Chúng ta thử đi sâu vào phân tích một vài thói hư tật xấu trong danh sách nói trên xem lý do nào mà những người được phỏng vấn lại cho rằng đấy là những thói hư hàng đầu của người Việt Nam hôm nay:
a. Lối sống vụ lợi, hám tiến
Có thể nói rằng đấy là thói hư muôn đời của con người chăng? Như Phật dạy, không ngọn lửa nào nóng hơn lửa tham. Shakespeare cũng diễn tả trong “Romeo và Juliet”. Lúc Rome đi mua thuốc độc, khi gã bán thuốc độc đưa thuốc độc cho Romeo và nói :” Thưa ngài, thuốc độc đây!” thì Romeo chỉ vào gói tiền chàng đang cầm và trả lời, “Không, đây mới chính là thuốc độc”.
Cụ Nguyễn Khuyến khi bình về Truyện Kiều đã chẳng hóm hỉnh nhận xét:
"Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?”
Nhưng hiện nay ở chúng ta đang có hiện tượng vụ lợi đến mức hoàn toàn bất chấp nhân tình đạo lý và coi thường mọi khái niệm đạo đức. Cũng theo các nhà nghiên cứu thì trong thời chiến tranh thói xấu này không có điều kiện phát triển, thế nhưng vào thập niêm 80, “đêm trước” của đổi mới, đã có dấu hiệu của lối sống này với những câu hò vè như “Một yêu anh có sen cô/ Hai yêu anh có pơ-giô đi làm “.
Hay những ước mơ kiểu như: “Tivi, tủ lạnh, Honda/ Có ba thứ ấy mới là người sang”.
Các nhà nghiên cứu nêu nhận định “Một số quan chức “nêu gương” lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của nhà nước lúc giao thời, ra sức vơ vét của công làm giàu cho bản thân, sống phè phỡn trên sự nghèo đói của dân và sự kiệt quệ của Nhà nước”. Thói xấu ấy bám rễ vào từng ngõ ngách tâm hồn, cuộc sống, làm băng hoại lương tri, huỷ hoại mọi mối quan hệ trong cuộc sống.
Các tác giả kết luận “Với xã hội không chỉ “đồng tiền là vật định giá” mà nay “đồng tiền quyết định tất cả”, phải chăng chúng ta đang chứng kiến một bức tranh xã hội có phần ánh xạ mặt tiêu cực của xã hội thời kỳ tích luỹ ban đầu của tư bản chủ nghĩa thế kỉ XVIII-XIX ở Châu Âu!” Nơi mà nói như ông trùm xã hội đen Năm Cam “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng…rất nhiều tiền”.
Phải chăng những nhận định và kết luận của các tác giả có phần khoa đại? Có thể thấy thực tế đời sống còn đáng bi quan hơn khi chúng ta thường xuyên tiếp cận những thông tin về các hiện tượng tiêu cực liên quan đến lối sống vụ lợi, hám tiền. Nói như nhà văn Nguyễn Khắc Trường trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma” thì chia đất, thầy phù thuỷ cũng phải bỏ chạy vì lúc ấy ma nhiều hơn người, cha đâm bổ vào con, vợ đâm bổ vào chồng, anh em đâm bổ vào nhau…không còn chi nhân luân, cương thường…Mọi giá trị đều bị đảo lộn…Ngay cả những môi trường trước đây được coi là không thể bị đồng tiền chi phối thì nay cũng bị ô nhiễm nặng nề như giáo dục, y tế và cả tôn giáo nữa. Người ta chạy trường, chạy bệnh viện, mua bằng, mua chức, mua học vị học hàm, buôn thần, bán thánh…không từ một thứ gì không bị định giá theo mãi lực.
b. Thái độ sống giả dối, hai mặt
Xã hội tồn tại một cách ổn định khi con người cư xử với nhau có đạo đức và ứng xử một cách chân thật. Một khi con người dùng lời lẽ hoa mỹ thể hiện đạo đức ở chỗ công cộng mà đời sống cá nhân buông thả thì đó là lối sống đạo đức giả, sống hai mặt. Ngày nay, không ít những người có danh phận luôn luôn tìm cách trưng bày bộ mặt đạo đức, rao giảng những điều nhân nghĩa nhưng thực tế thì ra sức vơ vét và hưởng thụ một đời sống thác loạn. Có những nhà chính trị chỉ hứa và tuyên bố cho qua nhưng không làm gì để cải thiện tình trạng suy đồi đạo đức hiện tại. Có những quan chức chỉ biết chạy theo các thành tích ảo. Ngay cả những nhà quản lý giáo dục cũng bộc lộ suy đồi nhân cách đáng quan ngại. Những hiện tượng đạo văn, lấy công trình nghiên cứu của người khác làm của mình…hầu như đã là phổ biến. Đây là tiếng chuông cảnh báo trước nguy cơ chúng ta trở thành một dân tộc thiếu trung thực. Việc xếp lối sống giả dối, hai mặt vào hàng thứ hai trong danh sách những thói hư tật xấu của xã hội cũng là một điều không có gì quá đáng.
c. Lối sống hưởng thụ
Người ta nghĩ gì khi chúng ta phấn đấu đạt mức sản xuất một tỷ lít bia năm nay? Có đáng tự hào không khi khắp nơi đều ăn nhậu tràn lan, cả trong giờ lẫn ngoài giờ làm việc, cả quan và dân đều say sưa, đề rồi sau đó là các tệ nạn đính kèm như “tăng hai, tăng ba…?” Riêng trong lãnh vực ăn nhậu đã đủ làm sinh hoạt xã hội xáo trộn vì còn đâu những bữa cơm chiều ấm tình gia đình? Rồi đến những tệ nạn diễn ra gần như công khai. Đi đến một tỉnh nghèo như Bắc Giang, người ta nghe cụm danh từ như “ngã ba sung sướng”, “phố vẫy”. “phố dạng chân”…Chưa bao giờ tâm hồn tuổi trẻ lại bị xâm thực bởi những cơn sóng “đen” của những trang web sex, phim cấp 3 cấp 4 như bây giờ. Đến nỗi các em không còn ngần ngại khi tự thu hình khoả thân của chính mình, hoặc hành hạ bạn mình để tung những clip đen lên mạng. Quả thật, lối sống hưởng thụ thác loạn cũng rất xứng đáng được liệt kê vào hàng đầu của bản danh sách những thói hư tật xấu đang làm băng hoại xã hội.
d. Một thói xấu cần được bổ xung trong danh sách giải quyết vấn đề bằng bạo lực
Có một thói xấu chưa được các tác giả nghiên cứu ghi nhận nhưng hết sức nhức nhối hiện nay là việc giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực. Không hiểu từ bao giờ, tình trạng sử dụng bạo lực lại trở nên rộng khắp và lây lan nhanh đến vậy. Người ta đã bớt đưa ra điệp khúc “tàn dư văn hoá đồi truỵ” hay “ảnh hưởng phim ảnh Tây phương” bởi lẽ tội phạm ở nước ta còn nhiều gấp mấy lần những nước mà chúng ta có một thời “gán” cho họ đủ điều xấu xa.
Có phải vì hội nhập?
Thế nhưng có người lại gọi tất cả thói hưởng thụ, hám tiền, sử dụng bạo lực là mặt trái của hội nhập (?) như ông Giám đốc Sở giáo dục TP.HCM khi trả lời về tình trạng bạo lực học đường. Quý ngài hiểu thế nào là hội nhập?
Khái niệm hội nhập (integration) để chỉ một quá trình mà một thực thể đơn lẽ nào đó tham gia hoà nhập vào một thực thể khác hay một quá trình rộng lớn hơn. Hội nhập văn hoá luôn diễn ra mọi lúc ở cấp độ quốc giá, khu vực và toàn cầu. Kế thừa những giá trị truyền thống và phát huy nó, đồng thời tiếp thu những luồng văn hoá khác là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của bất kỳ quốc gia hay dân tộc nào. Vấn đề là làm thế nào để “ xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” (Nghị quyết Trung ương V-1998), đồng thời xây dựng một thiết chế văn hoá mạnh và tránh tình trạng như nhận xét “thiết chế hiện nay còn mang nặng tính một chiều nhà nước hoá, vận hành còn nặng tính chính trị hoá và hành chính hoá, chất lượng của đội ngũ cán bộ vận hành còn thiếu năng lực, trách nhiệm và nhiệt tình”.
Nghĩa là thiết chế phải tạo được sự cân bằng, khiến người dân không chỉ được hưởng thụ những giá trị văn hoá đích thực mà còn được tham gia quá trình sáng tạo văn hoá cộng đồng. Muốn phục hưng những giá trị truyền thống, chúng ta phải huy động nguồn lực không chỉ của nhân dân mà chính tầng lớp quan chức phải thay đổi sâu sắc quan điểm, thái độ đối với văn hoá, giáo dục, và cả tôn giáo, nhất là Phật giáo, vốn đã Việt hoá trở thành “văn hoá hoá”. Một khi trong tâm thức dân gian, ý thức về nhân duyên, nghiệp quả, tu nhân tích đức… trở thành nét chủ đạo, thì giá trị văn hoá cốt lõi sẽ được khôi phục. Dù mất nhiều thời gian, chúng ta cũng phải hết sức cố gắng khôi phục những giá trị ấy nếu không chúng ta sẽ đương đầu với thảm hoạ khi những thế hệ mai sau đánh mất bản sắc hay bị cuốn theo những triết lý thực dụng vụ lợi, vật chất tầm thường hay hoàn toàn bị cuốn hút bởi các thói xấu được liệt kê ở trên.
Hãy bắt đầu trước khi quá muộn!
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Cây từ Vũng Chùa (Quang Việt)
- KỶ NIỆM ĐỜI LÍNH (Phần II) (Việt Dũng)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Bài viết phân tích của bác Cẩn hay quá ! Nhưng xem ra dân chúng bây giờ si mê quá , họ chả có gì để tin nên có lẽ họ đành tìm đến " con người lý tưởng - là Phật" , họ tìm đến " miền đất hứa ảo mộng - niết bàn " mà họ không hiểu hết Phật và Niết bàn là gì như bài của anh Tiến "gù" nói về tu theo Phật !
Đăng nhận xét