Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Cái đêm hôm ấy đêm gì ? (Huỳnh Văn Úc)

Các nhà thơ nhà văn tốn rất nhiều giấy mực để tả nhan sắc mỹ nhân. Cụ Nguyễn Du tả Thuý Vân: Hoa cười ngọc thốt đoan trang/Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Còn ca dao dân dã thì cụ thể hơn: Vai tròn eo thắt lưng ong/Mày ngài mắt phượng má hồng môi xinh. Đời là sự thống nhất của các mặt đối lập: cao thượng và đểu giả, trung thực và gian dối, dân chủ và độc tài, trong sạch và tham nhũng vì vậy đã có người đẹp ắt phải có người xấu. Xấu như Chung Vô Diệm trán cao, mắt sâu, bụng dài và phệ, chân thô, mũi hếch, tóc thưa, cổ to, lưng gù, da đen…Xấu như thế nhưng theo điển tích Trung Hoa cũng được chọn làm vương hậu của Tuyên Vương nước Tề. Còn ở Việt Nam tôi chỉ mới biết có cụ Nam Cao tả Thị Nở người yêu Chí Phèo. Chỉ là người yêu thôi vì tuy đã ăn nằm với nhau nhưng chưa có cưới xin gì. Nam Cao viết rằng thị xấu ma chê quỷ hờn, mặt thị là một sự mỉa mai của hoá công, nó đã ngắn mà hai má hóp lại, mũi vừa ngắn vừa to vừa đỏ vừa sần sùi như vỏ cam sành đã thế lại còn muốn cạnh tranh với cặp môi dày màu thịt trâu xám ngoét.

Nhân vật nữ trong câu truyện của tôi không đẹp. Nếu ta nhìn thấy thị thấp thoáng xa xa thì tưởng là Thuý Kiều, nhưng khi đối diện mới biết là người yêu Chí Phèo. Nói thế có hơi oan cho thị bởi vì so với Thị Nở còn dễ nhìn hơn nhiều. Tại sao khi nhìn từ xa ta lại có thể nhầm thị với Thuý Kiều? Trước hết là do cái dáng thon thả dong dỏng cao, thị cao dễ có đến mét sáu. Sau nữa là dáng đi. Thị chịu khó quan sát dáng đi của người mẫu trên sàn catwalk và chịu khó đi đúng như thế bất kể là trong nhà hay ngoài phố. Thị mặc quần phăng, đi giày cao gót hàng hiệu, áo sơ mi cao cổ vì nếu mặc áo hai dây để hở ngực thì chẳng có gì để khoe. Thế còn lại gần thì sao? Ta sẽ thất vọng chứ còn sao với giăng gì nữa. Thị có khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt hay được trông thấy trên cổ đàn ông, phía dưới mũi và trên cằm lún phún có râu. Tóc thưa, cứng và ngắn nên dù có tra cứu hàng trăm catalog ta cũng khó mà chọn cho thị một kiểu làm đầu thích hợp. Mũi dài hơn mũi Thị Nở một ít và không cạnh tranh với cặp môi, vì lạy Chúa lòng lành! Môi thị cũng giống như môi mọi người và có màu hồng, cũng có thể là do son môi. Thị chịu khó trang điểm hàng ngày nên ta khó lòng biết da thị màu gì ẩn sau lớp phấn. Đôi mắt to, lông mày hình lưỡi mác. Nhìn chung thế thì cũng ổn đấy chứ! Thế nhưng trên khuôn mặt của thị có một điều bất ổn, bất ổn nghiêm trọng. Đó là hàm răng, nếu trời mưa một trung đội có thể đến nhờ sự che chở để khỏi bị ướt. Sau một đợt điều trị dài ngày tại gia, theo chỉ định của bác sĩ trước khi đi ngủ thị phải đeo một thiết bị bằng thép quanh mồm và ngủ với nó suốt đêm đến sáng tháo ra. Cũng khắc phục được đôi phần. Cũng còn hơn là không can thiệp gì. Còn một điều nữa. Đoạn trên tôi có nói là thị hay mặc quần phăng. Giời ạ! Thị mà mặc váy để lộ đôi chân thì chúng ta phải chạy dài vì lông chân của thị đen và rậm còn hơn của đàn ông. Lại phải nhờ vả y học, bác sĩ can thiệp bằng các thứ thuốc nội tiết tố cũng có thuyên giảm được đôi phần nhưng dẫu sao thị vẫn chưa dám mặc váy.

Cụ Nam Cao viết rằng Thượng Đế chí công nên Thị Nở nghèo, nếu trái lại ít nhất đã có một đàn ông phải khổ sở. Nhân vật nữ của truyện này trái lại rất giàu. Thị là con gái thứ hai của một đại gia. Ta chỉ nói sơ qua là nhà họ có một công ty ăn nên làm ra, ngành nghề gì tôi chưa tìm hiểu. Trụ sở chính là ngôi nhà chín tầng trên diện tích nền tám mươi mét vuông và khuôn viên chung quanh tổng cộng hơn trăm mét vuông ở mặt tiền phố Hoàng Cầu. Ngoài ra còn một ngôi nhà bảy tầng trên diện tích nền sáu mươi mét vuông ở mặt tiền phố Xã Đàn cho một hãng kinh doanh điện thoại thuê với giá ngót một trăm triệu một tháng. Tiền của như nước sông Hằng, đông như quân Nguyên. Vậy thì nhất định phải có một đàn ông phải khổ sở là cái chắc. Người ấy là hắn, một thanh niên hai mươi tư tuổi, kém thị bốn tuổi, là nhân viên của công ty có trụ sở ở phố Hoàng Cầu. Hắn đẹp giai lồng lộng, cao hơn mét bảy, da trắng, tóc mượt, nụ cười tươi. Chỉ phải cái tội nhà nghèo. Nhà hắn ở nông thôn, một ngôi nhà ngói ba gian thấp lè tè và một cái sân gạch nho nhỏ phía trước đầy rơm rạ vương vãi và phân ngan phân gà thả rông. Đã nghèo lại đông con. Hắn là con cả, sau hắn còn một đàn em vừa trai vừa gái bốn đứa nữa. Cũng may mà hắn thông minh, chăm học, bố mẹ chạy vạy vay mượn gửi tiền cho hắn, Nhà nước cũng có chế độ cho hắn vay số tiền chưa đến triệu bạc một tháng. Hắn biết thân biết phận nên lên thành phố trọ học không đua đòi ăn chơi mà chịu khó học giỏi, hai năm cuối đại học còn được học bổng. Cầm tấm bằng đại học hắn đến phỏng vấn xin việc ở công ty có trụ sở phố Hoàng Cầu, hắn trúng tuyển và giữ một chức vụ gì đó tôi không biết, chỉ biết hắn ít khi ngồi văn phòng mà vai đeo laptop lưng dắt mobile cưỡi xe máy chạy rông là chính. Chắc lương cũng khá.

Đời hắn sang trang sau một buổi ông chủ công ty gọi đến phòng riêng, hai ông con có một buổi nói chuyện cởi mở, lật bài ngửa một cách thoải mái, sòng phẳng. Sau buổi nói chuyện đó hắn mất ngủ dễ có đến dăm đêm, ban ngày thở dài thườn thượt. Thở dài nhưng cuối cùng hắn vẫn đi đến quyết định. Tại sao lại thế? Tại vì hắn muốn đổi đời. Đổi đời để có điều kiện giúp đỡ gia đình, hắn là một người con ngoan và có hiếu. Quyết định gì vậy? Lấy con gái thứ hai của ông chủ làm vợ, người con gái mà tôi đã tốn giấy mực để tả sơ qua cho các bạn biết ở đoạn trên.

Rồi cũng đến ngày hôn lễ được tổ chức ở khách sạn năm sao Melia, một trong những khách sạn đẹp nhất Hà Nội. Xe limousine gắn đầy hoa chở cô dâu chú rể chạy lòng vòng quanh mấy con phố rồi mới dừng ở sân trước sảnh khách sạn. Quan khách ngồi kín hai phòng, phòng trên có sân khấu là nơi diễn ra các thủ tục của hôn lễ, tầng dưới theo dõi các sự kiện ở sân khấu qua màn hình cỡ rộng. Bố mẹ hắn lóng ngóng bước lên sân khấu sánh vai cùng với nhà gái, chưa bao giờ họ lạc vào một khung cảnh huy hoàng hoành tráng với đủ thứ đèn màu, bốn cây pháo hoa phun trào rực rỡ, rượu rót tràn trề qua chồng cốc mấy tầng, rồi diễn văn, rồi đáp từ, rồi ca nhạc văn nghệ với dàn nhạc sống có nghệ sĩ saxophone danh tiếng số một Việt Nam. Thú thực là hắn cũng có hơi ngỡ ngàng, thêm một chút cảm động, thêm một chút tự an ủi khi nhìn thấy thị trong bộ váy cưới màu trắng tinh khiết. Và kỳ diệu thay là nghệ thuật hoá trang, những nghệ sĩ hoá trang bậc thầy có thể biến Thị Nở trong phút chốc hóa thành Thuý Kiều.

Cái đêm hôm ấy đêm gì? Hỏi vô duyên! Là đêm hoa chúc động phòng của thị với hắn chứ còn là đêm gì nữa. Trong ánh đèn ngủ mờ ảo, khi thị đã trút bỏ hết váy áo phô bày cái bức tượng không mấy hoàn hảo của hoá công thì hắn nhắm mắt lại và tặc lưỡi. Các cụ nhà ta nói chí lý: tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh. Vẫn còn đèn ngủ mờ ảo lung linh nên hắn nhắm mắt lại thì cũng coi như là tắt đèn và trong trí tưởng tượng nhà tranh đã trở thành nhà ngói. Cho nó xong. Rồi thì cũng xong. Xong việc rồi thị ngủ ngay, ngủ say như chết, ngáy như sấm, tệ hơn, đôi chân mà tôi đã có dịp tả ở đoạn văn trên một cái gác lên bụng, một cái gác lên đến gần ngực của hắn. Còn hắn? Tôi không muốn tả thêm gì về hắn nữa trong cái đêm thao thức ấy, cái đêm hôm ấy đêm gì!

Hà Nội 2010

Mừng sinh nhật thứ 110 của Cụ Hoàng Đạo Thuý

Tin từ Tạ Nghĩa (cháu ngoại Cụ):
Vì nhiều lí do, sáng nay, tại Bảo tàng Cách mạng VN, Tông Đản, lễ tuởng niệm Cụ Hoàng Đạo Thuý (1900-2010) mới được Hội Sử học VN, Hội Huớng đạo cùng gia đình tổ chức thành công.
Các đệ tử Huớng đạo sinh đến dự, ngồi kín hội truờng. Huớng đạo sinh ngày nào - giờ đã tám, chín chục tuổi, râu tóc bạc phơ, chân tay run rẩy nhưng vẫn mặc sắc phục ka-ki cộc tay. Mọi người cùng nhớ tới "huynh truởng" Huớng đạo sinh VN từng đảm đương trách nhiệm 15 năm đến 1945. Cụ là người thầy của nhiều trò gỉoi.
Tổng thư kí Duơng Trung Quốc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ MC.

Cái lạnh ở HN

Lạ. Trưa qua nhậu về, trời nóng, chỉ khoác cái áo ngắn tay. Ngồi trên lap-top loay hoay post bài, đọc báo mạng. Nhưng chỉ đến 4g, trời đổi gió. Lạnh. Ra đuờng thấy âm u. Thời tiết đổi nhanh thế! Phải mặc ngay áo dày hơn mới an toàn.
Sáng dậy đi thể dục, phải mặc áo dày phòng lạnh. Chạy, đi, nóng; lại phải cởi áo vắt vai. Đi về với áo mỏng.
Thời tiết ngoài này kì quá? Đổi mùa liên tục...

Cuối năm xem ảnh "đời thuờng cụ Văn" (Bee)

Lần đến thăm cụ Trần Văn Giàu (bạn tù Côn Đảo, thầy dạy Triết học Mac-xit của cha tôi) đầu năm 2007. Cụ kêu người nhà mang bia "Ken" cho 2 anh em tôi uống cùng. Nhấp 1 ngụm, cụ nói đùa: "Tôi sinh sau anh Văn mấy chục ngày. Giờ thì 2 ông già này thi xem ai sống lâu hơn...".
Cả 2 cùng qua cái nguỡng 100.
Và, cụ Giàu vừa mới đi.
Chỉ còn lại cụ Văn.
Cuối năm qua Bee mà thấy đuợc cuộc sống đời thuờng của cụ Văn.
Cảm ơn Bee!!!

Chỉ có ở HN... (tiếp - ST: Đạt)

Một kiểu vừa bán hàng vừa “chửi chó mắng mèo”

Khi bạn đến chơi nhà ai, thấy chủ nhà tiếp đãi bạn ân cần, nhưng trong khi đó vẫn cứ quát nạt chửi bởi, mắng nhiếc con cái, bạn đã thấy nhột lắm rồi. Trong cách xử thế, người ta gọi là kiểu “chửi chó mắng mèo” để gián tiếp đuổi khách.

Quán bún ngan trên đường Trần Hưng Đạo bà chủ quán áp dụng chiêu này để ra oai. Bà tỏ ra ngọt ngào với khách nhưng lẫn lộn trong sự ngọt như mía lùi ấy là những câu chửi thậm tệ đám “lâu la” bưng bê của cửa hàng: “Mày đi đâu mà giờ mới vác xác đến, ở nhà chôn bố mày à?”.

Thì ra nạn nhân là cô giúp việc mới đang đứng chịu trận trước bà chủ và hàng chục thực khách đang tất bật nhai và… nhẫn nại nghe. Bà chủ quán thấy nhiều người ngẩng đầu ngó, như được khuyến khích (ở Hà Nội còn gọi là được động viên), tay làm hàm càng… chửi!.. Càng chửi càng hăng.

Ở hàng hủ tiếu nổi tiếng trong “ngõ ẩm thực” phố Hàng Chiếu, bà chủ hàng cũng phải chửi người giúp việc liên tục. Bà chửi rất du dương, xen lẫn lời mời với khách hàng khá êm đềm:“Mày có rồ không mà cắt rau dài thế này?”. Rồi quay sang phía một khách hàng trẻ, bà tiếp nối luôn: “Em không ăn rau sống, à”. Rồi lại quay vào chửi người làm: “Cái con ngu vạ ngu vật kia, khách chờ vòng trong vòng ngoài mà cứ đứng như con chết rồi thế kia à?” Lại quay sang phía khách hàng bà “hát luôn”: “Chưa đến lượt em, đợi tí, gái nhé!”. Lại liên tục chửi: “”Xéo về quê mà hốc C.! Loại lười thối thây như mày chỉ tổ ngứa mắt tao!”. Quay sang khách bà đổi giọng một chút: “Ngồi xuống đây em, chật chội tí, thông cảm nhá!”… Cứ thế liên tục bà vừa chửi vừa “hát” vừa bán hàng, không hề biết mệt.

Nhiều người khẳng định họ đều ít nhất 1 lần vừa ăn hàng vừa… được nghe chủ quán chửi người làm. Bà Lan (bán hàng lưu niệm) kể: Cuối tuần trước, cả nhà bà đến quán hải sản biển B.H trên phố Tô Hiến Thành. Bà chủ ở đấy đang quát tháo một nhân viên, thỉnh thoảng lại xỉa xỉa con dao về phía cậu người làm; cậu này thì mặt lạnh tanh như không nghe thấy gì. Các cháu bà Lan ngồi cạnh sợ rúm ró trước lưỡi dao sắc lẻm thỉnh thoảng vung loang loáng trước mặt.

Trước những chủ quán mồm năm miệng mười, chửi người làm như hát hay, nhiều khách nghẹn. Bà Lan chỉ còn biết nói:”Nuốt chưa hết miếng đã muốn đứng lên, ăn một lần là cạch đến già”

Nhưng cũng với nhiều người, nghe chửi ở quán hàng thường như… vừa ăn vừa xem biểu diễn (cốt sao tiếng chửi không dành cho mình!).

Thế nên, “phong cách bán hàng” kiểu… chửi không chỉ phát huy cao độ ở các quán hàng nhỏ, mà nay nó còn được lan sang ở hệ thống nhà hàng bậc trung như L.V (phố Lý Thường Kiệt), Q.N (phố Phan Bội Châu)…

Thông báo: HỌp mặt k5 phía Bắc

BLLk5 thông báo: Mời các bạn k5 về họp mặt truyền thống "45 năm nhập truờng, 40 năm nhập ngũ" và đón mừng năm mới 2011.
- Thời gian: từ 10g sáng, thứ bảy 25/12/2010.
- Địa điểm: Bia hơi Hải Xồm 23 Nguyễn Đình Chiểu.
Hãy đến với nhau (như Chỉnh Huấn từng nói) với:
Một Biển Hoài Niệm,
Một Trời Nhung Nhớ,
Một Trái Tim Trẻ Thơ

Một Tâm Hồn Lính Trỗi.
 Đề nghị thông báo tiếp!!!

“60 ngày đêm” và vị Chính uỷ mặt trận Hà Nội


Sinh năm 1923, quê Tiền Hải, Thái Bình.
Năm 1939 - 17 tuổi hoạt động cách mạng. 18 tuổi vào Đảng, 19 tuổi - Tỉnh uỷ viên dự khuyết, 23 tuổi - Chính uỷ mặt trận Hà Nội, 27 tuổi - Chính uỷ đại đoàn 312, 32 tuổi - Chính uỷ quân khu, 35 tuổi - thiếu tướng…
Cuộc đời không chỉ gắn liền với trận mạc mà cả lĩnh vực văn hoá văn nghệ: uỷ viên sáng lập Hội Nhà văn 1957, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Truởng ban Văn hoá văn nghệ TW, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Quốc hội…

Về một bức ảnh lịch sử
Tôi được gia đình Trung tuớng Trần Độ tặng bức ảnh tư liệu lịch sử “Bác Hồ đến thăm đơn vị “quyết tử” của Hà Nội, đầu năm 1947”. 

… Ngay sau ngày “Toàn quốc kháng chiến” 19/12/1946, các chiến sĩ mặt trận Hà Nội giành giật từng tấc đất, góc phố với giặc Pháp. Chiến luỹ mọc lên khắp nơi. Giường, tủ, bao tải cát… bày ra phố làm chiến luỹ. Nhà này trổ cửa sang nhà khác…
Đầu năm 1947, Trần Độ về nhận nhiệm vụ ở Khu 2 (Hà Nội) rồi là Chính trị uỷ viên mặt trận Hà Nội (Tư lệnh là ông Vương Thừa Vũ).
Lần Bác xuống thăm, đi cùng Người có bác sĩ Trần Duy Hưng. Trong ảnh, ông Độ mặc binh phục mùa hè của sĩ quan Pháp (đầu đội mũ ca-lô có gắn sao, khoác áo ngắn tay ka-ki cùng quần soóc - người thứ 3 từ trái qua).
Ông nhớ mãi lần vinh dự đón Bác: “Cả đơn vị dàn hàng ngang đón Bác. Bác bắt tay từng cán bộ rồi căn dặn: “Giặc Pháp không từ bỏ âm mưu xâm lược nuớc ta. Ở Hà Nội, chúng dùng xe tăng, binh lính cùng nhiều súng ống, đạn dược tấn công, hòng bắt chúng ta khuất phục. Quân dân ta chỉ còn một con đường - chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Bác rất cảm động truớc những cảm tử quân ôm bom ba càng lao vào xe tăng giặc…”. Các chú hãy “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”.
Lời Bác thôi thúc đơn vị chúng tôi quyết chiến… Và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, Vệ quốc quân đã bảo vệ hàng vạn bà con Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội an toàn”.

Con người ấy “đã dám theo cách mạng thì còn gì mà sợ!”
Năm 1941, Trần Độ bị Pháp bắt. Toà án Thái Bình kết án 15 năm tù. Trong tù, tên mật thám Ta-lông dùng đủ các ngón đòn tra tấn dã man nhất nhưng không thể khuất phục. Một lần mang tới 1 bát cơm cùng 1 bát cứt và đôi đũa, Ta-lông doạ dẫm:
-        Mày muốn ăn gì? Cơm đó, nói ra thì ăn. Không thì ăn cứt!
Trần Độ giận sôi nhưng lạnh lùng trả lời: “Tôi không biết thì làm sao có thể nói!”, rồi thản nhiên tay cầm lấy bát cứt, tay cầm đôi đũa ghém lại như sắp cho vào miệng. Ta-lông sợ hãi ngoảnh mặt. Vẫn tiếp tục vun vén bát cứt, hôi thối tởm lợm nhưng ông quyết làm thất bại sự đểu cáng của chúng. Mồm mép, mặt mũi ông đầy cứt, khắp sàn nhà đầy cứt. Ta-lông lắc đầu, bỏ ra ngoài.
Sau đó, ông bị đưa lên Hoả Lò rồi tống lên Sơn La. Năm 1943, trên đường từ Sơn La về xuôi để đày ra Côn Đảo, ông nhanh trí trốn thoát.

Giúp việc cho Tổng bí thư Truờng Chinh
Năm 1944, mới 20 tuổi Trần Độ được giao về “Đội công tác” của Thuờng vụ TW, giúp việc cho Tổng bí thư, cùng các ông Trần Dương, Mười Hương. Ông kể lại: “Ông Truờng Chinh là con người rất cẩn thận. Chả thế sau này được Bác đặt cho cái tên Năm Thận”.
Ngày mới về, ông Trường Chinh hỏi ông Độ:
-        Cậu có biết tiếng Pháp?
-        Dạ, cũng có học nên cũng “bập bẹ” ạ.
-        Vậy, dịch thử bài viết này.
Sau khi dịch xong, ông Truờng Chinh xem rồi nhận xét: “Bài dịch của cậu khá tốt. Tuy nhiên có 1 dấu phẩy đặt không đúng chỗ”. Từ đó, Trần Độ đuợc Tổng bí thư tin dùng vào việc viết lách, tham gia làm báo Cờ Giải phóng
Ông Độ chứng kiến sự ra đời của “Đề cương văn hoá” do Tổng bí thư soạn thảo, rồi lại được giao mang sang phổ biến cho ông Lê Quang Đạo (khi đó là bí thư Thành uỷ Hà Nội).
Ông Đạo lại bố trí cho ông Độ trực tiếp phổ biến đề cương cho các văn nghệ sĩ: Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng… Đây cũng là cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với các văn nghệ sĩ có tên tuổi. Cố gắng truyền đạt thật tốt tư tuởng của đề cương và cũng từ lần đó, ông có duyên nợ đến suốt đời với văn hoá, văn nghệ.

Làm báo
Sau 2/9/1945, trở về Hà Nội, ông Độ tham gia làm báo Quân Giải phóng. Báo đựơc in ở nhà in tư nhân của ông Ngô Tử Hạ (1 giáo dân, tư sản yêu nước), trên phố Nhà Chung. Bắt chước báo Cờ Giải phóng của Đảng (khi đó bán rất chạy), măng-set báo Quân Giải phóng cũng in màu đỏ.
Ngoài hệ thống phân phối trong quân đội, các cháu bán báo dạo cũng tích cực tham gia phát hành. Sáng nhận báo đi bán, chiều về giao tiền đầy đủ.
Cuối 1945, quân Tầu Tuởng kéo vào Hà Nội, thay mặt Đồng minh tuớc vũ khí quân đội Nhật hoàng. Chúng coi Việt Minh chỉ là mặt trận đoàn thể, không có quân đội nên Quân giải phóng phải đổi thành Vệ quốc đoàn. Vì vậy, báo Quân Giải phóng cũng phải đổi tên.
Bác Hồ cho gọi Trần Độ lên giao nhiệm vụ này. Ông Độ liền hỏi:
-        Thế ý Bác định đổi tên báo là gì ạ?
-        Chú về suy nghĩ rồi báo cáo lại với Bác. – Bác trả lời.
Suy nghĩ kĩ chủ trương rút vào bí mật của Đảng, ông Độ chọn tên báo là Chiến thắng. Khi báo cáo với Bác, Bác đồng ý. Sau đó, Toà soạn báo Chiến thắng vẫn đặt ở 36 Lý Thường Kiệt và tiếp tục xuất bản thêm 1 thời gian nữa ở Hà Nội.

Làm công tác chính trị
Sau khi rời Hà Nội, ông về làm truởng phòng Tuyên truyền (Chính trị Cục, Bộ Tổng tư lệnh).
Cuối năm 1947, ông nhận nhiệm vụ đưa các văn nghệ sĩ (nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, họa sĩ Mai Văn Hiến, nhà văn Nguyễn Công Hoan…) đi thực tế vào Khu Bốn. Khi đó, Nguyễn Sơn là Tư lệnh. Biết Tư lệnh là “tướng văn nghệ” nên các văn nghệ sĩ rất muốn gặp. Trình giấy giới thiệu cho ông Sơn xem, thấy cả Nguyễn Công Hoan - bạn học từ ngày ở trường Sư phạm Hà Nội – thì ông Sơn rất mừng và cho 1 cái hẹn (nhưng không đả động tên cán bộ đi cùng).
Đưa nhóm văn nghệ sĩ vào phòng khách, ông Độ ra ngồi 1 góc. Ông Sơn vui vẻ: “Hôm nay thấy có các văn nghệ sĩ, tôi mời các anh đến nói chuyện văn nghệ chơi”. Thấy ông Độ ngồi lại, ông Sơn chỉ vào mặt, bảo:
-        Mày thì biết gì về văn nghệ? Ngồi đây làm gì?
-        Tôi muốn ngồi nghe các anh nói chuyện để học tập. – Ông Độ thành thật trả lời.
-        Ừ, thì cứ ngồi đấy!
Rồi ông Sơn bắt đầu câu chuyện…

Truởng thành trong chiến đấutầm nhìn xa
Năm 1954, Đại đoàn 312 (Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Chính uỷ Trần Độ) đã bắt sống Tướng Đờ Cát tại Sở chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ.
Năm 1958, trong đợt phong tướng đợt 2, ông đuợc nhận quân hàm thiếu tuớng.
Năm 1964, các tướng lĩnh của Sư 312 đựơc Đại tuớng Nguyễn Chí Thanh tin tưởng, đề nghị Trung ương cử vào Nam chiến đấu. Tại đây, Trần Độ là Phó bí thư TW Cục và Phó chính uỷ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đầu năm 1967, quân đội Mỹ dùng 4 vạn lính Mỹ cùng 5000 lính ngụy mở trận càn Gian-xơn Xi-ty, đánh phá căn cứ của Trung ương Cục. Chiến dịch kéo dài 53 ngày đêm, Mỹ thu đuợc 1 số vũ khí, quân trang quân dụng nhưng không có 1 trận đánh lớn nào. Coi như thất bại. Trong số chiến lợi phẩm thu được có thùng phim, ảnh.
Mậu Thân 1968, cơ quan Tâm lí chiến của ngụy đưa lên báo Chính luận tấm ảnh xác chết cùng ảnh ông mặc bộ bà ba đen với tít đậm giật gân “Tướng Độ bị hạ sát. Chính chuẩn tuớng Nguyễn Ngọc Loan đích thân chỉ huy cuộc săn đuổi… Tướng Độ cùng 8 người khác bị gục ngã tại phuờng Phú Định, quận 6...”. Bà con, bộ đội ta đọc đuợc tin này cũng hoang mang. Nhưng ông không chết.
Sau 10 năm ở mặt trận, tới đầu 1974, ông trở ra Bắc. Ngay những ngày đầu trở về với hậu phương lớn, đi thực tế khắp nơi, Trần Độ đã phát hiện những điều “không bình thường” ở miền Bắc XHCN. Ông có thư dài gửi tới cấp trên.
Toàn văn bức thư được đăng trong “Chuyện Tướng Độ” ( Bá Cường - NXB Quân đội, 2007). Đọc xong, ta thấy còn có tính thời sự cho đến ngày hôm nay.
Ông mất tại Hà Nội ngày 9/8/2002, thọ 80 tuổi.
Trần Độ xứng đáng là 1 tướng quân tài ba, văn võ song toàn!