Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Nhiều kì: Đi một ngày đàng học một sàng khôn (Nh.Tinhvi - Leipzig)

Tôi đi sang Đức để làm một người lao động, theo diện hợp tác lao động giữa hai nhà nước. Sau khi nước Đức thống nhất thì tôi chuyển sang làm một người lao động tự do. Vì thế hàng ngày , trước đây khi mới sang , cũng như bây giờ ,sau 22 năm, tôi chủ yếu tiếp xúc với những người lao động , người dân bình thường .
Đất khách quê người, lại là nơi quá xa xôi với người thân, đất nước , ai cũng vậy, để tồn tại được thì phải học hỏi và lao động nhiều hơn một chút. Để đến trường lớp thì không có điều kiện. Thôi thì mình thấy người ta làm thế nào thì bắt chước, học theo những cái hay. Không làm theo những cái mà mình thấy chưa hay. Tuy nhiên có những cái lúc đầu mình thấy chưa hay nhưng sau này mình thấy hay thì lại làm theo. Có những cái thì là hành động cụ thể, có những cái là lối suy nghĩ, có những cái là tác phong. Có những cái thì mình thấy nó rất to tát, mình có học cũng chả để làm gì thì mình „bóp“ cho nhỏ lại „vừa“ với mình theo cách suy nghĩ đơn giản của một người lao động như tôi.
Mẩu bánh mỳ thừa
Tôi sang đến Đức vào mùa đông . Ngày nghỉ bên ngoài toàn tuyết trắng, đường lại trơn trượt , chẳng muốn đi đâu. Ngày chủ nhật nhìn ra cửa sổ không thấy một bóng người , chỉ thấy bà cụ già ở tòa nhà đối diện cầm túi rác đi rất chậm rãi ra khỏi nhà về phía thùng rác.Vứt rác xong bà lại chậm rãi quay về . Đường rất trơn nên mãi bà cụ mới đi đến trước cửa nhà. Khi thò tay vào túi áo khoác chắc là để lấy chìa khóa, thì như chợt nhớ ra điều gì, cụ đưa tay lên vỗ mạnh vào trán rồi quay trở lại. Tôi nghĩ chắc cụ lại quên, vất luôn cả chùm chìa khóa vào thùng rác rồi ? Thùng rác thì rất to và cao , loay hoay một lúc tôi mới thấy cụ lấy lai được cái túi rác nhỏ vừa vứt của mình. Mở túi rác, cụ lục lọi rồi lấy ra một mẩu bánh mỳ thừa nhỏ xíu. Cụ vứt túi rác trở lại, còn mẩu bánh mỳ thì cụ tiến thêm mấy bước đến thùng rác BIO (chuyên chỉ để vứt thức ăn thừa) để vứt vào. Té ra cụ chẳng quên chìa khóa mà chỉ là quên không vứt một mẩu bánh mỳ bé tý xíu vào đúng chỗ. Bây giờ những chuyện thế này đối với tôi đã trở thành bình thường. Nhưng cách đây 22 năm khi mới ở VN đặt chân đến đây chuyện ấy đã gây ấn tượng rất lớn cho tôi.
Năm 1997 nước Đức tham gia vào việc ký kết nghị định thư Kyoto và nghị định này có hiệu lực vào năm 2005. Đến năm 2008 họ đã tuyên bố hoàn thành các chỉ tiêu về giảm thiểu khí thải do nghị định này quy định phải hoàn thành vào năm 2012. Tôi không thể hiểu được cặn kẽ chính phủ đã có những chính sách khôn ngoan thế nào để làm được điều kỳ diệu đó . Nhưng không biết tôi có hồ đồ không khi nghĩ rằng họ sẽ không thể làm được điều kỳ diệu nếu vào cái ngày tôi vừa kể , cụ già kia không quay lại thùng rác tìm mẩu bánh mỳ?
Một người nhỏ nhoi như tôi làm sao hiểu được cặn kẽ nghị định thư Kyoto do LHQ chủ trì và có những 175 nước tham gia và làm sao biết được mình phải làm gì ? Nhưng cụ già kia đã dạy cho tôi cách „ bóp“ những chuyện to lớn để cho nó nhỏ lại chỉ bằng một mẩu bánh mỳ tý xíu. 

(Còn nữa)

Nhớ bạn

Ngày họp mặt, Chỉnh Huấn mời các gia đình liệt sĩ và bạn bè đã mất. Vợ và con gái Lưu Trọng Trung có mặt. Em cảm ơn, các anh k5 chu đáo quá, lần nào họp mặt cũng mời em.
Trung đi như vậy đã 14 năm. Gia đình này thân thiết với anh em ta vì em gái Trung lấy bạn Võ Minh Đạo và sống sum vầy quanh nhiều bạn trỗi ở khu 12A Lý Nam Đế. Ngày Trung đi, cháu trai mới 2-3 tuổi, ngơ ngơ ngác ngác chả biết gì. Cháu vẫn gái còn trong bụng mẹ. Nay, con trai Trung đã học lớp 11; con gái lớp 8. Sáng qua, tại khách sạn Ba Son, thấy cháu lớn lắm, đang ngồi chat trên mạng.
Đĩa hoa đẹp còn lại trên bàn tiệc ai đó định dành cho vợ Phùng Duy Hưng. Rất tế nhị, Bình chuyển ngay cho vợ Trọng Trung. Em cũng có ý từ chối nhưng không đuợc. Khi nhận đĩa hoa, em nói: "Vâng, em xin và mang về đặt trên bàn thờ đế nói anh Trung biết, hôm nay họp mặt 40 năm nhập ngũ nhưng vắng anh".

Thơ Đỗ Quang Việt k2 mừng ngày Quân đội

       MẸ ANH HÙNG
                       Kính tặng bà nội và các bà mẹ VN anh hùng
Mẹ đâu có muốn làm anh hùng,
Chỉ muốn cho đất nước này hết giặc.
Sinh con ra phải thời loạn lạc,
Nuôi con lớn khôn rồi tiễn con đi,
Để bao năm mong ngóng con về,
Cho đến nay đã chiều tà xế bóng,
Hết ngày lại đêm vẫn chỉ là mong ngóng,
Đất nước thanh bình, con còn ở nơi đâu?

Mẹ đâu có muốn làm anh hùng,
Chỉ mong con yêu trở về với Mẹ.
Đất nước mình đã qua cơn dâu bể,
Mấy chục năm rồi, Mẹ đau đáu hàng đêm,
Vẫn quặn lòng, vẫn nhói con tim,
Mỗi khi nhớ về câu hát ru thuở trước...
Mẹ chỉ mong ước gì đổi được
Huân chương anh hùng lấy giây phút gặp con,
Để được ôm và để được hôn,
Được mắng mỏ, được thương, được giận...

Mẹ anh hùng bởi không thể khác:
Cứ mỗi lần đất nước bị xâm lăng,
Trời Phật lại cậy nhờ nơi Mẹ
Sinh cho đất nước những anh hùng.
Rồi lại tiễn con, lớp lớp lên đường,
Nối chí cha ông, ra đi diệt giặc,
Cầu mong con "đá mềm, chân cứng",
Biết giữ tròn chữ "Hiếu", chữ "Trung".
Tiễn con rồi, ngày nhớ, đêm mong,
Hết tháng, lại năm, tảo tần, lam lũ...
Bãi mía, nương ngô, bờ tre, vạt đỗ,
Hạt lúa, củ khoai nuôi những chiến công.

Chuyển mình bay lên, Đất nước hóa Rồng,
Vận nước đến, có phần công đức Mẹ.
Từ ngàn xưa và mai sau vẫn thế,
Tổ quốc mãi ơn những người MẸ ANH HÙNG.
                                                     Q.V.

Chuyện cực kì lạ: Nuớc mắt không là nuớc mà là... (ST: Đạt)

Những ngày cuối năm, liên tiếp nhận đuợc bài và ảnh của bạn bè từ HN, từ Đức... Nhưng có 1 thông tin cực kì lạ: Một cháu gái Li-băng khóc không ra nuớc mắt mà ra giọt lệ, ngay sau đó trở thành dạng tinh thể. Sợ quá!
Đúng như ông bạn già Tôn Gia hay nói: Thế giới này phẳng thật! Mọi thông tin quái dị nhất, ở mọi nơi xó xỉnh nhất, xa nhất đều đuợc tung lên mạng.

Ấn tuợng sớm đầu tuần

Chở cháu Mý đi học tiếng Anh. Vất vả lắm mới thoát khỏi Ngã 5 Chuồng Chó. Xe, ngừơi từ Hóc Môn, từ Ngã 4 Ga vào trung tâm đông như trảy hội. Phi dọc Nguyễn Oanh thêm vài trăm mét, thấy khối người đứng tập trung bên lề đường, truớc cửa Ngân hàng ACB chi nhánh Gò Vấp. Chào cờ sáng thứ 2 chăng? Khối nam áo trắng quần xanh đứng trong, ngoài là khối nữ áo dài huyết dụ. Phía đầu là 3 vệ sĩ áo xanh trứng sáo đứng bên cột cờ. Đúng lúc ấy nghe phát ra từ loa giọng hát trầm hùng, dõng dạc "Đoàn quân Việt Nam đi...". Cờ đỏ sao vàng từ từ đuợc kéo lên. Cả khối người hát theo.
Ngay lúc đó trong người bỗng có cảm xúc dâng trào. Nuớc mắt muốn trào ra. Nhấn chân phanh cho xe đi chậm lại. Hồn dân tộc đấy, máu của cha mẹ chúng ta đấy, máu của bạn bè, đồng đội chúng ta, và cả công sức của chính chúng ta đấy.
Chính nơi này, sáng sáng đi qua thuờng đuợc nghe các bài hát truyền thống. Một sự tri ân đẹp!

Ở Leipzig cũng có Ngày Quân đội

Ông Quang xèng báo về, hãy vào http://www.nguoiviet.de/nv/modules.php?name=News&op=viewst&sid=11776 để xem tin, ảnh CCB ở Leipzig và gia đình lính Trỗi (Hoàng Quang, Tôn Gia Quý, Phạm Võ Hùng) tham gia mừng Ngày Quân Đội 22/12.
Sớm nay vào mà chưa có tin. Chờ vậy.
Nhân ngày 22/12, chúc các CCB ta vui, khỏe và hạnh phúc cùng gia đình, bạn bè, đồng đội!!!

Chỉ Hà Nội mới có... (ST: Đạt)

Bài viết nhiều kì của Văn Quang. Xin trân trọng giới thiệu!

Còn đang sống ở Việt Nam, tôi đã nghe nói nhiều đến nền văn minh, văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Thành phố đang mở rộng để phình ra to nhất nước, đang ráo riết “quy hoạch” để đẹp nhất nước,... xứng đáng là trung tâm văn hóa – chính trị, kinh tế lớn nhất nước và ôm giấc mơ lớn nhất cả Đông Nam Á này.

Nhưng rồi qua bao nhiêu năm, kể từ khi khôn lớn, rời bỏ miền Bắc ra đi, tôi rất ít khi trở lại Hà Nội. Có một hai lần đi qua, ghé vào thủ đô như một trạm dừng chân trong ngôi phố cổ rồi lại thản nhiên trở lại Sài Gòn. Không có dịp đi sâu ở lâu để “khám phá” nền văn minh Hà Nội, chưa được thưởng thức “ẩm thực” tinh tế nổi tiếng Hà Nội, chưa có thì giờ dạo chơi ngắm lại những danh lam thắng cảnh xưa. Chỉ có một buổi sáng ngồi trong nhà thủy tạ ăn sáng, ngắm mặt nước Hồ Gươm xanh biếc sau dàn liễu rủ.Hơn thế, từ xa xưa Hà Nội vốn nổi tiếng là mảnh đất “kinh kỳ ngàn năm văn hiến”, người Hà Nội thanh lịch dịu dàng. Chẳng thế mà trăm năm trước, người Hà Nội vẫn tự hào với câu :

   ”Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.
 Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Vậy trăm năm sau nó phải “văn hiến” hơn chứ. Tôi cũng mong có được lòng tự hào về mảnh đất thủ đô của ông cha ta để lại tiếng thơm cho con cháu.


Người “Hà Nội thực thụ” còn lại rất ít

Tuy nhiên, dù vậy trong giao tiếp hàng ngày, tôi cũng đã từng được nghe giọng nói Hà Nội ngày nay, khác với ngày xưa rất nhiều. Ngay cả trên các đài truyền thanh truyền hình và trong những cuốn phim, tiếng nói Hà Nội cũng đã khác xa. Lý do cũng dễ hiểu, bởi những người dân “thực thụ Hà Nội” đã cao chạy xa bay từ nửa thế kỷ rồi, số “thực thụ Hà Nội” còn ở lại rất ít. Những người đến Hà Nội sinh sống sau này hầu hết từ khắp các vùng nông thôn và trước hết là những người có công với “kháng chiến”, có địa vị “nhà nước” được đưa về thủ đô “công tác” rồi kéo cả nhà, họ hàng về “ăn theo” nghiễm nhiên trở thành dân Hà Nội” và cứ thế phát triển dần, phát triển thoải mái, du nhập đủ thứ thói quen, kể cả những thói hư tật xấu, phong cách ô hợp, chẳng ai buồn để ý tới, chẳng ai coi đó là chướng tai gai mắt. Ngược lại, có khi còn thấy … thú vị, nên nó phát huy tối đa những góc cạnh “lạ lùng quái đản”. Thói hư dễ bắt chước, tính tốt khó làm quen là tâm lý thông thường.

Có một số người từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống đã có thể tạm thời “hòa nhịp” với giọng nói Sài Gòn. Nhưng vẫn còn một số người mới vào Nam sinh sống và cả một số vào đã lâu nhưng vẫn giữ mãi giọng nói “đặc biệt” của miền Bắc, không thay đổi được. Cho nên người miền Nam thường có thể đoán ra ngay “Bắc Kỳ 75” hay “Bắc Kỳ 54”. Họ hàng nhà tôi cũng vậy. Cho nên tôi không cho đó là tốt hay xấu, hay hoặc dở. Tôi chỉ nói đến sự khác biệt mà thôi. Ngay cả cách dùng từ ngữ cũng khác. “Điện cho tôi nhé” chẳng biết điện thoại hay điện thư (e mail) hay điện tín. Vất vả lắm thì nói “vất lắm”. Liên lạc với nhau thì nói “liên hệ”, đề phòng thì nói “cảnh giác”, bảo đảm thì đảo ngược thành “đảm bảo”… Có hàng trăm kiểu nói như thế, nghe qua biết liền. Có lẽ cần phải có một cuốn từ điển Việt Nam mới để mọi người VN cùng dùng chung và hiểu nhau hơn.
(Còn nữa)