Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Diệt mụn cơm (mụn cóc) vào ngày 5-5 (ST: QV)

Ngày nay, việc chữa trị mụn cơm (mụn cóc, vùng tôi gọi là ránh) trên người đã có nhiều phương cách hiệu nghiệm, nhưng cũng không quá rẻ và đơn giản. Cách đây trên 5-60 năm thì không. Hồi ấy, ai mách thế nào thì làm thế hoặc tự sáng kiến!.

Tôi bị một mụn cơm (ránh) ở ngón giữa tay trái, phía ngón áp út. Rất khó chịu và bất tiện. Nào là dùng dao cắt gọt, dùng hạt tía tô cuốn giấy đốt, nào là bôi nhựa pin… Đau lặng người, nhiễm trùng, sưng vù cả tháng. Đâu vẫn hoàn đấy. Rồi thì mụn mẹ đẻ mụn con lốm đốm trên các ngón khác và mu bàn tay.



Một ngày mùa Xuân, có một bà bán chè búp dong ngang qua. Ông tôi xem hàng để mua. Tôi tò mò ngồi cạnh hóng hớt. Tình cờ bà bán chè thấy cái ránh (mụn cơm) trên tay tôi, bà bảo: đến đúng ngày 5 tháng 5 này, cháu cho tay vào rá đỗ (đậu) xanh, xát đi xát lại một lúc. Đừng cho ai biết. Khỏi đấy!. Tôi đáp, thế ạ!, bụng thì chả tin lắm. Đã có không ít người mách, và tôi đã không ít lần chịu đau, chịu cháy khét. Tuy thế vì nó đơn giản với vùng quê có bãi bồi trồng đỗ (đậu), lại vô hại, tôi lẳng lặng lưu tâm, thử nghiệm. Đến đúng ngày 5 tháng 5 (Âm lịch), tôi vào buồng khép hờ cửa, sục tay vào rá đỗ, (hình như khoảng nửa cân), xát lấy xát để một lúc, khoảng dăm mười phút rồi thôi. Đúng là không ai biết, và tôi làm xong cũng quên khuấy. Bẵng đi một thời gian (chả nhớ bao lâu), chả hiểu sao, tôi không hề nghĩ gì đến cái mụn cơm. Rồi một ngày xòe tay ra nhìn, mụn cái, mụn con lặn hết sạch. Gần 60 năm qua cũng không thấy cái nào mọc lên.

Ngày 5 tháng 5 (Âm lịch) ở ta là ngày ‘giết sâu bọ’, ngày xưa thuộc loại Tết lớn. Ở Trung quốc có Tết Đoan Ngọ, gắn với sự tích Khuất Nguyên nước Sở, can vua u tối không nổi, ôm đá nhảy xuống sông Mịch La chết chìm. Ngày trùng nhau nhưng cội nguồn chả có liên đới gì. Dân ta xuất phát từ trải nghiệm của chính mình. Giới nhà Nho làm sang, thích gọi nó theo tên Tàu Đoan Ngọ. Trong dân gian có nhiều truyền khẩu về hái thuốc. Đại thể, các loại cây thuốc, lá thuốc (dâu, ngải cứu, sen, vông, mã đề, cối xay…) hái vào lúc mặt trời mọc ngày 5-5 là tốt nhất vì tích lũy được cả Âm Dương trời đất. Có tài liệu lại nói, hái thuốc vào giờ Ngọ là tốt nhất vì Dương khí mạnh nhất, công lực mạnh nhất. Chưa làm thực nghiệm, không dám khẳng định đúng sai. ‘Len lét như thằn lằn mồng năm’ thì có lẽ đúng rồi. Ngày ấy, tôi chả thấy con rắn hay thằn lằn nào phơi nắng. Chúng trốn biệt tăm. Việc tôi xát đỗ xanh diệt sạch mụn cơm vào ngày 5-5 là sự thật, nhưng không tuyệt đối hóa, không loại trừ các yếu tố khác. Ví dụ, biết đâu đó là kết quả tích lũy của bôi nhựa pin, đốt hạt tía tô… tôi đã làm trước đó. Rồi có nhất thiết phải xát đỗ xanh vào mụn cơm đúng ngày 5-5? và có nhất thiết phải không ai biết?. Mọi kết luận đều phải thực nghiệm khoa học, công phu, không thể cẩu thả như mấy ông…, thực nghiệm đâu hỏng đấy nhưng vẫn khẳng định, cách làm của họ là tốt nhất.

Tôi thấy kinh nghiệm này không nguy hại, xin ghi lại, nếu ai tò mò thì thử nghiệm.

Nhân Hòa.
*Bài do tác giả gửi trực tiếp cho Tễu-Blog.
___________________

Tễu:  Liên quan đến Tết Đoan Ngọ, Tễu được nghe kể Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có nghiên cứu về Tháp Bút và Đài Nghiên ở Hồ Hoàn Kiếm: hàng năm, cứ đúng giờ Ngọ (12h00) thì bóng ngọn Tháp Bút sẽ chấm vào giữa Đài Nghiên. Và mỗi năm chỉ một khoảnh khắc ấy. 

Tễu chưa tới Tháp Bút vào lúc 12h ngày Đoan Ngọ, và cũng chưa tìm được đoan văn, bài báo hoặc sách có công bố nghiên cứu ấy của Cụ Hoàng Xuân Hãn. Nếu có vị nào biết được, xin chỉ giùm! Đa tạ! Đa tạ!


Không có nhận xét nào: