Chỉ hai tuần sau ngày Chủ tịch Hồ
Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà,
ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lấn Nam Bộ lần thứ hai. Trong tình
thế hiểm nghèo của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phong trào cách mạng ở
Nam Bộ vẫn tiếp tục phát triển. Các đồng chí thành viên Xứ Uỷ Nam Kỳ đã kịp
thời triển khai chủ trương xuyên Đông, xuyên Tây (xuyên Đông: mở đường liên lạc
về Phú Yên, địa đầu phía nam vùng tự do liên khu V, xuyên Tây: mở đường từ Rạch
Giá đi Thái Lan, vượt sông Mékong ngược về khu IV Thanh - Nghệ - Tĩnh) để Nam
Bộ không bị cắt rời khỏi phong trào chống Pháp của cả nước, đảm bảo sự lãnh đạo
thống nhất của Chính phủ lâm thời và Hồ Chủ tịch. Thông qua các đường dây liên
lạc này và qua sóng phát thanh, Nam Bộ vẫn tiếp nhận đầy đủ sự chỉ đạo để tổ
chức cuộc Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử. Bà Ngô Thị Huệ,
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhớ lại: “ Quá trình chuẩn bị và tiến hành
Tổng tuyển cử đã diễn ra trong điều kiện các thế lực đế quốc và tay sai ráo
riết chống phá chính quyền cách mạng. Do trình độ giác ngộ chính trị còn hạn
chế, đồng bào nhiều nơi chưa hiểu hết tầm quan trọng của Tổng tuyển cử. Chính
quyền cách mạng từng địa phương đã tuyên truyền sâu rộng Tổng tuyển cử, xem đó
là một cuộc vận động giáo dục, tổ chức quần chúng, thực hiện đại đoàn kết thống
nhất dân tộc” .
(Xem: Hồi ký ĐBQH khoá I. Nxb Chính trị Quốc gia, năm
2000, tr.81)