Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Kỷ niệm HV: Trò “Đi đưa ma” ở Tam Lộng (Đỗ Quang Việt)

          Tháng 4 năm 1974, đang công tác ở Cục Kỹ thuật quân chủng PK-KQ, tôi được triệu tập lên Đại học KTQS (nay là HV) ôn thi NCS. Cùng đợt đó có một số bạn Trỗi khóa 2: Bùi Thanh Châu, Nguyễn Tăng Cường, Trần Sơn Tùng, Trịnh Minh Tuấn,  Nguyễn Việt Hải, Vũ Nhật Minh… Mấy anh em đều mới tốt nghiệp ở Liên xô về trước đó 1 năm.
Gặp lại nhau, lại được ở với nhau như hồi trường Trỗi, thích vô cùng. Đại đội NCS được bố trí ở Tam Lộng – cách Vĩnh Yên chừng 5 km. Những trận bóng đá, bóng chuyền sôi nổi, những tối ngồi nghêu ngao hát hết bài này sang bài khác, hết tiếng Việt, tiếng Nga rồi lại tiếng Tàu. Có cả bài hát tiếng Anh nữa. Hồi đó, tất cả còn đang trẻ trung, vô tư. Lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.

          Có một lần, Bùi Châu đi ra thị xã Vĩnh Yên về, gọi tất cả mọi người lại ăn quà. Hắn ôm về quả mít to tướng, thơm phức. Bổ ra, múi to như cái chén quả hồng (một loại chén uống trà phổ biến thời đó) và ngọt lừ. Hắn bảo cứ vô tư ăn đi, không phải tiền của tao đâu, của thằng Tùng đấy. Thì ra cu cậu mượn áo của Sơn Tùng đi chơi, gặp hàng mít, vô tư rút tiền ra mua. Chẳng biết hắn còn tiêu những gì nữa.
          Hồi đó, thỉnh thoảng hứng lên là cả lũ lại rủ nhau đạp xe về Hà nội. Có lần đi đêm, trời tối đen như mực, Việt Hải bị đâm cả vào cái càng của khẩu cao xạ hỏng đơn vị nào đó để bên đường. Trong đám học trò NCS, mọi người rất nể Nguyễn Duy Ngọc (phu quân Trần Châu Nguyên – c11 Trỗi). Hắn ta có trí nhớ tuyệt vời và giọng kể chuyện thật hấp dẫn. Buổi tối, khi mọi người đã lên giường tắt đèn đi ngủ là lúc bắt đầu tiết mục “kể chuyện đêm khuya”. Mọi người im lặng nằm nghe Duy Ngọc kể lại tiểu thuyết tình báo “Bông hồng đen”. Bằng chất giọng trầm, ấm, vang, hắn kể vanh vách, rõ ràng, mạch lạc như đang cầm cuốn tiểu thuyết đó đọc cho mọi người nghe. Hắn kể chính xác đến từng chi tiết, vô cùng hấp dẫn. Mọi người nằm nghe say sưa đến mức một lúc sau, đâu đó trong phòng đã vang lên tiếng ngáy.
          Cuộc sống cứ thế trôi đi, học hành, kiểm tra, đàn, hát, kể chuyện... Thỉnh thoảng cũng xảy ra những cuộc tranh luận, cãi nhau nảy lửa – một thứ gia vị không thể thiếu của cuộc sống (như ăn phở phải có ớt cay mới ngon). Nhưng kỷ niệm khó quên nhất của những ngày đó là trò chơi bí hiểm “Đi đưa ma”. Chẳng nhớ ai trong đám học trò lớn tuổi đó (hình như Hoàng Kim Sơn – KS Tên lửa Ô-đet-xa thì phải), trong một buổi tối “kể chuyện đêm khuya” đã kể về trò chơi này của trẻ chăn trâu. Sau khi hắn kể, một vài tên khác cũng phù hoạ theo, khẳng định là đã chứng kiến trò chơi bí hiểm ấy. Thậm chí có tên còn bảo đã từng tham gia. Mỗi đứa góp một ý, rồi tất cả đi đến kết luận: Phải chơi thử.
          Từ hôm có kết luận đến hôm tổ chức được cũng phải mất mấy ngày vì vướng việc nọ việc kia. Hôm đó, trời tối đen như mực, dưới ánh đèn dầu leo lét, Sơn Tùng tình nguyện giả làm “người chết”. Những người tham gia khiêng “người chết “ gồm Hoàng Kim Sơn, Nguyễn Tăng Cường, Trịnh Minh Tuấn, Việt Hải và ai nữa thì quên mất rồi. Tất cả 7 người, trong đó tôi cũng tham gia. Luật chơi như sau: “người chết“ nằm nhắm mắt trên phản (phản đơn vẫn làm giường ngủ của bộ đội).  Bảy người khiêng đứng xung quanh “người chết” ở 7 vị trí: đầu, hai vai, hai bên hông và hai gót chân, mỗi người thò một ngón tay trỏ vào vị trí được phân công. Sau khi tất cả đã tập trung tư tưởng, người khiêng đầu quay sang hỏi người khiêng vai phải: “Anh đi đâu đấy?”. Người kia đáp: “Tôi đi đưa ma đây” rồi lại quay sang hỏi người tiếp theo: “Anh đi đâu đấy?”, người tiếp theo lại trả lời như người trước, rồi lại quay sang hỏi người tiếp theo nữa, cứ như thế cho đến khi người cuối cùng trả lời xong thì tất cả đồng thanh:  “Nào chúng ta cùng đi!” rồi cùng dùng ngón trỏ nâng “người chết” lên.
          Lần đầu, vừa mới bảo nhau: “Bắt đầu nhé!”, người đứng đầu vừa  hỏi: “Anh đi đâu đấy?” thì tất cả đã phì cười, cười không nhịn được, cười đau cả bụng. Cười một lúc, khi đã nguôi nguôi, lại rủ nhau “bắt đầu”,  rồi lại cười. Cứ như thế ba, bốn lần vẫn không chơi nghiêm túc được. Phải thêm vài lần nữa, và cũng phải “làm công tác tư tưởng” cho nhau mãi mới khống chế được những cơn buồn cười.  
          Thế rồi tất cả lại gắng sức tập trung tư tưởng, cả “người chết”, người khiêng, và khán giả đều cố tỏ ra nghiêm túc. Tất cả im lặng.  Không khí lắng xuống. Mọi người nghe rõ hơi thở của nhau. Sau một vòng hỏi đáp, vừa dứt câu đồng thanh: “Nào chúng ta cùng đi” thì “người chết” bỗng được nâng lên cách phản khoảng 20 cm thì rơi xuống (do có người bật cười). Mọi người đều ngạc nhiên vì không ngờ có thể nâng “người chết” lên được bằng 7 ngón tay. (Trước đó mọi người đã thử phương án chỉ nâng bằng cách lấy đà “hai… ba” mà không được). Nhật Minh há mồm, tròn mắt. Bản thân tôi đứng ở vị trí nâng phần hông không hề thấy tải trọng áp lên ngón tay mình. (Hay là do quá tập trung chăng?).
Rồi chúng tôi hò nhau làm lại. Lần này chỉ có phần đầu được nâng lên cao, phần gót chân vẫn dính phản, người thẳng như khúc gỗ (chắc do 2 người nâng gót chân không tập trung hoặc thiếu nghiêm túc).
          Sau tối ấy, bận học và mải vui các trò khác, cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa có dịp thử lại. Bây giờ, thỉnh thoảng gặp nhau, anh em lại nhắc đến những kỷ niệm thời Tam Lộng và đặc biệt là trò “Đi đưa ma”.  

5 nhận xét:

dathb136 nói...

Trò này lúc mới giải phóng bọn em cũng làm rồi.Nhưng thay vì nằm là ngồi xếp bằng như thiền.mỗi người đứng xung quanh dùng một ngón tay nâng lên.Rất lạ?

Tiến "gù" nói...

chuyện hay ! nhưng cái hay hơn là nó chứng tỏ : cái mà chúng ta biết thì nhiều nhưng cái mà chúng ta hiểu được rất , rất ít !

Nặc danh nói...

Tác giả cũng từng là giáo viên K2, bộ môn Động cơ đấy. Sau về Học viện KQ rồi PKKQ.

Nặc danh nói...

Anh Tiến nói đúng quá,nhưng cái chúng ta biết dù là nhiều thì cái chúng ta chưa biết vẫn nhiều hơn.

Nặc danh nói...

Bạn nhầm rồi, tác giả ko ở bm Động cơ, mà ở bm ĐKHL (mọi người bảo đó là "Đ Khỏe Học Lười")