Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012
Chuyện nhà ngoại cảm... (tiếp)
3
Tôi đặt cả máy ghi âm, máy quay phim thu trọn vẹn cuộc “gặp gỡ” kỳ diệu ấy. Hình ảnh rất nét, âm thanh rất rõ. Tôi đã nghe đi nghe lại, xem đi xem lại nhiều lần, lần nào cũng xúc động. Về tình cảm, từ hôm ấy tôi thấy hình ảnh bố mẹ và những người thân đã quá cố luôn rất gần gũi với tôi, quanh quẩn bên tôi, cười nói cùng tôi, nhất là những buổi sớm thắp hương bàn thờ, thỉnh chuông chắp tay khấn vái gia tiên. Về lý, tôi cố tỉnh táo, khách quan phân tích từng chi tiết của sự việc thần bí này và nhận ra rằng hầu hết những thông tin từ các “linh hồn” người thân qua nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng truyền đạt đều chính xác.
Chẳng hạn về ngôi mộ ông nội tôi (cụ Nguyễn Trọng Thóng). Từ khi tôi còn bé, hàng năm vào dịp Thanh ninh bố thường cho theo đi tảo mộ. Đến cánh đồng Mả Cổ, bố thắp hương cắm xuống đất khấn vái. Không thấy mộ đâu, trước mặt chỉ là những thửa ruộng trồng ngô xanh tốt. Bố bảo mộ ông nội ở khu vực này. Ngày xưa bố và các chú nhờ thày địa lý tìm mạch đất thiêng. Nửa đêm bí mật chuyển hài cốt của ông nội đến đấy, đào rất sâu, hạ tiểu xuống, lấp chặt, san phẳng, trên lại trồng ngô như cũ. Việc làm ấy ngoài bố, các chú và thày địa lý không ai được biết. Sau này “đi xem” mấy “thày” đều bảo mộ ông nội “kết”. Có lẽ vì thế, khi quy tập bố không đưa mộ ông vào lăng.
Năm 1995, lần đầu tiên tôi gặp nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp. Anh nắm bàn tay tôi một lúc, rồi nói: “Ngôi mộ ông tam đại nhà anh rất tốt. Con cháu được nhờ nhiều đấy. Mộ của cụ đặt sâu, lưng tựa núi cách chừng 300 mét, mặt hướng Nam đồng rộng mênh mông không vật cản. Phía Tây là sông và phía Đông cách 25 – 30 mét có con mương nhỏ. Thế đất rất đẹp...Anh có người anh trai mất năm 3 tuổi, rất thiêng, nhưng việc cúng giỗ lại không chu đáo”. Tôi về quê, hỏi chị cả, năm ấy đã ngoài 70 tuổi. Chị tôi nói: “Đúng. Cậu tên là Thuận, mới được 28 tháng thì chết. Chị nhớ hôm ấy là mồng 1 tháng 6. Cậu mất khi còn bé quá nên việc cúng giỗ cũng không được để tâm”. Như thế là đúng. Đó chính là anh Thuận mà “linh hồn” bố tôi xác nhận mồng 1 tháng 6 giỗ anh, còn “linh hồn” mẹ tôi thì bảo ở dưới ấy anh Thuận được đi hầu Thánh cùng với cụ mãnh Tổ tên là Kính. Cụ Kính là em ruột ông nội tôi.
Tháng 4 năm 2007, tôi mời nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp về quê. Đang trên con đường dẫn vào núi, anh kéo tôi rẽ xuống cánh đồng. Đó là đồng Mả Cổ. Tới khu ruộng trồng ngô, anh chỉ xuống: “Mộ ông nội anh chỗ này. Sâu lắm. Cốt của cụ còn tốt nguyên”. Tôi thắp hương, hoá tiền vàng cầu khấn và thấy trong lòng rất xúc động. Tôi dẫn anh Hiệp tới khu lăng của gia đình cách đó mấy trăm mét. Khuôn viên rộng, có tường bao, cổng sắt, sân lát gạch đỏ, phía trước hai cây đại, bốn bụi mẫu đơn trổ đầy hoa. Cung thờ tám mái cong dán ngói mũi hài, bên trong ốp gạch men sứ màu nâu,bát hương bằng đá. Danh sách họ, tên 19 thân nhân quá cố được khắc chung trên hai tấm bia gắn bên tường. Các phần mộ không phân biệt đều bằng phẳng dưới thảm cỏ xanh biếc. Chỉ tay xuống góc bên trái, anh Đỗ Bá Hiệp bảo tôi: “Bố anh nằm đây. Anh giống ông cụ, cũng to cao”. Tôi thầm nghĩ: “Vị trí đúng. To cao cũng đúng”. Lát sau anh Hiệp nói tiếp: “Trong lăng nhà anh có một người ngoại tộc”. Tôi nghi ngờ về thông tin này và tự hỏi: “Nếu thật sự anh Hiệp có khả năng thấu thị thì chỉ biết số hài cốt trong lòng đất so với danh sách khắc trên bia thừa hay thiếu, chứ làm sao biết được có người ngoại tộc?”. Nghi ngờ ấy cứ ở trong đầu, cho đến bữa nay tôi đem việc ấy hỏi “linh hồn” bố tôi và thông qua nhà ngoại cảm Bích Hằng bố tôi không chỉ xác nhận là đúng, mà còn nói rõ mộ người ngoại tộc ấy nằm sát mộ cụ Ngoạn. Tôi tra cứu “Sơ đồ hệ phả gia tộc” và được biết cụ Ngoạn là cụ mãnh Tổ đời thứ sáu mà bố tôi gọi là ông chú.
Thật kỳ lạ. Không thể ngẫu nhiên mà các thông tin từ hai nhà ngoại cảm phát ra ở những thời điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau lại trùng khớp như thế. Để giải toả băn khoăn này, tôi gặp và hỏi nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp: “Vì sao anh biết?”. Anh Hiệp bảo: “Bộ hài cốt người ngoại tộc ấy phát ra thứ ánh sáng khác”. Đúng là huyền bí.
Hoặc về tình bạn giữa tôi với liệt sĩ Nguyễn Văn Huế. Hai chúng tôi cùng học, rất thân nhau từ năm 1955, tới năm 1964 thì mỗi đứa đi theo một ngả đường chiến tranh. Tháng 8 năm 1967 gặp nhau lần cuối ở Nghi Lộc, Nghệ An. Tôi trao Huế chiếc áo và Huế trao tôi chiếc đồng hồ làm kỷ niệm. 6 tháng sau Huế hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. 40 năm âm dương cách biệt, nhưng trong lòng tôi không bao giờ nguôi nhớ thương Huế. Sáng nào thắp hương bàn thờ gia tiên tôi cũng khấn tên Huế cùng với ông, bà, bố, mẹ và những người ruột thịt đã quá cố của tôi. Việc “linh hồn” Huế về được hôm nay thật là niềm sung sướng, xúc động bất ngờ đối với tôi và trong thâm tâm tôi nhận ra đó đúng là Huế của tôi, bởi tính cách, bởi những việc Huế kể chỉ tôi mới biết. Thí dụ: Huế nghiện thuốc lá nặng và mỗi khi thèm thuốc là không sao chịu nổi, phải tìm bằng được. “Linh hồn” Huế về, đầu tiên là gợi ý thuốc lá và lát sau, chắc thèm quá, lại Nhờ anh cu Đức châm cho điếu thuốc. Thứ hai là trong các trang viết của tôi từ truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh hầu như nhân vật nào là bộ đội có bản chất chính diện tôi đều đặt tên là Huế, ngoại hình miêu tả cũng có những nét giống Huế, nhất là đôi mắt sáng, miệng cười tươi có chiếc răng khểnh rất duyên. “Linh hồn” Huế nói đều đã đọc sách của tôi và nhận ra điều ấy. Đặc biệt “linh hồn” Huế nhắc đến nhân vật Đức Rây-mông và kỳ lạ thay Huế bảo Huế theo tôi suốt hành trình đi tìm nhân vật này. Điều đó thì chỉ mình tôi biết. Năm 1976, trước khi đi thực tế vào các tỉnh phía Nam vừa giải phóng để sáng tác về đề tài cải tạo tội phạm và chủ nghĩa thực dân mới, các đồng chí công an ở “Cục quản lý trại giam” gợi ý: “Vào đấy anh cố tìm gặp Đức Rây-mông. Con người này có nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn lắm đấy”. Đó là một tướng cướp nổi tiếng trong giới giang hồ thời Mỹ ngụy. Tôi đến các trại giam Chí Hoà, Long Thành, Sông Bé...tìm, không có. Đọc hồ sơ lưu trữ của “Nha Cảnh sát Đô thành”, của “Tổng Nha cảnh sát Quốc gia”, của Cục lưu trữ Chính phủ ngụy và những tờ báo quan tâm nhiều tới “xã hội đen” thời ấy. Kết quả thu được rất ít. Gặp mấy “đại ca” trong “giới anh chị” đã “rửa dao gác kiếm”, nói tới Đức Rây-mông họ đều tỏ ra khiếp nể, nhưng từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng Đức Rây-mông biệt tích đâu không ai biết. Sau đó tình cờ tôi phát hiện ra Đức Rây-mông đang cai nghiện tại “Trung tâm Phatima Thủ Đức”. Tôi tìm cách gặp và đã khai thác được ở Đức Rây-mông rất nhiều chuyện lạ trong giới du đãng, hiểu về họ, rồi từ chất liệu ấy tôi đã xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của mình…“Linh hồn” Huế nói đã theo tôi suốt hành trình tìm Đức Rây-mông là thế, khiến tôi không thể không tin.
Hoặc mẹ vợ tôi, hai năm cuối trước khi qua đời cụ bị bệnh A-giê-mơ khi nhớ, khi quên lẫn lộn cả. Bố vợ tôi mất trước đó 8 năm. Nghĩa là cụ ông không biết cụ bà bị lẫn. Vậy mà “linh hồn” cụ ông về kể rằng bà xuống đấy vẫn lẫn và phải đến khi cải cát xong mới trở lại bình thường. Hoặc khi còn sống mẹ vợ tôi rất quý đôi nụ đeo tai, trước khi qua đời cụ cho chị Mùi là con gái cả, nay chị Mùi đã mất “linh hồn” cụ về hỏi ngay Đôi nụ của mẹ bây giờ ai giữ ?
Hoặc “linh hồn” mẹ đẻ của tôi về nói Xuống đấy mẹ có gặp cậu Bạn. Cậu cứ than phiền về việc cậu không có giỗ. Đúng là cậu tôi không được giỗ. Bởi cậu đi Tân Thế Giới từ khi còn trẻ rồi biệt tích luôn có ai biết ông mất ngày nào mà cúng .
Hoặc “linh hồn” bố tôi nói Bát hương thờ bà ngoại các cháu lẽ ra con nên để thấp hơn một chút vì đấy là bát hương bụi. Đúng.Vì bà ngoại các cháu mới mất chưa cải cát.
Hoặc “linh hồn” bố vợ tôi phê bình Con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại đến đủ cả mà không sắm lấy cái lễ của họ Mai, đây toàn là lễ của họ Nguyễn. Rất đúng với tính cách bố vợ tôi. Cụ là người chu đáo, trọng lễ nghi và cũng rất đúng vì chỉ có lễ của họ Nguyễn thật. Hoặc “linh hồn” bố vợ tôi bảo Lăng đẹp, bố mẹ ưng lắm, nhưng mộ phải để thông thiên chứ không được xây kín. Cũng đúng. Các mộ trong lăng đều bít kín.
Hoặc dường như mọi người trong gia đình “các cụ” đều biết kể cả còn sống và đã mất. “Linh hồn” nói đến tên ai, vai vế quan hệ thế nào đều đúng, cách xưng hô cũng thế. Khi thấy một người lạ là chú Hùng “linh hồn” mẹ tôi liền hỏi Ai ngồi ở cửa kia mà mẹ không biết? và “linh hồn” Huế nói luôn Nhiều lần mình đi với Trung đều có anh bạn này...
Có thể kể ra nhiều chi tiết tương tự để khẳng định rằng hầu hết những thông tin từ “linh hồn” bố, mẹ và những người thân đã qua đời của tôi được truyền đạt qua nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng là chính xác.
Từ “cuộc gặp” kỳ diệu ấy, có được những thông tin ấy, một tuần sau, sáng mồng 1 tháng 11 theo lời khuyên của “linh hồn” bố mẹ, vợ chồng tôi cùng hai cháu Mai Trang – Quang Anh đi lễ, mục đích “cầu tự” để các cháu “sớm có em bé”. Chúng tôi về Hành Thiện, Phủ Xuân Trường, nơi có Chùa Keo cổ kính nổi tiếng từ mấy trăm năm. Ở đây thờ Phật và thờ đức thánh Minh Không. Xong, về đền Bảo Lộc (ngoại thành Nam Định) để lễ Đức thánh Trần (Tức Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn).Tại ngôi đền nổi tiếng này trước đây bố mẹ tôi cũng đến dâng lễ “cầu tự” và được Đức Thánh ban cho anh tôi, rồi tôi ra đời. Từ đền Bảo Lộc, chúng tôi về phủ Vân Cát lễ cầu Đức thánh Mẫu. Trọn vẹn một ngày, mọi việc thuận lợi và tôi thấy lòng rất thanh thản.
Mấy năm trước vợ chồng cháu Quang Anh đã tới các cơ sở y tế lớn chạy chữa. Làm thụ tinh nhân tạo ở Bệnh viện phụ sản Trung ương, rồi Trung tâm công nghệ phôi thuộc Viện Quân y 103, tốn kém không ít tiền của và thời gian nhưng đều không kết quả. Cuối tháng này, theo lời khuyên của “linh hồn” bố mẹ tôi, sau khi đi lễ về, các cháu sẽ thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng ở Viện Quân y 103. Cả gia đình chúng tôi hy vọng. Không chỉ tin vào khoa học hiện đại mà đặc biệt lần này còn trông chờ ở sự trợ giúp của tâm linh.
Tiếp đến hai tuần sau cuộc “gặp” kỳ diệu ấy, cũng theo lời khuyên của “linh hồn” mẹ, chúng tôi tìm vào thôn Lạc Khóai, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, nơi hơn 90 năm trước bà ngoại tôi đi cấy thuê, gặp bão, bị lật thuyền chết đuối gia đình không tìm được xác và cũng không biết phần mộ ở đâu. Thôn Lạc Khóai nằm bên sông Hoàng Long. Sông Hoàng Long sâu, có đê cao, bãi rộng. Mùa mưa nước ngập mênh mông, gió to, sóng dữ. Người đi làm đồng bị lật thuyền chết đuối xảy ra thường xuyên. Nên dân ở đây phải dành một giải đất cao sát chân đê làm bãi tha ma. Bãi tha ma có mấy cây gạo cổ thụ và chỉ cách phía sau đình Lạc Khoái chừng 500 mét. Rất khớp với những thông tin mà “ linh hồn ” mẹ tôi cho biết. Chúng tôi được bà con trong làng nhiệt tình chỉ dẫn. Người ta còn kể cho nghe câu chuyện về “Miếu Ba Cô” được truyền khẩu mà ở đây ai cũng biết. Chuyện rằng năm ấy, sau một trận bão lớn có ba xác phụ nữ trôi dạt vào chân đê. Cả ba đều không phải dân vùng này. Người ta đưa đến chôn ở bãi tha ma phía sau đình, gần gốc gạo. Hồn ba người ấy rất thiêng, dân làng phải xây miếu thờ, gọi là “Miếu Ba Cô”. Những năm gần đây Gia Viễn thuộc vùng phân lũ. Đồng ruộng, sông ngòi, vườn ao ngập sâu trong nước hàng mấy tháng liền. Những cây gạo ngoài bãi tha ma to cao là thế cũng chết. Còn “Miếu Ba Cô” thì bị sóng nước và thuyền bè xô đổ mất.
Đi cấy thuê, gặp bão, lật thuyền chết đuối mất xác cùng với bà ngoại tôi còn có hai người bạn gái cùng quê. Vậy có phải đó chính là xác ba người phụ nữ được chôn ở đây và được thờ trong “Miếu Ba Cô”? Dù chẳng có bằng chứng, nhưng không hiểu sao trong thâm tâm tôi cứ tin là thế.
Sau khi thắp hương khấn cầu Thành Hoàng thờ trong Đình Lạc Khoái chúng tôi được hai cháu Tuấn và Chương dẫn ra bãi tha ma, tìm tới chỗ đất cao còn rất rõ dấu tích của “Miếu Ba Cô”. Bày đồ lễ, thắp rất nhiều hương, đốt tiền vàng, quỳ xuống chắp tay tôi khấn rõ ràng rành mạch: kể về mẹ tôi, về bà ngoại tôi, về những người thân trong gia đình...Rằng bao nhiêu năm do chiến tranh loạn lạc, nay các cháu mới có điều kiện tìm đến nơi bà mất, thắp hương bà...Rằng việc tìm hài cốt của bà còn rất khó khăn, hôm nay xin bà cho các cháu rước chân hương mời anh linh bà về quê. Trong lăng nhà ta đã làm sẵn mộ phần của bà...Tôi khấn, nước mắt tràn mi. Nắm hương cắm dưới đất đang cuộn khói bỗng bốc cháy đùng đùng, tro tiền bay mù mịt. Tôi cảm thấy rất rõ luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng.
Từ hôm ấy lòng tôi thanh thản, thấy phần nào vơi nhẹ được nỗi băn khoăn day dứt thương cảm đối với bà ngoại.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Ông này viết rất kĩ, tỉ mỉ.
Gia đình tôi cũng đã mời NNC Phan Thị Bích Hằng về thăm cuối 1992. Tôi sẽ ghi lại để cùng tham khảo.
KQ
Đăng nhận xét