Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Thượng tướng Chu Văn Tấn, tôi rất kính trọng và biết ơn! (Kim Sơn)

Tướng Chu Văn Tấn
(1910 - 1984)
Đầu tháng 8/1944, Đội du kích Tam Đảo, Quân Chu (sau này phát triển thành trung đội Việt Nam giải phóng quân Phạm Hồng Thái) của chúng tôi có vinh dự được đón “một đồng chí thượng cấp của đoàn thể” đến thăm. Đó là đồng chí Tân Hồng, cùng đi còn có 2 đồng chí Chu Phóng và Hà Châm. Sau này tôi mới biết đồng chí Tân Hồng còn có tên khác: Ba – tên bố mẹ đặt, tên Chu Hữu Quang, Chu Văn Tấn, Tân Hồng là những tên khi đi hoạt động bí mật.
Là “thượng cấp” nhưng đồng chí đến làm việc với chỉ huy đơn vị chúng tôi với một tác phong vô cùng bình dị; cùng ăn những bữa cơm thật đạm bạc với măng chua, rau rừng, (có bữa phải ăn cháo loãng nấu từ bột đao rừng giã ra hoặc chia nhau những củ sắn luộc, sắn lùi); cùng ngủ với chúng tôi trên sàn nứa không có manh chiếu trong cái lán trống tuềnh toàng giữa rừng sâu. 




Đồng chí ngồi nói chuyện với chúng tôi suốt đêm thâu bên ngọn lửa bập bùng hoặc dưới ánh trăng. Cứ nhẩn nha nói với chúng tôi những chuyện thật giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc: Tại sao dân ta lam lũ thế này mà vẫn đói, vẫn rách? Rồi đồng chí giải thích vì giặc Nhật, thực dân Pháp áp bức, nên chúng ta phải đánh đổ chúng… Rồi phải làm sao cho nhiều người dân hiểu điều ấy.
Do vậy, đội du kích phải mở rộng vùng hoạt động ra các làng xã lân cận: lên phía bắc, xuống phía nam, làm thông “con đường Nam tiến”, bắt liên lạc với các đồng chí trong trại giam Bá Vân, với cơ sở của đoàn thể ở Phổ Yên, ở Hiệp Hoà và bên Vĩnh Yên, Phúc Yên…
Lần thứ hai, chúng tôi lại được gặp đồng chí Chu Văn Tấn vào ngày 21/4/1945, khi đồng chí cùng đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đi dự Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ ở Hiệp Hoà, Bắc Giang trở về Thái Nguyên. Cùng đi với còn có đồng chí Lý (Hoàng Hữu Kháng) – một trong 12 đồng chí vượt ngục chợ Chu, sau này là người bảo vệ của Bác Hồ.
Các đồng chí lại giao cho chúng tôi nhiệm vụ phải đánh Nhật để mở rộng khu vực giải phóng, giữ vững đường liên lạc với Trung ương ở dưới xuôi, đưa đón các đoàn cán bộ của đoàn thể và Mặt trận ở dưới xuôi lên căn cứ địa Việt Bắc và từ Việt Bắc về xuôi. Đồng chí Võ Nguyên Giáp còn căn dặn về chủ trương của đoàn thể đối với người Pháp là thành lập Mặt trận nhân dân Đông Dương chống phát xít Nhật…
Lần thứ ba, tôi lại được gặp đồng chí Chu Văn Tấn ở Định Biên Thượng trong buổi lễ đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất Cứu quốc quân với Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân diễn ra ngày 15/5/1945, theo nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (do đồng chí Trường Chinh chủ trì). Khi này đồng chí Võ Nguyên Giáp là tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, còn đồng chí Chu Văn Tấn là chính trị viên.
Tại hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào tháng 8/1945 dưới sự chủ trì của Bác Hồ đã “thống nhất lực lượng vũ trang toàn quốc” thành Việt Nam Giải phóng quân vẫn do 2 đồng chí phụ trách.
Tháng 6/1945, thành lập Khu giải phóng gồm các tỉnh: Cao – Bắc – Lạng – Hà - Tuyên – Thái và các địa phương phụ cận. Ban chỉ huy Khu giải phóng được hình thành gồm các đồng chí: Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Đức Thanh (Đàm Minh Viễn - anh trai đồng chí Đàm Quang Trung) và đồng chí Phạm Văn Đồng.
Sau này tôi mới biết đồng chí Chu Văn Tấn đã là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1936, đã sinh hoạt trong các chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Thái Nguyên; đã tham gia Khởi nghĩa Bắc Sơn và là chỉ huy Cứu quốc quân được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ từ năm 1941.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời, có thời gian kiêm cả chỉ huy trưởng Chiến khu 4.
Mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 – 1954), Hồ Chủ tịch nói chuyện với đồng bào Việt Bắc đại ý là: Việt Bắc đã đưa cách mạng Tháng Tám đến thành công thì nhất định sẽ đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Năm 1990, theo đề nghị của Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân khu I, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong lời giới thiệu với đồng bào và chiến sĩ cả nước về sự chỉ đạo chiến lược quân sự của Liên khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp như sau: “Từ những năm tháng chuẩn bị võ trang khởi nghĩa cho đến cách mạng Tháng Tám, tiếp đến trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài, Việt Bắc là một địa bàn chiến lược quan trọng, là căn cứ địa của Trung ương, là hậu phương của cả nước.
Trong cả cuộc kháng chiến, Việt Bắc cùng với Tây Bắc luôn luôn là hướng trọng yếu nhất của chiến trường chính là miền bắc nước ta. Ở đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu thắng lợi đầu tiên của chiến tranh du kích, những chiến dịch lớn làm thay đổi cục diện chiến tranh như: chiến dịch Việt Bắc thu đông 47, chiến dịch Biên giới thu đông 50, cho đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Việt Bắc có núi rừng hùng vĩ, có đồng bào các dân tộc giàu truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm. Với vị trí “tiến khả dĩ công, thoái khả dị thủ”, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã sớm nhìn thấy các thế mạnh nhân hoà địa lợi của Việt Bắc, nên đã chọn Việt Bắc làm căn cứ địa chủ yếu của cuộc kháng chiến…
Ở đây, tôi cũng muốn nói đến những chiến công và thành tích lớn lao của quân và dân Việt Bắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.
Năm 1956, khi thành lập Khu tự trị Việt Bắc theo quyết định của Đảng và Chính phủ, với cương vị là Bí thư Đảng bộ và Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị, đồng chí Chu Văn Tấn đã không phụ lòng tin cậy của Trung ương Đảng, Bác Hồ và sự tin yêu của đồng bào các dân tộc, luôn luôn chăm lo thực hiện lời dạy của Bác Hồ làm cho đồng bào Việt Bắc tiến kịp miền xuôi.
Do vậy mà đồng chí lặn lội, sâu sát nắm bắt nguyện vọng của đồng bào các dân tộc: Mở trường học để nâng cao dân trí, mở mang đường xá vào các vùng sâu vùng xa, lên các vùng đồng bào ít người của Hà Giang, Cao Bằng… đến các bản làng cùng với cán bộ địa phương tìm ra cách làm ra nhiều sản phẩm để đời sống nhân dân các dân tộc ngày càng no ấm và giàu có hơn.
Căn cứ địa Việt Bắc có vị trí địa lý chính trị quan trọng bậc nhất của cách mạng Tháng Tám, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc.
Bác Hồ, Trung ương Đảng đã chọn mặt gửi vàng, và đồng chí Chu Văn Tấn đã không phụ lòng tin cậy của Bác, của Trung ương, đã góp phần rất tích cực trong việc xây dựng, phát triển Đảng, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng và dựng nên nhà nước của dân, vì dân.
Công lao của đồng chí xứng đáng để toàn Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta kính trọng và học tập.

(Kim Sơn - Chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Lão thành cách mạng, 80 tuổi đời, Uỷ viên thường trực Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng quân).

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Theo nguồn tin chính thức, lần đầu tiên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân vừa đến thăm gia đình Thượng tướng Chu Văn Tấn.

TranKienQuoc nói...

Cho đến phút cuối cùng, cụ rất lạc quan: "Bố không hề có lỗi, bố đã báo cáo với tổ chức. Tuần sau bố về rồi".