Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Hưởng ứng bài "Nước Mỹ không đóng cửa..." (ST: Tiến Thắng, Lpz)


Bé hạt tiêu và “năng lực tư duy toàn cầu”

KD thăm Ireland(Kim Dung)
Trong cuộc đời, từng mơ ước đi ra thế giới, để được xem con người ta sống thế nào, chưa bao giờ người viết bài nghĩ sẽ có ngày được thăm đất nước Ireland (Ai Len, Ái Nhĩ Lan). Đơn giản là thông tin về đất nước này với Việt Nam chưa nhiều, nếu không nói là quá ít ỏi.

 
“Hạt tiêu” Ireland
Vậy nhưng cuối cùng, cái đất nước nằm phía tây bắc châu Âu, và chỉ mất hơn giờ đồng hồ bay từ Vương Quốc Anh, đã hiện ra trong mắt đoàn công tác chúng tôi, lạnh giá và ẩm ướt. Dù vốn được coi là hòn đảo “ngọc lục bảo” bởi vùng đồng quê xanh tươi tuyệt đẹp,Ireland đang những ngày đông hàn.
Đến nỗi, những hàng cây phong lãng mạn đều trụi lá, chỉ còn cành trơ trụi, khẳng khiu. Và lá Shamrock, giống như lá chua me đất của ViệtNamđược coi là loài cây biểu tượng, thì không thấy đâu cả. Hay Shamrock cũng như đất nướcIreland, muốn cho khách đến thăm luôn bị bất ngờ?

 
Quả như vậy. Ireland đã là một sự khám phá thú vị. Thủ đô Dublin yên tĩnh với những kiến trúc cổ đang được bảo vệ, xen lẫn kiến trúc hiện đại. Và Trung tâm Bia Guinness không chỉ cho khách thưởng thức thứ đồ uống nổi tiếng mà còn cho thấy cả lịch sử phát triển lẫn công nghệ sản xuất loại nước giải khát được ưa chuộng ở châu Âu, và ở xứ sở này..
Sự khám phá, không chỉ có ý nghĩa về khoảng cách không gian, từ một nước châu Á, đến một nước châu Âu, khác cả màu da, tiếng nói, tập quán và nền văn minh. Mà nó còn là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, bắt đầu từ những thông số đáng nể phục, cứ mỗi lúc lại dầy lên trong sổ ghi chép.
Năm 1972, Ireland còn là một nước nghèo nhất châu Âu, với số dân vỏn vẹn hơn bốn triệu người (bằng 5% dân số Việt Nam), và diện tích chỉ bằng 21% diện tích Việt Nam.
Nhưng 36 năm sau, 2008, Ireland đã là một trong những nước giầu nhất châu Âu, có dân số trẻ và lực lượng lao động chất lượng cao, với mức thu nhập bình quân 36.000 USD/ người, là một trong ba nước xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới.
Và đây còn là một trong những quốc gia có điều kiện sống tốt nhất thế giới, xếp thứ năm toàn cầu về chỉ số phát triển con người.

Cổ kính Ireland. Ảnh Kim Dung
Quốc đảo Ireland có quyền hãnh diện về tài hoa dân tộc mình. Đây còn là nơi khai sinh của nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ lớn đoạt giải Nobel:  George Bernard Shaw (1856-1950), William Butler Yeats (1865–1939), James Joyce (1882–1941) Samuel Beckett (1906–1989)…
Ngoài ra, quốc đảo này còn có năm người được đề cử giải Nobel về hòa bình, 10 người được đề cử giải Nobel về vật lý. Tính ra, là quốc gia có tỷ lệ người đoạt giải Nobel/đầu người… cao nhất thế giới.
Học vấn cao, và sự thanh bình thân thiện hiếm có. Nếu có quốc gia nào, mà cảnh sát đi ngoài đường không bao giờ phải …mang súng, thì đó chính làIreland!
Riêng với ViệtNam, từ nay đến năm 2015, mỗi năm,Ireland viện trợ không hoàn lại là 11 triệu Eruo.
Nói theo cách nói dân gian của người Việt – Ireland là nước bé…hạt tiêu!
Trả lời câu hỏi của báo chí, tại cuộc họp báo ở Hà Nội nhân chuyến đi thăm và làm việc, bà Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Ireland Jan Ó Sulivan khẳng định: Sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế của Ireland, được quyết định nhờ hệ thống giáo dục ưu tú của đất nước.
Giáo dục- chíếc chìa khóa mở kho tri thức, đã mở cho đất nước của lá Shamrock thấy được điều kỳ diệu của con người ngay trong thời hiện đại.
“Giáo dục- một phần ADN của người Ireland”
Có lẽ hiếm có quốc gia nào được mệnh danh là “ngọc lục bảo” như Ireland, lại nhìn nhận giáo dục như một phần thuộc gien di truyền của quốc gia mình. Đó là niềm tự hào tuyệt đỉnh.
Nhưng người Irelandcũng lại có một câu thành ngữ khác, đầy tính khiêm nhường, cho thấy, Ireland đã đi lên thịnh vượng từ nghèo khó thế nào: “We went from potato chips to computer chips” (Chúng tôi đã đi từ khoai tây lên lõi mạch vi tính - Chú thích của HM. Chơi chữ CHIP: chip khoai tây cắt lát mỏng, xấy khô, có muối để ăn vặt và chíp – vi mạch trong PC). Cái khoảng cách dài từ chip khoai tây lên mạch vi tính, không gì khác, đó là nhờ giáo dục.
Số lượng các trường đại học và chuyên nghiệp của Ireland không lớn- chỉ có 7 trường ĐH, 14 viện công nghệ, và một số trường tư thục, độc lập (cũng được sự hỗ trợ của nhà nước), nhưng bằng cấp của Irelandđược giáo dục cả thế giới công nhận.
Đất nước được mệnh danh có truyền thống kinh điển lâu đời- “đất nước của các thánh và học giả”, vào thời hiện đại, đã được Chính phủ Ireland đầu tư lớn, và bền vững, với những con số đáng nể.
Nhà nước Ireland miễn phí toàn bộ cho học sinh từ tuổi phổ thông đến ĐH – một chính sách không ít quốc gia thèm muốn và ao ước.
Tổng đầu tư cho phát triển tri thức quốc gia hàng năm tăng 10% trong vòng một thập kỷ qua.

Đại học Dublin. Ảnh: Kim Dung
Khi Chiến lược Phát triển Quốc gia và giáo dục ĐH, THCN (2007-2013) được xây dựng, đưa vào kế hoạch, hàng năm, Ireland đầu tư sáu tỷ Euro cho công tác nghiên cứu khoa học (3/5 số tỷ Euro cho các Viện GDĐH). 13 tỷ Euro cho phát triển hạ tầng và các phát minh (sáng kiến).
Với cái gien giáo dục khá trội,Ireland hiện là một trong những đất nước có tỷ lệ người đi học cao nhất thế giới. 81% học sinh có bằng THPT, trong đó 60% học tiếp lên ĐH, THCN.
Giáo dục tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao thực sự là đòn bẩy kích thích một nền kinh tế luôn có tính cạnh tranh cao, linh hoạt và rất mở, có mối liên hệ toàn cầu rộng lớn.
Một xứ sở dân số ít, diện tích không lớn, nhưng lại được coi là Tổng hành dinh châu Âu, thu hút các công ty như eBay, Google, Twitter, Paypal và rất nhiều các công ty đa quốc gia về công nghệ Internet, dược phẩm… đặt chi nhánh hoạt động tại Ireland.
Con số mức thu nhập bình quân 36000 USD/người/năm, là kết quả của mối quan hệ hữu cơ và hiệu quả: Giáo dục-  Kinh tế, Xã hội.
Chợt nhớ tới giáo dục của ViệtNam ta.
Giáo dục là động lực phát triển-  Việt Nam vốn tâm đắc và thích đúc kết, nhưng quy luật này lại chưa thành công ở Việt Nam, mà từ rất lâu, nó đã là hiện thực sinh động của Ireland, và nhiều nước khác trên địa cầu.
Đó là điều người Việt Namchúng ta phải rất nghĩ…
Chiến lược “tạo ra năng lực tư duy toàn cầu”
Nơi chúng tôi đến thăm và làm việc là University College Dublin (UCD- ĐH Tổng hợp Dublin), Dublin Institute of Technology (Dublin IT- Viện Công nghệ Dublin) và Dublin City University (DCU- Đại học TP Dublin).
Quả thật, mỗi trường mỗi vẻ…
University College Dublin là ĐH lớn nhất của Ireland (có bẩy trường thành viên), và có nhiều lĩnh vực luôn chiếm thế mạnh: Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Dược và công nghệ sinh học, Y học…30% số giảng viên nhà trường là giảng viên quốc tế, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các trường ĐH ở Ireland.
UCD còn là một trong những đơn vị tư vấn chính sách đào tạo cho các doanh nghiệp, cho nhà nước, có vị thế đáng nể – nằm trong tốp 200 ĐH nổi tiếng thế giới, và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ĐH danh tiếng. Có tuổi đời khá cao, hơn 150 năm (thành lập năm 1854), UCD còn là nơi đào tạo hơn 1/2 số Thủ tướng của nước này.
Vài dòng “trích ngang lý lịch”, đủ hiểu, UCD luôn là lựa chọn hàng đầu của học sinhIrelandsau tốt nghiệp THPT, dù đầu vào khá cao. Trường cũng là điểm hấp dẫn và lựa chọn của 4500 học sinh quốc tế thuộc 110 nước trên thế giới đang theo học tại đây.
Thế nên mặc dù Ireland đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng các điều kiện học tập, đào tạo và nghiên cứu khoa học, các khu ký túc xá, khuôn viên hoạt động…của  UCD, những yếu tố quyết định chất lượng, vẫn tiếp tục được nhà nước Ireland đầu tư.
Không thua kém University College Dublin, Dublin IT cũng là một trong những cơ sở đào tạo “già đời” của Ireland.
Trải qua những biến thiên, thăng trầm gắn với lịch sử đất nước, giờ đây, Dublin IT- có quy mô 10.000 sinh viên, với 100 chương trình giảng dạy từ ĐH đến sau ĐH, đứng trong nhóm 100 trường đứng đầu thế giới về chất lượng giảng dạy, và là một thành viên của Hiệp hội các trường Quốc tế châu Âu. 30% người học của trường là sinh viên quốc tế đến từ 85 nước ở các châu lục.
Dublin IT cũng là cái nôi đào tạo ra các nhân vật nổi danh của đất nước: Cựu Thủ tướng, nhà văn… Và cả diễn viên nổi tiếng thế giới- Pierce Brosnan (người đóng vai James Bond- điệp viên 007) đã được DIT trao tặng học vị Tiến sĩ, bởi ông là người Ireland tài năng tiêu biểu, có những đóng góp nổi bật trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những hoạt động nhân đạo.
 Điều gì làm nên thành công và sức hấp dẫn của Dublin IT?  Đó là chương trình đào tạo.
Đặc điểm của chương trình Dublin IT, ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề như Du lịch, Sức khỏe, Máy tính, Kiến trúc, Khoa học xã hội và Nhân văn, Quản trị kinh doanh, Mỹ thuật…, là tính thiết thực.

Tinh khôi góc phố Dublin. Ảnh: Kim Dung.
Quy mô lớp học thường chỉ 30 sinh viên/lớp, tạo điều kiện cho người học được tiếp xúc với giảng viên. Trong quá trình đào tạo, người học luôn có cơ may thực tập tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quan hệ với DIT, từ ba tháng đến một năm.
Đây là cơ hội họ được cập nhật thực tế. Đến lượt các công ty, các doanh nghiệp này lại tham gia vào thiết kế chương trình giảng dạy, và khảo thí của Dublin IT. Sự gắn bó chặt chẽ hai chiều này bảo đảm cho chương trình Dublin IT luôn được cập nhật, việc dạy và học rất thực tế.
Các sinh viên tốt nghiệp ở UCD, Dublin IT, hay DCU nói riêng, ở các trường ĐH Ireland nói chung nhờ đó được trang bị đầy đủ kiến thức, có kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng sáng tạo, thích ứng với thực tiễn.
Cho dù có tuổi đời khá cao, hàng trăm năm, tư duy của UCD và Dublin IT lại rất trẻ khi chủ trương “tạo ra năng lực tư duy toàn cầu” trong hoạt động tạo nguồn nhân lực xã hội.
Có thể nói, đó còn là chiến lược nhân lực của Ireland, tạo nên tính hấp dẫn của giáo dục đất nước này, một đất nước hiện có 25000 sinh viên quốc tế theo học (2009-2010).
Dù vậy, không hề thỏa mãn với thành quả của văn minh, văn hóa, Ireland- trong chiến lược phát triển, đang vươn tay về phía các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Đó cũng là điều mà ông Đại sứ Irelandtại Việt Nam Damien Cole phát biểu tại cuộc họp mặt gần đây với đoàn công tác.
Con số 40 sinh viên ViệtNamđang du học tạiIrelandcòn là con số qúa nhỏ bé, yếu ớt. Nếu biết rằng, con số này ở Anh là 7000, ở Mỹ tới 13000.
“Tạo ra năng lực tư duy toàn cầu”, tư tưởng đó của University College Dublin và nó thấm đẫm trong chính sách phát triển của giáo dụcIrelandliệu có đủ sức hấp dẫn những người Việt trẻ tuổi du học không? Câu hỏi đó còn ở thì tương lai, phụ thuộc vào sức mạnh của đất nước lá Shamrock
Nhưng câu hỏi vì sao, Irelandvà nhiều quốc gia khác đã thành công trong việc dùng giáo dục là đòn bẩy kinh tế- xã hội, còn Việt Nam chúng ta hiện giờ giáo dục vẫn chưa thoát khỏi những mâu thuẫn, vẫn còn tranh cãi muôn thuở: Đổi mới hay cải cách giáo dục? Thì điều đó lại phụ thuộc vào giáo dục ViệtNam, cần được làm sáng tỏ ngay ở thì…hiện tại.
Đất nước tiến lên văn minh, tiên tiến hay tụt hậu? Câu hỏi đó, xin giành cho ngành Giáo dục ViệtNam!
Với người viết bài này, giờ đây, Ireland là một khái niệm văn minh, văn hóa và an bình.
Liệu đó đã là một khái niệm về hạnh phúc?
Bài và ảnh: Kim Dung.

Thanh bình phương bắc. Ảnh: KD

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Đúng là chúng ta cần xây dựng 1 nền văn hóa bản sắc Việt. Mất văn hóa là mất hết.
Gần đây ở VN có "văn hóa tiền" với quan niệm: Có tiền là có học thức, có bằng cấp; Có tiền là gì cũng mua được; Cái không mua được bằng ít tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền. Sợ quá. Cái nguy hiểm là cái đầu rỗng tuếch "vi vô hướng" (vô văn hóa).