Từ hôm qua, khi đi thăm thằng bạn về đến giờ, trong lòng anh cứ bồn chồn, không yên. Anh cảm thấy có lỗi với bạn. Anh thấy lương tâm bị cắn dứt ghê gớm.
Quê anh nằm bên dòng sông nhỏ. Hồi còn bé, anh cùng lũ trẻ chăn trâu trong làng suốt ngày bì bõm bơi lội trong làn nước mát của dòng sông đó. Thế rồi giặc mỹ ném bom miền Bắc. Rất nhiều gia đình từ thành phố sơ tán về đây. Lũ trẻ thành phố học có vẻ khá hơn lũ trẻ làng, nhưng về bơi lội, đánh khăng và muôn vàn trò vui khác thì chúng kém xa.
Trong số những đứa về sơ tán có Thắng – người mà anh vừa lên thăm hôm qua. Thắng có dáng mảnh khảnh, nước da trắng hồng như con gái. Anh thích chơi với Thắng vì Thắng học rất giỏi và luôn sẵn sàng giúp bạn. Có gì không hiểu anh đều hỏi Thắng và chỉ sau một hồi Thắng giảng giải, mọi thứ khó hiểu tiêu tan hết. Đổi lại, anh dạy Thắng tập bơi và chơi các trò của trẻ con trong làng. Thế rồi anh và Thắng cùng đi bộ đội một đợt, cùng vào Trường sơn tham gia chiến đấu. Hòa bình, anh trở về quê làm ruộng, Thắng về thành phố làm công nhân ở một nhà máy. Hai đứa lấy vợ, có con. Hai gia đình vẫn đi lại thân thiết. Thời gian trôi, bây giờ cả hai đứa đã trở thành ông nội ông ngoại. Cuộc sống cứ thế đều đều trôi đi. Khi thoảng vợ chồng Thắng về quê chơi hoặc vợ chồng anh lên thăm thành phố. Lại gặp nhau, lại bù khú ôn lại những kỷ niệm hồi còn sơ tán, hồi ở chiến trường.
Bẵng đi mấy tháng, đột nhiên cách đây 3 hôm, anh nghe một thằng bạn bộ đội báo tin Thắng lâm trọng bệnh Anh vội thu xếp công việc lên thăm. Thắng bị ung thư dạ dày đã mấy tháng nay nhưng cứ giấu. Thắng bảo, bây giờ nhiều người ung thư lắm. Bênh viện K lúc nào cũng đông nghịt người đến khám chữa bệnh. Thắng bảo một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó là do ô nhiễm môi trường và ô nhiễm thức ăn. Thứ gì cũng có thể gây bệnh, thịt, rau, bánh trái, nước giải khát….cái gì cũng có thể gây bệnh được. Ăn thì sợ, mà không ăn thì đói, thì thiếu chất. Thật chẳng biết làm thế nào. Thắng bị ung thư dạ dày có lẽ cũng vì các loại rau quả, thực phẩm đã ăn vào có chứa những chất gây ung thư. Thắng hỏi anh: “Nghe nói ở những vùng trồng rau, các gia đình thường có vạt rau riêng và người nhà chỉ ăn thứ rau trồng riêng đó thôi, đúng không cậu?”.
Ngồi nghe Thắng nói mà anh thấy chột dạ. Quê anh là đất trồng rau. Cả làng anh trồng rau cung cấp cho thành phố. Mà nước tưới rau lấy ở đâu? Ở con sông nhỏ chảy qua làng chứ còn ở đâu nữa? Con sông ngày xưa trong xanh là thế mà bây giờ đen ngòm như nước cống. Cá tôm chẳng sống nổi. Nước sông có mùi rất khó chịu. Bây giờ thì chẳng còn ai dám lặn ngụp trong cái thứ nước vừa đen vừa thối ấy nữa. Nước tưới đã kinh khủng như vậy, lại còn bao nhiêu thứ hóa chất người ta dùng để phun cho rau nữa chứ. Nào là thuốc trừ sâu, nào là thuốc kích thích ra hoa, đậu trái, kích thích sinh trưởng…Thôi thì đủ thứ, cứ thị trường bán thứ gì là dân quê anh dùng thứ đó. Phải công nhận là thuốc công hiệu thật. Rau cứ lớn như thổi, xanh mơn mởn. Cấm thấy con sâu nào còn có thể ăn hại được các thứ rau quả nữa. Nhưng dân quê anh đâu có ăn thứ rau trồng đại trà đó! Thứ đó chỉ để bán cho dân thành phố thôi. Biết đâu, trong những thứ rau quả có chứa chất độc hại mà bạn anh đã ăn phải lại chẳng có rau của chính tay anh trồng? Nghĩ đến đấy anh thấy lòng mình day dứt quá. Trước đây cũng đã có lần anh lăn tăn áy náy khi nghe đài báo nói về rau sạch và rau bẩn. Nhưng rồi anh cũng tặc lưỡi cho qua với ý nghĩ tự trấn an lòng mình rằng cả xã hội thế mà, bây giờ mấy ai để ý đến lương tâm đâu. Người ta còn chế biến thức ăn sẵn bằng những loại thịt lợn ốm, lợn chết đầy ra đấy thôi. Hơi đâu mà nghĩ nhiều cho mệt. Nhưng bây giờ, chứng kiến cảnh thằng bạn thân đang phải trực tiếp hứng chịu hậu quả của cái “cả xã hội làm” ấy thì anh day dứt, ân hận thực sự.
Có lẽ phải thay đổi cách làm ăn thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét