Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Hổ phụ sinh Hổ tử

HỔ PHỤ SINH HỔ TỬ
(Bài gửi Báo Tuổi Trẻ nhân dịp 27/7/2017)
Ngôi trường vinh dự mang tên Anh
Chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi anh dũng hy sinh ngày 15-10-1964. Tròn một năm sau, ngày 15-10-1965, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập nhà trường mang tên Anh. Ngày khai giảng đầu tiên được tổ chức ở cửa rừng An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái – An toàn khu thời chống Pháp. Ngay từ khi khoác bộ quần áo quân phục nhập trường, các bạn đã tâm niệm lời Bác Hồ dạy: Lấy tên Anh Trỗi đặt cho trường để các em noi theo gương Anh!
Chỉ tồn tại 5 năm (1965 – 1970), Trường Văn hóa quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (thuộc Tổng cục Chính trị) đã giáo dục 8 khóa với 1200 học sinh (từ lớp 5 đến lớp 10) - là con em gia đình có công, gia đình cán bộ trong và ngoài quân đội đang chiến đấu ngoài mặt trận. Sau đó, gần 900 em nhập ngũ và được đào tạo trở thành sĩ quan, hơn 1000 học sinh có trình độ kĩ sư, bác sĩ, cử nhân; hơn 100 tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư... Sau hơn nửa thế kỉ phấn đấu, rèn luyện, có 3 trung tướng, 15 thiếu tướng cùng hàng trăm sĩ quan, cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - học sinh khóa 5, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Mái trường ấy còn tự hào với 2 thầy giáo (Nguyễn Văn Phố, Nguyễn Đăng Đạo) và 28 học sinh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.