Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Viết thêm về bối cảnh ra đời bài “Anh tân binh” của thày Chi Phan (Phạm Trọng)


Ngày 1-4-1964, người về Trường Đại học Sư phạm HN nhận 5 sinh viên nhập ngũ là chuẩn uý trung đội trưởng Đào Trọng Lịch (sau này là Trung tướng TTM trưởng QĐND VN). Chúng tôi lên tầu mới biết sẽ sang Hải Dương đợi tân binh. Ở thị xã Hải Dương, ông Chính trị viên tiểu đoàn, thượng uý Đỗ Tám nói thẳng: “Chúng tôi chưa thể tin các anh được vì các anh là trí thức, tiểu tư sản”. 5 anh em tức lắm nhưng không giám nói gì, sau đó cùng hạ quyết tâm sẽ làm thay đổi cái nhìn của ông chính trị viên nọ.


Một tuần sau, cùng 200 lính mới hai huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc, chúng tôi lên tầu hành quân đêm về ga Hàng Cỏ, đổi tầu và lên Yên Bái, sau đó sang ô tô đi xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ. 5 anh em chia về 3 đại đội. Chỉ cần hơn tháng huấn luyện, chúng tôi đã làm nòng cốt các đại đội về rèn luyện kỹ chiến thuật và đặc biệt là về phong trào văn hoá-văn nghệ.
Tôi nhớ anh Phan sáng tác 3 tiết mục góp vào chương trình của Trung đoàn 673 đi dự thi ở QK Tây Bắc: Bài “Anh tân binh”, bài “Chiến sĩ pháo binh” và bài hoạt cảnh chèo “Anh Chầy” (nói về hiện tượng nằm ỳ của chiến sĩ).
Tôi thích bài “Chiến sĩ pháo binh” vì lời nó rất thơ:
- “Núi cao vút trong mây mờ phủ trắng màn sương/ Tiếng chim hót vang trên cành gọi nắng mai lên/ Đường hành quân chiến sĩ pháo binh vượt qua muôn ngàn khe suối/ Đổ mồ hôi xương máu hôm nay ngày mai bắn tan quân thù.
Ơ anh em ơi ta người lính mới/Nhanh nhanh vác pháo vượt lên/ Vai tuy có đau nhưng lòng không nao/ Ngày ngày dốn công thao tác/ Đi đi ta đi đoàn cối 82…một lòng chung sức chung tay/ Sao cho tầm hướng cho tinh/ Nổ giòn trăm phát trăm đồn.

- “Mế thương các con xa nhà về với rừng sâu/ Mế cho sống chung nhà sàn nhường gối thêm chăn/ Bản Mường xưa tăm tối đau thương trùm lên nương đồi khe suối/ Mẹ mừng vui khi thấy các con ngày đêm giữ yên quê nhà.
Ơ anh em ơi ta người lính mới/…

Tháng 12-1964, tôi và anh Phan “bị” gọi về HN (Phan về Pháo binh còn tôi về PK-KQ. Trước khi rời d3, e673, chúng tôi đến chào thượng uý Đỗ Tám. Ông ta thật lòng mà nói rằng, rất tiếc không thể giữ được chúng tôi ở lại.
5 sinh viên nhập ngũ ngày ấy có một người nằm lại ở chiến trường. Đó là Phạm Văn Uyển - một sinh viên toán, đẹp trai. Lúc ngã xuống, anh Uyển là thượng uý, tiểu đoàn trưởng bộ binh.
Trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979-1980, tôi là PV báo QĐND. Tôi đã lội dọc biên giới Việt Lào và TQ, từ đảo Trần, Móng Cái-Cao Ba Lanh-Đồng Đăng-Lũng Cú-Tà Lùng đến Pò Tèn, Huội Xài…Và tôi đã đưa bài hát của anh Phan vào Kí sự./.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hay quá! Cảm ơn thấy Trọng!

Nặc danh nói...

Bài này phải chọn vào Tập 4.
AD