Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Ca sĩ Trần Thái Hòa và "Đêm đông" (Thủy k42)

Tôi nhớ lần đầu tình cờ nghe Trần Thái Hòa hát ca khúc “Đêm đông” của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (ca từ được viết chung với Kim Minh) khi gia đình tôi đang theo dõi chương trình Thúy Nga qua đĩa. Sau này tôi mới biết đó là “Paris By Night” số 7.  Sức truyền cảm da diết ngân theo lời ca “chiều chưa đi màn đêm rơi xuống” , Trần Thái Hòa có biết rằng: kể từ đó  anh đã có thêm một khán thính giả nhớ nhiều đến tiếng hát của anh... và người đó là tôi.  



Trước đó, tôi có nghe “Đêm đông” qua tiếng hát của danh ca Lệ Thu, cảm giác nhớ hoài không dứt.  Đến lúc nghe Trần Thái Hòa, tôi ngạc nhiên vì có thêm một người hát có thể làm người nghe “thấu tình cô lữ đêm đông không nhà”.  Có lẽ do tôi không có điều kiện theo dõi thường xuyên các sinh hoạt văn nghệ nói chung và những chương trình ca nhạc có anh tham gia nói riêng nên tôi không biết đến tên “Trần Thái Hòa” cho đến khi nghe anh hát “Đêm đông”? Một khi đã nghe rồi, rất muốn nghe thêm lần nữa.

Hoạt động biểu diễn của Trần Thái Hòa khá từ tốn.  Ngoài việc tham gia đều đặn các chương trình của trung tâm Thúy Nga, anh đến với khán thính giả trong những chương trình ca nhạc, các buổi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác nhau tại các tiểu bang của Hoa Kỳ và tại một số nước khác như Canada, Úc Châu…  Từ ngày rời Việt Nam đến nay, anh chưa một lần được hát những gì thật lòng muốn hát trên mảnh đất đã cho anh chất sống góp phần nuôi dưỡng tiếng hát chín muồi của ngày hôm nay. Không nhận lời tham gia các chương trình biểu diễn trong nước bởi anh vẫn chưa thật sự được hát những giai điệu khán thính giả muốn nghe tại quê nhà.  Theo suy nghĩ của anh, sự kiểm duyệt văn hóa nghệ thuật của chính quyền trong nước thật khó hiểu và khó chấp nhận.  Đến đây, hình như tôi hơi “lạc đề”, tản mạn sang chuyện tự do tư tưởng.  Nhưng quả thật những suy nghĩ như vậy của Trần Thái Hòa, với tư cách là một người con đất Việt, là có căn cứ và đáng được lắng nghe.  Chỉ mong sao một ngày nào đó những vách ngăn ngoài âm nhạc sẽ không còn.  Lúc ấy, tiếng hát của anh có thể được tự do bay bổng trên quê hương.

Sự đón nhận của khán thính giả dành cho Trần Thái Hòa là thước đo khách quan cho sự thành công của tiếng hát này.  Với cảm nhận của một người thích nghe dòng nhạc được định hình với tên gọi “thính phòng”, cho Đến nay, trung tâm Thúy Nga đã phát hành đến 8 CD riêng cho giọng ca này, chưa tính đến các CD hay DVD khác có sự tham gia của anh. Một con số đủ để nói được tính phổ biến của tiếng hát Trần Thái Hòa dù dòng nhạc anh chọn khá kén người nghe.  Để đánh giá sự thành công của một người nghệ sĩ, rất cần thiết phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.  Sau khi nghe anh hát những nhạc phẩm đã in sâu vào lòng người yêu nhạc, trong đó có nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của những danh ca thế hệ trước, tôi mạo muội dành thêm một nhận định ưu ái cho Trần Thái Hòa.  Anh có giọng hát có thể níu giữ được thật nhiều kỷ niệm...
Trần Thái Hòa nhận định được thực tế hiện nay không giống với hoàn cảnh một thời vốn thuận lợi hơn cho sáng tác, biểu diễn, và thưởng ngoạn dòng nhạc trữ tình đi sâu vào những ngóc ngách của tình yêu và thân phận con người.  Ý thức được mình đang đi trên con đường khó trong âm nhạc, hiểu rõ quy luật đào thải của nghề biểu diễn thường hiếm cho ai một ngoại lệ, anh vẫn say mê hát, “vẫn muốn được hát hoài”.  Anh không quên câu nói của tiền nhân “tre già măng mọc”, khiêm tốn biết “những gì anh làm được thì những người khác cũng làm được”, và chân thành bày tỏ: “Đến khi mình không sống được với nghề hát thì mình cũng phải làm một việc khác để sống.  Tất nhiên cũng có những dự định, những trăn trở cho tương lai…”
Trần Thái Hòa tỏ bày khi được hỏi về niềm vui đang có: “Hạnh phúc trong cuộc sống là làm được điều gì mà mình muốn, được sống thực với mình. Hạnh phúc hiện giờ là được đi hát và sống được với nghề đi hát... Khi hát đối với anh rất đặc biệt, rất thiêng liêng, như đi vào một thế giới thần tiên kỳ diệu, có thể là hạnh phúc, là đau khổ. Sự kỳ diệu đó được đắm chìm trong những cung bậc âm thanh. Cái hạnh phúc lớn hơn hết là lúc được đắm mình trong những tinh túy của con người.  Nghe thật kỹ Trần Thái Hòa hát, tôi hiểu được tại sao anh tìm được sự giải thoát trong âm nhạc.  Có rất nhiều khán thính giả sẽ đồng ý với tôi rằng chất giọng đáng quý của anh có thể gìn giữ được những kỷ niệm đẹp của nền âm nhạc Việt Nam, của người nghe, trong đó có chính anh vào một lúc nào đó một mình nghe lại những nhạc phẩm đã hát.  Không rõ chính xác từ lúc nào tên gọi “Trần Thái Hòa” đã bắt đầu được biết đến. Và tiếng hát Trần Thái Hòa sẽ được nhớ lâu, rất lâu trong lòng khán thính giả khắp nơi... 
Riêng tôi, hằng ngày được trò chuyện với anh qua yahoo là niệm hạnh phúc. Ngày nay với giọng hát trẻ, không nhiều giọng hát có sức truyền cảm đến  như vậy. Tôi rất yêu quý anh. Ngoài ca hát, anh rất đam mê kĩ thuật khoa học, anh tốt nghiệp trường đại học danh tiếng University of Califorina San Diego, chuyên ngành Computer Science. Điều đặc biệt là khi anh mới được 18, 19 tuổi đã có thời gian anh thích nghiên cứu triết lý Phật giáo. Và bây giờ mỗi khi có dịp, anh vẫn thích thú nói chuyện về triết lý nhà Phật với những người lớn tuổi.

Mời các bạn cùng thưởng thức ca khúc đầu tiên mà tôi được biết đến anh: ca khúc Đêm đông.
Và thêm một ca khúc tôi yêu thích…  ca khúc: Rồi mai tôi đưa em.

Không có nhận xét nào: