“Ước gì tôi không phải làm phòng mạch, tôi sẽ nằm dài nghe nhạc, xem sách và đi ngủ sớm, sáng dậy tập thể dục . . .”. Anh bạn bác sĩ, đồng nghiệp, thế hệ 5X của tôi vừa đứng lên vừa uống vội ly cà phê rồi xin phép về sớm cho kịp giờ khám bệnh ở phòng mạch. Ra trường năm 1978, nay anh đã là 1 bác sĩ khá “thành đạt”, chủ sở hữu 1 ngôi nhà ở quận 3, 1 ngôi nhà quận 7, vài miếng đất dự án ngoại thành, hàng ngày lái xe hơi đi làm . . . Gặp bạn bè, anh lúc nào cũng vội vội vàng vàng, rất thích bàn chuyện xe hơi, nhà đất và cũng rất hay than vãn, nào là quá bận rộn, không có thời gian học thi lấy thêm bằng này bằng nọ, nào là vẫn chưa đủtiền để sắm thêm cái này cái nọ . . . Anh là trưởng khoa của 1 bệnh viện lớn trong thành phố, làm việc tại bệnh viện từ 7g sáng đến 4g chiều, về nhà làm ngay tại phòng mạch đến 9g – 10g tối, phòng mạch anh chữa “bá bệnh”, từ chích ngừa uốn ván đến truyền dịch “phục hồi sức khỏe”, từ các bệnh tiêu hóa, bệnh tim mạch đến bệnh tiểu đường . . . mặc dù chuyên khoa của anh là bệnh truyền nhiễm, sốt rét! Gần đây, biết anh bị tiểu đường, tôi khuyên anh tập thể dục nhiều hơn, anh phân trần: ”Tôi đã mua mấy loại máy tập thể dục để trong nhà nhưng làm việc xong thì mệt nhoài chả còn hơi sức đâu mà tập, chỉ có chủ nhật, lâu lâu đi đánh tennis 1 lần, thế thôi!” anh tiếp “mình chỉ ráng làm thêm 1 thời gian nữa rồi sẽ nghĩ ngơi, sống cho ra sống!”. Tôi tự nhủ, với quỹ thời gian còn lại của những người thuộc thế hệ 5X như anh và tôi, lại mắc thêm bệnh tiểu đường chữa trị không đúng phương pháp, không biết anh còn khả năng để “sống cho ra sống” cho đến lúc quyết định nghỉ ngơi nữa hay không?