòng nào chăng?

Nặc danh nói...

Ngày nay, đọc lại câu thơ sau của một nhà thơ lớn VN, tôi cảm thấy nổi da gà và dựng tóc gáy:
"Căm hờn lại giục căm hờn,
Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu!".
Tôi thấy thanh thản hơn khi đọc bài diễn văn của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton khi sang thăm VN năm 2000. Trong bài diễn văn có đoạn: "Quả thực, lịch sử mà chúng ta để lại sau mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chúng ta cũng không được để nó chi phối chúng ta. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai, quá khứ không phải là cái quyết định tương lai". Tôi nghĩ, đó là con đường duy nhất để hòa hợp dân tộc.

Nặc danh nói...

Mỗi vấn đề đều mang không gian và thời gian của lịch sử .Trong cuộc chiến tranh phải có lòng căm thù .Đi qua cuộc chiến tranh phải nhìn lại chiến thắng và những mất mát .Kính trọng những người thương binh liệt sỹ là bổn phận thiêng liêng của chúng ta . Còn những người lính bên kia chiến tuyến nằm xuống ta có xót thương không ? có chứ , họ cũng là đồng bào của mình và họ không được ai nhắc đến chỉ vì họ ở bên chiến bại !người Việt chúng ta có một lòng nhân ái và độ lượng .
Thanh Trần

Nặc danh nói...

Hậu quả của cuộc chiến để lại phía sau những nỗi đau buồn nặng nề, vô hạn, những hy sinh mất mát lớn lao, không cho phép mỗi chúng ta quên ngay được.
Nhưng quá khứ chỉ tồn tại trong ký ức. Tương lai trước mắt của dân tộc là tấm lòng bao dung, nhân ái, vị tha. Tuy nhiên bạn NH đăng ý tưởng Hai ngươi lính chưa phù hợp trong ngày thương binh liệt sỹ 27/7

Thắng k5 nói...

Hai người tử sỹ thì nên đều được thương xót vì cùng một mẹ VN sinh ra.
Nhưng ngày 27/7 vinh danh các AHLS của nước nhà thì không nên đưa sự việc này ra, mà nên để suy tư vào dịp khác nó mới: "Hợp thời trang", mặc dù tôi biết bác NH là người lính già nhân hậu.