Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Thời tiết tuần này

Miền Nam có thể rét 14 độ. Mời xem!!!

Ăn thắng cố ở VN nhớ đến soupe flacki ở Ba Lan

1.    Thắng cố
Tối qua ăn cơm nhà chú Hùng “bướm”. Hùng là dân Thể thao Từ Sơn cùng lứa Tuấn “khàn”, Phan Anh Tú, sau đó tu nghiệp ở Học viện TDTT Leipzig, từng giao du với ông anh Quang “xèng”.
Món chính là đặc sản trâu. Vào bàn có đĩa trâu hấp, Hùng Kể: “Gần sân bay có quán thịt trâu. Ngon, nên hôm nay mời các bác thử. Trâu chấm tương. Mà ở đây có cả món thắng cố”. “Vậy gọi được không vì anh chưa ăn bao giờ?”. “OK”, chú bốc máy gọi 1 bát cho 6 người ăn. Lát sau nhà hàng mang lại.
Đổ thắng cố đựng trong túi ra bát. Nóng hổi, hơi bốc nghi ngút. Hình dung ngay ra cảnh chợ vùng cao Hà Giang (được xem trên TV). Chảo thắng cố to tướng, sôi sùng sục trên bếp củi. Những bọt khí lục bục nở ra. Bà chủ múc nhanh tay những muôi thắng cổ đổ ra bát tộ. Thắng cố có màu nâu nâu. Thực khách (những tay mặc áo chàm, đầu quấn khăn) xì xà xì xụp húp để giã rượu. Món này thường ăn sau những tuần rượu nhậu với thịt trâu nướng…
Lấy thìa múc từng miếng thấy có lòng non, lòng già. Món này khác cháo lòng của người Kinh vì không có gạo. Lần đầu ăn thắng cố. Ngon!

2.    Nhớ món đặc sản chợ Ba Lan – Flacki
Ngày ở Ba Lan, sáng sáng kéo bịch quần áo ra chợ bán. Lúc đầu chưa đi xa, tôi hay mang ra chợ Banacha, cách trung tâm chục bến tầu điện. Nhà Dũng Zenek (Trỗi k6) gần đấy, rủ hắn cùng bán.
Hắn học đại học ở đây, “tiếng dài” nhưng chả hiểu sao chiếu quần áo của hắn bán không “tít” bằng của tôi (dù mình học tiếng Ba Lan qua tiếng Nga, “ngọng níu ngọng nô”). Khách hàng, nhất là mấy bà già, cứ lại chỗ tôi ướm thử, hết áo nhũ hổ, nhũ bướm đến áo gió, áo len… và mua liền tay.
Nghỉ trưa,đói bụng khi thì ăn bánh mì tròn kẹp xúc xích nướng, khi humberger  hay cơm rang kiểu Tây (gạo nấu như còn sống, trộn với bơ dầu, có thêm mấy lá xà lách...).
Một lần Dũng hỏi: “Ông ăn soupe flacki bao giờ chưa?”. “Chưa!’. “Thử đi, ngon lắm, đặc sản Ba Lan đấy”. “Ừ, thì thử. Nhưng nấu bằng những gì?”. “Ăn khắc biết!”.
Dũng ra gọi. Lão chủ quán, đầu đội mũ đầu bếp, tay múc cháo ra 2 cốc (loại cốc gốm to, có tay cầm). Đâu như mấy dua (zloty)/cốc. Nóng hôi hổi, hơi bốc nghi ngút. Trời lại đang đông, nên khi cầm bát cháo thấy ấm người. Cứ thế húp.
Flacki có hương vị thơm thơm như cháo lòng. Soupe nấu bằng xách bò sau khi ninh nhừ với gạo. Ăn ngon miệng. Vậy không chỉ ở VN có chào lòng lợn với dồi, lòng non, tim gan mà ở Ba Lan có món cháo lòng nhưng nấu từ dạ dày bò.

Vận động tuổi này

Già lại hay ăn nhậu, lười vận động thì đây là 1 nỗi lo. Bệnh tim mạch, huyết áp, xương khớp… Nhưng già mà vận động quá cũng là vấn đề. Theo lời khuyên của thầy thuốc thì mỗi người nên chọn cho mình 1 cách vận động.
Cái nhà anh Quang “xèng” thì mở lò võ Nam Hồng Sơn ở Leipzig. CLB của anh thu nạp không chỉ người Việt mà cả Tây. Võ là rèn luyện sức khỏe, ý chí và tinh thần nghĩa hiệp, đồng đội. Còn như thầy trò anh Toàn "sứt", Tuấn "phúc", Việt Trung, Tuấn "câm", Hữu Việt ở HN hay Trần Hậu Tuấn, Trần Hữu Nghị TPHCM thì đam mê với Vĩnh Xuân Quyền từ mấy chục năm nay. Họ nói: tập võ để có sự dẻo dai, có sức mạnh, có hạnh phúc gia đình và có tình huynh đệ (mà có tình huynh đệ thì có tất cả, “giàu vì bạn…” mà!).
Có người quan niệm, sự dẻo dai do tập thể dục thường xuyên. Có thể sáng, sau khi vận động cơ khớp nên đi bộ hay chạy dăm cây số. Khi đó buộc phổi phải hít thở với nhịp độ cao hơn bình thường, tay chân, cơ thể được vận động. Nên chọn công viên hay phố xá ít xe cộ để được hít thở không khí trong lành. Vận động như thế, mồ hôi ra sẽ bài tiết những độc hại đã tích lũy trong gan, thận; nhất là cồn đã ngấm trong máu sau những vụ nhậu hơi quá đà. Tắm xong sẽ thấy thoải mái, có thể bắt đầu 1 ngày làm việc đầy sảng khoái.
Nhưng tập thể dục mới cho mình sự dẻo dai. Muốn có sức dướn nên chơi thể thao. Chơi môn nào là do đam mê của mỗi người. Ông thì tennis, ông bóng bàn, bóng đá, bơi lội… Ông có nhiều “xéng” thì “gốp” (Golf).
Ngày ra HN hay chơi bóng đá với CLB Những Người Bạn. Các anh trẻ thì dướn tốt, chạy nhanh, sút căng cứ thế mà phát huy; còn chúng tôi già thì cứ chạy chỗ loanh quanh cầu môn, yêu cầu cánh trẻ chuyền bóng với "dung sai" +/- 5cm, nhận được bóng thì khéo léo tạt (chứ không phải sút) vào lưới. (Anh em nhanh mắt thì mình nhanh tay vậy!!!). Vậy mà bác Thắng “tụt” k2 tuổi ngoài 60 mà vẫn nhanh như sóc và là cây làm bàn cho đội.
Suốt 15 năm nay, tại TPHCM, anh em HN đã cùng nhau duy trì sinh hoạt của đội bóng Vĩnh Xuân. Hết đá sân xi măng của Không lưu, đến sân trong nhà của Trung tậm TDTT QK7, sân cỏ mini của Xí nghiệp sửa chữa máy bay A75, sân F370 không quân rồi sân lớn Trung tâm Huấn luyện bay… 5 năm nay về sân cỏ Không lưu.
Đội hình ngày xưa nào Ninh “choắt”, Lam “xẩm”, Hùng “tí”, Đông “ky” cùng Tâm "sắt", Kiên "mừn" với Tuấn “khàn”, Hùng “bướm”, Hữu Nghị, Kiến Quốc, các cháu Nam,Tuấn (con anh Ba Hưng)… Nay còn lại Tuấn, Hùng, Quốc cùng các cháu sinh viên Hàng không. Cứ đến chiều thứ 7 là xốn xang, mong trời đừng mưa. Tuổi này cứ đá 1 hiệp 40’ là khỏe; nhưng mấy tuần nay thiếu người cứ phải kéo cả 2. Vậy mà “phình phường”. Vui, khỏe lắm.
Trận cầu chiều qua, tiền đạo già này cũng ghi 2 biển/6 bàn của đội nhà. (Ghi 2 thì chưa phải chiêu đãi vì quy định "nếu hat-trick phải mời cà đội uống bia"!). Tối về còn được vợ chồng Hùng “bướm” mời cơm. Lâu lắm anh em mới có dịp hàn huyên. Nghị “phệ” chỉ “đá đội hình phụ” nhưng “ăn đội hình chính”. Anh em được thưởng thức món thịt trâu hấp, cả “thắng cố” đúng kiểu vùng cao Quản Bạ, Mèo Vạc, Lũng Cú cùng bê-bi-kiu… Ngon, vui. Tới gần 11g mới "tản". Thể thao mà có thêm tí bia rượu cũng được của nó - thêm hương vị!!!
Thể dục, thể thao như cơm ăn,áo mặc; cần thiết vô cùng. Có nó cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều. Mỗi người nên có 1 sự lựa chọn cho mình!