Nhân
sự kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng đang sôi nổi “tranh cãi” về
việc bảo tồn cầu Long Biên, một “nhân chứng lịch sử quí hiếm” của Thủ đô Hà
Nội. Tôi xin nêu một vài hồi tưởng về cây cầu hơn trăm tuổi lấp lánh nhiều kỷ
niệm trong tuổi thơ tôi và của bao người cùng thế hệ.
|
Quân Pháp phải rút quân khỏi HN, 10/10/1954. |
Nhà ở khu dân cư ven sông, nên vào mùa
nghỉ hè, các bậc cha, mẹ lũ trẻ con vô cùng lo lắng, vì bọn nhóc rất khoái ra
sông Hồng nghịch nước cùng các anh lớn. Mấy ông anh lớn trong khu thường đầu
têu dẫn bọn nhóc chúng tôi ra bãi bồi ven sông Hồng, chui vào ruộng ngô đánh
trận giả rồi ra ven sông nghịch nước. Lũ trẻ con chúng tôi khoái nhất là mùa
nước lên, nước sông tràn vào tận ven con đê quai ngăn cách vùng ngoài bãi với
khu nội thành. Mùa nước, đứng trên con đê sát đường Trần Quang Khải nhìn ra khu
dân cư bên ngoài đê thấy nước ngập mênh mông, khi đó những gia đình sống ngoài
đê như gia đình tôi thường phải vào trong phố, làm những túp lều tạm bằng vải
bạt hoặc ny-lon trên vỉa hè để ăn, ở tạm chờ nước rút, thường thì phải ăn chực,
nằm chờ hàng tuần lễ, rất vất vả. Vậy mà lũ trẻ con chúng tôi lại rất khoái
chí, vì được nghịch ngợm và lội nước bì bõm, hay đi thuyền vào trong phố. Người
dân ngoài bãi đa số là dân lao động nghèo, thì nhân mùa nước tranh thủ vớt các
thân cây trôi nổi ngoài sông dạt vào để làm chất đốt, bởi vì khi đó loại chất
đốt phổ biến của cư dân thành phố là củi và dầu hỏa được bán phân phối rất hạn
chế. Cũng chính vì chuyện vớt củi rều vào mùa nước, nên lũ trẻ con ngoài bãi
ven sông Hồng khi vào phố đi học với lũ trẻ trong nội đô, thường bị trêu chọc
là: “Băng củi rều”. Còn bọn trẻ ở khu vực Nhà thờ Lớn thì có tên là “Băng Nhà
Thờ”, bọn nhóc ở khu vực phố Lò Đúc, nơi có hàng cây Sao Đen cổ thụ chạy dọc
hai bên vỉa hè, đêm đêm hàng đàn cò, diệc bay về đậu trên các cành cây để ngủ,
cứt cò ỉa trắng hè phố, thì bọn nó lại có tên: “Băng cò ỉa”… Thân nhau vậy mà
nhiều khi bị trêu chọc là “Băng củi rều” hay “Băng cò ỉa”… là hai bên lại xông
vào oánh nhau túi bụi, khi “dàn trận”, mỗi bên cắt cử một hay hai đứa nhỏ con
nhất ngồi trông cặp sách hẳn hoi.