Hè năm 1972, các lớp k5 hết 2 năm cơ bản, chuyển lên học cơ sở. Vậy là lớp Thông tin k5 nhập vào với C343 (k4, lên năm thứ 4). Doanh trại của chúng tôi vẫn sơ tán, nằm ỡ dãy đồi giữa thôn Bảo Sơn và dãy núi Thằn lằn.
Chân ướt chân ráo vừa dựng xong nhà ở thì bị đợt bom Mỹ ném vào Tổng kho niêm cất máy phát điện, ô tô... sát chân núi Đinh, bom ném vào cả trường Xây dựng. Ngay đêm ấy, C343 được lệnh hành quân lên Tam Đảo, khai thác sặt.
Cánh Chí Hòa, Viễn Chiến, Khải "boda"... lên Tam Đảo thì tôi, Kháng Trường, anh Võ Minh, anh Bích được giao nhiệm vụ ở lại Vĩnh Yên trông doanh trại.
Ông Bích là lính già nên hay lang thang và "tăm" ngay được một em ở làng bên, tên là Đào, trông bắt mắt, trắng trẻo, phốp pháp. Ông cứ rủ rỉ rù rì đi đi về về, được em chăm lo. Anh Võ Minh thì là bậc đàn anh, từng là công an nhưng lại gốc "miền" nên biết hết các trò ăn nhậu. Tôi và Trường là hai thằng trẻ con, non tơ, chả biết gì; thấy các bác bảo làm gì thì làm.
Nghe phong thanh anh em trong Tam Đảo vừa thịt con lợn lửng (còn gọi là lợn vòi voi) do Trần Hùng bắn được. Nghe nói thịt hơi hôi nhưng đói mà, nướng lên và xơi hết. Nghĩ mà thèm.
Phía dãy núi Thằn lằn là doanh trại của lính tăng. Mấy quả đồi trước mặt là bãi tập. Hết tăng T34, T54 đến PTR-72... gầm rú sốt ngày. Bánh xích cày nát mấy quả đồi. Từ xa nhìn thấy bụi đỏ cuộn lên sau mỗi xe. Lính tập đâu chỉ vài tuần là lái ngay những xe đó ra ga Vĩnh Yên, leo lên tầu, chạy thẳng trong đêm vào Vinh. Từ đây theo đường bộ vào Nam (chả hiểu có lên xe kéo hay không?).
Không khí chiến tranh tràn lan khắp nơi. Đêm đêm đang ngủ bỗng nghe thấy máy bay F-111 bay xoẹt qua đầu, thấy cả ánh flash nháy liên tục.
Mấy hôm cứ thấy một chú lợn khoang, khoảng ba bốn chục kí, quanh quẩn gần nhà. Xua đi thì nó "ịt ịt" rồi lại quay lại. Đoán già đóan non, chắc không phải lợn của dân, vì mất là họ bổ đi tìm ngay. Vậy lợn này của ai? Bác Bích nhiều kinh nghiệm, phán xanh rờn: "Lợn của đơn vị tăng ấy mà. Xe máy gầm rú, các chú sợ quá đã nhảy khỏi chuồng. Quen được cho ăn, thấy người ở đâu là mò tới".
Nghe quá có lí. Hai bác già quyết định "xử lí". Nhưng vì là lợn của đơn vị bạn xổng chuồng (dù chả biết của đơn vị nào) nên giết cũng phải kheo khéo. Chiều ấy, bác Bích lùa chú xuống tăng-xê sau nhà. (Vậy là chả chạy đâu được!).
Sáng sau, bác giục tôi và Trường dậy sớm, nổi lửa cho nồi nước. Còn bác Bích và bác Minh ra sau, nhảy xuống hào, kéo xốc ngược hai chân chú lợn lên. Để cổ kề ngay miệng hào rồi lấy dao chọc tiết. Ở mãi đơn vị, chuyện này là "chuyện nhỏ". Một nhát trúng ngay tim. Tiết ra xối xả. Kháng Trường đứng dứơi hào, hứng cả chậu tiết. Vậy là "khai tử" cho chú.
Cả bọn khênh chú lợn ra giếng sát chân đồi, làm lông. Nước sôi dội đến đâu được bác Bích cạo lông sạch đến đó. Loáng cái chú lợn được phanh thây, cắt lấy thủ, bốn chân. Thịt pha đâu vào đấy. Bộ lòng cũng được làm sạch sẽ.
Rồi bếp được "dựng" ngay trong nhà. Thịt pha xong tống lên giá ba lô. Bác Minh chạy vào dân xin đậu xanh, hành, rau thơm. Món tiết canh do đầu bếp Bích chỉ đạo thực hiện. Tiết hãm rất khéo, vừa đông.
Bà con đi làm đồng qua, thấy hôm nay mấy chú bộ đội xôm tụ thì hỏi thăm: Các chú liên hoan à?
Món ăn cho bữa trưa chủ yếu là tiết canh và đồ luộc (thịt, lòng, dồi) chấm muối ớt. Xương xẩu, tiết đọng cho vào làm nồi cháo tướng. Đúng hôm ấy, anh Tam và Huy Dũng lại từ Tam Đảo về. Vậy là được bữa thịt lợn "tươi rói". Em Đào cũng được mời sang.
Đây cũng là bữa đầu tiên trong đời tôi được ăn tiết canh, lòng lợn và uống rượu. Cuối bữa là những bát cháo lòng. Phải nói là ngon tuyệt như chưa bao giờ được ăn!
Riêng cái thủ, chiều ấy, bác Minh nấu nồi thịt kho Tầu. Đến bữa ăn, cắn miếng thịt "ngập cả chân răng". Mấy hôm sau khi Tấn Lợi (từ trường Cơ khí 1 sang chơi) vẫn còn được ăn. Quá xá đã!
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
- Nghề lạ 5: "Nghề" nhổ tóc bạc (ST)
- Hãy cẩn thận với chả mực HN (ST: Bột)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
8 nhận xét:
Q không lấy bùn đắp vào nướng lên có phải ngon hơn không
Lợn to như thế thì bố ai mà lấy đất bọc như gà để nướng được?
Lợn nào của lính xe tăng nhảy khòi chuồng ? Lợn tăng gia của Bệnh xá HV thì có !
Cái đám khu đồi Khoa Vô tuyến thường hay bị mất trộm theo cái cớ sổng chuồng, vô chủ này .
Hết vịt ngỗng lại đến lợn,gà. Chó loanh quanh giữ nhà cũng bị dụ ra sau đồi rồi thành vô chủ, chạy lạc!
Nhất quỷ ,nhì ma, thứ ba học trò nhưng học trò Lính Ông Tr. thời chiến tranh sơ tán, đói khát thì nhảy lên hàng vô địch ! Là thày giáo của HV hồi đó ,có khi nửa đêm dược các trò yêu mời chiêu đãi món thịt ngỗng " Trời " nướng bay lạc tôi xin làm chứng chuyện này ( Cựu giáo viên HVKTQS )
Trộm lợn con, trộm gà, vịt của HV để tự cải thiện thì là chuyện bình thường nhưng thịt xong rồi mang ra chợ Vĩnh Yên để bán như Hòa "tầu" K.5 Trỗi thì chắc là chuyện độc nhất vô nhị.
Anh Phục Hưng k2 học lên không được, nhà trường cho về Ban xe làm việc, hưởng lương trung cấp kỹ thuật.
Một chiều bố rủ xuống ban: "Xuống anh ăn cháo gà". Lính đói, đi liền.
Đến nơi hỏi, gà anh mua à? Lúc đó mới hay gà bố vừa "mượn" ở chuồng gà trên Phòng Chính trị đêm qua.
Quậy như bố là cùng, đã là cán bộ rồi mà vẫn không bỏ được tính của ma quỷ!
Hòa "tầu" k6, hiện sống ở Đức.
Không biết KQ có tin tưc gì về cac anh Bich và Võ Minh không?
Hoàng Chương
Anh Bích phải hỏi anh Lâm Gia Điền (hình như Công tele có điện thoại).
Anh Võ Minh ở SG, đã về hưu sau nhiều năm là "kĩ sư gài bọ" của CAND. (0903700400).
Đăng nhận xét