Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Đức Vua vi hành (Huỳnh Văn Úc)


Đêm Hà Nội. Đã quá canh ba giờ Tí, sương mù lãng đãng, gió hiu hiu, trời se lạnh. Một người đàn ông mặt mũi phương phi khoảng ba mươi sáu tuổi, đầu trùm chiếc khăn màu xanh thẫm che búi tóc dày, dải khăn buộc thắt về đằng sau và cài lại bởi một cây kim bằng sắt. Áo lụa thâm cổ tròn bốn vạt, ống tay áo hẹp. Ai đấy? Chỉ khi Ngài cho gọi và Thổ Địa cúi rạp mình : “ Muôn tâu Đức Vua!” ta mới giật mình nhìn kỹ để thấy rằng Ngài chính là Đức Vua Lý Thái Tổ. Giật mình nhìn kỹ ta mới thấy không khác mấy so với hình dáng uy nghi của bức tượng đồng đầu đội mũ bình thiên 14 tấn cao 3,3 m đúc liền khối lớn nhất Việt Nam đặt tại Vườn hoa Chí Linh trông ra Hồ Hoàn Kiếm. Thế còn tại sao lại là tuổi ba mươi sáu. Sinh năm 974, lúc hạ Chiếu dời đô năm 1010 Ngài tròn ba mươi sáu tuổi.

Đức Vua đi vi hành. Ngài đến thăm Chùa Một Cột, còn gọi là Chùa Diên Hựu được Vua Lý Thái Tông xây dựng vào năm Kỷ Sửu (1049) niên hiệu Thiên Cảm Thánh Võ thứ sáu. Năm 1954 trước khi rút khỏi Hà Nội quân đội Pháp đặt mìn phá huỷ ngôi chùa, sau đó nhân dân ta đã xây dựng lại theo đúng nguyên mẫu và tồn tại từ ngày đó đến giờ. Điều đầu tiên làm Đức Vua khó chịu và nhăn mặt lắc đầu ngán ngẩm là đôi sư tử bằng đá còn mới trông rất bề thế đặt trước cổng tam quan. Khi bước vào bên trong và lại nhìn thấy một đôi sư tử đá nữa đặt trước bàn thờ Phật, không thể dừng được Ngài cho gọi Thổ Địa:
- Tại sao lại có những con sư tử đá này? Có từ bao giờ?
- Muôn tâu! Có cách đây không lâu.
- Ngu dốt, vong bản, ngây thơ, tuỳ tiện! Sư tử chưa bao giờ là biểu tượng hay linh vật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ở các đình chùa miếu mạo con vật quen thuộc người ta thường thấy là con hổ hay con kỳ lân là con vật của bộ tứ linh long lân quy phượng. Tượng hổ đặt ở Lăng Trần Thủ Độ, ở đình Chu Quyến, đình Đông Viên là hai ngôi đình cổ của Hà Tây (cũ) và nhiều đình miếu khác trong nước. Hổ cứ sơn lâm phù xã tắc/Long du nguyệt điện tráng sơn hà. Còn kỳ lân là một linh vật tưởng tượng có đầu, mình, bờm, chân, đuôi trơn tru mềm mại, gương mặt, ánh mắt hiền lành, miệng cười tươi như một chú chó con. Khác hẳn với tượng sư tử ta vừa mới trông thấy, cơ bắp cuồn cuộn cứng chắc, mắt quắc hung dữ, nhe nanh múa vuốt như sắp cắn xé ai đó.
- Muôn tâu Đức Vua, ngoài Chùa Một Cột, tượng sư tử bằng đá còn được đặt ở Chùa Bái Đính, Đại Nam Quốc Tự (Bình Dương), Chùa Keo (Bắc Ninh)…
- Hỏng!
Và một tiếng thở dài. Câu nói cuối cùng vẻn vẹn chỉ có một từ : “ Hỏng!” và tiếng thở dài, sau một cơn gió thoảng qua Thổ Địa không còn trông thấy Đức Vua nữa, Ngài đã biến mất.

Ngày đầu năm 2011

2 nhận xét:

Thắng k5 nói...

Ngày đầu năm mới mà TQ đã chỉ trích BVH thế này thì gay. Vua LTT biến mất hay sự ngu dốt về bảo tồn VH của BVH,năm nay ko biết sẽ ra sau, chờ vậy.

Nặc danh nói...

Bảo tốn di tích là giữ nguyên trạng chứ không phải là nơi để chúng vẽ ra, ăn tiền. Thối!