Nay đã là phố là phường nhưng tôi vẫn cứ thích gọi nó là xóm. Xóm Đạo. Cái xóm Đạo ấy có nhà thờ Bác Ái, (Nghe cái tên đó đã thấy "rất Công giáo", rất nhân từ hướng thiện), chỉ cách nhà tôi có dăm chục mét. Nhà thờ không to cao, hoành tráng như nhiều nhà thờ khác. Vậy mà sớm nào từ 4g đã gióng chuông cho con chiên thức giấc, dậy đọc Kinh Thánh.
Phía ngoài nhà thờ có dựng tượng Đức mẹ Maria và hang đá cùng dòng chữ thắp sáng bằng điện "Ơn Đức mẹ cứu rỗi linh hồn con!". Từ đầu tháng này, các con chiên đã tới giúp Cha trang trí bên trong và ngoài nhà thờ. Dạo này giấy bạc trang trí sẵn, cứ thế mua về dựng trời, đất. Tiện và đẹp. Họ thành kính tạo dựng một thế giới riêng đón Giáng sinh và năm mới.
Những ngày này đi ngang qua nhà thờ thấy dàn đồng ca đang tập những bản Thánh ca. Chợt nhớ lần ông bạn Dương Minh Đức NSUT về thăm quê tôi và đến nhà thờ hát Avé Maria. (Tiêu Động quê tôi chả là xứ Đạo toàn tòng). Giữa vòm cao của nhà thờ, giọng NSUT vang vang cộng hưởng. Bà con giáo dân hạnh phúc vì lần đầu tiên được nghe một ông ca sĩ nổi tiếng hát Thánh ca, cho dù họ đã từng hát chính bản đó nhiều lần.
Những ngày này nhà nào theo Đạo cũng trang trí, làm những hang đá giả bằng giấy lấp lánh. Có lẽ cái đó cũng như cây thông Năm mới hay cây đào ở xứ Lương.
Cách đây 15, 16 năm, vợ chồng tôi mua mảnh đất của một gia đình giáo dân. Thời trước dân ở đây gọi là "nhà ông Tây" (ông lai, chắc có bố hay mẹ là Pháp), có mảnh đất rộng cả nghìn mét vuông. Ở giữa dựng hẳn một núi đá, trên có tượng Chúa Jesus và cả cây mai, cây si.
Khi tôi về ông đã mất từ lâu, còn lại bà. Bà sống phúc hậu. Vợ chồng tôi cứ tỉ tê nói chuyện với bà qua cửa sổ. (Cửa sổ nhà bà chả mở qua vườn nhà tôi. Theo luật thì đóng đấy, nhưng chúng tôi sống theo "lệ" vì bao đời nay đất này là của họ và gia đình ấy sống tốt lắm). Bà hay giở Album ảnh thời xưa khoe chúng tôi. Đây là cái nhà cũ, đây là hàng rào bằng rặng râm bụt... Quê quắm lắm.
Dân sống quanh đây rất thuần. Hầu như chả có trộm cắp, đĩ điếm, hút xách. Chiều chủ nhật nào, họ cũng áo quần tươm tất, phụ nữ thì áo dài, nam giới thì sơ-mi, đi nhà thờ nghe giảng Đạo. Gặp nhau ngoài đường bao giờ cũng mở miệng chào hỏi. Thú thật, dân Công giáo đi lễ nhà thờ còn nghiêm chỉnh hơn ta họp chi bộ. Chi bộ cùng lắm tháng một lần, còn họ là đi nhà thờ hàng tuần, vào thứ bảy hoặc sáng chủ nhật. Trong nhà thờ im phăng phắc, chỉ có tiếng giảng Đạo của Cha. Hôm nào đông phải đứng cả ra sân thì ai nấy vẫn thành kính, trật tự; không chuyện riêng.
Cho đến ngày chúng tôi mua đất thì xóm nhà tôi vẫn như nhà quê. Tre pheo còn đầy. Đêm đêm lạnh tanh, chỉ có ngọn điện soi đường. Ban ngày thì hàng trăm khung dệt cơ xoành xoạch suốt từ sáng sớm đến tối mịt. Thỉnh thoảng mới nghỉ ăn cơm. Thậm chí ông bạn Thắng "tòa" đến chơi về còn trêu: "Vào nhà ông phải đi xuồng khi trời mưa". Lụt quá mà.
Chục năm lại đây, dân tứ xứ kéo về thuê nhà rồi mọc lên hiệu gội đầu, cắt tóc, cửa băng đĩa, quần áo thời trang... Đường xá trải nhựa, nhà cửa xây mới. Nhưng tình hình an ninh nghe chừng phức tạp hơn. Trộm cắp, cướp giật đã xảy ra.
Vậy mà giáo dân xóm tôi vẫn cứ sống thế, hiền lành, chất phác. Ở đời đúng là phải có một thứ tôn giáo mới làm con người ta thuần đi, tốt hơn lên.
Mời cùng nghe Ave Maria của Frank Schubert!
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét