Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Nhân ngày 27/7, thăm gia đình LS


Tác nghiệp.
Từ Vũng Tàu về, Nhất Trung và tôi cùng các cháu ở QPVN đến thăm cô Thục. Đã 11.30 trưa mà cô vẫn chờ.
Cô trò gặp nhau vui lắm, chuyện nổ như ngô rang. Cô kể vừa đi Quảng Ngãi với k4, đến cuối tháng này lại ra với k8: "Không đi với k8 không được, em ạ, vì cô phụ trách và dạy lớp này mà. Các em k8 đã mua vé cho cô rồi".

Chú Long.

Cô và Hạnh Nguyên QPVN.

Ngày về trường, TCCT khéo chọn 3 cô đều là vợ Ls phụ trách C11: cô Hồng - vợ bác Trần Đăng Ninh, cô Nhâm - vợ Ls từ năm 1951 (chú nguyên là học viên khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946), cô Thục - vợ chú Long phi công Mig-17, hy sinh những ngày đầu khi bảo vệ vùng trời HN. Sau này, cô Lan có chồng là trung úy sĩ quan đài điều khiển tên lửa cũng hy sinh năm 1967...

Chúng tôi được gặp thầy Hồng Tuyến

Nói chuyện này chắc ai cũng cười, làm gì có chuyện? Nhưng đó là sự thật!
Bên ban thờ thầy.
... Sáng nay, 19/7/2017, biết chúng tôi xuống thắp hương cho thầy, cô Huê đã xin phép Cha cho đón di cốt thầy từ nhà thờ về nhà. Và chúng tôi đã có vinh dự được gặp thầy.
Thật cảm động khi vừa đến, thấy trên màn hình LCD nhà thầy đang bật clip của Hà Mèo "50 năm Trường Nguyễn Văn Trỗi". Xúc động hơn, khi cô mở tiếp clip "Thầy Hồng Tuyến" cũng do Hà Mèo làm. Anh em vừa vỗ tay vừa rưng rưng nước mắt, hát bản Trường ca của thầy sáng tác đã hơn nửa thế kỉ.

Di cốt của thầy được đón về nhà.

Cô xúc động kể về chuyện học trò Trỗi qua anh Trần Xuân Lăng k3 tìm thấy thầy năm 1991, rồi liên lạc với thầy, thăm thầy ngày Nhà giáo và đón thầy về dự Hội trường... Cô nhắc lại cả chuyện học trò Trỗi (Phục Quốc k4, Trần Bình k5) ở viện 175 chăm sóc sức khỏe cho thầy, ngày ấy tưởng thầy đã phải tháo khớp chân.
Chúng tôi xúc động khi cô nhắc lại hình ảnh Vũ Mạnh Hùng k4 đi xuyên Việt vào tận Vũng Tàu thăm thầy. Trò tàng tật cưỡi xe 3 bánh đến cổng gọi thầy; thầy chân đau không ra mở cổng được từ trong nhà đã ném chìa khóa ra cổng cho trò. Nhưng... sức thầy yếu không ném chìa khóa ra tới cổng, còn chân trò yếu cũng chả thể lết mình, thò tay lấy được chìa khóa. Đúng là thầy trong, trò ngoài, gần nhau trong tấc gang mà lại thật xa. May mà đến lúc đó cô vừa đi chợ về.
Cô bảo, dịp kỉ niệm 50 năm Trường Nguyễn Văn Trỗi ở TPHCM, thầy yếu lắm nhưng quyết tâm đi. Khi các em đưa thầy lên sân khấu, bắt nhịp cho cả hội trường hát Trường ca thì thầy thấy khỏe hẳn ra.
Gia đình cảm ơn thày trò Trường Trỗi đã tận tâm với thầy đến giờ phút cuối cùng!
Làm sao quên được hình ảnh: thầy trò Trường Trỗi đã hát Trường ca trước linh cữu của thầy hôm tiễn thầy đi.