Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Giáo sư Hồ Ngọc Đại và những chuyện "khác người"


Mỗi lần người ta bàn cãi đến chuyện phải đổi mới giáo dục, cải cách giáo dục hay những chuyện tương tự, tôi lại nghĩ đến GS Hồ Ngọc Đại. Ông là người đã mở ra một lối giáo dục mới rất "khác người".
Khi ông lập ra Trường Thực nghiệm, có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối. Người ủng hộ coi đó là cách giáo dục hiện đại, nhưng những người phản đối lại nói rằng con người, nhất là các em nhỏ có phải là "đồ vật" đâu mà mang ra "thực nghiệm".
Tôi hỏi ông rằng phương pháp mà ông dạy học trò ở Trường Thực nghiệm, ông có dạy con mình không? Ông bảo "tất nhiên"!
"Tôi không khen, không chê, không phạt con bao giờ. Tôi dạy con là dạy theo cái tự nhiên của nó, tạo mọi điều kiện để cái tự nhiên của con mình phải là cái tự nhiên. Cái quan trọng nhất mà tôi dạy con không phải học để kiếm tiền, để làm ông này bà nọ mà để làm một con người lương thiện" - GS Hồ Ngọc Đại bảo tôi.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Tôi chợt nhớ lời dạy của Khổng Tử "Nhân chi sơ, tính bản thiện". theo lời Khổng Tử, con người khi sinh ra vốn bản tính lương thiện chăng? Hay nói cách khác, bản tính tự nhiên của con người là lương thiện? Và GS Hồ Ngọc Đại muốn để cái bản tính lương thiện này phát triển tự nhiên? Dạy con theo cách "khác người" của ông là tuyệt đối tuân theo bản tính tự nhiên tự có trong con người?!