Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Tâm sự Chủ nhật - Kỷ niệm của tôi, 1 vợ bạn Trỗi (Nguyễn Thị Thắng)

Tôi “làm bạn” với anh Phúc Chiến k5 đã sắp 40 năm, từ khi anh còn công tác ở ĐHQS trên Vĩnh Yên. Cũng vì là vợ bạn Trỗi mà quen rồi thân nhiều các bạn Trỗi như Trần Xuân Lăng, Phan Nam, Lê Bình, Tấn Lợi, Kiến Quốc, Phùng Duy Hưng, Lê Chí Hoà, rồi sau này là Tấn Mỹ, Kha Tư Xô…
Tôi có nhiều kỉ niệm với các bạn Trỗi cùng nhiều kỉ niệm với đất Trung du mà anh Chiến từng sống 5-6 năm, truớc khi trở về Huế. Mỗi lần từ Hải Phòng đưa cháu Phương Nam lên Vĩnh Yên thăm chồng là các bạn (cả 1 “phái đoàn”) rồng rắn ra ga Vĩnh Yên đón chúng tôi. Tầu vừa dừng, cháu Nam thì đuợc ngồi ở bình xăng xe Honda-67 của ba, còn các chú thì chung tay xách nào làn đồ ăn, nào túi quần áo về chiêu đãi sở. Chiêu đãi sở ngày ấy nằm đối diện với nhà anh giai Lữ (cơ sở cách mạng và anh còn có cái tên “đại tá Lữ truởng Lữ đoàn dù” do anh em đặt). Vì thế, có gì cứ nấu nuớng bên bếp nhà anh giai, ăn uống rất tiện.
Chiều chiều, Chí Hoà, Kiến Quốc hay xách giỏ đi với tôi ra chợ Vĩnh Yên. Cái chợ nằm gần ga, trên 1 khoảng đất lõm sâu hơn mặt đuờng nhựa. Rau cỏ Vĩnh Yên rất ngon, cá mú rất tươi. Chiều hôm đó, bạn bè được bữa no say. Hôm thì gà luộc, bữa thì cá nấu riêu với rau sống… Còn nhớ Quốc cứ đùa ''Thế này thì Thắng ở lại chiêu đãi sở hoài cũng được''.
Còn nhớ chiều thứ bảy, khi ăn cơm tối xong, Quốc lại lấy xe Honda của chiến hữu đi “đón trăng non trên đồi Xây dựng''.
Nhớ mãi một hôm, cháu Phương Nam đứng ngay sân của chiêu đãi sở chơi. Vừa thấy bóng ''đại tá Lữ'' đi làm về, cháu đã chống nạnh và gọi rõ to ''Anh giai!''. Cả hội ngạc nhiên rồi cười nắc nẻ vì thấy chú nhóc tì (mới 2-3 tuổi) dám “hỗn hào” gọi bác là “anh”. (Nghĩ bụng, chắc thấy ba và các chú vẫn gọi bác là vậy nên bắt chuớc?). Còn bác Lữ thì mắt nhắm tít, cười trừ: “Trẻ con ấy mà!”.
Quay đi quay lại đã gần 40 năm. Giờ thì mỗi người một nơi, xa xôi cách trở. Nhưng mỗi lúc rảnh rỗi lại bâng khuâng nhớ tới những người bạn của chúng ta - kẻ còn người mất, cả những bạn đã ngã xuống - cùng những kỉ niệm xưa. Thuở ấy, chúng ta sống với nhau sao mà vô tư và sao mà đẹp đến thế!

Niềm vui không của riêng bạn

Chủ nhật, vừa đi ăn sáng với Khánh Hoà về thì nhận tin nhắn của Phùng Duy Hưng: VTV1 đang có chương trình "Trò chuyện Âm nhạc" mà Duơng Minh Đức là 1 trong 2 khách mời nói về ngày Nhà giáo 20/11. Chạy lên nhà mở TV thì thấy ông bạn mình đang nói về việc giảng dạy âm nhạc nói chung và thanh nhạc nói riêng ở các nhà truờng chuyên nghiệp cùng 1 thầy giáo của truờng Sư phạm Nhạc-Hoạ TW.
Nhà đài đặt vấn đề cả về các tác phẩm giới trẻ hay hát hiện nay và nhiều tác phẩm hay chưa đến đuợc với công chúng. DMĐ bạn ta có so sánh rất hay, ngày xưa phuơng tiện thông tin đại chúng chỉ có báo và đài phát thanh mà đài thì phát liên tục, phát đi phát lại các tác phẩm hay (sau mỗi chuơng trình phát tin); nên đã "thấm" vào người nghe. Còn giờ thì đầu tư đó hơi bị ít. Một chủ đề hay cho các nhà kinh doanh phát thanh, truỳên hình!
Vui hơn là anh em ta ý ới nhắn tin cho nhau: "Mở TV đi, có DMĐ quân ta đấy!".

Thơ Trung Việt bên Bantroik3

Tôi thân với anh từ ngày còn bé (2 cụ, 2 gia đình đều là dân Lục quân VN ở Trung Quốc, rồi cùng về khu tập thể 38 Trần Phú, HN, anh thân với Thắng Lợi nhà tôi), cùng lên truờng Trỗi, cùng vào Đại học KTQS, cùng ngành Thông tin và cùng thích sưu tầm văn thơ, thích viết.
Đầu năm 2005, anh mất. Bạn bè k3 đã sưu tập những bài thơ của anh làm nên tập Thơ Trung Việt. Nay có cả 1 blog thơ của anh. Xin cảm ơn các anh chị k3 đã cho chúng ta gần hơn với Đỗ Trung Việt, lính Trỗi k3!

Những người hùng VN ở I-rắc (Trần Đình Ngân)

Đầu những năm 1980, không ít người lao động VN (trong đó có nhiều lính vừa giải ngũ) đuợc xuất khẩu sang I-rắc, làm phu đường, phu xây dựng. Rồi chiến tranh với I-ran và các nuớc xung quanh tới 1988. (Mỹ qua I-ran muốn các ông trùm dầu mỏ I-rắc phải quy phục?). Người lao động VN theo lệnh của Sứ quán: di tản. Họ hối hả chạy tán loạn theo nhiều ngả, vượt biên sang nuớc thứ 3 để chờ máy bay về VN. Những khuôn mặt hốc hác vì đói, khát với ba lô (hay nói đúng hơn là nững bao tải quần áo rách) sống vạ vật, lang thang rồi cũng được Chính phủ VN bàn bạc, kí hợp đồng cho theo những chuyến bay về nuớc. Phải chục năm sau, những người lao động này mới đuợc đền bù vài nghìn đô-la cho những tháng ngày phục vụ bên đó.
Nhưng trong số những người lao động đó có vài chục mạng (vốn là bộ đội từng chiến đấu ở B2, B3, B5 những năm chống Mỹ), ra quân không nghề không nghiệp, sang đây làm phu phen; nếu trở về nuớc sẽ là tay trắng và sau lưng họ là vợ con nheo nhóc. Họ bàn với nhau, chiến tranh không thể kéo quá dài, kinh nghiệm những năm sau chiến tranh (như sau 1975 ở VN) cho thấy đó sẽ là “thời gian thu hoạch” của những chiến lợi phẩm còn sót trên chiến truờng, của những viện trợ nhân đạo… Họ đã không đi theo đoàn di tản quân hồi quốc mà trốn ở lại.
Và, nhóm “cô hồn” ấy co cụm lại với nhau, né tránh những nơi xảy ra bom đạn ác liệt nhưng cũng có lúc dám cùng nhà cầm quyền cứu hộ những người bị nạn. Hậu chiến, Sadam Hutxen cảm kích đã phát biểu: “Chỉ những người bạn VN đã thắng Mỹ là dám ở lại sát vai chiến đấu chống Mỹ cùng chúng tôi. Họ là những anh hùng. Chúng tôi có trách nhiệm giúp họ”.
Rồi chiến tranh Vùng Vịnh, rồi Mỹ và đồng minh nhảy vào. Lại chiến tranh từ đầu những năm 1990 tới 2003. Họ vẫn né, núp và "âm thầm" tìm cơ hội làm ăn. Hậu chiến, họ được nhà cầm quyền cho tham gia thu dọn chiến truờng. Những chiếc xe Jeep vùng Vịnh, những xe công xa, (thậm chí cả vũ khí) đuợc họ thu gom và xuất khẩu. (Chắc chắn là có đưa về VN?!).
Rồi những trung tâm cứu trợ, những cây xăng, những kho gạo, kho thực phẩm… được chính quyền giao cho “những người hùng VN” đứng ra kinh doanh. Lãi được tích luỹ, thuế má ưu đãi. Họ tồn tại, sinh sống được rồi đón vợ con, họ hàng sang sinh sống. Tại I-rắc nay có cộng đồng người Việt được nhà đuơng chức kính trọng.
Vài chục mạng ấy giờ không ít nguời trờ thành tỷ phú đô-la. Họ cũng có những đóng góp, những hoạt động từ thiện tích cực với quê huơng. Chuyện không phải ai cũng biết?

Hai người thầy (Hữu Việt)

Một bài cảm động nhân 20/11 năm nay!

Chuyện về anh Trỗi, giờ mới biết

Hôm cùng chị Quyên đến nói chuyện với các cháu truờng Nguyễn Văn Trỗi, Gò Vấp biết thêm nhiều chuyện về anh.
… Ngày nhỏ vì nghèo học chưa hết tiểu học, 15 tuổi anh Trỗi phải ra Đà Nẵng học nghề may. Học xong, có thể làm việc độc lập mà chủ chỉ trả luơng học việc. Khổ quá, 1 lần về quê, anh Ba nhờ mang 15 đồng bạc về cho ba, anh Trỗi đã cầm luôn số tiền đó trốn vào SG. Vào 1 tiệm điện học nghề, rồi làm việc kiếm sống.
Anh chị quen biết nhau trước khi cưới khoảng 6 tháng. Chị kể “Anh rất giản dị, quen nhau, yêu nhau chưa bao giờ nó câu “Anh yêu em” mà chỉ gọi nhau là Quyên và Tư. (Nghe đến đây các cháu học sinh ồ lên cười). Hơn nhau 4 tuổi, nhưng anh quan tâm, nhắc nhở chị từng li từng tí.
Cưới nhau rồi, chị cũng không hề biết anh là biệt động Thành. Có khi nghe tin Việt Cộng đánh mìn tầu chiến Mỹ trên sông, SG, chị thắc mắc thì anh cũng chỉ khéo léo phân tích “họ làm vì yêu nuớc”.
Cho đến khi anh bị bắt rồi đến luợt chị cũng bị tống giam. Khi đó chị giận lắm, chắc anh làm việc bậy bạ gì, phạm tội hình sự, nay phiền đến cả gia đình. Chị ấm ức khóc hoài. Anh, chị cùng bị giam ở Tổng nha (nay trên đường Nguyễn Trãi).
Vào tù, gặp chị Châu, chị Truơng Mỹ Hoa… được các chị giải thích mới hay anh hoạt động bí mật. Từ đó, chị thêm tin yêu anh. Sau 2 tháng, chúng thả chị.
Rồi anh bị chuyển vào nhà lao Chí Hòa. Chị hàng tuần vào thăm nuôi. Khoảng tháng 9/1964, Toà án xét xử, anh bị án tử hình. Vậy mà lần nào vào thăm, anh không tỏ ra buồn phiền mà vẫn vui vẻ động viên. Anh thăm hỏi, dặn dò chị phải sống ra sao với ba má, với họ hàng.
Ngày 15/10/1964, đúng ngày thăm nuôi. Chị vào nhưng giám thị đuổi về. Khi ra, có 1 cảnh sát nói chúng sẽ hành hình anh. Nghe vậy, chị chạy lại đập cửa nhà lao đã đóng kín nhưng vô vọng… Và, chuyện như chúng ta đã biết.
Hôm đó, thầy trò truờng PTCS Nguyễn Văn Trỗi vinh dự lắm. Thành lập đã 27 năm mà nay mới mời được phu nhân của AHLS nhà truờng được mang tên đến giao lưu. Các cháu thì gặp được cô Quyên bằng xương bằng thịt. lại nói chuyện hay. Thú vị quá!
Trên đuờng về, chị nói “Mỗi lần nhớ lại lần ra thăm bác Văn nhân 20/11/2005, bác dặn “Quyên, nhớ phát huy tinh thần Nguyễn Văn Trỗi, chăm lo gia đình, dạy dỗ con cái và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ!" làm chị càng cố gắng sống có ích”.