Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Tôi phấn đấu vào Đảng (3) (Đỗ Thành Hưng)

TỲ VAI NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI
(Trước hết xin lỗi anh Hồ Tiến, tôi không có ý nói xấu anh, dù sao anh cũng là người anh của tôi về mọi mặt. Anh đã cư xử với tôi rất tế nhị dù tôi là người giúp việc cho anh khi về cùng một đại đội. Chuyện này tôi đã ôn lại với anh khi tới thăm anh tại nhà vào năm 2007, như một kỷ niệm riêng của một thời trai trẻ giữa tôi và anh. Giờ tôi chỉ nói thật suy nghĩ và bước đi của mình trong chiến thuật để mau chóng thoát khỏi thảm hoạ tinh thần của tôi ngày ấy).


Khoảng tháng 6/1972, Hồ Tiến lái một xe công trình Zil-157 cùng một số anh em đi mua lợn cho đơn vị (bây giờ tôi không nhớ ở huyện nào, chỉ nhớ gần thị xã Hà Đông).
Kế hoạch sáng đi chiều về. Vậy mà mãi trưa hôm sau chỉ có một cậu thợ đi bộ về báo cáo đại đội trưởng xe hỏng mà thủ trưởng Tiến và anh em không sửa chữa được. Đại đội trưởng Thực cho gọi tôi và giao nhiệm vụ lái một xe khác lên sửa chữa để đưa anh em và thực phẩm về. Theo báo cáo: không rõ xe hỏng bộ phận nào, khi nổ máy, xe đi được 50-100m là chết máy. Để nguội, khởi động lại thì cũng chỉ đi được 50-70m là dừng. Ngày ấy ở đại đội chỉ có một lái xe, sau này có Hồ Tiến và tôi được lái vì đã có bằng.
Thực tình khi học và thực tập sửa chữa ô tô, tôi cũng vào loại học được, khá về lý thuyết chứ thực hành chưa thật sự tự tin. Nhận nhiệm vụ được giao, tôi vội tìm và đọc lướt qua bài giảng “Những hư hỏng của động cơ xăng: hiện tượng-nguyên nhân-cách khắc phục” rồi bỏ vào xắc Cốt; đồng thời, tôi tháo một bơm xăng, một chia điện, một tăng điện ở một xe tốt đang sử dụng mang theo. Tôi cũng xin một cậu thợ thân tín tên Hoè, cùng quê Thường Tín, ở gần nhà tôi đi cùng.
Khoảng năm giờ chiều, tôi tìm được xe của anh Hồ Tiến. Sau khi thử xe, hiện tượng đúng như thông báo. Trên đường đi, tôi đã vạch sẵn kế hoạch cho mình. Tôi nói với Hồ Tiến: “Anh cho bắt lợn sang xe tôi rồi chở anh em về trước nghỉ ngơi, để lâu sợ lợn chết”. Rồi tôi nói to cốt để anh em cùng nghe: “Sửa chữa xe này phức tạp đấy, nhưng tôi sẽ cố gắng, anh yên tâm!”.
Hồ Tiến nghe có lý, lái xe tôi và chở anh em về. Chờ Hồ Tiến đi một quãng xa, khi không còn nghe tiếng xe nữa, tôi thực hiện bước tiếp theo. Tôi sửa chữa theo phương pháp loại trừ, cái gì dễ thay trước. Tôi thay chia điện-xe vẫn vậy, thay tăng điện-xe nổ và chạy ngon lành. Tôi cười thầm trong bụng rồi khẽ reo lên: “Nó đây rồi!”. Thực ra tôi sửa chữa bằng phương pháp loại trừ thì xong ngay và hai xe cùng về một lúc. Nhưng như thế sẽ khó xử cho Hồ Tiến sau này.  Anh em sẽ xì xào: "có vậy mà đại phó kỹ sư không sửa được!". Vả lại uy tín của tôi tuy có được nâng lên nhưng chưa chắc bằng câu nói: “Sửa có thể phức tạp nhưng tôi sẽ cố gắng, anh yên tâm!”. Như vậy mọi người sẽ phục và tuyên truyền cho tôi nhiều hơn, có nhiều ý nghĩa hơn cho tôi sau này. Vì vậy, tôi để Hồ Tiến về trước. Sửa xong xe, tôi đóng capô lại, cũng không nói cho Hoè biết xe hư hỏng cái gì, tôi sửa chữa ra sao mà nhanh thế. Sự việc này tôi tạm gọi là “Tỳ vai người đồng đội Hồ Tiến một cách kín đáo, dù biết là phạm luật!".

MỘT LẦN VÔ KỶ LUẬT
Để quan trọng hoá việc sửa chữa của mình, tôi không có ý định về ngay trong đêm. Tôi nảy ra ý rủ Hoè về nhà ở Thường Tín, chiều mai mới trở lại đơn vị, Hoè đồng ý ngay. Thế là tôi lái xe qua thị xã Hà Đông-Văn Điển-Thường Tín. Đã mấy tháng xa nhà, gặp lại mẹ và các em tôi, khỏi nói mọi người vui mừng ra sao. Cả nhà lục tục nấu cơm cho tôi ăn. Mẹ tôi ngồi nhìn tôi ăn cơm, trong ánh mắt của bà ánh lên niềm tự hào: có thằng con trai lớn giỏi giang, vừa là kỹ sư, vừa là sĩ quan, lại tự lái cả một cái xe ô tô to đùng, kín mít để ở đầu làng. Ngày mai cả làng lại đồn ầm lên về tôi là cái chắc. Nhưng mẹ ơi, mẹ có biết đây là lần về thăm mẹ vô kỷ luật của con không? Một sỹ quan-Đoàn viên đang nặng trĩu tâm tư trong lòng. Khốn khổ cho người mẹ của tôi, cả đời chỉ biết tần tảo nuôi con, chờ chồng nơi chiến trận. Chắc mẹ không quan tâm đến những ưu tư trong tôi, chỉ những điều bà nghe thấy, nhìn thấy về tôi đã đủ làm bà tự hào, khoẻ ra, phấn chấn lắm rồi.
Khoảng bốn giờ chiều hôm sau, Hoè đến nhà tôi và chúng tôi túc tắc nhắm hướng Xuân Mai lăn bánh. Cố nhiên Hoè không hé răng là chúng tôi trốn về nhà, mà là thủ trưởng Hưng sửa chữa cật lực đến trưa mới xong! Hoè chắc chỉ biết nói vậy cho khớp với thời gian, cậu ta không hiểu thâm ý của tôi là tự nâng cao uy tín của mình! Thật là “nhất cử tam tứ tiện”! Sau này nghĩ lại thấy dại quá chừng, nhỡ xảy tai nạn trên đường đi thì ba bốn tháng trời cố gắng đến ép mình của tôi thành ra công cốc! Vì cung đường về đơn vị không trùng với cung đường về Thường Tín nhà tôi. Tôi tự hứa không bao giờ dại dột lần thứ hai như thế…

THỬ THÁCH ĐẦU TIÊN
Vào tháng 8/1972, một hôm liên lạc mời tôi lên nhà BCH. Tôi lên tới nơi đã có đại đội trưởng Thực, Hồ Tiến và chính trị viên phó Đoan cùng một người đeo quân hàm trung uý. Tôi chào mọi người rồi ngồi xuống. Sau vài câu xã giao, anh Thực giới thiệu đây là đồng chí Phụ: phó chủ nhiệm kỹ thuật trung đoàn, rồi giới thiệu tôi với anh Phụ và bắt đầu vào việc. Anh Phụ nói qua tình hình hành quân của tiểu đoàn 1 xe tăng. Hiện đã tập kết ở nông trường Đông Hiếu, Nghệ An. Trên đường đi còn ba xe T54 bị hỏng chưa đến được, một xe ở Cẩm Thuỷ, hai xe ở Ngọc Lạc, Thanh Hoá. Nay ban kỹ thuật trung đoàn giao nhiệm vụ cho đại đội 11-trực tiếp là đồng chí Hưng dẫn một đội sửa chữa, mang theo một xe công trình và phụ tùng theo báo cáo hư hỏng gửi về. Đi sửa chữa ba xe này và hộ tống vào nông trường Đông Hiếu giao cho tiểu đoàn 1. Nội dung chính là vậy, nán lại tôi hỏi thêm về kinh nghiệm hành quân, sửa chữa dã ngoại và tôi nói thực, đây là lần đầu tiên vào tuyến lửa. Chẳng rõ anh Phụ có nhiều kinh nghiệm thật không, anh ta nói cho tôi một lô kinh nghiệm: nào đi đêm, đi ngày, nơi trú quân,… tôi vâng dạ như nuốt từng lời. Kết lại, đây là chuyến đi khó khăn của cậu nhưng không được để mất xe công trình vì cả trung đoàn chỉ có bốn chiếc ở C11 thôi. Uống nước rồi tôi xin phép về, ra tới cửa, anh Thực đi theo nói nhỏ với tôi:
-         Ông cố gắng, đây là thử thách đấy!
-         Vâng!- Tôi trả lời.
Về phòng tôi thấy lo lo, bồn chồn, không phải vì sợ mà vì “Đây là thử thách đấy!”, “Không được để mất xe công trình!” văng vẳng bên tai. Tôi hiểu nếu hoàn thành nhiệm vụ lần này thì cánh cửa vào Đảng sẽ có cơ hội mở ra.
Tôi nhanh chóng bắt tay vào chuẩn bị xe, phụ tùng, dụng cụ, hậu cần. Sau một ngày chuẩn bị, mọi việc đâu vào đấy. Trung đoàn điều một lái xe từ đại đội vận tải, gọi là C15. Cậu lái xe tên Minh, biệt danh "Minh xoắn", mới ra trường được hơn một tháng, chừng 18-19 tuổi. Khoảng hai giờ chiều hôm sau, chúng tôi lên đường theo hướng Dốc Cun-Hoà Bình vào Thanh Hoá. Anh em thợ ngồi hết trên thùng xe, trong cabin chỉ có Minh và tôi. Nay tôi không còn nhớ tên các địa danh nơi đã đi qua. Sau bữa cơm tối, tôi tiếp tục cho hành quân, chập tối đi đèn gầm thì ánh sáng bình thường, trời càng tối tôi nhìn ánh đèn xe càng sáng, rồi quá sáng!. “Không được để mất xe” vang lên trong đầu, tôi bảo Minh dừng lại, tìm cách che bớt ánh sáng đèn gầm vì sợ máy bay địch phát hiện. Tối đó, tôi không rõ là thuộc địa phận huyện nào mà chỉ có đường, hai bên là ruộng, không có dân cư, không gặp một xe nào đi ngược chiều. Đèn gầm đã che bớt mà sao vẫn thấy quá sáng thế này? Tôi nảy ra sáng kiến bảo Minh: “Em giương hết kính lái lên, tắt đèn gầm đi, tôi ngồi lên tai xe bên lái, tay trái giữ lấy giá đèn pha, tay phải giơ áo may ô trắng lên và nói: “áo trắng giơ thẳng trên đầu thì giữ ga và tay lái cho xe đi thẳng, áo trắng anh chỉ bên nào thì từ từ đánh tay lái về bên đó”. Ngồi ngoài xe, dưới ánh pháo sáng chập chờn từ xa, tôi nhìn đường khá rõ, nhưng ngồi trong cabin không biết Minh có nhìn rõ được như tôi không? Cứ như vậy không biết đi được bao xa, tay phải tôi mỏi nhừ, tôi tự nhủ: “Phải cố gắng! Phải cố!”. Rồi tôi không chịu nổi nữa, bỗng phía trước có ánh đèn xe đi ngược lại, càng gần ánh sáng của nó càng rõ, rồi sáng rực lên. Tôi bảo Minh dừng xe lại và chờ. Vài phút sau cái đèn đó lại gần, tôi ra hiệu cho xe dừng lại. Ối trời ơi! Một chiếc xe đạp, trời tối tôi không rõ người này già hay trẻ. Tôi hỏi to:
- Sao đi đèn sáng thế? Anh không sợ máy bay à?.
Anh ta trả lời giọng xứ Thanh:
-         Không, ở đây đi đèn này là thường, có gì đâu mà sợ! Các chú mới đi lần đầu qua đây phải không?
Tôi trả lời:
-         Vâng ạ.
-         Các chú cứ để đèn gầm mà đi.
Tôi cám ơn anh ta và bảo Minh đi đèn gầm như lúc ban đầu.
Có ánh đèn đủ sáng, xe bon bon đi tiếp. Tôi vừa tức vừa buồn cười vì sự ngu ngơ của mình. Bài học từ dân, từ thực tế quá hay đối với tôi. Ngồi trong xe, tôi bỗng nghi ngờ về những lời chỉ bảo của trung uý Phụ lúc giao nhiệm vụ cho tôi. Khoảng hơn mười giờ đêm, tôi cho xe dừng bên một xóm nhỏ, sáng mai đi tiếp.
Gần trưa hôm sau, chúng tôi vào đến Cẩm Thuỷ. Tôi chọn sân trường cấp một Cẩm Thuỷ, xin phép cô hiệu trưởng tên Cẩm cho chúng tôi nghỉ nhờ, dịp này các em học sinh đang nghỉ hè. Ăn cơm trưa xong, tôi phân công mấy em ra phía bến phà hỏi dân xem có chiếc xe tăng nào ở quanh đây không? Tôi nằm trên võng đu đưa, nghĩ miên man về mọi chuyện trong năm tháng vừa qua, rồi dự đoán tiến triển sắp tới về sự phấn đấu của mình.

1 nhận xét:

Viên Thạch nói...

Câu chuyện kể lại này thực sự hay. Đọc mà cảm giác như truyện ngắn của nhà văn chuyên viết về chiến tranh vậy. Cháu rất thích những bài viết như thế này, chân thực và đầy hình ảnh.