Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Tản văn: Cái mỏ hàn và nghề cũ

Dễ đến hơn hai chục năm mới cầm lại cái mỏ hàn điện.
Ở nhà chẳng có 1 số việc cần phải hàn nối, chẳng hạn, các đầu nối dẫn tín hiệu Internet truớc toàn xoắn xơắn rồi buộc băng dính. Lâu ngày không tiếp xúc, cứ phải lần mò mất công, nhất là cứ lên lên xuống xuống mấy tầng lầu (nói kiểu miền Nam!). Đến là mệt. Tức mình phi ra tiệm điện hỏi mua cái mỏ hàn.
Nhớ ngày mới ra truờng, về tổ bộ môn Vô tuyến đã nghe tiếng thầy Ngô Hai tay nghề cao, máy thu phát nào hỏng qua tay cũng khỏi. Chưa kể thầy Ngọc Lân, thầy Lê Tân Phuơng, thầy Bình cùng 1 lô trung cấp chuyên nghiệp với tay nghề xịn, sửa đài tranditor hỏng cứ như xúc miệng nước lã. Vậy là phải phấn đấu.


Lúc đầu cứ ngồi sau xe anh Khôi “điếc” hết ra Vĩnh Yên, lên Việt Trì, xuống Huơng Canh, lại về HN. Cũng chỉ chân loong toong, bảo gì làm nấy. Ông anh chẳng giải thích mà chỉ làm (sau này nghĩ bố mày khôn thật, sợ mất nghề!). Ông Khôi “chọc” khắp nơi, nhất là các thủ truởng “có cỡ” ở HN, đặc biệt không lấy hào nào. Sau mới biết, bố “dọn đuờng” để các cụ sau ít năm sẽ cho về HN. Quái thật!
Đi làm với anh Khôi cũng tranh thủ học lỏm. “Anh em nhanh mắt thì mình nhanh tay”! Đuợc 1 thời gian khi mua sắm dần cho túi đồ nghề, trong tay có cả chục bộ sơ đồ TV Nhật-Mỹ (1 thư viện hơi bị hiếm bấy giờ!) và tay nghề cũng kha khá, tôi đã liều mạng tự chiến đấu. Trong túi đồ nghề, có đủ cả, nào mỏ hàn xung có dạng hình khẩu súng lục “pis-tô-lê” (cứ bóp là đỏ đèn quả nhót và nóng liền), rồi mỏ hàn công suất lớn 200w, mỏ hàn nhỏ… Linh kiện thì tháo ở máy Mỹ, máy Nhật cũ hay ra chợ Giời mua lại.
Bác Ngân, Phan Nam là thợ dẫn mối và phụ nghề (thế là mình lại có quyền sai bảo!). Hết ra trại cá, xuống trại lợn lại tới các "cơ sở cách mạng". Mà máy Sony, National, Panasonic, Sharp... mang từ miền Nam ra cũ, đã đến kì bảo duỡng. Đi sửa không phải để "kiếm tiền" nhưng lại là để "kiếm bữa ăn". Nào gà, lợn, cá tươi… kèm theo chai rượu nút lá chuối. Cứ thế vừa làm vừa ăn, khét tiếng 1 vùng (chả kém gì anh Khôi!). 
Hồi đó chuơng trình TV buổi chiều chủ nhật chỉ từ 14g đến 16g30. Chiều đó, ông Pahn Nam dẫn tới 1 nhà cạnh hồ Tây sửa chiếc TV Denon cửa lùa, 4 chân chống. Chưa mó máy, chủ nhà đã bắt nhậu với cá tươi vừa câu trộm về. Say quá lăn ra ngủ. Chương trình gần hết. (Sau nghe bố Nam kể, nghe tôi ngáy mà sốt ruột, nhưng không dám đánh thức thợ). Bật dậy, đã 16g15. Chọc vài phát, màn hình sáng bừng, thêm vài phát ngoáy, loa kêu ông ổng. Chủ nhà lại chạy ra chợ mua thêm con gà sống thiến. Trận đó say, suớng và quá may. Uống đến sát giờ xe tuyến chạy ở 23 Phan Bội Châu mới chạy về. Nhảy lên xe là khò tới tận Vĩnh Yên, Hôm đó nếu không xong thì...
Lần khác chú Thắng "khổ" móc đến "rửa đèn hình"cho 1 gia đình có cửa hàng trên phố Hàng Ngang: "Nhà này "thầu giầu", anh ạ! Gặt đuợc". (Máy miền Nam ra đến tuổi phải thay đèn hình CRT nhưng kiếm đâu ra. Vậy các thợ Bắc Hà nghĩ ra trò dùng cao áp 12kv (của chính máy) xì vào katod CRT. Tác động hoá lý thế nào đấy, hình nét hẳn ra, không còn bóng. Bản thân cũng "rửa" tới hàng chục đèn hình). Thế là chơi. Nhưng (lại nhưng), lần này không hên, rửa lần 1, CRT sáng rõ hơn, làm thêm, làm thêm... rồi đến lần chót thì tắt ngóm. Giật mình máy Thắng: "Toi rồi". "Sao, anh?". Khẽ nói: "Chắc đứt katod", rồi tỉnh bơ đo đo đạc đạc. Hết chuơng trình, đóng gói hẹn tối mai. Chủ nhà đưa ít tiền tiêu truớc mà lắc đầu quầy quậy: "Mai cũng không muộn mà bác". Sau cú đó "ia-lan-tut" 1 mạch. Bài học nhớ đời! (Chú Thắng bên ấy còn nhớ kỉ niệm này?).
Hồi đó thật say mê. Trên Vĩnh Yên lạnh chả kém những ngày này ngoài HN, trong nhà lạnh như ngoài trời. Vậy là hen phế quản. Về Viện 108, bác sĩ Toàn tư vấn nên tập Vĩnh Xuân và tập thở khí công. Hắn buồn rầu khi nghe thằng bạn trả lời: “Tao còn phải đi sửa máy, không có thời gian”.
Ấy là chuyện xưa… Còn nay, đã hàng chục năm bỏ nghề, nghĩ có dùng gì nhiều, nên chỉ mua cái mỏ hàn mini. Mà mỏ hàn tiểu cũng có 2 loại: 25 và 70 ngàn (chắc 70 thì dây may-xo tốt hơn?). “Duyệt” mua loại 25 khìn(!). Thiếc và nhựa thông thì được chế sẵn, cuốn thành từng cuộn, lớn hơn cuộn băng dính tiểu 1 chút. Bà chủ tiệm nói “Bác cứ dí mũi mỏ hàn đã nóng là thiếc chảy, nhựa thông có sẵn trong dây thiếc chảy ra. Tiện lắm!”. Cán mỏ hàn làm bằng nhựa nhưng ở cổ có vành lớn hơn nên không cần đến giá đỡ.
Về nhà. Phát đầu, cắm điện, chờ nóng. Thấy có khói bốc lên và mùi khen khét của lớp hồ bị cháy. Dí mũi mỏ hàn vào dây thíêc. Tay run run. (Chợt nhớ đến ông bạn Tạ Vinh tâm sự những năm cuối 1980 “cái nghề sửa chữa điện tử này chỉ làm tốt ở tuổi chưa đeo kính. Chứ mắt yếu, gọng kính móc vào tai là tay run lắm, chả nhìn thấy gì; thậm chí muốn nhìn linh kiện phải dùng kính lúp”).
Chưa bỏ được thói quen nghề nghiệp, hàn ngon. Lại còn có màn kiểm tra mối nối bằng đồng hồ vạn năng Tầu (do ông Tấn Mỹ mua hộ ở phố điện tử trên Sài Gòn). Tốt.
Lâu lâu cũng nên dùng lại nghề cũ chăng?

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Lần đầu tiên mình được nghe DM Đức hát là bài "Ta lại đào công sự".

Nặc danh nói...

N.TV

Nặc danh nói...

Tôi cũng từng hầu bố Khôi mấy lần ra Vĩnh Yên sửa akai. Phần cơ của mấy cái anh này lỉnh kỉnh ra phết. Ông anh thì toát mồ hôi đít chọc ngoáy, còn thằng em ngồi húp cháo bồ câu.
Dân VY nhiều tay giầu, đồ cổ chất đầy nhà như nhà em Hương gần sân bóng...

TranKienQuoc nói...

Ai đấy? Dân VY hả??