Kỷ niệm Chiến thắng
lịch sử Điện Biên Phủ
7-5-1954 – 7-5-2012
VỀ NHỮNG NGƯỜI TRONG BỨC ẢNH LỊCH SỬ
CÁCH ĐÂY NỬA THẾ KỶ
Trong dịp đến thăm lão đồng chí Lê
Trọng Nghĩa, nhân chứng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP) lịch sử, tôi được
cho xem nhiều tư liệu quý giá. Trong đó có bức ảnh ông cắt ra từ báo, giấy đã
cũ nhưng còn rõ nét chữ chú thích: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan cao
cấp đang thông qua phương án tác chiến trong Sở chỉ huy mặt trận tại bản Nà
Táu”… Theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” thì chỉ còn vài ngày nữa là tới
“ngày N”[1].
Pháo binh ta đang chiếm lĩnh trận địa. Hơn 2.000 trái pháo đã săn sàng giáng xuống đầu địch.
Pháo binh ta đang chiếm lĩnh trận địa. Hơn 2.000 trái pháo đã săn sàng giáng xuống đầu địch.
Trong ảnh, các sĩ quan đang vây quanh
bàn lớn đặt giữa hầm, mặt bàn trải tấm bản đồ chiến dịch. Đại tướng (người mặc
áo đại cán màu đen) đưa tay chỉ vào các cứ điểm. Đứng chếch bên tay phải Đại
tướng là Cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt, vốn là Chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ.
Sinh năm 1912 tại Quảng Ngãi; năm 1945, ông tham gia Khởi nghĩa Ba Tơ; năm
1946, là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 31 (Khu V) và năm 1953 tham gia Chiến dịch
ĐBP. Trong cuốn “ĐBP điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng đánh giá cao vai trò Cục Bảo
vệ, đặc biệt là đồng chí Phạm Kiệt, người sớm phát hiện ra việc bố trí pháo
binh trên trận địa quá trống trải, không an toàn, tránh được tổn thất to lớn cho
bộ đội. Năm 1958, ông được phong Thiếu tướng và năm 1961 là Tư lệnh kiêm Chính
uỷ Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Năm 1975, ông mất tại Hà Nội,
thọ 63 tuổi.