Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

THÀNH HOÀNG LÀNG LÀ NGƯỜI THẬT CÒN SỐNG (ST: Tiến "gù")

(Chuyện có thật, lạ nhất Việt Nam)

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm HVKTQS, có một câu chuyện rất đặc biệt về vùng đất Vĩnh Yên, nơi “đứng chân” khá lâu của Học Viện (đến tận bây giờ), câu chuyện này đại đa số anh em mình không biết. Xin sưu tầm và kể ra đây “hầu” anh em.

Vào những năm 1938-1940 ở xã Khai Quang, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên ( nay là phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ).


Làng Khai Quang nằm ngay ven quốc lộ 2, cách thị xã Vĩnh Yên 3Km về phía Nam. Làng có một ngôi đền thờ Thành Hoàng của làng rất cổ ở trên một thửa đất, cửa đền trông ra quốc lộ. Tại thị xã Vĩnh Yên, ở xóm Dinh khi đó có ông Nguyễn Đình Cận, người hiền lành, làm nghề chăn dê và vắt sữa dê. Hàng ngày ông dẫn đàn dê của ông từ thị xã Vĩnh Yên xuống khu đồi cây rậm rạp ở Khai Quang cho chúng ăn, công việc quen thuộc ấy diễn ra hàng năm, người dân dọc đường từ thị xã Vĩnh Yên đến Khai Quang chả ai lạ gì ông Cận, kể cả ông Thủ Từ trông coi ngôi đền của làng cũng biết, khoảng giờ ông lên hương buổi sáng xong thì ông Cận với đàn dê lại lững thững đi qua cửa đền, cuộc sống êm đềm, đơn điệu của vùng làng xóm trung du cứ thế trôi đi. Cho đến buổi sáng một ngày … ông Thủ Từ ra đứng ở cửa đền chờ ông Cận đi qua để thăm hỏi vài câu…kia rồi…ông Cận và đàn dê đi đến gần cửa đền, ông Thủ Từ đang định cất tiếng… trong đền bỗng có tiếng đổ đánh rầm rất to, ông Thủ Từ quay vào thì thấy chiếc ngai trong đền đã bị đổ nhào về phía trước đang nằm trên nền đất, ông Thủ Từ cho rằng chắc có con cầy, con cáo gì đó chạy qua làm đổ chiếc ngai. Thế rồi những ngày sau đó cũng vậy, sự việc lại diễn ra như lần đầu: Cứ ông Cận lùa đàn dê đi qua thì chiếc ngai trong đền lại đổ!? Sau năm lần, bẩy lượt như vậy, ông Thủ Từ vội tường trình với Hương Lý. Hương Lý cùng các cụ bô lão trong làng họp bàn làm lễ khấn xin Thành Hoàng làng báo mộng cho biết lý do chiếc ngai bị đổ. Việc cầu xin đã ững nghiệm. Cụ Tiên Chỉ (cụ già nhất trong làng) được thần linh báo mộng cho biết: “Thành Hoàng làng cũ” của làng được Ngọc Hoàng Thượng Đế triệu về Thiên Đình làm việc khác, còn tại xã Khai Quang sẽ có ông Nguyễn Đình Cận làm “Thành Hoàng làng mới” và dân làng phải đón ông Cận về thờ vì làng không thể thiếu vị Thành Hoàng, chiếc ngai đổ vì: mỗi lần thấy ông Cận đi qua là vị “Thành Hoàng cũ” vội vàng chạy ra đón nên chiếc ngai bị đổ, đồng thời cũng là tạo “điềm” báo cho dân làng biết. Cụ Tiên Chỉ thuật lại giấc mộng cho hương chức và các bô lão trong làng, tuy nhiên, sau nhiều buổi họp, dân làng vẫn chưa quyết định làm theo điều đó. Trong khi đó ông Cận vẫn hàng ngày lùa đàn dê đi mà không hay biết gì, chiếc ngai trong đền vẫn lại cứ đổ lúc ông Cận đi qua.

Hương chức, bô lão, dân làng Khai Quang bàn đi, tính lại: Tự nhiên làng rước một người chăn dê về thờ thì còn ra thể thống gì? Các làng khác người ta chê cười? Liệu người chăn dê có giúp cho làng được gì không?

Giữa lúc ấy trong làng xảy ra rất nhiều tai họa: Cháy nhà, lục súc chết, các vị chức sắc trong làng ốm đau, giếng làng bỗng dưng bị lấp cạn,…v…v

Hương chức, bô lão trong làng vội họp khẩn cấp, rồi cho người đi xem bói. Quẻ bói cho biết: làng động vì không có Thành Hoàng! Dân làng Khai Quang quyết định mua đồ lễ, cử một đoàn lên thị xã gặp ông Nguyễn Đình Cận. Ông Nguyễn Đình Cận thấy có người mang lễ vật đến cho mình thì rất ngạc nhiên!? Hương chức và bô lão dân làng Khai Quang trình bày sự thể rồi xin ông Cận nhận làm Thành Hoàng làng Khai Quang! Ông Cận giẫy nẩy người từ chối, ông cho rằng ông không xứng và làm thế là có tội với trời đất. Đoàn người Khai Quang năn nỉ với ông Cận, ông vẫn một mực từ chối. Đoàn dân Khai Quang phải đi về. Sau đó nhiều lần dân làng Khai Quang cùng các vị bô lão tới kêu nài với ông Cận. Ông Cận muốn được yên thân cho xong chuyện, ông đành phải nhận lời.

Dân làng Khai Quang lập bài vị thờ ông Cận trong đền.

Thật lạ lùng! Từ ngày đó làng Khai Quang trở lại bình yên. Ông Cận vẫn đi chăn dê qua làng Khai Quang như cũ nhưng chiếc ngai không bị đổ nữa. Dân làng Khai Quang muốn mời ông về làng để dân làng phụng dưỡng và xin ông bỏ nghề chăn dê, ông Cận không chịu.

Làm Thành Hoàng, ông Cận luôn được dân làng mang lễ vật tới dâng. Mỗi khi trong làng có tế lễ gì, dân làng lại mang lễ vật tới dâng ông từ hôm trước để xin ông hôm sau ông ở nhà ngủ vào lúc dân làng cúng tế.

Việc này, chính viên Công Sứ và Tuần Phủ Vĩnh Yên thời đó đều để ý, họ cho rằng dân chúng bày đặt để mưu toan một việc chính trị? Nhưng sau đó họ cũng hết nghi ngờ , song họ vẫn không thể giải thích được sự việc thần bí kỳ lạ này.

Ông Cận làm Thành Hoàng làng Khai Quang đến năm 1945.



Nguyễn Viết Tiến ( Tiến gù )

Sưu tầm từ một tài liệu của NXB KHXH

Xuất bản năm 1991.

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Anh em ta từng ở Vĩnh Yên nên được "ăn theo", bác Tiến nhẩy!

Nặc danh nói...

Tôi là học viên sau lại là giáo viên bây giờ vẫn ở VY vậy mà chả biết gì ! Đúng thật là cuộc sống vô cùng và thú vị thật . Cảm ơn bác Tiến "gù" .Bác cũng lọ mọ chịu đọc thật

Nặc danh nói...

Tôi thấy ông Cận thật đáng kính nể không phải vì ông là Thành Hoàng làng Khai Quang mà vì khi ông đang chăn dê , vắt sữa dê vất vả thế , dân làng mời ông về để cung phụng ông , nhưng ông không nhận . Một người nông dân bình thưởng chưa được "học chính trị" bao giờ nhưng rất có Đức , có Liêm , đến khi là Thành Hoàng rồi vẫn cứ tự lao động kiếm sống . Thật đáng quý chắc vì biết ông tốt như thế nên Ngọc Hoàng Thượng Đế mới "chấm" ông . Đọc xong bài của bác Tiến gù" tôi nghĩ : Bọn quan lại bây giờ mà được như bác Cận thì dân mình đỡ khổ !