Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

NHỮNG LẦN “CHUYỂN NHÀ” (Bùi Chương)


     Ở đời ai chẳng có một vài lần chuyển nhà. Tôi cũng vậy, Nhưng với tôi, những lần “chuyển nhà” trong thời gian sống trong trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Có lẽ vì thế mà ký ức trong những lần “chuyển nhà” đấy vẫn theo tôi suốt 50 năm qua, và giờ đây tôi muốn chia sẻ cùng các bạn Trỗi của chúng ta.
     Khóa 5, theo tôi là rất đặc biệt trong các khóa Trỗi. Chúng tôi nhập trường từ lúc thành lập trường và rời trường nhập ngũ đúng vào lúc trường giải thể. Cũng vì thế, tôi may mắn có mặt trong tất cả các lần nhà trường chuyển địa điểm. Và lần nào với tôi cũng rất đáng nhớ.


  
     Rời nhà lên Trường Trỗi
     Đầu năm 1965, Đế quốc Mỹ đẩy mạnh ném bom miền Bắc. Mấy anh em chúng tôi cùng học lớp 5 ở Trường Lý Thường Kiệt – Quốc Hùng, Văn Thắng, Quang Bắc, Kiến Quốc và tôi thì thào với nhau về một trường thiếu sinh quân sắp thành lập và chúng tôi sẽ lên đó học tiếp, đồng thời cũng là đi sơ tán luôn. Chúng tôi rất háo hức vì lần đầu tiên sẽ được sống xa gia đình, tỏ ra “người lớn” mà. Tuy nhiên, cha mẹ tôi đã quyết định là tôi phải ở nhà học cho xong lớp 5 cái đã, lên trường sau. Thế là ngày 23-3-1965 mấy ông bạn kia đi hết còn mình tôi ở lại Hà nội. Giờ ra chơi ở trường tôi thường thơ thẩn chơi một mình và nghĩ không biết mấy ông bạn kia thế nào. Có lần chị Châu, chị Quốc Hùng sang nhà tôi kể chuyện lên thăm QH, tôi vẫn nhớ một câu: “chúng nó ở trên một quả đồi, rộng và đẹp lắm”. Trong trí tưởng tượng của tôi, quả đồi theo sách giáo khoa chỉ là vùng nhô cao, bằng đất, đỉnh tròn và có độ cao dưới 200m, vì đã bao giờ thấy quả đồi đâu!
     Mãi rồi cũng hết lớp 5. Có lẽ năm ấy các trường nghỉ hè sớm để học sinh đi sơ tán. Và tôi sốt ruột chờ cha mẹ đưa lên nhập trường.
     Ngày 2-5-1965 tôi cùng Văn Tiến Huấn và Hà Huy Dũng K4  được cha tôi đưa lên trường. Cuối cùng cũng biết quả đồi là thế nào. Đúng là rộng rãi thật, nhưng chẳng thấy đỉnh tròn đâu cả, và lại càng không thể tin là nó cao tới 200m! Tuy nhiên điều đó cũng chẳng làm tôi bận tâm. Cái chính là gặp lại các bạn cũ và làm quen thêm nhiều bạn mới. Tôi chơi thoải mái và chẳng quan tâm gì đến chuyện học cả, vì tin rằng mình đã học hết lớp 5 trước các bạn. Kết quả là trong phiếu điểm gửi về nhà hè năm ấy tôi được cả tá ‘ngỗng’, làm mẹ tôi phải chấn chỉnh ngay lập tức.


     Rời Trại Hòe lên Đại từ
     Mùa hè năm 1965 ấy đúng là sôi động. Do chiến tranh mở rộng, việc ở lại doanh trại tập trung không an toàn nữa. Hàng ngày chúng tôi phải hành quân vào sơ tán trong nhà dân, học hành , ăn trưa ở đấy cả, đến chiều tối mới quay lại doanh trại ngủ. Lại nghe ai đó thì thào là chúng mình sắp chuyển đến “địa điểm mới”. Và bọn trẻ con ưa thay đổi lại háo hức chờ đợi.
     Một buổi tối sau khi ăn cơm xong, thầy Trực (hay thầy Kha, tôi không nhớ nữa) tập trung các cán bộ trung đội ( Tăng Lực, Minh Đạo,Kiến Quốc..) lại. Tôi không biết có cán bộ tiểu đội không vì mình không thuộc thành phần được họp! Chỉ biết rằng sau khi họp xong, các cán bộ quay ra đầy phấn khích. Chúng tôi chạy lại, tôi nhớ rõ Tăng Lực mắt sáng lên, nói rõ ràng nhưng chỉ đủ nghe: “Địa điểm mới, địa điểm mới!”. Chắc các thầy dặn “bí mật” mà!
     Quả nhiên đến tối mịt thì có một đoàn xe tải bít bùng chạy lên Trại Hòe. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, mỗi đứa chỉ một ba lô, lần lượt lên thùng xe. Mỗi đứa một chỗ, tự xoay xở vì làm gì có ghế, tất cả trên sàn xe. Tôi chiếm ngay được một chỗ trên đống ba lô và yên vị cho tới hết  hành trình.
     Chuyến đi kéo dài suốt đêm. Sau một hồi phấn khích vì được di chuyển một cách bí mật trong đêm (y như trong chuyện tình báo), bọn trẻ chúng tôi lăn ra ngủ, mỗi đứa lăn một kiểu, chẳng hề bận tâm vì những cú xóc trên đường. Tôi cứ nghĩ chắc là đi xa lắm, vì ô tô chạy suốt đêm cơ mà! Té ra sau này thầy Kiếm, phụ trách trung đội của tôi cho biết đêm ấy đoàn xe đi lạc, chỉ còn mấy cây số nữa thì đến nhà thầy (mà nghe đâu ở tận Yên bái!). Không biết thông tin này có xác thực không.
     Tờ mờ sáng thì xe dừng lại ở gốc đa Yên mỹ, Đại từ. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi xuống xe là một dãy núi hùng vĩ ngay trước mặt với vô số những thân cây bé bằng cái tăm trăng trắng trên đó. Sau này mới biết đó là dãy Tam đảo, và những thân cây bé bằng cái tăm thực ra rất lớn nên mới có thể nhìn thấy từ xa như thế.
     Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho năm học mới đầu tiên của Trường Trỗi trên đất Yên mỹ, Đại từ…
  
     Sang Quế lâm, Trung quốc
     Việc sang Trung quốc chúng tôi bắt đầu được nghe đến từ hè năm 1966.Không biết các bạn khác thế nào, nhưng với tôi sự háo hức không nhiều nữa vì thực ra cũng chẳng quan tâm mấy. Chắc là vì tôi đã quen với cuộc sống nơi thôn dã, yên bình rất phù hợp với tính chăm học của tôi. Thật lòng tôi rất biết ơn các thầy của Trường đã  thổi vào tôi nhiệt tình của việc luôn đi lên tìm những kiến thức mới cho mình, nhiệt tình mà cho tới nay với tôi vẫn chưa hề nguội.
     Rồi cũng đến lúc rời Đại từ về Hà nội để chuẩn bị lên đường. Chỉ một, hai hôm trước khi về Hà nội tôi có hỏi một thầy giáo (đáng tiếc tôi quên mất tên, thày ở  cùng gia đình trong khu nhà nhỏ gần suối Trì) là liệu mình có quay lại đây trên đường đi sang TQ không (vì tôi cứ nghĩ là mình lại “bí mật” chuyển quân như hồi ở Trại Hòe lên Đại từ). Khi nghe thầy  nói lên đây làm gì nữa, tự nhiên tôi cảm thấy một thoáng buồn, dĩ nhiên là theo kiểu rất trẻ con. Dù sao gần một năm rưỡi trời sống ở Đại từ, chúng tôi đã để lại một phần tuổi thơ ở đó.
     Sáng ngày 1-1-1967, toàn trường tập trung đi Trung quốc nhưng mỗi khóa ở một nơi. Tôi được tập trung ở CLB Ba đình, nhưng do hôm trước bị cảm lạnh nên cha tôi đã xin cho tôi về nhà nghỉ ngơi sau khi đã hỏi thời gian và địa điểm tập trung của khóa 5 (lúc đó đã là lớp 7). Đến 5 giờ chiều cha tôi đưa tôi đến chỗ tập trung của khóa thì các bạn đã xếp hàng chỉnh tề chuẩn bị lên xe ra ga Hàng cỏ. Người nào cũng mặc một áo bông mới vải mầu bộ đội rất oai hùng. Các bạn đưa tôi một gói quân trang, tôi nhớ có một áo bông, một mũ bông kiểu biên phòng, một bộ quân phục mới và gì đó nữa. Nhưng tôi rất thất vọng vì áo bông của tôi lại là màu bạc, chẳng ăn nhập gì với các bạn, và quan trọng là không phải màu bộ đội! Biết làm sao được, mình đến muộn mà.
     Cuối cùng thì tất cả cũng đã lên tàu ở ga Hàng cỏ. Trời đã tối hẳn, và chúng tôi cứ thi nhau thò đầu ra cửa sổ toa tầu để nhìn lại những người thân đi tiễn ở sân ga. Do chiến tranh, không phải bạn nào cũng có người nhà đi tiễn. Bây giờ, khi đã đầu hai thứ tóc, tôi mới cảm nhận được nỗi lòng của các bậc phụ huynh chúng ta khi  gửi gắm hoàn toàn những đứa con mới 12-13 tuổi đầu cho quân đội nuôi dưỡng và dạy dỗ.
     Tàu hú một hồi còi, chuẩn bị rời ga. Tôi đứng ngay cạnh Hoàng Trung “kều” chợt nghe hắn thốt lên: “Xa cố hương rồi, nhớ cố hương lắm”. Tôi thấy như hắn nói hộ ý mình.
  
     Lên Trung hà, Hưng hóa
     Hè năm 1968, sau 20 tháng ở Quế lâm, Trung quốc, chúng tôi lại được về nhà. Tôi được về trước các bạn vài tuần nên chuyến về chẳng có gì đáng nói. Nhưng đáng nhớ là trước khi về nước, tôi tham gia vào lớp học của đoàn viên thanh niên toàn trường về chủ nghĩa cộng sản. Mọi người thảo luận rất sôi nổi về việc “CNCS làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Đúng lúc đó thì tôi được tin sẽ được về trước. Trong số những người học, cũng có bạn được về cùng tôi, nhưng không muốn về mà ở lại học cho hết lớp. Bạn ấy rủ tôi cùng ở lại “để thảo luận cho hết nhẽ”. Rất may là tôi không nghe theo vì cho rằng thảo luận lúc nào cũng được (và có lẽ không thảo luận cũng được!). Và đến bây giờ thì rõ là tôi đã quyết định đúng!
     Sau một tháng hè, chúng tôi lại lên trường, lần này lên Trung hà, ở doanh trại của một đơn vị công binh cũ. Tôi không nhớ mình đã ở Trung hà mấy tuần, nhưng cũng đủ thời gian đi giao lưu với mấy chú bộ đội tên lửa cạnh đấy, gặp được mấy anh K3 mới nhập ngũ quay lại trường không hiểu có việc gì. Trông mấy ông anh hùng tráng trong bộ quân phục có sao vạch hẳn hoi, bọn tôi phục lắm.
     Năm ấy nước sông Đà lên to, chúng tôi phải chờ đến khi nước xuống bớt mới hành quân sang Hưng hóa, để khối cấp 2 ở lại Trung hà. Hôm trước K4, khi ấy đã là lớp lớn nhất trường, đã hành quân đi. Đến lượt K5, nhà trường phổ biến kinh nghiệm vượt sông, mỗi người phải lấy một tấm nilon bịt mũ cứng để làm phao cá nhân phòng khi có sự cố trên sông. Chúng tôi rất hào hứng vì đi đò qua dòng sông Đà nước lớn với đầy đủ ba lô đồ đạc, cảm giác hơi nguy hiểm nhưng rất thú vị, không phải ai cũng có dịp trải qua.
     Hành quân bộ từ Trung hà sang Hưng hóa gần 7km, chúng tôi đi hàng một quân phục chỉnh tề, ba lô quần áo trên lưng, chỉ không có súng. Lúc ấy mọi người đã lớn, cũng xấp xỉ các anh bộ đội thực thụ rồi nên trông cũng giống một đoàn quân. Khi đoàn quân đi  ngang một gốc cây to trên đường có mấy bác nông dân đang ngồi nghỉ, đúng lúc tôi đi tới thì nghe một bác thốt lên: “Thằng con tôi cũng trạc như các chú này, đi B đã được ba năm rồi mà chẳng có giấy má gì cả”. Tôi chợt nghĩ, không biết anh ấy có qua được cuộc tấn công Tết Mậu thân không!
     Cuộc hành quân 7km với đầy đủ quân tư trang trên vai không phải là một cuộc dạo chơi với mấy anh “lính cậu” như tôi và một số bạn khác. Mồ hôi ra như tắm, chân mỏi dừ. Khi gần đến nơi, một số anh K4 chắc đoán biết tình trạng chúng tôi nên đã ra đón, mang vác hộ ba lô cho một số bạn yếu. K4 cũng chuẩn bị sẵn nước uống có pha một chút muối để chúng tôi có đồ uống bù mồ hôi ngay khi đến nơi. Dĩ nhiên là chúng tôi lao vào uống no nê, để rồi mấy hôm sau vẫn tranh luận là nước uống hôm đó có muối hay không có muối!
    
     Tạm biệt mái trường thân yêu
     Mùa hè 1970, chúng tôi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông. Hai năm ở Hưng hóa, được sự dạy bảo  của các thày cô và học hỏi những người bạn cùng khóa, tôi đã trưởng thành và cảm thấy mình đã sẵn sàng cho những công việc lớn hơn.
     Tôi vẫn nhớ ngày K5 rời Hưng hóa là ngày 22-5-1970. Chúng tôi lại ba lô trên vai quay trở lại Trung hà, trên con đường hai năm về trước đã đi theo chiều ngược lại. Chỉ có khác là lần này đi trên đê, con đê mới đắp trong khoảng năm 1968-1969. Và còn anh chàng Thế Thịnh mới được kết nạp vào Đảng, không về cùng chúng tôi mà phải ở lại học lớp đảng viên mới. Thịnh rất tốt bụng, vẫn đi cùng chúng tôi đến tận bến đò sang Trung hà để tiện giúp đỡ các bạn dọc đường rồi lại một mình quay về Hưng hóa. Đúng là đảng viên thời ấy, “nó là đảng viên nhưng mà nó tốt”.
     Chặng đường vẫn dài như hai năm trước, nhưng cuộc hành quân lần này tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thậm chí tôi chẳng nhớ mình đã đi thế nào. Khác hẳn năm 1968, khi chúng tôi đi từ Trung hà sang Hưng hóa mà tôi nhớ đến hôm nay. Có lẽ vì tôi đã lớn cùng các bạn.
     Ngày 4-6-1970, chúng tôi lên Trường VHQĐ ở Lạng sơn, chính thức bước vào quân ngũ.


     Năm năm học tập tại Trường Nguyễn văn Trỗi ở bốn địa điểm khác nhau (không kể những lần di chuyển trong một địa điểm), những địa danh ấy đã để lại trong tôi  kỷ niệm về một thời niên thiếu gian nan, vất vả nhưng không hề thiếu tiếng cười. Đúng như một nhà thơ đã viết
… Khi ta ở, đất là nơi ta ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.

                                                                                      Hà nội tháng 12-2014

                                                                                           Bùi Chương K5

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cám ơn Bùi Chương nhắc nhớ những kỷ niệm vùi sâu trong ký ức lính trỗi k5.xin bổ sung một chi tiết vô bức tranh của bạn: đêm giao thừa 1966 qua 1967,khi đoàn tàu chạy đến khoảng Kép,Bắc Ninh, nhìn sang bên phải thấy xa xa là một bãi chiếu bóng, hình ảnh trên màn ảnh khá xa nhưng vẫn phân biệt được, ai đó trong đám k5 la lên: chiếu phim chúng mày ơi! Phim gì, phim gì thế? Phim "Biển xanh trên bãi cát vàng"! Rồi một giọng k5 khác (không rõ của ai,vì lúc ấy toa xe tối om):Biển Ấy Đảo Ấy Là Của Mình, Trung Quốc Chiếm Đấy!
Đấy là lần đầu tiên tôi được biết đến vấn đề TQ chiếm Hoàng Sa-Truong Sa của ta, trong một bối cảnh khắc sâu vào tâm trí trẻ thơ của mình, lại dang trên đường đến xứ sở "thiên đường"TQ,nên nhớ mãi đến giờ. Cám ơn ông bạn minh triết k5 đêm ấy đã gieo một hạt sự thật cho tớ!Thằng nào nhỉ???

Nặc danh nói...

Theo tớ,thì kẻ nói :đấy là phim Biển xanh bên bãi cát vàng, chính là Tấn Lợi, còn nhà hiền triết bảo: Biển ấy đảo ấy là của mình, TQ nó chiếm đấy! Thì không rõ là ai, nhưng đúng là có người đã nói câu ấy. Huấn k5