Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Chỉ Hà Nội mới có... (ST: Đạt)

Bài viết nhiều kì của Văn Quang. Xin trân trọng giới thiệu!

Còn đang sống ở Việt Nam, tôi đã nghe nói nhiều đến nền văn minh, văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Thành phố đang mở rộng để phình ra to nhất nước, đang ráo riết “quy hoạch” để đẹp nhất nước,... xứng đáng là trung tâm văn hóa – chính trị, kinh tế lớn nhất nước và ôm giấc mơ lớn nhất cả Đông Nam Á này.

Nhưng rồi qua bao nhiêu năm, kể từ khi khôn lớn, rời bỏ miền Bắc ra đi, tôi rất ít khi trở lại Hà Nội. Có một hai lần đi qua, ghé vào thủ đô như một trạm dừng chân trong ngôi phố cổ rồi lại thản nhiên trở lại Sài Gòn. Không có dịp đi sâu ở lâu để “khám phá” nền văn minh Hà Nội, chưa được thưởng thức “ẩm thực” tinh tế nổi tiếng Hà Nội, chưa có thì giờ dạo chơi ngắm lại những danh lam thắng cảnh xưa. Chỉ có một buổi sáng ngồi trong nhà thủy tạ ăn sáng, ngắm mặt nước Hồ Gươm xanh biếc sau dàn liễu rủ.Hơn thế, từ xa xưa Hà Nội vốn nổi tiếng là mảnh đất “kinh kỳ ngàn năm văn hiến”, người Hà Nội thanh lịch dịu dàng. Chẳng thế mà trăm năm trước, người Hà Nội vẫn tự hào với câu :

   ”Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.
 Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Vậy trăm năm sau nó phải “văn hiến” hơn chứ. Tôi cũng mong có được lòng tự hào về mảnh đất thủ đô của ông cha ta để lại tiếng thơm cho con cháu.


Người “Hà Nội thực thụ” còn lại rất ít

Tuy nhiên, dù vậy trong giao tiếp hàng ngày, tôi cũng đã từng được nghe giọng nói Hà Nội ngày nay, khác với ngày xưa rất nhiều. Ngay cả trên các đài truyền thanh truyền hình và trong những cuốn phim, tiếng nói Hà Nội cũng đã khác xa. Lý do cũng dễ hiểu, bởi những người dân “thực thụ Hà Nội” đã cao chạy xa bay từ nửa thế kỷ rồi, số “thực thụ Hà Nội” còn ở lại rất ít. Những người đến Hà Nội sinh sống sau này hầu hết từ khắp các vùng nông thôn và trước hết là những người có công với “kháng chiến”, có địa vị “nhà nước” được đưa về thủ đô “công tác” rồi kéo cả nhà, họ hàng về “ăn theo” nghiễm nhiên trở thành dân Hà Nội” và cứ thế phát triển dần, phát triển thoải mái, du nhập đủ thứ thói quen, kể cả những thói hư tật xấu, phong cách ô hợp, chẳng ai buồn để ý tới, chẳng ai coi đó là chướng tai gai mắt. Ngược lại, có khi còn thấy … thú vị, nên nó phát huy tối đa những góc cạnh “lạ lùng quái đản”. Thói hư dễ bắt chước, tính tốt khó làm quen là tâm lý thông thường.

Có một số người từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống đã có thể tạm thời “hòa nhịp” với giọng nói Sài Gòn. Nhưng vẫn còn một số người mới vào Nam sinh sống và cả một số vào đã lâu nhưng vẫn giữ mãi giọng nói “đặc biệt” của miền Bắc, không thay đổi được. Cho nên người miền Nam thường có thể đoán ra ngay “Bắc Kỳ 75” hay “Bắc Kỳ 54”. Họ hàng nhà tôi cũng vậy. Cho nên tôi không cho đó là tốt hay xấu, hay hoặc dở. Tôi chỉ nói đến sự khác biệt mà thôi. Ngay cả cách dùng từ ngữ cũng khác. “Điện cho tôi nhé” chẳng biết điện thoại hay điện thư (e mail) hay điện tín. Vất vả lắm thì nói “vất lắm”. Liên lạc với nhau thì nói “liên hệ”, đề phòng thì nói “cảnh giác”, bảo đảm thì đảo ngược thành “đảm bảo”… Có hàng trăm kiểu nói như thế, nghe qua biết liền. Có lẽ cần phải có một cuốn từ điển Việt Nam mới để mọi người VN cùng dùng chung và hiểu nhau hơn.
(Còn nữa) 

Không có nhận xét nào: