Năm Dậu thiết nghĩ
hiểu biết và niềm vui của mỗi người được gom góp lại và dãi bày để mọi
người cùng thưởng thức thì cũng là điều nên làm, nhất là về gà.
Có lẽ truyền thuyết về Vua Hùng kén rể với câu nói:
"Voi chín ngà - Gà chín cựa - Ngựa chín hồng mao" làm cho người ta
thấy tò mò khi được nghe đến giống gà này.
Xét về địa lý, nếu đi ngược lại thời gian vào thời kỳ
trước công nguyên thì biển còn ăn sâu vào đất liền và người già có nói lại đứng
ở Việt Trì (bây giờ) có thể nhìn thấy các rừng đước ở chỗ Sông Đuống hay Từ Sơn
(ngày nay), vậy giống gà này có ở đất Phú Thọ là đúng rồi. Một điều lạ là giống
gà này sao không được chuyển xuống vùng xuôi nuôi qua suốt khoảng 2.000 năm đã
qua? Việc săn tìm và dâng hiến các sản vật quí vốn là một tập tục của người dân
đối với vua quan, cũng như vua quan đối với nhau thì sao lại không thấy có ở
Kinh thành, đâu phải chờ đến ngày nay mới có được giống gà chín cựa ở Thủ đô?
trong sách Tam tự kinh đã ghi: "Mã Ngưu Dương, Kê khuyển thỉ, Thử Lục Súc,
Nhân sở tự"(1). Các loài, các nòi hay các giống lạ của Ngựa,
chó, trâu, lợn, dê đều đã được ghi thành sách trong suốt quá trình phát triển
xã hội. Với gà cũng vậy: nào là gà Đông Tảo, gà Tân Châu, gà Hồ, gà chọi... có
các nòi từ các tỉnh khác nhau từ Nam chí Bắc. Rồi gần đây có thêm gà Thái Lan,
gà Ai Cập, gà Trung Quốc, gà công nghiệp đưa giống từ châu Âu vào cùng hòa nhập
vào đại gia đình gà ở Việt Nam. Thế mà giống gà chín cựa có thật và được đi vào
truyền thuyết, một truyền thuyết vừa liên quan đến lịch sử sơ khai của đất
nước, vừa liên quan đến một phong tục rất Việt Nam là lễ vật ăn hỏi trong hôn
nhân, vừa liên quan tới một nhân vật đã đi vào tâm linh của người Việt trong Tứ
bất tử lại không thấy nêu?!