Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Công phu

Tổ chức duy trì bài vở cho hệ thông blog Bantroi, viết bài, cung cấp tin, làm sách... cho anh chị em - 1 việc làm đáng quý! Nhưng anh em k6 còn sựu tập hẳn 1 trang Toàn Thơ Bạn Trỗi. Thật là công phu.
Xin trân trọng giới thiệu!!

HN mấy ngày này

Đọc báo điện tử thấy phóng sự ảnh dân HN ra đuờng với áo đơn áo kép. Lạnh thế cơ à? Duơng 10 độ. Rồi cả cảnh dân chúng co ro cúm rúm trong áo lạnh, ngồi bệt xuống đất, xếp hàng ở sân Mỹ Đình chờ mua vé trận tối mai.
Trong này sáng ra đuờng cũng phải khoác thêm cái áo gió. Đến trưa thì hửng nắng. Chả hiểu đợt rét này ngoài đó còn kéo dài bao lâu? Giá cứ rét thế này cho đến tối mai, khi ra sân đội Malaysia không chịu nổi cái lạnh, rồi bị quân ta ghi truớc 2 bàn. Có khi... (Chắc chỉ là mơ uớc hão huyền!???).

Chuyện về anh giai và những giờ học chính trị

Vĩnh Yên sau 1975. Tốt nghiệp đại học, ra làm thầy rồi mà hàng tháng vẫn phải đi nghe giảng về chính trị. Toàn những bài đã học ngày ở truờng, nào Chính trị Kinh tế, nào Triết học, Lịch sử Đảng… Thầy giảng lại toàn những ông đã từng dạy ngày học đại học, (thậm chí nhiều ông, hình như, chưa có bằng cử nhân). Chán ơi là chán.
Giáo viên các khoa tập trung về hội truờng 125, trên gác. Các cán bộ già, “ngoan” thuờng ngồi dồn lên trên, ghi ghi chép chép. Ngày ấy cánh đi học ở Nga, Hung, Tiệp mới về, xa nhà lâu nên tỏ ra ngoan ngoãn, cũng ngồi dồn lên trên nghe giảng. Cánh trong nuớc thì “thấu hiểu thực tế” hơn, kéo nhau xuống ngồi dãy ghế sau. (Để dễ bề tán phét).
Tôi mới ra trường, thân ngay với mấy “ông anh Quế lỉn”. Anh Ba Hưng, em anh Đoàn Mạnh Giao, cũng đuợc giữ lại truờng. Vì có điểm danh quân số nên không chuồn đuợc. Thôi thì, ngày học chính trị cũng là dịp để anh em “hội ngộ”. Nguời dắt đít cuốn tiểu thuyết, kẻ mang trong bụng bản tin thời sự “mật cấm phổ biến” của VNTTX (tranh thủ “giật” của ông già mang từ nhà lên) đọc…
Anh Giao học Tầu về nhưng rất khá tiếng Nga. Ngày ấy, giáo viên nào cũng phải đọc thạo sách bằng tiếng Nga thì việc biết tiếng Nga là đuơng nhiên. Nhưng không chỉ dừng ở dịch sách chuyên môn mà ông anh còn “cầm chòm” dịch các bài hát như “Gorod Destva” (“Thành phố tuổi thơ” được 1 nhạc sĩ Nga phóng tác từ “Green field”, tiếng Anh), hay bài “V put” (Lên đường), Trojka (Xe tam mã), Fanary (Ánh đèn đêm)… trong chính những buổi học ấy. Cầm bản nhạc, anh dịch nghĩa rồi hát lẩm nhẩm, xong đưa cho tôi hát thử. (Tôi chơi ghi-ta trong ban nhạc nên đuợc ông anh tín nhiệm).
Nhiều bài nay còn thuộc nằm lòng. Tỉ như “Thành phố tuổi thơ” là bài dịch rất sát nghĩa (có lần đã post lên blog):
Thành phố ở nơi đâu yên tựa giấc mơ
Thành phố ở nơi hững hờ cơn gió đưa
Dòng sông nhẹ êm trôi, lững lờ như mặt guơng soi
Thành phố ở đâu thấy trong lòng ấm áp
Và, đã qua lâu rồi nơi ấy tuổi ấu thơ êm đẹp
X
Rời căn nhà mến thuơng trong làn gió đêm
Nhà ga lạnh vắng tanh. Ngỡ ngàng tôi hỏi xin:
“Ngàn năm đã trôi qua, người đầu tiên là tôi
Đời cho đời tôi quay về thời thơ ấu!”
Nàng khẽ nghiêng mái đầu: Không có đuợc những chiếc vé này!
Ngay lời chế của “Cây thuỳ dương” đuợc chuyển thành “Mao Trạch Đông vượt sông Truờng Giang” cũng là “sản phẩm” trong những giờ học này. Lính quân sự về sau toàn hát trong các buổi nhậu nhẹt, hội hè.
Về năng khiếu ngoại ngữ, đúng như anh Khai nói, bố này như “phát mả”. Ngày về Cục Liên lạc đối ngọai, dù có vốn tiếng Tầu, anh giai vẫn cần mẫn đi học thêm tiếng Anh. Còn nhớ khi tôi đã sang Đức, ông anh viết sang: … Tết nhất đến nơi rồi, ngoài đuờng giá lạnh. Gió mùa đông bắc ào ào thổi. Dãy sấu nhà anh đã rụng hết lá. Vậy mà góc Tôn Đản mấy con phe quấn khăn che kín mặt còn nấn ná bán nốt mấy túi đồ tết; trên đuờng mấy thằng “chạy đô, chạy rúp” chui trong áo lông Đức, chùm mũ kín đầu, chân đi dép nhưng xỏ không tất, buơn bả đạp xe lên Hàng Bạc, lấy những mẻ tiền cuối năm, ăn chênh lệch… Còn anh thì vẫn đạp xe tới truờng học bài khóa cuối cùng…”.
Khi chuyển lên Vụ 7, VPCP, anh đuợc đi tu nghiệp 1 năm ở Sedney. Gọi là “tu nghiệp” nhưng tiếng Anh phải khá lắm mới theo kịp chuơng trình. Thời bấy giờ thì ông anh cũng là lứa cán bộ có năng lực. “Tao cũng như ông già từng làm “đổng lí văn phòng”, nhưng hơn ông già vì làm đến 2 nhiệm kì…”, ông anh vẫn tự hào như thế.
Ở ông anh còn có năng khiếu hội hoạ. Ngày ngồi ở trên hội truờng 125, ông anh cứ bảo, lẽ ra phải học kiến trúc hoặc mỹ thuật. Ở nhà anh giai treo những bức tranh sơn dầu “Sau cơn bão” hay “Thảo”… do chính tay anh vẽ. Cánh họa sĩ chuyên nghiệp đến chơi, xem tranh phải nể trọng.
Ấy là chuyện nay, chứ ngày ấy, ông anh ngồi từ dãy bàn dưới, quan sát các báo cáo viên rồi nhanh chóng tìm ra đặc điểm. Chỉ “vài nhát” chấm phá đã hiện lên chân dung của họ. Cực giống. Tôi nhớ mãi phác thảo của Chủ nhiệm chính trị Hoà (Hoà thuợng Thích hoan hô), hay phác thảo của anh Mạnh Kính “coong” (cũng dân Quế lỉn) ở bộ môn Gia công áp lực… Cả bọn trao tay nhau những mẩu giấy to bằng bàn tay rồi cười nói hoan hỉ.
Ngày đi chiến truờng Tây Nguyên, ông anh từng bị sốt rét rừng, nằm suýt thối lưng ở bệnh xá tiền phuơng. Khi ra mang theo tập thơ cực lính, cực hồn. Hỏi, dạo này anh không làm thơ nữa? Ông anh trả lời, hết tình là hết thơ, mày ơi!
Người sao thì cười vậy. Nhìn tấm ảnh mới đăng trên blog hình như thể hiện điều ấy?