Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

THÊM MỘT NGƯỜI BẠN NỮA RA ĐI! (PHẠM ĐÌNH TRỌNG)

Dịp “Ngày Nhà giáo VN” vừa rồi,  bận đến mức quên máy. Đêm qua mở ra, trên “BạnTrỗi k5”, gặp ngay tin cô giáo Phạm Thị Thục đã về cõi vĩnh hằng! Dù đã biết chị mắc bệnh hiểm nghèo từ lâu, biết rõ chị năm nay đã 81 tuổi rồi, nhưng khi biết tin chị mất, tôi vẫn bất ngờ.
Chi Thục và tôi có tới 4 điểm “Đồng”là:
-  Đồng môn: Cùng học Cấp III Lê Hồng Phong, Nam Định, cùng học Đại học Sư phạm.
-  Đồngliêu: Cùng lĩnh bằng Cử nhân năm 1963.
-  Đồng nghiệp: Cùng là thày giáo trường TSQ NVT, TCCT.
-  Đồng tộc: Cùng họ Phạm. Chị Thục quê ở Huế. Còn tôi, có ông Tổ cách tôi 10 đời, cụ Phạm Văn Trứ, là “Khai quốc công thần nhà Nguyễn”, ở Huế nhiều năm. Không biết có quan hệ gì với “họ Phạm” chị Thục không?
Nhớ năm 1958, tôi đỗ vào Trường Cấp III Nam Định. Thành phố Nam Định lúc ấy có một khu kí túc xá cho thanh thiếu niên Miền Nam. Chị Thục ở đó. Trường có 5 lớp 8, chịThục học lớp 8B còn tôi ở 8E.
Năm sau, 1959, Trường chia làm 2 là Lê Hồng Phong(học ở Thành phố) và Lí Tự Trọng (xuống huyện Nam Trực). Chị và tôi học Lê Hồng Phong; chị 9A và tôi 9B. Chị Thục hơn tôi một tuổi, dáng thấp đậm, có nụ cười thật dễ thương, ít vẻ người lớn hơn các chị khác cùng trang lứa.
Năm 1961, theo sự xếp đặt của ông “Tổ chức”, tôi và chị cùng thi vào ĐHSP. Chị học Khoa Sử ĐHSP HN còn tôi, Khoa Văn,  ĐHSP Vinh.Năm 1963, sau khi tốt nghiệp, chi ra dậy còn tôi ra ĐHSP HN học thêm, sau Đại học.
Năm 1967, tôi cùng các anh Ngô Hồng Chiêu, Trần Chánh Điền, Võ Sơn Hô và  Dương Ngọc Yên về làm thày Trường TSQ NVT, bất ngờ gặp lại chị Thục. Thấy chị không chỉ già đi nhiều mà còn có vẻ u ám, đôi mắt tròn, đen luôn chứa một nỗi buồn bất tận. Sau này, qua chị Trần Quý Hai, tôi mới biết anh Long, một phi công xuất sắc, chồng chị Thục, vừa hi sinh, để lại cho người vợ trẻ một đứa con gái: Cháu Hương!
Gia đình tôi chuyển vào Tp HCM năm 1982 và được TCCT cấp cho căn hộ, nhà cấp 4, tại số 448/10 Nguyễn Tất Thành, Quận 4. Trước nhà tôi là nhà cháu Lê Hồ Hương, con LS Lê Đình Dư, PV báo QĐND. (Sau này anh Dư được phong AHLLVTND). Không ngờ chị Kim, vợ anh Dư lại là bạn học Khoa Sử của chị Thục và nhờ đó, có cuộc hội ngộ vui vẻ tại nhà chị Kim. Bữa anh chị Thục gả chồng cho cháu ngoại, (con cháu Hương), ở nhà hàng ven kênh Văn Thánh, tôi có đến dự. Chưa bao giờ tôi thấy chị uống bia mà tối đó chị hết luôn nửa vại, trẻ lại như hồi Lê Hồng Phong!
Ngày 24-2- 1991, lần đầu tiên, thày và trò Trường TSQ NVT họp mặt. Từ đó trở đi trường ta duy trì tương đối tốt cuộc họp truyền thống các khóa và toàn trường. Các năm chẵn thì tổ chức “HOÀNH TRÁNG”, có đoàn đại biểu Quế Lâm sang dự.
Các thày cô trường Trỗi mỗi ngày mỗi già yếu, nhiều người bước qua thế giới bên kia, không ít thày cô phải chống gậy, phải lên xe lăn… Âu cũng là qui luật muôn đời.
Chị Thục cũng vậy, ngày càng nhiều bệnh, nhất là từ ngày anh Bút mất. Có điều đăc biệt ở chị Thục là các em mời, bất kì khóa nào, chị khỏe một chút là ráng có mặt. Mà chị có mặt, bao giờ cũng có quà cho các em. Ấy là những sản phẩm có thương hiệu của Kinh thành Huế, do chị tự tay làm lấy. Thế mới biết, nghề “nữ công gia chánh”, với chị, sâu sắc biết nhường nào. Hình ảnh các em trân trọng đón quà của cô giáo Thục, nâng lên khỏi đầu và hô to: “Quà Cô Thục” trong tiếng vỗ tay rầm rầm, thật là ấn tượng!
Những chi tiết sống động của tình cô cháu Trỗi ấy, từ nay chỉ còn là kỉ niệm!
*
Tôi bị bệnh gout nặng, không biết có thể tới tận nơi tiễn biệt chị Phạm Thị Thục không. Trước hết, qua bài viết nhỏ này, xin có nén nhang vĩnh biệt chị và có lời chia buồn cùng các cháu.
Người bạn cũ, cách đây 60 năm tròn: PHẠM ĐÌNH TRỌNG