Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Đêm 1/1/11: Tại sao không phải là... Út Phương 1??? (Đào Duy)


Út Phương quê Yên Định, Thanh Hóa. Nhà nghèo lại đông anh em, vất vả quanh năm mà chả bao giờ đủ ăn. Thế là liều theo chúng bạn vào thành phố làm thuê. Đủ “nghề” từ rửa bát, bưng bê, Ôsin … cuối cùng là chân phụ việc không công để học nghề gội đầu cho một tiệm uốn tóc trên phố. Nghe vợ kể Út Phương rất xinh, lại có nét tây tây. Mặt đẹp da trắng chỉ tội mỗi cái người không được cao, vòng 2 và 3 cứ thẳng tuồn tuột, tay chân to, thô và giọng nói  “cha ông” thì sửa không được nên đâm ra “phá” mất “ tướng”.
  Chủ nhà cho thuê tiệm uốn tóc ngày xưa khi Út còn  làm thuê là một gia đình cán bộ gốc Nghệ có mỗi cậu con trai. Cu cậu được chiều nên “láo lếu” tuy vậy cũng chưa đến nỗi nào. Thế rồi cu cậu phải lòng Út Phương. Sau thời gian bã bọt mép thuyết phục bố mẹ  tiệc cưới cũng được tiến hành. Bố mẹ chồng thương con nhưng không thích nàng dâu nên mua cho căn hộ tầng trệt một chung cư cũ cho ra riêng. Sau thời gian phụ rồi học việc Út Phương thành tài  mở tiệm gội đầu ngay tại nhà chấm dứt kiếp tôi tớ làm thuê.
   Khéo tay lại khéo chiều khách  nên quán  đông dần, thu nhập mỗi ngày mỗi khá. Chồng càng ngày càng trở nên yếm thế. Thằng chồng thường lấy le với hàng xóm bằng cách to mồm dọa vợ mỗi lần quá chén: “Tao chỉ mê mỗi khuôn mặt, nước da cùng cái nết chịu khó của mày chứ dân  “Hà lội gộc” như tao khối con nó chết nhá ”.
   Vợ tôi kể Út Phương vùa bị chồng “dã” cho một trận. Lý do là nhà có cái máy vi tính mới sắm cho con. Mấy bà sồn sồn, khách  đến làm đầu chỉ cho Út Phương cách “chát” tìm bạn để tâm sự. Thế là Phương “chát”, rồi mê tít thò lò. Mê mải  “chát” tới hai giờ đêm quên cả ngủ. Đang chát hăng bỗng “bốp” một cái mắt mũi tối sầm lại  “hoa cà hoa cải” văng tung toé. Út Phương lĩnh trọn cái tát của chồng:
   - Mẹ tiên sư mày! Chát hả! bố mày chờ mãi mà mày không lên “chát”, mày lại đi “chát” với thằng  “lào”. Vừa chửi thằng chồng vừa lôi sềnh sệch Út Phương lên gác.
   Thế là nó dã con một trận. Con đã tính bỏ mấy bận mà nó không chịu ký. Tình thật, cục súc vậy thôi nhưng công bằng nó cũng là thằng đàn ông tốt tính. Hai ba đứa cháu của con đem ngoài quê vào nó cũng đồng ý hết và cưu mang như cháu của nó. Nên con cũng thương với lại hai mặt con rồi chả nỡ. Nghĩ lại mình có được như ngày hôm nay cũng là nhờ nó, nhờ gia đình nó.
   Chát thích “ nắm” cô ạ. Nhất là  “chát” với mấy đứa tre trẻ rất vui. Có cả mấy ông sư cũng “chát”. Hãi nhất là “chát” với cánh đàn ông “nhớn tuổi”. Chúng chỉ toàn tán tỉnh thôi, câu trước câu sau  đã rủ đi café, đi nhà nghỉ. Có thằng còn khoe cả  “hàng” con run hết người. Lắm lúc giật mình  ngoái vội lại phía sau xem thằng chồng nó có nhà không rồi vội vã  “xóa”. Lúc sau  cái thằng chết tiệt ấy lại hiện ra tức mình con tắt công tắc đến  “cạch” một cái thế là xong, màn hình tối thui.
 …
     Có tiếng xe máy của vợ, tôi ra mở cổng.
   -  Đi gội đầu à? Có cô nào vừa điện trách sao không tới chỗ cô ấy.
 -  Hôm nay mệt, ngại đi xa, gội gần nhà lần sau ra nó vậy. Thế nào rồi nó cũng trách.
 -  Có phải …? - Tôi chưa kịp hết câu thì đã nghe:
 -  Ừ! Nó đấy! Út Phương cái con bé có quán gội đầu mà em hay kể với anh đấy.
(Còn tiếp)

Tối về, nhận thấy giữ bài này lâu trên mail-box sẽ không chịu đuợc. Vội post cho mai quân ta có bài sớm để đọc!

ÚT PHƯƠNG (1)

Chiều chủ nhật nhà vắng teo. Con đi học xa, vợ xách xe máy chả biết đi đâu. Một mình nằm khểnh vắt chân chữ ngũ xem tivi. Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Nhấc máy giọng nhà quê đặc sệt. Lại đứa cháu ở quê nhờ xin việc? Tôi nghĩ bụng.
  - Cho cháu gặp cô. 
Nghe kỹ thì giọng Thanh Hóa không lộn được đi đâu.  Tôi trả lời đại:
-         Cô đi gội đầu ngoài tiệm.
-         Sao không thấy ở chỗ con?
-         Cháu là ai?
-         Cháu là Út Phương
-         Út Phương nào ta?
-   Lần sau con giận cô luôn. Đi gội đầu mà không đến tiệm con.
À! Thì ra Út Phương, là cái cô chủ quán gội đầu quen mà vợ tôi thường hay kể.

Bức ảnh ma thuật (ST: Đạt k8)

Nhìn vào 4 chấm ở giữa hình khoảng 10s, sau đó nhìn lên bức tường ở trước mặt, mắt chớp liên tục sẽ thấy mặt của 1 người đàn ông.
Nếu không nhìn vào bức tường trước mặt, bạn nhìn vào bức tường ở sau lưng cũng thấy còn rõ hơn (hoặc nhìn ở đâu cũng thấy hết!). 
Nhưng nhớ là mắt phải chớp liên tục.


Quảng cáo!!! Quảng cáo!!!

Vừa nhận email mới:
"Em gửi các bác loạt truyện. Trong đó có bài đầu đã đăng nhưng để liền mạch em cứ gửi. Đây là chuyện của cô chủ tiệm uốn tóc mà vợ em hay kể mỗi lần từ tiệm về. Em thấy hay hay gom lại. Toàn chuyện thật cả đấy. Không ai nghĩ ra được. 
Còn cái ông Cung nắn "chanh" của em bán chanh là có thật 100% đấy bác ạ. Bác bá cáo lại với thầy Trọng giùm em!!! - ĐD".
Vậy từ ngày 2/1/2011, sẽ có loạt bài "Út Phương, cộ thợ gội đầu". Hy vọng sẽ mang lại tiếng cười sảng khóai cho anh chị em.
Còn bi giờ, nhà em phải đi "niên hoan tân liên" đã. Nhà xe ló đã "bóp coài" toe toe ngoài cổng rồi. Nghe "lói" thầy trò bác "Nớ sứt" Dờ Mờ Đờ cũng góp vui cho ngày hôm nay.

Ghi chép: Chuyện thủ truởng Cao Hỏi (TKQ)

Đại học KTQS cũng có nhiều anh tài, nhất là ở Khoa Vô tuyến, Khoa Cơ điện. Như anh Hà Phạm Phú sau này về Văn nghệ QĐ có truyện ngắn viết về ông Cao Hỏi (tên thật là Cảo) thủ truởng Khoa Cơ điện.
Còn với tôi, có kỉ niệm khá hay, hơi có vẻ ngang buớng(!). Năm 1980, mấy em học sinh Vô tuyến k10 sắp đi thực tập, phải thi môn học Xe thu phát của tôi. Ông Trần Bình An, đang chủ trì đề tài Mã cấp Nhà nuớc, chọn 5 trò giỏi đi làm đề tài. (Ông này nổi tiếng "khit-tờ-rưi" khôn vặt ở truờng). Lần này "hay" ở chỗ ông ta chạy thủ truởng nhà trường thế quái nào mà cả 5 em không phải thi môn học này và cho luôn 5 điểm 5. (Nghe nói ông Cảo kí chuyện này). 
Ở truờng, giáo viên là lớp người khổ chỉ trên học viên. Họ chỉ có 1 quyền duy nhất - quyền cho điểm. Vậy mà lần này bị "trên" cướp mất. Tôi bực lắm. 


Trang thơ: Con hát nữa đi (Đỗ Quang Việt k2)


Cháu Bình, con cậu em tôi không may bị u xương cách đây 1 năm. Cả một năm trời cả nhà đã cùng với cháu chiến đấu chống lại căn bệnh quái ác. Bài thơ này tôi viết trong một lần ở bệnh viện với cháu.

  Con hát nữa đi
                                                                        Tặng cu Bình thân yêu

Nghe con hát trong buồng thay băng,
Biết con rất đau mà vẫn đang cố gắng.
“Happy New Year” – dập dìu, sâu lắng,
Lời ca xen với tiếng xuýt xoa.

Mấy tháng trời, bao nắng, bao mưa,
Cả nhà đã cùng con chiến đấu.
Tất cả vì cu Bình yêu dấu,
Bà nội, bác Hùng, anh Quân, chị Ly…

Sắp thắng lợi rồi, con hát nữa đi!
Những lúc đau, hát cũng là vũ khí.
Rèn bản lĩnh kiên cường con nhé,
Có chiến thắng nào không nếm trải gian nan?

Ước gì đau được hộ cho con,
Bố sẵn sàng gánh chịu cho tất cả.
Nghe con hát đứt đoạn mà thương quá,
Nhưng cũng mừng, con đã trưởng thành hơn.

Với thời gian, con ngày một lớn khôn,
Rồi tất cả chỉ còn là kỷ niệm.
Nhất định thế, ngày mai sẽ đến,
Trên đôi chân lành, con vững bước đi.

Happy New Year”, con ơi, hát nữa đi… 

                       Viện bỏng QG, 10/2010
                                                 Bố Việt

Đức Vua vi hành (Huỳnh Văn Úc)


Đêm Hà Nội. Đã quá canh ba giờ Tí, sương mù lãng đãng, gió hiu hiu, trời se lạnh. Một người đàn ông mặt mũi phương phi khoảng ba mươi sáu tuổi, đầu trùm chiếc khăn màu xanh thẫm che búi tóc dày, dải khăn buộc thắt về đằng sau và cài lại bởi một cây kim bằng sắt. Áo lụa thâm cổ tròn bốn vạt, ống tay áo hẹp. Ai đấy? Chỉ khi Ngài cho gọi và Thổ Địa cúi rạp mình : “ Muôn tâu Đức Vua!” ta mới giật mình nhìn kỹ để thấy rằng Ngài chính là Đức Vua Lý Thái Tổ. Giật mình nhìn kỹ ta mới thấy không khác mấy so với hình dáng uy nghi của bức tượng đồng đầu đội mũ bình thiên 14 tấn cao 3,3 m đúc liền khối lớn nhất Việt Nam đặt tại Vườn hoa Chí Linh trông ra Hồ Hoàn Kiếm. Thế còn tại sao lại là tuổi ba mươi sáu. Sinh năm 974, lúc hạ Chiếu dời đô năm 1010 Ngài tròn ba mươi sáu tuổi.

Đức Vua đi vi hành. Ngài đến thăm Chùa Một Cột, còn gọi là Chùa Diên Hựu được Vua Lý Thái Tông xây dựng vào năm Kỷ Sửu (1049) niên hiệu Thiên Cảm Thánh Võ thứ sáu. Năm 1954 trước khi rút khỏi Hà Nội quân đội Pháp đặt mìn phá huỷ ngôi chùa, sau đó nhân dân ta đã xây dựng lại theo đúng nguyên mẫu và tồn tại từ ngày đó đến giờ. Điều đầu tiên làm Đức Vua khó chịu và nhăn mặt lắc đầu ngán ngẩm là đôi sư tử bằng đá còn mới trông rất bề thế đặt trước cổng tam quan. Khi bước vào bên trong và lại nhìn thấy một đôi sư tử đá nữa đặt trước bàn thờ Phật, không thể dừng được Ngài cho gọi Thổ Địa:
- Tại sao lại có những con sư tử đá này? Có từ bao giờ?
- Muôn tâu! Có cách đây không lâu.
- Ngu dốt, vong bản, ngây thơ, tuỳ tiện! Sư tử chưa bao giờ là biểu tượng hay linh vật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ở các đình chùa miếu mạo con vật quen thuộc người ta thường thấy là con hổ hay con kỳ lân là con vật của bộ tứ linh long lân quy phượng. Tượng hổ đặt ở Lăng Trần Thủ Độ, ở đình Chu Quyến, đình Đông Viên là hai ngôi đình cổ của Hà Tây (cũ) và nhiều đình miếu khác trong nước. Hổ cứ sơn lâm phù xã tắc/Long du nguyệt điện tráng sơn hà. Còn kỳ lân là một linh vật tưởng tượng có đầu, mình, bờm, chân, đuôi trơn tru mềm mại, gương mặt, ánh mắt hiền lành, miệng cười tươi như một chú chó con. Khác hẳn với tượng sư tử ta vừa mới trông thấy, cơ bắp cuồn cuộn cứng chắc, mắt quắc hung dữ, nhe nanh múa vuốt như sắp cắn xé ai đó.
- Muôn tâu Đức Vua, ngoài Chùa Một Cột, tượng sư tử bằng đá còn được đặt ở Chùa Bái Đính, Đại Nam Quốc Tự (Bình Dương), Chùa Keo (Bắc Ninh)…
- Hỏng!
Và một tiếng thở dài. Câu nói cuối cùng vẻn vẹn chỉ có một từ : “ Hỏng!” và tiếng thở dài, sau một cơn gió thoảng qua Thổ Địa không còn trông thấy Đức Vua nữa, Ngài đã biến mất.

Ngày đầu năm 2011

SUY NGHĨ ĐẦU NĂM

1. Thầy Phạm Đình Trọng ngày 1/1/2011 có thư cho Bantroik5(3):
Đọc K5 nhiều chuyện hay nhỉ!
Cái ông Cung đó là một mẫu khá phổ biến hiện nay đấy. Trung Quốc gọi là shu yengxiang (xuất dương tướng, tạm dịch là hề). Gặp mấy vị đó, kì lắm. Âu đó cũng là qui luật, khi các vị hết "xăng" rồi thì "Anh hoa" phát tiết ra mặt, miệng và...tay. Nhưng mà chi tiết nhầm quả chanh nọ ra quả chanh kia thì e là chi tiết văn học(!??).
Đúng là lính Trỗi đa tài, bịa còn giỏi hơn cả nhà văn! Giọng rất chi là Azit Nêxin! Hay!!!.
Anh. Trọng

2. Anh Đỗ Quang Việt k2 với tâm sự "Một Năm mới nữa lại đến" vừa nhận sáng 1/1/2011.
“ Qua một ngày là mất một ngày. Qua một ngày là vui một ngày. Vui một ngày là lãi một ngày.” (Hiểu đời – Chu Dung Cơ).
Năm 2010 qua đi. Chúng mình đã vui cả năm nên đã lãi cả năm. Chúc cho năm nào chúng ta cũng vui để năm nào cũng là năm lãi.
Một trong những nguồn vui của rất nhiều Bạn Trỗi và các bạn của Bạn Trỗi là các BLOG Bantroi. Các Bloger đã có những bài viết hay, thú vị, hấp dẫn và rất thời sự. Đọc các blog Bantroi, người đọc thu nhận được rất nhiều thông tin bổ ích và lý thú, và hơn thế, qua nhiều bài viết, người đọc cảm nhận được tình cảm rất Trỗi của các Bạn Trỗi và Bạn bạn Trỗi. 
Trong số các bloger thì ai cũng thấy rằng những bài viết mang tính thời sự nóng hổi và đậm chất Trỗi nhất là của TKQ. Anh luôn xông xáo, nhiệt tình một cách vô tư, xứng đáng là một BanTroi điển hình. 
Trong các tác giả thuộc Trỗi K9, thày Huỳnh Úc rất nổi bật với các tác phẩm phong phú về thể loại và sâu sắc về nội dung. Tôi chia sẻ cảm nhận với một bạn đọc:” Ngoài dạy Tự động, thày Huỳnh Úc còn nên dạy văn học”. Chắc chắn thày sẽ dạy Văn hay hơn rất nhiều so với nhiều thày cô giáo dạy văn chuyên nghiệp. 
Anh Trần Đình Ngân cũng có những bài viết hay, sâu sắc và lý thú, cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích. 
Những bài viết về những kỷ niệm Trỗi (mà bây giờ mới kể) của nhiều tác giả cũng rất hấp dẫn và thú vị. Đọc những bài viết đó, người đọc như được sống lại cái thời “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng cũng rất “oanh liệt” của mình. 
Những bài thơ trong Blog cũng là những tác phẩm hay. Tôi hơi bất ngờ về tài làm thơ của Bùi Chương mà tận hôm nay tôi mới được biết. Mấy câu thơ lục bát ngắn gọn mà có đủ cả màu săc, âm thanh, cả cái mênh mang của trời đất và cái háo hức của tuổi trẻ để nh.tinhvi phải thốt lên:”tài thật”.
Xin cảm ơn tất cả các tác giả! 
Chúc cho năm 2011 sẽ là một năm sôi nổi của Blog Bantroi!
Chúc tất cả các BanTroi và các Bạn của BanTroi Sức khỏe dồi dào, Hạnh phúc tràn trề, Thành công mĩ mãn.
Quang Việt k2

3. Blog Bantroi ơi, 
Mấy năm qua, các bạn là chỗ để chúng tôi lui tới sinh hoạt hằng ngày.  Nó như 1 món ăn tinh thần không thể thiếu, có khác gì không khí để thở, như nuớc để uống, như  miếng cơm  để ăn... Chúng tôi tới và đựoc sống lại với những kỉ niệm tuyệt đẹp của 1 thời; gặp nhiều thầy, bạn,  nhiều đồng đội cũ. Có cả chuyện vui, chuyện buồn của cuộc sống ngày hôm nay. 
Nhưng toát lên là những nụ cười. Tính hóm hỉnh, vui nhộn, tươi trẻ luôn có trong tâm hồn Trỗi chúng ta.
Hơn nữa, có cảm giác với các bạn chúng tôi như có 1 niềm tin. Hãy đừng làm mất đi niềm tin ấy nhé!
(Bạn Trỗi giấu tên)

Tất niên của đội bóng Những Người Bạn

Chiều thứ sáu thứ sáu - lịch thi đấu hàng tùân của đội lại trùng ngày cuối năm. Vậy là "Đông - Tây y" kết hợp.

Bác Mạnh Thanh "chỉ đạo" chiến thuật

Vui vẻ tất niên

Chủ tịch Thắng (áo trắng) ngày cuối năm "gặt hái" kha khá cho đội.
Hai bộ quần áo mới của thiếu tuớng Thanh tặng đội đuợc mang ra trình diễn. Cánh áo đen chiều qua làm mưa làm gió. Quân áo đỏ làm chủ trận đấu nhưng mãi mới ghi đuợc 2 bàn danh dự. Tỷ số trận đấu nghiêng về áo đen, 6-2.
Sau đó ra Tao Ngộ Quán uống bia chia tay năm cũ. Nhà hàng năm nay có tổ chức "nhạc sống". Ồn ào, vui vẻ. Bác Mạnh Thanh ở Liên đoàn Bóng đá cũng tạt qua nhậu.
Cũng dịp này, đội nhận nhiều quà của Vinh (Đông Nam dược Bảo Long), Thắng "bác sĩ", Hùng "tài chính"... Chú Hùng phải khen "ông Chủ tịch không những đá hay, tổ chức giỏi mà còn biết cả "nghề hội hoạ"!!!".
Trên đuờng về nhà ghi lại hình ảnh Cột cờ Hà Nội đêm 31/12/2010. Anh chị em sống xa Hà Nội xem cho đỡ nhớ.
Cái tay Qx có đầy kỷ niệm nơi này???
Happy New Year 2011!

Tin nhanh từ BRD

Anh em Trỗi ở Leipzig (Quí Nga, Minh Võ và vợ chồng tôi) vừa đi đón năm mới cùng Hội "Hà Nội tôi yêu" về, nhớ tới anh em TRỗi ở nhà. 
Đêm liên hoan cuối năm của " Hà Nội tôi yêu " thành công ngoài ý muốn, sẽ có bài và ảnh gứi  về.
Chúc mọi chuyện tốt lành sẽ đến với gia đình bạn Trỗi! Năm mới vui vẻ, hạnh phúc!
Hoàng Quang k4