Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

"Speak Softly Love" (Nói khẽ!) trong phim "Love Story"

"Chuyện tình" (Tiếng Anh: Love Story) là phim tình cảm lãng man, công chiếu năm 1970, do Erich Segal viết kịch bản và chuyển thể thành tiểu thuyết cùng tên.
Đạo diễn: Arthur Hiller
Sản xuất: Howard G. Minsky
Độ dài: 99 phút
Kinh phí: 2.2 triệu Đô la Mỹ
Doanh thu: $106,397,186[1]


Phim kể câu chuyện về Oliver Barrett IV, một sinh viên Đại học Harvard, xuất thân từ gia đình danh giá, giàu có. Tại thư viện của trường Radcliffe (một đại học trực thuộc Harvard, dành riêng cho nữ sinh viên) Oliver gặp và sau đó yêu Jennifer Cavilleri, một sinh viên Radcliffe lém lỉnh, xuất thân từ gia đình lao động. Sau khi tốt nghiệp, hai người kết hôn, bất chấp sự chống đối từ cha của Oliver.

Không có trợ giúp tài chính của gia đình, đôi vợ chồng trẻ rất vất vả mưu sinh để trang trải học phí cho Olivier học tiếp cao học tại trường Luật Harvard. Jennifer dạy trẻ tại một trường tư, vợ chồng thuê phòng trọ, trên tầng cao nhất của một ngôi nhà gần trường Harvard, để ở. Sau khi tốt nghiệp hạng 3, Oliver vào làm việc trong một công ty Luật tại thành phố New York. Với thu nhập cao của Olivier, đôi vợ chồng trẻ quyết định có con. Sau khi ý định này thất bại, họ tìm đến một chuyên gia nhờ tư vấn. Chuyên gia này báo riêng Oliver biết: Jennifer mắc bệnh hoại huyết và không còn sống bao lâu nữa. Tuy Oliver cố giấu, nhưng cuối cùng Jennifer cũng biết bệnh của mình. Do chi phí điều trị rất tốn kém, thiếu tiền Oliver buộc phải đến gặp cha mượn tiền, hầu có thể kéo dài mạng sống vợ mình.

Cuối cùng Jennifer ra đi, trước khi nhắm mắt nàng bảo Oliver: "Không nên tự dằn vặt mình" và ôm chặt lấy chàng. Không kiềm được nước mắt, Oliver rời bệnh viện, đúng lúc cha của Oliver vừa biết tin vội vào thăm. Ông xin lỗi về đối xử không phải với Oliver thời gian qua. Anh chỉ nói: "Love means never having to say you're sorry" rồi bật khóc.

Mời xem video clip này!

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

THÊM MỘT NGƯỜI BẠN NỮA RA ĐI! (PHẠM ĐÌNH TRỌNG)

Dịp “Ngày Nhà giáo VN” vừa rồi,  bận đến mức quên máy. Đêm qua mở ra, trên “BạnTrỗi k5”, gặp ngay tin cô giáo Phạm Thị Thục đã về cõi vĩnh hằng! Dù đã biết chị mắc bệnh hiểm nghèo từ lâu, biết rõ chị năm nay đã 81 tuổi rồi, nhưng khi biết tin chị mất, tôi vẫn bất ngờ.
Chi Thục và tôi có tới 4 điểm “Đồng”là:
-  Đồng môn: Cùng học Cấp III Lê Hồng Phong, Nam Định, cùng học Đại học Sư phạm.
-  Đồngliêu: Cùng lĩnh bằng Cử nhân năm 1963.
-  Đồng nghiệp: Cùng là thày giáo trường TSQ NVT, TCCT.
-  Đồng tộc: Cùng họ Phạm. Chị Thục quê ở Huế. Còn tôi, có ông Tổ cách tôi 10 đời, cụ Phạm Văn Trứ, là “Khai quốc công thần nhà Nguyễn”, ở Huế nhiều năm. Không biết có quan hệ gì với “họ Phạm” chị Thục không?
Nhớ năm 1958, tôi đỗ vào Trường Cấp III Nam Định. Thành phố Nam Định lúc ấy có một khu kí túc xá cho thanh thiếu niên Miền Nam. Chị Thục ở đó. Trường có 5 lớp 8, chịThục học lớp 8B còn tôi ở 8E.
Năm sau, 1959, Trường chia làm 2 là Lê Hồng Phong(học ở Thành phố) và Lí Tự Trọng (xuống huyện Nam Trực). Chị và tôi học Lê Hồng Phong; chị 9A và tôi 9B. Chị Thục hơn tôi một tuổi, dáng thấp đậm, có nụ cười thật dễ thương, ít vẻ người lớn hơn các chị khác cùng trang lứa.
Năm 1961, theo sự xếp đặt của ông “Tổ chức”, tôi và chị cùng thi vào ĐHSP. Chị học Khoa Sử ĐHSP HN còn tôi, Khoa Văn,  ĐHSP Vinh.Năm 1963, sau khi tốt nghiệp, chi ra dậy còn tôi ra ĐHSP HN học thêm, sau Đại học.
Năm 1967, tôi cùng các anh Ngô Hồng Chiêu, Trần Chánh Điền, Võ Sơn Hô và  Dương Ngọc Yên về làm thày Trường TSQ NVT, bất ngờ gặp lại chị Thục. Thấy chị không chỉ già đi nhiều mà còn có vẻ u ám, đôi mắt tròn, đen luôn chứa một nỗi buồn bất tận. Sau này, qua chị Trần Quý Hai, tôi mới biết anh Long, một phi công xuất sắc, chồng chị Thục, vừa hi sinh, để lại cho người vợ trẻ một đứa con gái: Cháu Hương!
Gia đình tôi chuyển vào Tp HCM năm 1982 và được TCCT cấp cho căn hộ, nhà cấp 4, tại số 448/10 Nguyễn Tất Thành, Quận 4. Trước nhà tôi là nhà cháu Lê Hồ Hương, con LS Lê Đình Dư, PV báo QĐND. (Sau này anh Dư được phong AHLLVTND). Không ngờ chị Kim, vợ anh Dư lại là bạn học Khoa Sử của chị Thục và nhờ đó, có cuộc hội ngộ vui vẻ tại nhà chị Kim. Bữa anh chị Thục gả chồng cho cháu ngoại, (con cháu Hương), ở nhà hàng ven kênh Văn Thánh, tôi có đến dự. Chưa bao giờ tôi thấy chị uống bia mà tối đó chị hết luôn nửa vại, trẻ lại như hồi Lê Hồng Phong!
Ngày 24-2- 1991, lần đầu tiên, thày và trò Trường TSQ NVT họp mặt. Từ đó trở đi trường ta duy trì tương đối tốt cuộc họp truyền thống các khóa và toàn trường. Các năm chẵn thì tổ chức “HOÀNH TRÁNG”, có đoàn đại biểu Quế Lâm sang dự.
Các thày cô trường Trỗi mỗi ngày mỗi già yếu, nhiều người bước qua thế giới bên kia, không ít thày cô phải chống gậy, phải lên xe lăn… Âu cũng là qui luật muôn đời.
Chị Thục cũng vậy, ngày càng nhiều bệnh, nhất là từ ngày anh Bút mất. Có điều đăc biệt ở chị Thục là các em mời, bất kì khóa nào, chị khỏe một chút là ráng có mặt. Mà chị có mặt, bao giờ cũng có quà cho các em. Ấy là những sản phẩm có thương hiệu của Kinh thành Huế, do chị tự tay làm lấy. Thế mới biết, nghề “nữ công gia chánh”, với chị, sâu sắc biết nhường nào. Hình ảnh các em trân trọng đón quà của cô giáo Thục, nâng lên khỏi đầu và hô to: “Quà Cô Thục” trong tiếng vỗ tay rầm rầm, thật là ấn tượng!
Những chi tiết sống động của tình cô cháu Trỗi ấy, từ nay chỉ còn là kỉ niệm!
*
Tôi bị bệnh gout nặng, không biết có thể tới tận nơi tiễn biệt chị Phạm Thị Thục không. Trước hết, qua bài viết nhỏ này, xin có nén nhang vĩnh biệt chị và có lời chia buồn cùng các cháu.
Người bạn cũ, cách đây 60 năm tròn: PHẠM ĐÌNH TRỌNG












Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Nhớ cô Thục

Mời vào đây!

TIN BUỒN


Cô PHẠM THỊ THỤC đã vĩnh biệt gia đình và thầy trò chúng ta lúc 11.30 trưa nay, ngày 22/11/2018, tại Bv Đà Lạt.
Như đã thông báo, sau khi trị bệnh kéo dài ở Bv Thống Nhất, sức khỏe tốt lên, cô đã được em Phong đón lên Đà Lạt dưỡng bệnh.
Nhưng đầu tuần này, cô phải cấp cứu vào Bv. Bác sĩ tiên lượng tình hình xấu, chỉ duy trì sự sống được vài ngày. Nay, cô đã đi xa.
Câu chúc cô siêu thoát, gặp được chú Long, chú Bút ở cõi Tiên.
Kế hoạch tang lễ sẽ được thông báo sau!
(Hồ Bá Đạt k8 báo tin này).

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

Suy nghĩ trẻ con (Viết tặng hương hồn Thầy Cao Cự An nhân Ngày Nhà giáo)

Hôm nay Ngày Nhà giáo, em chợt nhớ lại kỉ niệm với Thầy.
... Ngày đó chúng em học lớp 7, đại đội đóng quân ở Suối Chì. Thầy dạy văn cho khóa 5 và xuống "3 cùng" bám lớp. Tất nhiên có thầy thì tổ Báo liếp có nơi viết, vẽ, trang trí.
Trên báo QĐND và Nhân dân lúc bấy giờ giới thiệu tưng bừng về các Dũng sĩ diệt Mỹ Huỳnh Văn Đảnh, Trần Dưỡng, Tạ Thị Kiều... từ trong Nam ra thăm miền Bắc.
Hôm đó lên nhà Thầy làm báo. Chính em tận mắt chứng kiến, tay run run cầm tờ báo mới, Thầy cảm động đưa lên môi hôn ảnh chị Tạ Thị Kiều, miệng khẽ nói: "Đẹp quá, đẹp quá, anh hùng quá!". Biết Thầy đã có vợ con ở quê rồi mà sao Thầy lại còn yêu chị Kiều đến thế?
Tổ Báo liếp của khóa 5 ở Suối Chì, An Mỹ, Đại Từ 1966.
Từ trái: Thầy Cao Cự An, Trần Kiến Quốc, Nguyễn Lâm, Nguyễn Quang Linh.
Cái suy nghĩ này theo em cho tới khi vào bộ đội. Sau này nghĩ lại, con người ta dù đã có vợ có con nhưng vẫn có cảm xúc từ trái tim khi đón nhận 1 hình ảnh, 1 con người đẹp; nhất là khi Thầy là thầy giáo dạy văn, đầy cảm xúc.
Câu chuyện này chưa bao giờ nói ra với Thầy, cứ cất giấu trong lòng. Ngay cả khi sau này đứng ra cùng thầy Trọng biên tập 4 cuốn sách của trường; em còn viết thư cho Thầy xin Nhật ký Thầy viết những năm ấy mà không kể lại chuyện cũ.
Thầy đi xa đã chục năm. Hôm nay, nhân Ngày Nhà giáo, em viết lại kỉ niệm như 1 nén tâm nhang tưởng nhớ Thầy!

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Quà tặng các thầy cô giáo trường VHQĐ - TSQ Nguyễn Văn Trỗi (Hà Mèo)

Nhân ngày Nhà giáo VN 20/11/2018, bạn Hà Chí Thành k6 vừa hoàn thành clip để tặng thầy cô trường ta. 
Xin chúc mừng thầy cô nhân ngày này!
Xin chân thành cảm ơn Hà Chí Thành!
Mời cùng xem!