Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Nhạc sĩ Thăng Long (1937- ) - ST


Nếu không có những người phóng  viên của Trung Tâm Asia và đài truyền hình SBTN về tận Việt Nam tìm kiếm  và quay phim, phỏng vấn nhạc sĩ Thăng Long thì ít ai còn biết đến tung  tích của ông.




Tuy là một nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời và cùng lứa tuổi với những  nhạc sĩ khác như Duy Khánh, Lam Phương, Thanh Sơn, Trúc Phương …nhưng  hầu như sau này ít ai còn nhớ đến tên của nhạc sĩ Thăng Long. Có lẽ vì  đời sống của ông khá bình dị và ông thích kiếp sống giang hồ như những  bài hát của ông sáng tác cách đây hơn 40 năm như Kiếp Giang Hồ, Giã Từ  Gác Trọ, Trở Về Gác Trọ ...


Cuộc đời của ông thật quá phong  trần. Vì ngay sau khi chào đời vào năm 1936 ở tỉnh Hải Dương, miền Bắc  thì ông đã mồ côi mẹ . Năm 15 tuổi thì chàng thanh niên tên Nguyễn Văn  Thành lại mồ côi cha. Một mình lưu lạc vào Nam, ông phải lang thang kiếm  sống bằng cây đàn với một nhạc sĩ mù hát dạo khắp đô thành. Vậy mà năm  1963 ông đã thành trưởng ban của một ban nhạc mang tên Hồ Gươm, chuyên  trình diễn trên đài phát thanh Tiếng Nói Quân Đội ở Sài Gòn với nhiều ca  sĩ tên tuổi đương thời. …




Nhìn tấm hình chụp của nhạc sĩ Thăng Long vào năm 1965 qua dáng  dấp trẻ trung, nhưng đượm nét phong trần với túi hành lý quảy một bên  vai và bên vai kia là cây đàn guitar rất nghệ sĩ. Nhưng không ngờ, cho  đến bây giờ trong đoạn phim video clip, ông vẫn còn giữ lại cây đàn yêu  quý như một tài sản độc nhất theo ông suốt hơn 40 năm nay. Không được  may mắn như những nhạc sĩ khác cùng thời với ông (như Thanh Sơn, Nguyễn  Ánh 9) có được một việc làm nơi chốn đô thành, nhạc sĩ Thăng Long phải  về ẩn cư nơi vùng quê nghèo nàn của miền Tây là một làng nhỏ (Phú Lộc)  của tỉnh Sóc Trăng. Thấy ông phải vất vả với số tuổi 70 để dạy từng bài  học âm nhạc cho những thanh niên trong xóm, mà cảm xúc dâng trào, thương  nhạc sĩ lão thành này quá đổi. Tuy vậy, khi được hỏi về bài hát “Quen  Nhau Trên Đường Về” thì cặp mắt của nhạc sĩ Thăng Long sáng hẳn lên. Ông  say mê nói về những cảm xúc của hơn 40 năm trước nơi bùng binh chợ Sài  Gòn, với những âm thanh và hình ảnh của thời quá khứ xa xăm đã tạo nên  nguồn cảm hứng để cho ông viết ra bài hát rất nổi tiếng này .


Thật ngạc nhiên khi thấy tài  năng độc đáo và cảm xúc đầy nghệ sĩ tính của người nhạc sĩ này, vì khi  ngồi nghỉ chân nơi công viên, ông chỉ thoáng nghe một điệu kèn đám ma ò e  như “ tàng tang tang táng tạng táng tang tàng tang …” mà cái làn hơi  (air) đó, cộng với cảnh hẹn hò tâm sự bên nhau của đôi trai gái xa lạ,  đã khiến ông tạo nên giai điệu mượt mà quyến rũ, giàu tình cảm quê hương  với những lời ca như:

“Chiều này có phải anh ra miền Trung ..

Về thăm quê mẹ cho em về cùng

Rồi ta sẽ đi chung chuyến tàu

Về đến sông Hương núi Ngự

Để nhìn trăng soi cuối thôn …"

Ngoài ra khi thấy chàng quân  nhân trẻ tuổi đang bịn rịn giã từ cô gái để đi về hướng nhà ga xe lửa  chạy ra Trung phần, ông đã gởi gấm những lý tưởng và chí hướng thật cao  đẹp cho chàng thanh niên trẻ ra đi phục vụ quê hương, giữ yên bờ cõi  (đặt nợ nước trước tình nhà), với những lời ca như:


"Thương anh không phải vì “tình yêu” ..

không phải vì “sang giàu”

Mà vì “cùng chung chí hướng” …

Thương anh, thân dãi dầu nắng mưa

Băng rừng sâu núi đồi, mang về khúc hát “khải hoàn” …”


Ôi những lời hát ngày xưa, sao  nghe thật đậm đà và có quá nhiều ý nghĩa chân thành, tha thiết với giai  điệu nhẹ nhàng êm ái mà cũng rất trữ tình, lãng mạn. Tất cả như quyện  vào nhau giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu mến quê hương đất nước.


Không biết nơi quê nhà nhạc sĩ  Thăng Long có dịp xem được chương trình Asia 55 trong DVD hay không ?  Nhưng ở khắp mọi nơi, có lẽ đã có nhiều khán thính giả rưng rưng nước  mắt cảm động khi lần đầu tiên được thấy và nghe tâm sự của ông và nhất  là được thưởng thức giọng hát “vang tiếng một thời” của danh ca Minh  Hiếu.

Đây là một tiết mục rất đặc sắc  của chương trình Asia 55, được nhiều người chú ý và khen ngợi. Nhứt là  việckết hợp bài hát đã một thời gắn liền với người “Hạ Sĩ Nhất Danh Dự”  trong quân lực VNCH ngày nào với dàn nhạc đặc sắc của Trung Tâm Asia bên  cạnh chiếc xe xích lô quen thuộc của đô thành Sài Gòn xa xưa.

Giờ đây nơi quê nhà hẻo lánh,  sống chuỗi ngày còn lại bên cây đàn mang theo bên mình suốt hơn 40 năm  qua, không biết người “nhạc sĩ giang hồ” Thăng Long có biết được những  bài hát của mình vẫn được trân trọng đón nhận và ghi khắc trong tâm tư  của nhiều thế hệ người Việt lưu vong khắp nơi.

Không có nhận xét nào: