Tôi quen Phan Thị Bích Hằng qua Vũ Huy Hùng.
Chú Hùng là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội mà từ lâu
tôi quý như em.
Thật ra từ trước đó mấy năm, được nghe không ít người nói, đọc không ít bài viết và qua không ít băng ghi âm, ghi hình về Phan Thị Bích Hằng cùng một số nhà ngoại cảm khác như Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Văn Nhã...với những khả năng đặc biệt kỳ diệu của họ và bằng những khả năng Trời ban ấy họ đã làm được biết bao việc đức, tìm được hàng vạn hài cốt liệt sĩ, hàng trăm phần mộ thất lạc đem hạnh phúc vô giá cho biết bao gia đình. Trong thâm tâm tôi rất kính phục họ`và muốn có dịp được làm quen để tỏ lòng ngưỡng mộ, để tìm hiểu về họ, về ngoại cảm - một lĩnh vực khoa học rất mới mẻ này. Nhưng cho đến lúc ấy tôi chỉ mới “có duyên” được thân thiết với anh Đỗ Bá Hiệp. Giờ được Hùng nhận lời giới thiệu với Phan Thị Bích Hằng, tôi mừng lắm.
Tối 12 tháng 2 năm 2006 Hùng đón. Hai chúng tôi đến thăm Bích Hằng ở nhà riêng. Đã hẹn trước, cả nhà đón tiếp rất vui vẻ. Tuấn, chồng Hằng, kỹ sư điện tử viễn thông, đẹp trai, hiền, ít nói. Hai “cậu cưng” 7 tuổi và 3 tuổi rất xinh và hiếu động. Hằng da trắng, mũi thẳng, mắt đen, dịu dàng. Chỉ tiếp xúc mươi phút thôi cũng nhận ra ngay đó là một cô gái thông minh và tháo vát. Hằng kém con gái đầu của tôi hai tuổi. Vợ chồng Hằng rất thân với Hùng. Sau đó qua trò chuyện lại biết thêm tôi đã từng quen bố của Hằng khi ông còn công tác trong quân đội. Thế là chú cháu chúng tôi trở nên thân thiết.
Rồi tôi và Hùng về quê Hằng ở Yên Khánh, Ninh Binh thăm bố cô khi ông đau bệnh, về chia buồn tiễn biệt khi ông qua đời. Hàng năm trời anh em, chú cháu chúng tôi gặp gỡ giao lưu. Được nghe Hằng kể về mình, được những người bạn gần gũi kể về cô và đặc biệt được nghe mẹ của Hằng, một cô giáo dạy văn rất khiêm nhường, nhân hậu và chân thật kể về Hằng từ bé đến lớn, nhất là những năm tháng tai hoạ giáng xuống. Hằng bị chó dại cắn phát bệnh, lên cơn tưởng không qua khỏi. Rồi những lời thị phi ác khẩu vu cho Hằng tuyên truyền mê tín dị đoan, thậm chí bị công an bắt tạm giữ...Để trở thành nhà ngoại cảm đem tâm sáng, lòng thiện giúp đời như bây giờ bản thân Hằng và cả gia đình cô đã phải gánh chịu biết bao đau khổ, bất hạnh...
Chắp nối các chuyện đã nghe, các bài đã đọc và hình ảnh đã xem có thể tóm lược những nét chính về Phan Thị Bích Hằng với tư cách nhà ngoại cảm như sau.
Năm 1989, mười tám tuổi, Hằng và cô bạn thân cùng bị một con chó cắn. Ở nông thôn bị chó cắn là thường, chẳng mấy bận tâm. Không ngờ khoảng một tháng sau cô bạn đột nhiên phát bệnh, người co giật, hàm răng cứng lại. Hằng đưa bạn đi bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bị bệnh dại. Hằng bàng hoàng: “Đúng như vậy. Cháu và bạn ấy cùng bị một con chó cắn”. Hoang mang cực độ, cảm thấy tử thần đã xiết chặt cổ mình , hôm sau Hằng cũng hôn mê bất tỉnh còn cô bạn thì qua đời.
Gia đình đôn đáo đưa cô đi chữa trị cả đông y, tây y, nhưng chỗ nào cũng lắc đầu bất lực. Khi đến nhà một lang y theo đạo Thiên Chúa, xem xét kỹ bệnh xong, ông nói: “Chúa lòng lành sẽ che chở co con”. Rồi sai người con trai ra nghĩa địa lấy một mảnh ván thôi mới bốc mộ lên đem về, ông bào chế cùng mấy vị thuốc cho Hằng uống. Ông bảo với người nhà cô: “Sau ba tiếng đồng hồ cháu sẽ cảm thấy nóng khắp người, rồi sốt mê man, nói sảng, thậm chí lên cơn điên cắn xé. Nếu ba ngày sau cháu hết cơn thì sống, còn nếu lên cơn trở lại thì không cứu được”. Đúng như thày nói, 9 giờ tối hôm ấy Hằng lên cơn dại, cắn xé điên cuồng. 11 giờ đêm thì thiếp đi. Hai hôm sau không có biểu hiện gì, người khoẻ dần. Ngày thứ ba Hằng đòi theo người anh trai cô bạn đã mất ra mộ thắp hương, bỗng cảm thấy luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, cô rùng mình lo lắng nói: “Anh đưa em về ngay. Em sắp lên cơn dại rồi”. Từ đấy Hằng không còn biết gì nữa và đến 1 giờ sáng hôm sau cô hoàn toàn tắt thở. Cả nhà đau đớn gào khóc. Họ hàng bàn việc hậu sự, khâm liệm. Không khí tang tóc bao trùm. Trong làng có một cụ già nhiều chữ Hán, giỏi tử vi, hỏi giờ sinh, ngày sinh...Sau một hồi tính toán, cụ bảo: “Chưa qua giờ Thìn chưa được khâm liệm cháu. Cứ để cháu nằm thế không được thắp hương. Chắc chắn nó không chết đâu”. Lời cụ nói chỉ gợi tia hy vọng mỏng manh. Thôi thì ai ngồi bên cháu theo dõi, chờ đợi cứ ngồi, còn ai lo việc tang lễ cứ lo.
Mấy ngày trước, khi người bạn gái qua đời, Hằng luôn trong tâm trạng bi quan tuyệt vọng. Có lần cô hỏi bố: “Bố ơi, vì sao những vị lãnh đạo chết người ta lại bắn mấy loạt đại bác?”. Bố bảo: “Để linh hồn sớm siêu thoát, con ạ”. Hằng buồn rầu nói trong nước mắt: “Nếu con chết bố bắn cho con chín phát đạn để con mau siêu thoát, mau trở về với gia đình, bố nhé”. Cô chỉ thấy bố nghẹn ngào.
Bẩy giờ sáng hôm sau bố Hằng mới về đến nhà. Nhìn con gái nằm bất động lòng ông tan nát. Trong nỗi đau tột cùng, nhớ lời con, ông rút súng khỏi bao và không chỉ chín viên mà có bao nhiêu đạn ông bắn hết lên trời. Không ngờ tiếng nổ làm Hằng bừng tỉnh, bật dậy, lao về phía bố: “Bố ơi!”. Đạp phải những vỏ đạn cô ngã vật xuống sân và lại lịm đi. Trong khoảng nửa giờ sau đó Hằng cảm thấy mình ở trạng thái không trọng lượng, bay lơ lửng, nhìn rõ một cây cầu bắc qua dòng sông. Bên này bà nội cầm tay cô níu lại, bóng bà ngoại bên kia vẫy gọi sang. Sương mờ như khói bao phủ. Chập chờn trong đó hình bóng nhiều người khác mà cô không biết là ai. Hằng cố vùng vẫy và tuột khỏi tay bà. Hoảng sợ, cô kêu to: “Bà ơi!” và bàng hoàng tỉnh dậy. Cô lần lượt nhận ra từng người xung quanh mình.
Việc Hằng sống lại đúng là kỳ lạ. Cả nhà, cả họ tràn ngập niềm vui. Khắp làng, khắp xã truyền nhau chuyện chưa từng có ấy.
Mấy tháng sau, Hằng khoẻ hẳn. Tuy nhiên cô cảm thấy trong mình có những dấu hiệu khác thường. Gặp ai nếu người đó đoản mệnh, thì dường như có tiếng nói mơ hồ mách bảo với cô rằng họ sắp chết và rồi cũng như có sự xui khiến khó cưỡng nổi cô báo cho họ biết. Không ít lần Hằng bị chửi mắng, có khi xuýt ăn đòn vì họ cho cô là “con điên” độc mồm, độc miệng. Ở làng có ông Vũ Văn Trác, hơn 50 tuổi, hiền và rất quý cháu Hằng. Một hôm gặp ông từ ngoài đồng về, Hằng bảo: “Ông ơi, ông sắp chết rồi, ông đừng đi làm nữa cho khổ”. Bị con bé “độc mồm” rủa thế, ông Trác nổi khùng cầm roi trâu đuổi đánh. Hằng vừa chạy vừa tức tưởi khóc: “Cháu bảo ông chết thật mà ông không tin cháu à. Chờ mấy ngày nữa sẽ biết. Chỉ từ nay đến 15 tháng 7 thôi”. Hôm ấy bao nhiêu nguời chứng kiến vừa cười trêu ông Trác vừa thương con bé. Quả nhiên chỉ mấy tuần sau, đúng 2 giờ chiều ngày 15 tháng 7 loa truyền thanh thông báo tin ông Vũ Văn Trác qua đời. Chuyện này khiến cả làng chưa hết kinh ngạc thì tiếp đến việc Hằng gặp chú Bùi Văn Chai, là chủ nhiệm Hợp tác xã thêu xuất khẩu xã Khánh Hoà ở giữa hội trường Uỷ ban, lúc ấy rất đông người. Nhìn chú, Hằng bảo: “Đến tháng giêng là chú chết đấy”. Chú Chai bực lắm, còn mọi người thì xì xào bàn tán. Không ngờ đầu tháng giêng chú Chai chết thật.
Chuyện lan đi rất nhanh. Họ cho Hằng bị “ma ám”, nói ai chết là người ấy chết. Tất cả xa lánh cô. Nhìn thấy Hằng từ xa là bỏ đi. Hằng vô cùng đau khổ, cả gia đình buồn bã đưa cô đi các bệnh viện khám chữa thần kinh. Đến hết đền này phủ nọ kêu cầu cúng vái. Mặc dù Hằng ra sức giải thích rằng mình vẫn khoẻ, thần kinh không làm sao cả. Những chuyện đó là do cô nhìn thấy, cảm thấy, nghe thấy bóng người âm nào đó mách bảo cô nói ra và chính cô cũng không biết vì sao mình có khả năng ấy. Nhưng không ai tin.
Bị mọi người xa lánh, thậm chí ghê sợ Hằng buồn khổ vô cùng. Cho đến một hôm vào ngày giỗ bà nội, Hằng nhìn thấy bà, trên tay bế một đứa trẻ, theo sau một đứa bé nữa. Cô kể lại cho mọi người nghe. Ông nội nghe xong ngậm ngùi nói hai đứa trẻ đó là con ông. Một chết khi ba tuổi, một chết khi mới được tám tháng. Hằng có người chú ruột. Trong gia đình chú ai cũng mắc chứng bệnh rất lạ: teo một chân, ngoẹo một bên đầu mà đều ngoẹo về bên phải. Hằng sang chơi và nói với chú rằng cô nhìn thấy bóng người rất lạ luôn đi lại trong vườn nhà chú. Hình như đến lúc này chú đã hơi tin khả năng đặc biệt của Hằng. Thế là hai chú cháu đem xà-beng, cuốc, xẻng ra vườn đào, chỗ gần bụi tre, nơi Hằng thấy lần nào bóng người lạ đến đấy là biến mất. Đào sâu chừng hơn một mét thì gặp lớp ngói đã mục, rồi đến lớp đất đỏ. Gạt hết lớp đất đỏ thấy lộ ra khối hợp chất rắn gồm vỏ hến, vôi trộn với mật, loại vật liệu truyền thống, chắc như bê tông. Đó là quách. Phá lớp quách thấy bên trong là cỗ quan tài bằng gỗ quý trạm trổ rất đẹp. Bật nắp quan tài Hằng thấy hình một người đàn ông nằm dài bất động trong lớp nước vàng sánh. Hằng vừa thò tay xuống, lập tức bóng người đàn ông tan ra, biến mất. Trong quan tài chỉ còn lại hài cốt cùng những đồng tiền cổ đã ố rỉ kết chặt với nhau và nhiều vật dụng khác như ngựa đá, dao nhọn...
Vụ việc được báo cáo lên xã, rồi lên huyện...(sau này các nhà nghiên cứu văn hoá xác định đó là mộ một vị tướng triều nhà Trần có từ 700 năm trước). Càng ngày Hằng càng nhận ra rằng dường như có một điều kỳ diệu nào đó, một khả năng bí ẩn nào đó xuất hiện trong nhận thức của cô và cô rất muốn thử nghiệm. Gia đình Hằng thất lạc ngôi mộ cụ tổ. Nhiều năm nay ông nội và bố cô đã mất không ít công sức đào tìm mà không thấy. Hôm ấy đúng ngày giỗ cụ. Hằng thắp hương chắp tay khấn niệm cầu xin cụ phù hộ rồi đi tìm. Cô đi. Tỉnh mà như mơ và rồi cô nhìn thấy mộ cụ nằm sâu trong lòng đất ngay gần đường cái. Hằng đào, mấy người nhà ra cùng đào, rồi bà con kéo đến. Mọi người hồi hộp chờ đợi “xem con bé dở hơi này nó nói có đúng không”. Hố sâu chừng gần 2 mét thì xuất hiện một tấm gỗ có khắc hai dòng chữ Hán. Hằng lấy lên, rửa sạch đem về cho ông nội. Ông nội đã tám mươi tuổi, xúc động đọc: “Âm thuỷ quy nguyên. Vinh quy bái tổ” rồi nghẹn ngào: “Đúng mộ ông nội tôi đây rồi”. Ông khóc. Khóc nức nở, nước mắt chảy dài qua gò má nhăn nheo khiến con cháu cũng khóc theo. Đã bao nhiêu năm nay lòng ông luôn canh cánh xót xa vì để mất mộ cụ. Ngờ đâu nay lại do chính cháu ông tìm thấy. Thế này là nhà ông đại phúc rồi.
Sau hàng loạt sự kiện như thế, không chỉ Hằng, mà nhiều người đã bắt đầu tin rằng khả năng đặc biệt kỳ diệu ấy xuất hiện trong cô là thật. Họ không xa lánh cô nữa, không gọi cô là “con dở hơi” bị “ma ám” nữa, nhìn cô với ánh mắt vừa thân ái, vừa quý nể. Có người nhìn thấy Hằng từ xa đã chắp tay vái: “Lạy cô, xin cô...”, coi Hằng là hiện thân của đấng thiêng liêng đầy quyền bí. Nhiều gia đình trong làng, trong xã đến gặp nhờ cô tìm mộ và Hằng đã giúp họ tìm được không ít mộ thất lạc rất chính xác.
Bà con nhân dân tin, nhưng chính quyền địa phương không tin, gán cho cô tội “ truyền bá mê tín dị đoan ”, dùng áp lực gây nhiều khó khăn cho cô. Bố cô, một đại tá quân đội nghỉ hưu giữ chức Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh bị đem ra kiểm điểm, kỷ luật. Có ý kiến đòi đưa ông ra khỏi Đảng vì để con gái “hoạt động trái pháp luật”. Rất may cũng thời gian đó, được biết về khả năng ngoại cảm của Hằng (ngành khoa học mà nhiều nước trên thế giới đang tổ chức nghiên cứu) Viện khoa học thể dục thể thao và một số nhà khoa học thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin về mời Hằng làm cộng tác viên. Để chứng minh khả năng đặc biệt của Hằng là thật, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát khu Chùa Dầu được coi là rất cổ tọa lạc ngay trên đất của xã cô. Bằng khả năng nhìn xuyên đất biết được những gì ở dưới, thấy được bóng “linh hồn” người chết, hơn nữa còn nghe và hiểu được lời “linh hồn” nói, kể cả những nhân vật lịch sử đã qua đời từ nhiều thế kỷ trước...Khảo sát, khai quật, đối chiếu với sử liệu cùng những câu chuyện được truyền lại từ bao đời nay ở vùng quê ấy các nhà nghiên cứu xác định những thông tin Hằng cung cấp là chính xác. Chùa Dầu được xây dựng từ triều Trần cách ta khỏang 700 năm, di vật còn lại và tìm được thuộc loại quý hiếm vô giá. Đây chính là một trung tâm tín ngưỡng, văn hoá của tổ tiên, ông cha ta. Báo cáo khoa học được gửi lên Huyện, lên Tỉnh, rồi lên Trung ương và Chùa Dầu được Nhà nước công nhận là “Di tích lịch sử văn hoá”.
Sự kiện trên rất quan trọng đối với Bích Hằng, đã cứu cô, cứu gia đình cô khỏi áp lực của búa rìu dư luận, gỡ bỏ được sự phong toả, giúp mọi người hiểu cô, tạo điều kiện để cô được đem khả năng đặc biệt Trời ban ấy làm việc thiện giúp đời, dù lúc này khả năng của cô mới chỉ là nhìn thấy hài cốt, di vật trong lòng đất, thấy được hình bóng“linh hồn”,nghe và hiểu được lời “linh hồn” nói. Để rồi từ đó khả năng của Hằng càng được tích lũy, được nâng cao.
Do phải lo chữa bệnh, Hằng chỉ còn đúng 15 ngày ôn thi. Vậy mà kết quả không ngờ: cô đạt gần 24 điểm vào Trường Đại học kinh tế quốc dân. Những năm là sinh viên Hằng học giỏi, khả năng ngoại cảm không giảm mà ngày càng được nâng lên. Cô vẫn giúp không ít gia đình tìm được mộ, nhất là thực hiện nhiều chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ đạt kết quả cao.
Đặc biệt thời kỳ này Hằng nhận ra mình có khả năng nhìn rõ hơn, nghe rõ hơn, không những thế còn giao tiếp, trao đổi được với“linh hồn”. Ấn tượng nhất là trường hợp cô “gặp” và “trò chuyện” với “vong” mẹ giáo sư Mai Hữu Khuê. Lần ấy, đang đi tìm mộ, khi đến gần vũng trâu đầm Hằng bỗng “gặp” linh hồn một bà cụ. Bà cụ dáng hơi còng, đứng đối diện cô, miệng lắp bắp. Hằng lên tiếng: “Cụ ơi, cụ nói gì đấy ạ?”. Bỗng bên tai cô vang lên rất rõ: cháu ơi, bà tên là Kình, nhờ cháu nhắn cho con, cháu bà là mộ bà ở đây…Con bà tên là Khuê...Hằng mừng vô cùng. Lần đầu tiên cô nhìn thấy “linh hồn” rõ như thế, từ dáng người, nét mặt, màu da, mái tóc, gò má, khoé miệng...Lần đầu tiên cô nghe được giọng nói của “linh hồn” rõ như thế và trò chuyện với “linh hồn” gần gũi thân thiết như thế.
Hằng kể lại việc đó với dân làng. Bà con bảo: đúng, làng có bà Kình đã chết từ lâu. Con trai bà tên là Mai Hữu Khuê là giáo sư dạy Đại học Kinh tế quốc dân ở Hà Nội. Đã nhiều lần ông Khuê về tìm mộ mẹ mà chưa thấy. Tin này được nhắn tới ông Khuê. Ông Khuê đến gặp Bích Hằng và cô đã giúp ông tìm được mộ mẹ ngay cạnh vũng trâu đầm ấy.
Từ khi có thêm khả năng “giao tiếp” được với “linh hồn” người chết, cánh cửa đưa Hằng vào thế giới tâm linh càng rộng mở. Trong các chuyến đi tìm mộ cô “gặp” rất nhiều “linh hồn” đi theo. Có khi họ quây túm quanh cô tranh nhau nói: tên tôi là...quê ở...người nhà tôi tên là...hiện đang ở...nhờ cháu (nhờ cô)...nhắn giúp...Thế là để đến được ngôi mộ cần tìm cô phải “tiếp chuyện” với biết bao “linh hồn”, ghi chép lại lời nhắn để rồi tìm cách báo cho thân nhân của họ.
Một lần đi tìm mộ ở Thái Nguyên cô “gặp” một “linh hồn” đàn ông. Người này tự giới thiệu là nhà báo Thôi Hữu hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. “Linh hồn” nhà báo nói rằng: cháu ơi, ở bên kia đồi có hài cốt một người đức cao vọng trọng, một chí sĩ yêu nước lớn là cụ Lương Ngọc Quyến. Cháu cố gắng giúp...Nhờ các thông tin ấy mà cô tìm được cháu nội cụ Lương Ngọc Quyến ở Hà Nội là Lương Quân và giúp anh tìm được mộ cụ.
Cũng từ khi Hằng có khả năng “giao tiếp”với người âm mà bộ môn “Cận tâm lý thuộc “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người”đã có đề tài khoa học mã số KT.06 thử nghiệm phương pháp “tìm ngược”. Nghĩa là trước đây mọi thông tin đều do người sống cung cấp để đi tìm người chết, thì nay mọi thông tin lại do người chết cung cấp để đi tìm người sống và đã đem lại kết quả rất khả quan. Độ chính xác cao. Mở ra hướng nghiên cứu mới đầy tiềm năng và hấp dẫn. Như trường hợp Bích Hằng tìm được mộ sư Tổ ở Chùa Vua, phố Thái Thịnh (Hà Nội). Khuôn viên Chùa Vua trước đây rất rộng, vì thế khi sư Tổ qua đời thi hài được an táng ngay trong đất nhà Phật. Rồi dân số tăng, đô thị hoá nhanh, đất lên giá, người dân quanh chùa đua nhau lấn chiếm làm nhà. Mộ sư Tổ vì thế thất lạc mất.
Bích Hằng đến, thắp hương khấn mời. Sư Tổ về “gặp” cô. Cụ nói: cụ tên là Hoàng Đình Điều, quê Lạng Sơn, từng là tướng quân Yên Thế dưới quyền chỉ huy của cụ Đề Thám. Cụ Đề Thám và cụ đều bị giặc Pháp bắt. Nhưng rồi cụ trốn được về trụ trì chùa này. Dù xuất gia ăn chay niệm Phật nhưng cụ vẫn hoạt động cách mạng, nuôi dấu nhiều cán bộ bí mật, trong đó có cụ Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ uỷ Trung kỳ, người lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. (Thật cơ duyên, năm 2002 chính Bích Hằng đã tìm được mộ cụ Nguyễn Phong Sắc. Nhà nước đã xây mộ, đúc tượng cụ đặt tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Lúc ấy Hằng còn nhìn thấy phía sau cụ có tới mấy trăm “linh hồn” môn đệ của cụ đều là nghĩa quân đứng theo hàng ngũ nghiêm trang. Họ tranh nhau nói, tỏ ra rất bất bình vì cụ có công lớn với đất nước vậy mà người đời không ai biết đến để người ta lấn chiếm đất chùa xây nhà đè lên đầu, lên thân cụ. Sư Tổ thong thả nói: làm được việc tốt cho đời là quý, chứ cái thân xá lợi thì có nghĩa lý gì...Vừa lúc ấy Hằng thấy “linh hồn” cụ Nguyễn Phong Sắc về. Cụ nói với Bích Hằng: để sư Tổ nằm thế là không được, ngay dưới nhà vệ sinh của người ta. Người ăn mày chết còn được chôn cất tử tế, đằng này cụ là... Sư Tổ phàn nàn rằng hai gia đình làm nhà đè lên cụ đều gặp những tai ương, kẻ thì chết bất đắc kỳ tử, người thì ốm đau bệnh tật làm ăn thất bát. Cụ thương họ lắm. Làm người xuất gia tu hành cụ không muốn chúng sinh đau khổ, nhưng những nghĩa quân của cụ do bất bình mà họ bảo nhau trừng phạt, cụ khuyên không được. Sau đó, một phần do Bích Hằng cầu khẩn, phần nể lời cụ Nguyễn Phong Sắc và anh em nghĩa binh sư Tổ mới cho Hằng biết hiện cụ đang nằm ở dưới hai ngôi nhà, chứ chỗ nhà chùa đắp đất thắp hương là không phải đâu...Ngày còn sống mỗi khi luyện võ xong cụ và thủ lĩnh Đề Thám thường cùng nhau uống rượu chén tạc, chén thù. Cái nậm rượu cụ luôn đeo bên mình. Khi chết người ta chôn theo. Nằm trong đất xương cốt có thể mục nát, chứ cái nậm rượu thì không...Nhờ những thông tin ấy mà Hằng đã giúp nhà chùa tìm được mộ sư Tổ.
Lần đi tìm mộ anh bộ đội ở Vĩnh Thạnh, Bình Định. Khi đào gặp hài cốt lại thấy trước ngực có phù hiệu quân nhân ngụy mang tên trung tá Nguyễn Hữu Tuý. Bà con người địa phương ra chứng kiến rất đông. Mọi người trao đổi với nhau hay là anh bộ đội cải trang lính nguỵ và bị hy sinh ? Bên tai Bích Hằng bỗng vẳng đến giọng một “linh hồn”: Không phải.Tôi nằm bên này cơ...Cùng lúc ấy một anh trong đoàn đi đào mộ (anh là xã đội trưởng) nhào tới, cầm chiếc phù hiệu xem, rồi hét lên: “Thằng Tuý. Đó là thằng Tuý. Chính tên ác ôn này đã giết ba tui. Tau phải băm vằm mi ra mới hả”. Vừa nói anh vừa cầm chiếc đầu lâu tên Tuý ném xuống suối. Anh khoẻ quá, phản ứng quyết liệt quá khiến không ai kịp cản lại. Anh kể năm ấy anh mới mười tuổi, đã tận mắt chứng kiến bọn lính ngụy trói, rồi đóng đinh ba anh vào cây dừa và chính tên Tuý này đã dùng dao găm rạch bụng ba anh moi hết tim gan ra ngoài. Khi ấy ba anh là cán bộ Ban tuyên huấn xã. Căm thù bốc lên, anh lấy hòn đá đập tới tớp vào đống xương đã mục. Mấy người cố giữ lấy anh, hết mực khuyên can: người ta bây giờ cũng chỉ còn là nắm xương tàn. Dẫu có hành hạ nắm xương ấy thì ba anh cũng không thể sống lại được. Tốt nhất là rộng lòng tha thứ, bốc lên chôn cất lại cho người ta tử tế, rồi người ta sẽ hối hận với những tội ác đã gây ra...Mặc mọi người khuyên, anh vẫn kiên quyết: “Ai làm việc đó thì làm. Chớ tui nhất định không có làm”. Những người dân ở đây đều đã biết, đã chứng kiến bọn lính ngụy giết hại, moi gan bố anh xã đội trưởng cùng sáu cán bộ cách mạng khác nên cũng rất căm phẫn, nhất định không chịu bốc chôn lại hài cốt tên lính ngụy. Cuối cùng Bích Hằng phải bỏ tiền ra Quy Nhơn mua chiếc tiểu về, bỏ hài cốt tên Tuý vào đấy rồi mai táng. Nhưng khi cô đặt bát hương lên, người trong làng lại xô đến ném bát hương xuống suối. Đúng lúc ấy “linh hồn” đồng chí bộ đội mà nhóm của Hằng đang tìm mộ anh hiện lên, nhờ cô nói với mọi người rằng: chiến tranh đã qua lâu rồi, mọi thù hận cũng nên khép lại bằng tấm lòng độ lượng. Nếu bà con cô bác không thắp hương anh ta thì tôi sẽ không cho tìm thấy mộ tôi đâu. Cứ thắp cho anh ta nén hương thì anh ta sẽ chỉ cho các vị biết chỗ tôi đang nằm...Nghe Hằng truyền đạt lại ý “linh hồn” anh bộ đội như vậy mọi người mới cho cô thắp hương và ngay sau đó “linh hồn”người lính ngụy hiện lên dẫn Hằng đến bên bụi cây lớn nói rằng: hài cốt anh bộ đội giải phóng nhân từ ấy nằm ở đây ... mọi người đào và chỉ mất mươi lăm phút là thấy...Hằng nói: “Vậy là anh ta đã lập công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa”. “Linh hồn” anh bộ đội kể rằng: hồi đó anh là lính đặc công bị tên Tuý bắt được. Khi nó đang áp giải, anh dùng võ thuật đá văng khẩu súng rồi cướp lưỡi lê giết nó luôn. Không ngờ vừa giết xong tên Tuý anh lại bị một tên phía sau bắn trúng. Mộ anh gần mộ nó. Anh nói: khi còn chiến tranh là thù địch. Nhưng nay đất nước độc lập rồi, ở dưới này chúng tôi đã làm hoà với nhau, bắt tay nhau và cùng hút chung điếu thuốc...
Chuyện đi tìm mộ của Bích Hằng thì rất nhiều. Nhưng gian nan, vất vả, nguy hiểm, bí ẩn, hấp dẫn và để lại ấn tượng rất sâu sắc là lần ba nhà ngoại cảm Bích Hằng, Thẩm Thuý Hoàn và Nguyễn Khắc Bẩy cùng Đoàn công tác do Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh phụ trách và nhiều nhân chứng tham gia thực hiện đề án nghiên cứu mang số hiệu TK.06 đi tìm hài cốt các liệt sĩ trong trận đánh nổi tiếng tại cứ điểm K’Nak (Tây Nguyên) diễn ra từ tháng 3 năm 1965. Để có những thông tin cần thiết, thông qua bức ảnh đã cũ, Bích Hằng mời được “linh hồn” liệt sĩ Ngô Trọng Đãi về để “xin được thưa chuyện”. Liệt sĩ Ngô Trọng Đãi vốn là một trong số cán bộ chỉ huy trận đánh, nên qua những lần “trò chuyện” với “ông” mọi người được biết khá nhiều về vị trí quan trọng của cứ điểm K’Nak, về lực lượng và hệ thống bố phòng của địch, về quyết tâm tiêu diệt bằng được cứ điểm ấy của bộ đội ta, về các mũi tấn công và diễn biến vô cùng khốc liệt của trận đánh, về tổn thất nặng nề của quân ta và đặc biệt “ông” cho biết những địa điểm hoặc trong rừng, ven suối, hoặc dưới đáy hồ sâu Đắc Lốp, nơi rải rác, chỗ tập trung hài cốt của nhiều liệt sĩ đang từng ngày bị ải mục trong lòng đất mà không ai biết đến, không ai hương khói. Kết hợp với những thông tin từ Thẩm Thuý Hoàn và Nguyễn Khắc Bẩy cuộc tìm kiếm diễn ra nhiều ngày, nhiều đợt với vô cùng gian nan, vất vả, nguy hiểm. Cuối cùng Đoàn công tác đã tìm được hơn 300 bộ hài cốt liệt sĩ. Lễ đón nhận, truy điệu được tổ chức trọng thể. Một số được thân nhân đưa về quê hương, còn lại được an táng chu đáo tại nghĩa trang Vĩnh Thạnh.
Khả năng ngoại cảm xuất hiện ở một số người là có thật và luôn gắn liền với những điều thần bí chưa giải thích được. Ngoại cảm đang ngày càng ảnh hưởng sâu rộng và chi phối tới nhận thức, đời sống tâm linh con người. Bởi thế hiện nay ở nước ta đã xuất hiện nhiều “nhà ngoại cảm tự phong” và hầu hết là “đồ dởm”. Chỉ số ít người thực sự có khả năng đặc biệt đã được thử thách, đánh giá, đã được các cơ quan chuyên ngành là Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng, Trung tâm bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống, Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) và Bộ Khoa học và Công nghệ do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiến hành khảo nghiệm và kết luận công nhận như: Phan Thị Bích Hằng, Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Liên, Thẩm Thuý Hoàn,Vũ Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Khắc Bẩy, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Thị Phương, Hoàng Thị Thiêm...mới đáng tin cậy.
Tôi quen Phan Thị Bích Hằng khi biết cô là một trong số ít nhà ngoại cảm ấy và ở thời điểm khả năng đặc biệt của cô đạt trình độ khá cao mà thực tế những việc cô làm đã chứng minh.
... Còn tiếp!
Số nhà 10 Ngõ 73 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 04.37220868 - DD: 0913236372
3 nhận xét:
Cảm ơn Đạt đã sưu tầm!
BT5
Chị Bích Hằng có tài kể chuyện rất hấp dẫn. Những câu chuyện mà Nhà văn ĐT kể ổ trên giống hệt như những chuyện chị Hằng đã kể trong một đĩa CD bán kèm mỗi lần chị Hằng đến " làm việc " ở đâu đó .Bản thân tôi đã nghe trực tiếp câu chuyện bị chó cắn xuýt chết, tim mộ cho Làng, các lân tìm mộ... do tự chị Hằng kể, giống hệt như anh ĐT ghi lại ở trên!( kể cả lời kêu gọi mà anh Trung ghi ở cuối bài: Xin hãy coi tâm linh...
Bố tôi hy sinh khi tôi mới được 6 tháng tuổi và gia đình không biết bố tôi nằm ở đâu trong nhiều năm. Nhờ Bích Hằng mà tôi đã tìm được cụ. Chuyện này tôi đã kể trong bài "Những vần thơ từ cõi tâm linh". Tôi rất đồng ý với quan điểm phải coi "tâm linh" là đối tượng nghiên cứu khoa học để tổ chức NC một cách nghiêm túc. Vũ trụ thì bao la vô cùng mà tri thức loài người thì còn vô cùng hạn chế. Không nên dùng cái hạn chế ấy để cố áp đặt giải thích mọi sự của cái vô cùng.
Đăng nhận xét