Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

CHÍNH TRỊ VIÊN CỦA TÔI (Đỗ Thành Hưng)


Trước ngày đi B, tôi được bổ nhiệm làm đại đội trưởng, tôi dọn về ở cùng phòng với chính trị viên Đặng Đức Sỹ để hai anh em tiện bàn bạc, trao đổi công việc, phân công nhau chuẩn bị mọi mặt cho đơn vị để lên đường đúng ngày giờ quy định. Thời gian chuẩn bị chỉ khoảng bốn tuần. Chúng tôi quá bận, không có thời gian về từ biệt gia đình dù chỉ một nửa ngày là đủ. Tôi và anh Sỹ cũng chưa kịp tìm hiểu kỹ về nhau. Ban ngày cũng ít khi được ngồi ăn cơm với nhau, ai về trước thì ăn trước. Buổi tối chúng tôi trao đổi công việc đã làm trong ngày và thống nhất công việc ngày mai. Tối đến, mệt mỏi vì lo toan suốt cả ngày, chúng tôi hỏi về nhau dăm ba câu rồi mỗi người đắm vào suy tư của riêng mình và chìm sâu trong giấc ngủ.


Tôi biết anh đã có vợ và hai con, gia đình ở Uy Nỗ, Đông Anh. Anh đi bộ đội từ những năm 59-60, anh có dáng người to cao, khoẻ mạnh, chắc chắn, cằm hơi bạnh, vẻ mặt cương nghị. Dáng làm quân sự hơn là làm chính trị.
Chiều ngày 15/12, sau khi tổ chức kết nạp Đảng cho tôi, anh và cậu liên lạc tên Nguyện, quê Chương Mỹ cùng vài anh em nữa, lên xe của Trung Đoàn sang Vĩnh Yên nhận tám xe bọc thép BTR-60 BP phối thuộc cho đại đội tôi để chở quân đi B.
Đêm khuya ngày 16/12, đoàn xe phối thuộc cho đại đội về tới Xuân Mai, tôi vẫn chong đèn ngồi đợi. Một dáng người to cao, áo quần xốc xếch, chật căng, chân đất, tay xách đôi giày đen bước vào phòng. Anh quăng đôi giày xuống đất, nét mặt căng thẳng, hầm hầm. Tôi nhận ra anh nhưng gương mặt rắn rỏi, cương nghị của anh hàng ngày - gương mặt người chính trị viên của tôi sao lại thay bằng gương mặt lạ lùng vậy? Anh không nói không rằng và ngồi xuống ghế. Tôi chưa hiểu điều gì, chưa kịp hỏi anh có chuyện gì thì cậu Nguyện liên lạc bước vào, cũng áo quần xốc xếch, chân đất, gương mặt thất thần, tái mét, một bên mắt và má trái tím bầm, sưng húp. Tôi vội chạy lại đỡ Nguyện ngồi xuống ghế và hỏi:
- Sao thế này hả Nguyện?
- Dạ! Em bị chính trị viên đạp vào mặt ạ!
Nghe vậy máu trong huyết quản tôi thấy nóng dần. Tôi liếc nhìn anh và ném về phía anh một cái nhìn trách móc và có phần giận dữ. Một ý nghĩ rất nhanh trong đầu tôi: Một cán bộ, một Đảng viên, một sỹ quan mà đánh lính trước giờ ra trận thì dù bất luận đúng sai thế nào cũng không thể chấp nhận được! Hình ảnh người chính trị viên, người giới thiệu tôi vào Đảng mà thế này ư? Xử lý sao đây? Tôi còn đang mông lung, bối rối thì anh mở tủ rồi đi lại phía tôi và Nguyện. Anh đưa tôi hộp dầu cao sao vàng và nói:
- Anh Hưng, xoa nhẹ cái này cho cậu ấy giúp tôi!
Rồi anh gọi cậu liên lạc của tôi lấy nước nóng, pha muối, vò khăn chườm cho Nguyện. Lấy quần áo ấm cho Nguyện thay. Sao nhỉ? Chuyện gì đây? Tôi thật không hiểu gì cả! Anh lấy quần áo của mình thay bộ quần áo chật căng chắc không phải của anh. Tôi thật sự bối rối. Tôi vội thay ấm trà pha nước mời anh để hỏi sự tình, uống ngụm trà ấm rồi anh rành rọt nói rõ ngọn ngành.
- Đoàn xe của mình đi qua bến phà Mía, xe tôi ngồi, bơi tới giữa sông thì nước tràn vào, không rõ vì sao? Chắc do động tác lái không đúng. Cậu lái xe và trưởng xe bật cửa nhảy ra. Xe chết máy và chìm rất nhanh. Tôi kịp bật cửa pháo thủ nhảy ra, Nguyện ở trong cũng lần được cửa pháo thủ trồi lên. Trong đêm tối có nhìn rõ cái gì xung quanh đâu! Nghe tiếng kêu cứu, thuyền của dân hai bên sông chèo ra cứu kịp cả bốn chúng tôi. Ông tính, rét thế này bao nhiêu áo ấm mặc cả vào người, lại đôi giày cô-sư-ghin chết tiệt như đeo đá vào chân, không thể tháo ra được. Tôi chỉ kịp cởi phăng cái áo bốn túi, cái áo len, vừa bơi, vừa kêu cứu. Bỗng thấy loằng nhoằng ở chân, tôi biết là Nguyện cố bíu chặt chân tôi trong cơn hoảng loạn. Tôi lấy hết sức bình sinh đạp cậu ấy thật mạnh, cậu ta buông chân tôi ra....
Nguyện chen vào:
- Em bị choáng, chỉ còn lơ mơ thấy ai túm tóc em.
Anh nói tiếp:
- Lúc ấy cứ đạp thôi, biết chỗ nào mà tránh, rồi tôi túm tóc cậu ta, tôi bơi có một tay.
Cũng may, tôi có một thời gian ở vùng sông nước, lại có sức khoẻ, biết bơi, có chút kinh nghiệm cứu người khi cùng bị đuối. Không để cho họ túm được mình trong cơn hoảng loạn. Nếu không thì chết cả hai.
Tháng này nước sông Hồng cạn, lưu tốc nhỏ chứ mùa mưa lũ thì thầy trò tôi chắc không còn thấy được anh em!
Lên thuyền, Nguyện bị ngất, bụng no căng, sau khi làm động tác cấp cứu kịp thời, cậu ta dần tỉnh lại, mặt còn xanh lét kia kìa!
Tư trang, giấy tờ, trang bị còn ở cả dưới lòng sông. Phải lấy tạm quần áo của anh em mặc đỡ. Lúc lên bờ mới thấy cái lạnh thấu da, thấu thịt.
Ôi! Thì ra là vậy! Tôi thật là hồ đồ đã thầm trách nhầm anh. Tôi thấy mắt cay cay không biết vì xúc động hay ân hận vì phản ứng nông nổi của mình khi sự việc chưa biết rõ ràng.
Anh đã làm một việc diệu kỳ, vượt qua cái chết nhưng không quên đứa em, người đồng đội của anh, của chúng tôi. Giá phải như tôi trong trường hợp này chắc tôi và cậu liên lạc đã đi toong là cái chắc. Tuy ở vùng quê nhưng tôi không biết bơi, biết lội. Mỗi lần ra ao tập bơi, cả hai tay, hai chân tôi vẫy đạp tứ tung, loạn xạ, mà bọn trẻ con chúng tôi thường gọi là kiểu bơi chó! Tôi chả biết bơi ếch, bơi bướm là gì.
Sau này vào chiến trường, tôi có nghe nói BTL-TG đã trục vớt chiếc xe ấy, cụ thể thế nào tôi không rõ.
Sáng 17/12, tôi nhận được lệnh ngày lên đường nhưng giờ G chưa xác định, đơn vị được lệnh cấm trại, nay gọi là giới nghiêm.
Ngày 17 và 18/12, anh Sỹ sao lại toàn bộ giấy tờ, sổ sách của đơn vị, từ hồ sơ lưu trữ của tôi. Anh tâm sự:
- Mọi thứ sổ sách, giấy tờ mình làm lại được, quân tư trang trung đoàn trang bị lại. Mình chỉ tiếc mấy tấm ảnh của vợ con, gia đình và vài kỷ vật vẫn còn trong xe chìm dưới đáy sông.
Tôi vâng, dạ tỏ ra đồng cảm với anh, nhưng thực lòng tôi đâu có hiểu hết tình cảm của anh. Bởi tôi chỉ có chiếc ba lô, tình cảm với mẹ và gia đình thì ai chẳng có. Một vài bóng dáng người con gái nào đó mơ hồ, lãng đãng, không rõ nét ở tuổi trưởng thành là lẽ bình thường, không nhẹ nhưng cũng chẳng nặng gì đối với tôi. Làm sao tôi hiểu được cái tình, cái nghĩa vợ chồng, cha con ở nơi anh. Anh sắp phải xa... xa lắc... xa lơ... chưa hẹn ngày trở lại.

Không có nhận xét nào: