Mỗi người có 1 quan niệm và 1 cách vận động (à, tập thể dục) riêng của mình. Cách này phù hợp với tôi nhưng chắc gì phù hợp với bạn, nên cứ tự mình tìm cho mình 1 cách luyện tập.
Nhớ lại cách đây hơn 30 năm, khi đang là giáo viên trên trường Quân sự. Trường đóng trên Vĩnh Yên, sát chân Tam Đảo, vì điều kiện ăn, ở quá kém (nhà tranh vách đất, khí lạnh đêm đông lùa cả vào trong phòng, ngủ chỉ dám thò 2 lỗ mũi ra khỏi chăn mà vẫn lạnh) mà tôi bị hen phế quản. Về Viện 108 gặp Toàn "sứt" - thằng bạn Trỗi là bác sĩ Khoa Phẫu thuật lồng ngực, tim mạch - được tư vấn: tập Vĩnh Xuân và tập dưỡng sinh đi!
Nói thì dễ, nhưng tập thì khó. Ngày ấy tôi lại mê "chọc ngoáy", cứ túi đồ nghề cùng mỏ hàn, đồng hồ và tập sơ đồ TV, recorder, tăng âm... phi khắp nơi sửa chữa không công cho bạn bè,người thân. Nhưng cũng "biết" hóng hớt những buổi Toàn đến nhà, dạy mấy thằng em (Tiến Long, Hữu Nghị, Việt Trung...) rồi sau này nghe bác Ngô Sĩ Quý (võ sư Vĩnh Xuân) giảng giải mà hiểu: bản thân con người mới sinh ra có những vận động chả khác gì vận động của chó mèo, rất nguyên thủy, rất đơn giản và rất an toàn. Chẳng hạn khi tung chú mèo lên không, chắc chắn nó sẽ tự định hướng (dù lưng đã quay xuống đất) và đưa 4 chân nhẹ nhàng tiếp đất, như nhảy lên đệm mút mà không đau đớn, ầm ĩ. Cũng vậy, trẻ em khi ngã không bao giờ chống tay xuống đất mà biết tự xoay mình cho vai, thân đổ xuống trước.
Con người lớn lên, già đi. Theo thời gian các khớp sẽ cứng dần, mọi vận động không còn sơ khai như trước. Khi ngã lập tức có phản xạ chống tay ra đỡ. Và, không ít người bị sái tay, thậm chí gãy tay, phải bó bột.
Để chống lại "cái sự già hóa" này, trước các bài tập Vĩnh Xuân bắt đệ tử phải phá đi sự già hóa của khớp, còn gọi là "phá khớp", làm cho các khớp trở lại gần với thuở ban đầu. Rõ ràng sau khi "phá" con người ta có cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng, thoải mái. Sau đó mới tập "108 thế" rồi các bài phỏng theo vận động của các con vật (long, xà, hổ, báo, hạc...), rồi vũ khí...
Bản thân cũng được thầy Nghị dạy tại nhà, nhưng cũng chỉ tập hết "108" và vài bài nữa rồi bận bịu mưu sinh mà thôi.
Cách đây ít năm, thấy bị đau lưng. Đến Viện 175 gặp bác sĩ Đô (Khoa Thần kinh) khám thì phát hiện có mấy đĩa đệm bị xẹp, có chỗ hơi tì vào bó dây thần kinh cột sống nên thỉnh thoảng đau. Đô tư vấn: bác đã qua tuổi 50, chừng ấy năm cả cơ thể nặng dồn hết lên cột sống, làm các đĩa đệm xẹp đi (may là còn ít!). Đô khuyên, không nên đá bóng, tránh vận động nặng. Nhưng lỡ mê mất rồi và không thể bỏ bạn chơi. Vậy là cứ chơi bóng, khi nào đau thì dùng thuốc.
Nhưng từ khi cùng anh Ba đi bơi thì cảm thấy khác hẳn. Có lẽ khi xuống nước, cột sống ta đã bị uốn cong, ngược lại tư thế có xu hướng cúi gập hàng ngày. Cả trọng lượng cơ thể không còn dồn lên những đĩa đệm. Như vậy ta đã trả cho chúng về lại tư thế nguyên thủy. Chưa kể thở liên tục dưới nước đã bắt phổi co bóp, thắng lại sự cản trở của nước. (Có lẽ dung tích phổi tăng lên?). Và chưa kể khi bơi dưới nước ta đã vận động toàn thân và cũng được nước mát-xa cho toàn thân.
Tôi duy trì tuần bơi 3 đến 4 buổi, mỗi buổi (theo gương Chí Quang, người nhái chuyên nghiệp) cố bơi 1000m. Còn anh Ba thì 6 buổi, trừ ngày thứ 2 dọn bể.
Xin "bật mí" cùng anh em!
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Thiên An Môn (Huy Đức)
- Bia “MET" Berlin (Trần Đình - Berlin)
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
- Thông bíu !!!
Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Hôm qua cháu thực tập ở khoa y học hạt nhân, điều trị ung thư bằng xạ trị . Cháu xem ảnh chụp toàn thân của các bệnh nhân ung thư. Xem qua ảnh chụp của máy Spect, cháu thấy tư thế bệnh nhân ko thể nằm thẳng theo đúng như bác sỹ yêu cầu mà luôn có xu hướng nằm theo tư thế mà cơ thể ít bị đau nhất - đúng là bản năng nguyên thủy của con người như bác nhắc trong bài viết ạ.
Đăng nhận xét