Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Tôi tìm ra gia đình LS Võ Nguyên Trọng chính nhờ blog "Bantroik6"

(Ghi theo lời kể của anh Hải CCB E46 - KQ).

-  Chào anh, tôi là Hải…
-  Vâng, anh là Hải, đồng đội E46 của Võ Nguyên Trọng? Tôi được anh Tâm và Tuệ kể về anh.
-  Tôi có đọc bài viết về Trọng. Chính xác 100% nhưng có chỗ…
-  Thế à? Tôi nghe anh đây.
Chúng tôi đã kết bạn với nhau đơn giản như thế, trên điện thoại, vào sáng ngày 01/01/2012. Anh ở HN còn tôi TpHCM.





… Đơn vị tôi hành quân vào đến miền Tây thì nhập vào Sư 1 từ Cao nguyên xuống, gồm 3 trung đoàn (E44, E46 và E101). Vì bảo mật mà E46 gọi là K6. (Chợt nhớ hôm gặp Tâm trong Họp mặt truyền thống k5 Nguyễn Văn Trỗi ở Ba Son, anh có kể: “Trung đoàn 46 của tôi có mật danh là K6, không ai gọi phiên hiệu E46. Hễ nghe ai xưng là “lính E46” là xịt liền, vì chắc chắn là lính ngụy”).
Thật ra tôi tìm ra gia đình Trọng không phải qua web “Nhắn tìm đồng đội” của MARIN (như Tuệ đã kể) mà hơi đặc biệt… Quãng năm 2009, lọ mọ lên mạng và tra vào 3 từ “Võ Nguyên Giáp”. Về Đại tướng thì chẳng phải nói nhiều nhưng gần đấy thấy có mục “Võ Nguyên Trọng”. Chợt nhớ cùng đơn vị K6 ngày ở Kiên Lương, Kiên Giang có Võ Nguyên Trọng - con cụ Võ Nguyên Lượng Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, là lính ở Trung đoàn bộ. Nghe kể, anh hy sinh tháng 8/1972 ở Dương Hòa, Kiên Lương. Tôi đoán, là Trọng này chăng?
(Tôi vốn là lính trinh sát K6. Quãng đầu năm 1973, sau khi Trọng hy sinh 6-7 tháng,  Mỹ bắt đầu rút quân nhưng chiến trường vẫn còn ác liệt. Lính tráng hy sinh nhiều, đơn vị phải thu gom rồi sáp nhập. Cùng trung đoàn nhưng tôi chưa hề gặp Trọng. Nghe anh em nói “Con ông cháu cha như Trọng còn hy sinh nữa là chúng mình” làm tôi nhớ mãi. Bọn ngụy còn cho trực thăng UH-1 vè vè trên trời và ra rả trên loa điện: "E46 có hạ sĩ Trọng là con cháu Đại tướng Giáp, chúng tôi biết rồi. Các anh hãy đầu hàng, về với quốc gia!". Chắc vì thấy cùng có họ "Võ Nguyên" chăng?).
Tôi nháy chuột vào tên Trọng thì thấy có đường dẫn tới trang Bantroik6. Ở đây có ghi “LS Võ Nguyên Trọng”  cùng địa chỉ của chị Võ Hồng Vân. Vậy là tôi điện thoại cho chị. Còn nhớ chị Vân nói, chị già rồi, đã mấy lần đi tìm Trọng mà bất lực. Có chú em Tuệ thì sống ở Nga cũng từng về tìm anh, xuống tận Kiên Lương cũng không dưới chục lần...
Chuyện  anh Tâm, lính cùng K6 cũng vậy. Tôi chưa hề biết mặt anh, chỉ trao đổi qua điện thoại khi đọc bài giới thiệu Sư đoàn 1 của anh. Tôi cũng hỏi cả chuyện chôn cất Trọng. Tới tháng 7 năm nay, Tâm gọi ra thông báo: anh Quyết (cùng là lính K6) vào QK9, đã tìm thấy sơ đồ chôn cất Trọng cùng 8 LS ở gần Trạm Phẫu trung đoàn, ngay xã Dương Hòa. Tâm rất trách nhiệm với đồng đội cũ, đã lặn lội về tận Bãi Ớt, ấp Xóm Dừa nơi chôn cất Trọng.
Thật không may vì mất điện thoại nên tôi mất liên lạc với chị Vân và Tuệ. Nhưng chợt nhớ tới trang mạng Bantroik6 mà tôi tìm lại được số điện thoại, kịp báo cho chị Vân. Tuệ cùng vợ đã “bắt kịp” Đội Quy tập K92 Kiên Giang về Dương Hòa tìm anh. Ở đó, Tuệ cũng lần đầu gặp anh Tâm.
Tôi và Tuệ cũng vậy, chưa biết mặt nhau. Sau lễ truy điệu, Tuệ ra đứng trước tôi và hỏi: “Anh là anh Hải, bạn anh Trọng?”. “Sao em nghĩ vậy”, tôi hỏi. “Em linh tính thế”.
Tới dự lễ truy điệu Võ Nguyên Trọng ở Viện 354, cánh lính cùng trung đoàn K6 ở HN có tôi và Hoan, từ Thanh Hóa ra có anh Thống, anh Thư và 1 CCB; bạn bè cùng trường Trỗi, nhất là cùng lớp, khá đông. Buổi lễ được phường Trung Tự cùng gia đình tổ chức gọn nhẹ, đơn giản nhưng cũng rất đầy đủ, long trọng.
Sau lễ truy điệu, anh Thống bảo: “Xong xuôi cho thằng Trọng rồi, bọn anh phải ra xe về Thanh. Hải ở HN cố thu xếp đưa thằng Trọng lên Thạch Thất”. Tôi nhận lời và lên “xe đại táo” đi cùng gia đình. Hôm đó mấy anh bạn trường Trỗi đi 2 xe riêng. Gia đình Trọng mua mảnh đất rộng, có lẽ cả sào, có hướng đẹp – lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ, mát mẻ lắm. Tuệ bảo: “Chúng em sẽ đón ba mẹ lên ở cùng anh Trọng”.
Trước khi chia tay, 2 bác Thanh Hóa dặn tôi cố gắng tìm gia đình bác sĩ Khiêm – người đã rút máu, cứu Trọng. Trọng chả bị thương  vào ổ bụng lúc 4-5g chiều, được cấp cứu ngay vào Trạm Phẫu. Vì cùng nhóm máu nên anh Khiêm lấy sơ-ranh tự rút máu trên cánh tay mình, tiếp cho Trọng. Nếu là bây giờ thì chả khó, chỉ cần vài đơn vị máu; nhưng lúc đó thiếu quá. Mất máu nhiều, đến 9g thì Trọng đi.
Cũng chỉ vài ba ngày sau, khi bọn ngụy tấn công vào Trạm Phẫu, anh Khiêm C trưởng chỉ huy đơn vị chiến đấu đến cùng, bảo vệ thương bệnh binh. Cuộc chiến không cân sức, anh đã hy sinh. Giờ vẫn chưa có thông tin về mộ phần. Chúng tôi đau đáu về chuyện này. Có lẽ phải tới Đại học Y hỏi về cựu sinh viên tên Khiêm (không biết họ), được đặc cách tốt nghiệp khi học xong năm thứ 3 và bổ sung cho chiến trường. May ra…
Còn anh Hoàng Bổn ở Ban Tham mưu K6 đã nhận nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng, thay vị trí tay Hiếu chiêu hồi. Đơn vị tiếp tục chiến đấu, rồi củng cố, sáp nhập... Đến năm 1976, anh Bổn đi học ở miền Bắc rồi về làm Lữ trưởng Lữ 126 Hải quân. Giờ sống ở Q7, TpHCM.
Đấy là chuyện của tôi với Võ Nguyên Trọng. Cần gì hơn thì gặp anh Tâm, anh Bổn. Nếu có ra HN thì phone cho tôi (0912562018), nhà ở 26 Trần Hưng Đạo, gần khu tập thể Bộ Tài chính. Anh em ta sẽ gặp nhau.

4 nhận xét:

dathb136 nói...

Cái tình của người lính chiến với đồng đội bao giờ cũng gắn bó!

TranKienQuoc nói...

Cảm ơn anh Tâm, anh Hải, anh Quyết - những đồng đội vào sinh ra tử của Võ Nguyên Trọng, bạn chúng tôi!

Nặc danh nói...

Thật là lạ khi chỉ những người không quen biết nhau và chỉ dùng điện thoại mà làm được việc này.
Tâm E46

Nặc danh nói...

Chỉ có lính mời làm được những việc như thế, anh Tâm ạ!