Tháng
9/1970 hơn 40 thiếu sinh quân Khóa 5 - Trường Trỗi nhập học vào C153/K1 Trường
ĐHKTQS. Do đất nước vẫn ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu nên Tết Nguyên Đán 1971
chúng tôi phải ở lại trông coi doanh trại 100% quân số.
Ngày 1/5/1971, Nhà nước
tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân với quy mô rất lớn ở khu Vân Hồ, Bạch
Mai, Hà Nội, để phục vụ cho học tập chính trị, nhà trường tổ chức cho học viên K1 được về tham quan triển
lãm với hình thức tự túc hoàn toàn, sau đó về viết thu hoạch. Thời gian rời khỏi
trường là 16h ngày 30/4, có mặt tại trường là 19h ngày 2/5. Sau hơn 8 tháng rời
xa gia đình và Hà Nội, khỏi phải nói anh em chúng tôi háo hức như thế nào, có
người bỏ cả bữa ăn chiều (được tổ chức vào 15h30 ngày 30/4) đi thẳng ra ga để
tránh sự thay đổi vào giờ chót (thường xảy ra trong chiến tranh) của chỉ huy khoa hoặc
nhà trường.
Nhóm
Trỗi chúng tôi gồm Chí Hòa, Kiến Quốc, Quốc Khải, Quốc Huy, Quốc Hùng, Dũng Triệu,
Hoàng Việt… có mặt ở ga Vĩnh Yên lúc 16h, là giờ quy định tàu Lào Cai – Hà Nội
sẽ đến ga. Thật đen đủi cho chúng tôi là theo thông báo của nhà ga, tàu sẽ chậm
khoảng 2-3 tiếng. Đường sắt Vĩnh Yên – Hà Nội dài 54km và thường sau khoảng 2 -
2.5 tiếng là tàu đến Hà Nội. Thời chiến tàu chậm là bình thường nên chúng tôi
quyết định chờ tàu vì thực ra cũng không có phương án nào tốt hơn. Chuyến xe
Vĩnh Yên – Hà Nội cuối cùng trong ngày rời Vĩnh Yên lúc 15h nên ngoài phương án
chờ tàu chỉ còn cách duy nhất: đi bộ. Đường bộ gần nhất về Hà Nội khoảng 45km.
Nếu theo thông báo của nhà ga thì muộn nhất chúng tôi sẽ có mặt tại Hà Nội trước
22h đêm, vẫn còn ổn chán vì chúng tôi sẽ được chơi ở Hà Nội gần 2 ngày.
Thế
nhưng sự đời thường lại xảy ra không theo ý muốn. Lúc 17h nhà tàu lại thông báo
tàu sẽ tiếp tục chậm, lần này là vô thời hạn. Nhóm Trỗi lúc này đã hết chuyện để
bàn tán, trao đổi. Không khí ngày càng trở nên ngao ngán, chán nản vì chờ đợi. Có ý kiến cho rằng thay vì ngồi đợi
trong vô vọng, chúng ta nên cứ đi bộ từng chặng. Đến ga nào sẽ vào hỏi ga đó, nếu
tàu sắp đến thì sẽ chờ, nếu tàu vẫn chậm thì đi tiếp, còn hơn cứ ngồi chờ trong
vô vọng thế này. Hầu hết mọi người đều
cho rằng đó là ý kiến điên rồ vì khoảng cách 45km là không thể vượt qua nếu đi
bộ dù chúng tôi là những người lính được rèn luyện rất nhiều về hành quân, tuy
nhiên chưa bao giờ vượt qua chặng đường lớn hơn 30km, nhất là đi đêm. Tuy nhiên
có một nhóm lại không cho đó là điên rồ mà hoàn toàn khả thi, đó là Dũng Triệu,
Quốc Hùng, Quốc Huy, Hoàng Việt…Vì không muốn tranh cãi nhiều nên 17h30 nhóm
này vác ba lô lẳng lặng chia tay với anh em, theo đường sắt, đường bộ xuôi về
hướng Hương Canh, quyết tâm thực hiện phương án 2.
Tàu
về Vĩnh Yên lúc 22h30, đông không thể tả. Bằng bản lĩnh của người lính chúng
tôi cuối cùng cũng chen được lên tàu và tụm thành nhóm ở góc toa. Sau nhiều chặng
vừa đi vừa đỗ (mà đỗ nhiều hơn đi!), gần 5h sáng ngày 1/5 chúng tôi về đến ga
Hàng Cỏ. Chia tay nhau, tôi đi bộ về nhà là hơn 7h sáng, chỉ kịp tắm xong là
lăn ra ngủ sau một đêm gần như thức trắng. Lúc ngồi trên tàu chúng tôi bàn với
nhau là không hiểu tình hình của nhóm kia như thế nào, liệu có kịp lên tàu cùng
chúng tôi hay không, hay đã rẽ sang đường Chèm để về Hà Nội.
Chiều
2/5, chúng tôi lại có mặt ở ga Hà Nội để lên đường và nhóm đầu tiên tôi muốn
tìm gặp là mấy ông bạn hành quân bộ. Thú thực lúc đó tôi chỉ mong chúng thừa nhận
sai lầm với quyết định điên rồ của mình. Nhưng không, khi gặp Dũng Triệu, Quốc
Hùng và nghe kể lại hành trình của chúng, tôi chỉ biết lắc đầu thán phục, đồng
thời cũng ngạc nhiên vì cơ may mà các bạn tôi gặp được.
Sau
đây là lời kể của Dũng Triệu:
Chặng
thứ nhất: Vĩnh Yên – Hương Canh: vì sức khỏe còn tốt và muốn chứng minh mình đã
quyết định đúng nên chặng này các bạn đi khá nhanh, hơn 7km mà các bạn thực hiện
trong thời gian 1 tiếng. Đến Hương Canh lúc gần 19h, cả nhóm ngồi nghỉ ở quán
nước trên đường vào ga và phân công Quốc Huy vào ga hỏi tình hình. Kết quả là
tàu không biết lúc nào mới có. Cả nhóm lại tiếp tục đi tiếp.
Chặng
thứ hai: Hương Canh – Ngã ba Phúc Yên (7km): Ra khỏi Hương Canh đội hình đã có
biểu hiện mất tập trung, rải ra làm 2 tốp. Tốp của Dũng Triệu đi lên trước. Đi
một quãng Triệu nghe tiếng con gái cười khúc khích ở phía sau, vì trời tối nên
nhìn không rõ. Đến khi tiếng nói chuyện vui vẻ tiến đên sát bên cạnh thì nghe
thấy tiếng nói quen quen: “Chiến hữu cứ từ từ đi sau nhé, bọn này đi trước
đây”. Nhìn ra thì thấy 2 chiếc xe đạp, phía trước là 2 ông bạn vàng của mình
Hoàng Việt và Quốc Huy đang đèo 2 cô gái ôm ba lô phóng vượt qua kèm theo tiếng
cười đắc thắng. “Hai thằng này khôn thật, phát huy khả năng dân vận thật đúng
lúc”. Vừa mừng cho bạn, vừa tức cho sự ngù ngờ của mình thì ở ngã rẽ phía trước
có 1 chiếc xe trâu đi ra, trên xe chỉ có một bác nông dân. Đây rồi, cơ hội để
kiểm tra khả năng dân vận của mình đã đến rồi. Cả bọn rảo bước tiến tới:
-
Bác ơi, xe mình đi đâu đấy , cho bọn
cháu đi nhờ một quãng?
-
Các chú bộ đội đi làm nhiệm vụ à? Rõ khổ,
đi bộ lâu chưa?
-
Chúng cháu đi từ Vĩnh Yên, chân mỏi lắm
rồi.
-
Xe này chỉ đến ngã ba thôi, các chú
không ngại thì cứ lên cho vui, chỉ tội không được nhanh lắm.
Không
để bác mời thêm, cả bọn leo lên xe trâu, vươn vai, nắn chân, miệng cảm ơn rối
rít. Đi qua ngã ba Nỉ (đường nối từ quốc lộ 2 sang phố Nỉ ở quốc lộ 3) cả bọn
thấy 2 bóng đen đeo ba lô đang lảo đảo đi phía trước. “Hình như 2 thằng Huy, Việt”.
Khi xe đi đến ngang 2 người thì quả nhân là Huy và Việt thật.
-
Lên đây, hai ông tướng, khôn quá hóa vụng
phải không?
Thì
ra, hai cô đó nhà ở gốc cây Diều nên đã rẽ về đường đi phố Nỉ, bỏ lại 2 ông tướng
tiếp tục hành trình về Hà Nội sau khi đã rất nhiệt tình: “Nhà chúng em chỉ cách
đây gần chục cây thôi, 2 anh không ngại thì cùng đến thăm nhà cho biết”. Trò đời
đang từ khổ lên sướng thì dễ, chứ từ sướng xuống khổ thì rất khó, việc chuyển từ
đi xe đạp sang đi bộ làm 2 ông tướng chán nản, may mà xe trâu đi chậm nên còn kịp
“thu dung” 2 ông chứ không thì phải đi bộ cả đêm.
Chặng
thứ ba: Ngã ba Phúc Yên – Phà Chèm: đến gần ngã ba Phúc Yên, xe trâu rẽ vào
làng, cả bọn xuống xe, cảm ơn bác nông dân rối rít. Đến ngã ba cả bọn dừng lại
để họp bàn. Cuộc họp này phải đưa ra một quyết định rất quan trọng. Từ ngã ba
vào ga Phúc Yên khoảng gần 3km, nếu vào ga mà lại không có tàu thì quay lại đường
đi Phà Chèm phải thêm tổng cộng 6km, đây là một chặng đường rất dài, rất đáng để
bàn luận trong tình trạng sức khỏe đã suy giảm, đồng thời đồng hồ sinh học đã bắt
đầu chu trình “Ngủ đêm”. Sau gần nửa tiếng bàn luận, cuối cùng kết luận được đưa
ra: “Đã chót thì phải chét. Tiếp tục phát huy năng lực người chiến sĩ, tận dụng
mọi phương tiện trên đường để về bến Phà Chèm”. Sau này Dũng Triệu có nói với
tôi: “Đây là quyết định rất khó khăn nhưng cực kỳ đúng đắn trong thời kỳ chiến
sỹ của tao”. Tại sao lại đúng đắn? Quãng đường từ ngã ba Phúc Yên đến Phà Chèm
dài khoảng 13km, xấp xỉ quãng đường Vĩnh Yên - Phúc Yên, với tình trạng thế lực
của cả nhóm hiện tại thì đây là quãng đường khó nuốt nhất nếu không muốn nói là
không thể nuốt. Muốn về được Hà Nội lúc này chỉ có chờ kỳ tích xuất hiện.
Và
kỳ tích xuất hiện thật, đúng lúc cả bọn bắt đầu chán nản, hoang mang và nghi ngờ
quyết định tại ga Vĩnh Yên của mình. Số là sau khi đi vào đường đi Chèm khoảng
1km thì cả bọn thấy dọc theo vệ đường có một đoàn xe đang đỗ. Bằng kiến thức
quân sự cả bọn phán đoán đây là một đơn vị pháo phòng không đang hành quân đi
chuyển trận địa. Qua nghe lỏm câu chuyện của các chiến sĩ thuộc đoàn xe được biết
trận địa sắp tới của đơn vị này chính là trận địa Chèm nổi tiếng, chỉ cách phà
Chèm không đầy 1km. Và cũng bằng kiến thức quân sự cả bọn biết rằng đi nhờ 1
đoàn xe đang hành quân chiến đấu theo phương thức “chính tắc” là không thể được.
Một quyết định nhanh chóng được đưa ra, phân nhỏ thành từng tốp 2 người, lảng vảng
ở gần mooc pháo, khi đoàn xe bắt đầu cơ động thì nhanh chóng chui lên mâm pháo,
phủ bạt ra ngoài thì sẽ ổn thôi. Sự việc sau đó diễn ra đúng dự tính.
Cả
nhóm đã về đến ngã ba đường rẽ vào trận địa mà không thiếu một ai và cũng không
ai bị phát hiện. Chỉ có 1 sự cố nhỏ xảy ra là do tính ngủ “tốt” của Tuấn Kiệt.
Do hành quân mooc pháo lắc rất dữ nên hầu như không ai ngủ được, duy có Kiệt “lợn”
vẫn đánh được 1 giấc. Khi đoàn xe dừng lại tất cả lập tức rời xe vì biết chắc
là lúc đó chỉ huy đoàn xe sẽ đi kiểm tra tu toàn của pháo một cách kỹ lưỡng),
chỉ duy có Kiệt là chưa tỉnh giấc nồng. Thật may trong nhóm có Hoàng Việt rất
hiểu tính Kiệt nên nhìn sơ qua nhóm người thấy thiếu Kiệt lập tức thông báo yêu
cầu anh em mau chóng tìm được và lôi Kiệt thoát ly khỏi xe khi đoàn cán bộ kiểm
tra chỉ còn cách xe của Kiệt 1 cái.
Một
km còn lại mau chóng được giải quyết. Cả nhóm đến phà Chèm và mau chóng lên phà
(thời chiến nên phà chạy suốt đêm). Hết phà Chèm là sang đến đất Thủ đô Hà Nội
rồi (Hà Nội lúc đó chỉ đến Chèm). Lúc đó là 1h đêm ngày 1/5/1971. Vào quán nước
ven đường nghỉ ngơi và hỏi thăm tình hình, được biết bến xe Chèm bắt đầu hoạt động
lúc 4h sáng và có 2 chuyến: Chèm - Bến Nứa và Chèm – Ngã Tư Sở. Dũng Triệu, Quốc
Hùng, Quốc Huy, Hoàng Việt lên xe đi Bến Nứa và 5h chia tay nhau ở Bến Nứa, ai
về nhà nấy.
Như vậy nếu không vì bến xe Chèm hoạt động muộn
thì nhóm này có thể đã về nhà trước chúng tôi, những người đi xe lửa, khoảng 4
tiếng đồng hồ rồi. Thời chiến đây là một khoảng thời gian rất có ý nghĩa.
40 năm đã trôi qua, có thể nói đây là một
chuyến đi không thể quên được với Dũng Triệu và các bạn cùng nhóm. Nó khẳng định
một điều với tuổi trẻ và có lòng quyết tâm , cái gì cũng có thể làm được miễn
là biết tận dụng mọi cơ hội.
Hà Nội, 20/3/2012
Lê Chí Hòa.
11 nhận xét:
Kỷ niệm đẹp chỉ có ở tuổi trẻ!
Cảm ơn Chí Hòa. Thay anh Tường Long viết tiếp nhé!
tôi cũng bị tình trạng như thế vào năm 68.từ gia lâm{hết xe}phải cuốc bộ,vừa đi vừa chạy,vượt 50km suốt một đêm.về đến Hiệp hoà đúng 6h sáng.may kịp điểm danh.thật hú hồn.chỉ tại tuổi trẻ thích một nụ hôn của thời chinh chiến.
Tuổi nào cũng có thể có kỷ niệm đẹp, chỉ có điều các vẻ đẹp rất khác nhau.
Có một lần, hồi thập kỷ 70 thế kỷ trước, đi xe tuyến của HV (ĐHKTQS hồi đó), đến đoạn đường bị lũ phá ở quá Hương Canh, tất cả phải xuống lội bộ qua đoạn ngập nước. Khi bọn mình lội gần qua hết đoạn đường đó thì thấy có một xe kéo rơ mooc chạy qua, trên thành sau của romooc là anh Phạm Tr. (GV K2), một tay bám thành xe, một tay chỉ về phía trước, miệng lắp bắp một điều gì đó. Xe phóng nhanh qua, mọi người đoán già đoán non, không biết anh ấy định nói gì. Người thì cho rằng anh ấy bảo:" Đi lên trên kia đi, xe sẽ đỗ ở đằng kia cơ"??/ Người lại cho rằng ông ấy nói là "chúng mày thấy chưa, chúng mày phải lội bộ, còn tao được đi xe". Qua hết chỗ lội, lên xe thì vẫn không thấy anh Tr. đâu. Mọi người nghĩ chắc anh ấy theo xe kia về luôn Hà nội. Xe chạy thêm độ 5-6 km thì thấy anh Tr. đứng bên đường vẫy. Xe dừng, anh Tr. bước lên, cười và nói:" Khổ quá, đập thành xe, hò hét mãi nó mới dừng lại cho mình xuống". Thì ra khi bắt đầu lội quãng đường lụt, thấy cái xe đi chầm chậm, anh đã nhảy lên bám thành rơmooc. Đến khi gần hết đoạn lụt, chưa kịp nhảy xuống thì xe tăng tốc, không dám nhảy nữa. Lúc đi qua đám anh em lội bộ, anh đã chỉ về phía trước nhờ anh em bảo lái xe dừng cho anh xuống, nhưng đám đi bộ đã không nhận được thông điệp cầu cứu đó nên đã không giúp được anh. Vậy là anh đã phải đứng bám sau rơmooc thêm quãng đường 5-6 km, vừa đi, vừa đập thành xe, vừa hò hét, cho đến khi lái xe nhận ra sự lạ, dừng xe cho anh xuống như đã kể trên.
Kết luận: Được chưa chắc đã phải là được, chưa đươc chưa chắc đã là mất. Đời nó thế.
Trước khi lên trường Trỗi, ở tuổi 15, mình cũng đã từng đi bộ một mình từ khu BTL HQ, qua phà Bính đến gần bến phà Đụn - ranh giới Hải Phòng -Quảng Ninh, rồi lộn trở lại xã Hợp Thành - Thủy Nguyên. Lý do đến đó rồi phải lộn lại vì mấy hôm trước, lớp mình đang lao động đập đá ở bến Đụn. Mình về HP và không biết lớp đã rút về nơi sơ tán là xã Hợp Thành. Xuất phát từ Hải Phòng lúc 4 giờ chiều, đến bến Đụn rồi quay lại đến chỗ sơ tán của lớp vừa đúng 10 giờ đêm. Sau chuyến đi bộ 6 tiếng đồng hồ đó, việc đi bộ đối với mình chẳng còn gì đáng sợ. Chỉ có điều hôm sau hai chân đau nhừ, phải mất mấy ngày mới hết đau.
Phải nói đ/c nào liều đi là đ/c anh hùng lúc đó. Còn ta thì sợ bỏ mẹ!
Chuyện đi nhờ xe trong chiến tranh thì rất phổ biến. Năm 1972, tôi và một anh bạn đi bộ từ Hiệp Hòa ra Từ Sơn, đi được chừng 15 km thì có một chiếc Molotova "bò" ra từ phía sau (vì đường xấu mà). Tôi vẫy xe và nói nhanh : "Cho đi nhờ một đoạn nhé!". Xe vẫn "bò", hai thằng nhanh chân nhảy lên thùng xe. Xe đến dốc Lã thì tắc đường, dừng lại. Một anh bộ đội ngoái ra phía sau quát to : "Các ông này đã hỏi chưa mà nhảy lên xe thế?". Bọn tôi hơi lo sợ bị đuổi xuống giữa đường. Nhưng một giọng già dặn hơi đã trả lời hộ chúng tôi : "Hỏi rồi, nhưng chưa đồng ý thì các bố đã nhảy lên rồi" và quay ra chúng tôi, anh phán một câu bâng quơ : "Thời chiến phải như vậy, đúng không, các cậu?". Mừng quá. Đúng là ... chả biết thế nào. Về đến đầu cầu phao Chương Dương, xe rẽ về phía Hưng Yên, chúng tôi xuống xe không quên nói lời cảm ơn.
Bài viết hay, nhưng mà có sự bốc phét lớn. Chí Hoà có viết cho Blog bao giờ, đến DĐ cũng còn chẳng biết dùng, nói gì tới Vi tính.
Đố các bọ, số DD của CH là 09...bao nhiêu nào ?
@Thắng KV: Tại sao ông nói: có sự bốc phét lớn? Cứ vào ô 'Tìm kiếm' những bài trên blog này (ở cột phải), viết 'lê chí hòa' là hiện không dưới 10 bài.
Còn việc Chí Hòa không dùng ĐTDĐ là khác, bạn không thích dùng thì có sao, miễn là họp lớp có mắt là được.
Mới đọc thấy nhớ lai xin tiếp hành trinh một nhóm khác đánh lẻ 3 người.
Cũng chiều đó tôi với Hà văn công (CÔng kều), Phạm kháng trường bàn nhau không đi tàu vì qúa hiếu tầu Vĩng yên - Hà nội chính xác thế nào nên quyết định đón xe hàng tại dốc láp vì các xe chở hàng đến đọan đó thường thường đón khách chở thêm .Lúc đầu đứng đầu dốc , các xe di qua vẫy chẳng thấy hồi âm gì , lúc sau ngĩ ngu thế đầu dốc nó không dừng vì đang xuống dốc , xuống dốc thì cả đám khác lên hết mình trơ mắt ếch , cả bọn đổi vị trí chọn cuối dốc .Đợi đến 7 giờ tối mà chẳng thấy xe nào ba đứa đã nản nghĩ bụng chắc không về được HN tối đó , bụng thì đói mà không dám đi đi ăn kể cả bàn 1 thằng đi mua bánh mì còn 2 đứa đón xe nhưng bàn lỡ lúc đi mua mà đón được xe thì đồng chí bạn ở lại cũng không xuôi , nên cả bọn quyết định cùng chờ,đói,về HN ăn sau ( cùng tưởng tượng mmình về trước 10h ).
Đến khỏang 9h ( 5 tiếng chờ và vẫy xe trong vo vọng ), đến lúc hết hy vọng thì Công phát hiện có 1 xe tải đang đến và đúng như tính chú này chở nặng nên chạy ì ạch xuống dốc cả bọn ra sức vẫy , nó tỉnh bơ đi qua nhưng từ từ dừng lại ( thật tuyệt vời ) 3 đứa lao đến đề nghị cho đi nhờ tay lái xe nói 1đồng/chú nếu đi thì lên thùng , Trường trả giá 8hào nó định đi sau đồng ý ( Cả bọn OK ngay chắc các bạn không thể tưởng tượng niềm vui lúc đó ( vẩn càn cảm giác đến giờ . Lên xe nhìn thấy tòam chum bịt nilong , trời tối cũng chả biết gì đóan chở nước mắm Kháng Trường nói có chai tranh thủ múc bù lỗ lại tháng mình có 5 đồng mà nó không thương bộ đội chém thế ,nhưng ngửi không thấy mùi nên thôi ( ngu nước mắm ai lại chở từ ngược vế xuôi).Tạm ổn trời mát ,dù đứng hai chân hai hàng ôm chum ở giữa mà 3 chú ôm chum quên hết đói mệt nói chuyên vui ra phết . Xe chạy được khỏang 30 phút lại buồn ngủ và gà gật được khỏang 1 tiếng thì xe tự nhiên dừng ,LX nói các anh xuống đi , tưởng LX mót tè cả bọn đồng thanh không sao đâu chờ được (Công và tôi tè trên xe rồi),Trường còn chưa tỉnh ,nhưng bất ngờ LX nói xe chỉ chạy đến yên viên rồi giờ sang Bắc ninh không về HN .Đọan đường còn lại chắc các bạn cũng đóan được thế nào,kết thúc đến nhá sớm nhất cũng 1h sáng , Công gần 2h ...
Chưa hết , sau khi lên trường 3 đứa hỷ hả vì chuyến đi vui thật , bị LX lừa nhưng về được HN la vui rồi . Hôm sau tự nhiên thấy ở bẹn và ngực nổi đỏ tưởng gẻ tắm kì lấy kì để vẫn không hết , Kháng trường cũng vậy nói sao tao ngứa mà không dám nói bọn mày , tôi nói cũng vậy thì Công lò dò bảo tao bị gẻ đang lên quân y xin thuốc 3 đứa giở xem thi như nhau ngơ ngác sao gẻ giống nhau Trường bảo quần tao chỗ đo tự nhiên thủng , 3 thằng vội lục quần áo xem thì ôi thôi hai bên bẹn quần với trước ngực thủng lỗ chỗ ( lại 3 bộ mới nhất định diện về HN chơi ).Công nhớ lại hình như do đi xe và cả bọn ngẩn to te minh đi dúng xe chở axit đưng trong chum , nên 3 đưa bị giống nhau cùng tư thế ôm vò , đi đời 3 bộ quần áo mới lĩng + ngứa vái hôm .
ND ơi, bạn tên gì? Bài này đăng lại bên 'hvktqsphianam.blogspot.com' đấy!
Đăng nhận xét