Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Warszawa và Euro 2012 (KQ)

Bạn bè ra tiễn ở sân ga Warszawa. (Từ trái: Vượng k10HV (em ông Hiệu),
vợ chồng Nam Hà (KTS), Huy (bạn Đạo), bác Ngân và em Hương Thám).
Từng sống 2 năm ở Ba lan (1990-1992). Hè 1992 lên tầu rời Warszawa về Matxcơva. Vậy là vừa tròn 20 năm tạm biệt xứ sở Đại bàng trắng. Cũng hè này, Ba lan vinh dự được tổ chức Euro 2012 cùng Ucraine. Xin ghi lại những cảm xúc khi đón nhận tin vui này.
Năm 1990 vừa rời quân ngũ, tôi đầu quân về Hội Tin học - hội ngành nghề mà những trí thức QĐ dũng cảm đứng ra gầy dựng. Đất nước vừa thoát khỏi bao cấp, chập chững vào cơ chế thị trường được vài ba năm, con người được cởi trói nhưng cũng phải tự mòm mẫm kiếm sống.
Như nhà báo Hữu Việt tổng kết: Trí thức ta - giàu về kiến thức nhưng nghèo về tiền bạc - đã tìm đường quay trở lại đất nước mình học 1 thời để xin thầy cũ "suất" thực tập sinh, nghiên cứu sinh (nhưng thực chất là đi buôn kiếm sống). Ba lan, Liên xô, Tiệp, Đức... là những địa chỉ đến cho các cựu lưu học sinh.


Tôi cũng trong đoàn quân ấy tới Ba lan. Đến Matxcơva đã thấy khác xa, vậy mà khi qua cửa khẩu Brest-Litov (giữa Ba lan và Liên xô) càng thấy đất nước này quá thanh bình. Về thủ đô Warszawa (tiếng Anh là Warsaw). Đầu tiên sống nhờ bạn bè, sau đi chợ (bán hàng) tự kiếm sống, tự trang trải. Giao tiếp trước thì qua tiếng Nga, sau thì tự học vì cùng nhóm ngôn ngữ Xlavơ, không khó, hơn nữa chữ viết cũng được Latin hóa, giống chữ Việt. Có gì không hiểu thì đã có mấy ông bạn: Lê Đình Đạo, Trần Quốc Dũng... vốn "dài tiếng" vì từng là sinh viên ở đây. Và rồi nhanh chóng hòa nhập.

Ngày đó, dân Cộng thường đánh hàng (áo gió, áo bông hồng, xịp...) theo đường không, nhập qua sân bay quốc tế. Sân bay nằm phía đông nam thủ đô, có tên là Ô-kiêng-che (Okengze). Mới sang làm gì có tiền nộp thuế nhập khẩu, vậy là chú em Thạch (học viên Quân sự sau 5 khóa, nghiên cứu sinh ở Bách khoa Warszawa) đưa cả xấp tiền: "Anh cứ lấy tiền mà dùng, bán hàng xong thanh toán cũng được". Thậm chí chú còn lái xe đưa đi làm thủ tục và lấy hàng. Khu nhập hàng hóa của sân bay trở thành địa chỉ quen thuộc. Sau còn lái xe đưa Hữu Việt và Ngô Bá Thành (em Hà Văn Công) đi nhận hàng.
Vậy mà khi chuẩn bị cho Euro 2012, sân bay này được đầu tư nâng cấp và đổi tên là Frederic Chopin. Dân Ba lan vốn tự hào về nhạc sĩ vĩ đại này và đã đổi tên cho sân bay của họ. (Những năm cuối đời, Chopin sống ở Paris và chết tại đây nhưng trái tim ông được đưa về nhà thờ ở Warszawa). Tôi từng cùng vợ chồng Đạo-Đức và bác Ngân đến thăm quê hương Chopin. Xe cộ dân tứ xứ về thăm rất đông. Ngôi làng quê ông đầy hoa lá, chim muông, có con suối róc rách chảy... cách Warszawa chừng 80km. Bên trong ngôi nhà chính có cây đàn piano cổ...

Mấy hôm nay thấy báo chí viết dòng sông chảy qua Warszawa là Vistula. Hì, họ đã phiên âm sai. Từ này viết chính xác là Wista. Ở vị trí chữ "t" chính là chữ "l ngang" (chữ "l" có dấu vạch ngang, hơi giống chữ "t", nhưng không phải như phụ âm "t" hay "l" mà lại là nguyên âm "oa"). Cả từ này đọc là "Visoa". Còn nhớ ngày trẻ con được xem bộ phim "Bên dòng sông Visoa" của Ba lan.
Con sông Wista chảy qua giữa Warszawa, chia ra 2 phần: Thành cổ và Ochota. Từ bờ sông nhìn vào phía Thành cổ thấy có những mặt tiền nhà cổ sừng sững, chếch lên phía bắc là khu cấm thành.
Bắc qua sông là vài cái cầu. Dòng sông chảy hiền hòa, sạch sẽ. Bên bờ phía Thành cổ có tượng Nàng tiên cá đang tì gối bên mỏm đá, quay mặt ra sông. Xà lan, tầu thủy, tầu khách chạy trên sông tấp nập, khi qua mặt Nàng tiên cá đều kéo còi chào.

Xuôi về phía nam, bên kia sông là sân vận động quốc gia vừa mới khánh thành, được xây trên khuôn viên sân vận động SKRA (xây năm 1955 mà dân ta hay gọi là sân vận động "10 năm" kỉ niệm 10 năm chấm dứt Chiến tranh Thế giới 2. Ba lan là đất nước chịu chết chóc và tàn phá ghê khủng. Hầu như thủ đô bị bom đạn phát xít san bằng, dân Do Thái thì bị giết vô kể). Giống như sân Leipzig ở Đức, sân SKRA cũ được đắp thành cao bằng đất (như cái chảo to), khán đài chạy xung quanh hình e-lip.
Suốt những năm từ 1990 đến ngoài 2000, chả có trận thi đấu nào, cả khu vực này trở thành chợ giời khổng lồ của châu Âu. (Dân Ba lan vốn có truyền thống buôn bán). Thông qua các quan hệ mafia, dân Ba lan, dân Cộng, dân U, Nga, Thổ đấu thầu, chia nhau khu vực mặt thành và bãi để xe quanh sân, rồi chở về các container rỗng cho thuê lại làm gian bán hàng. Nghe nói không rẻ, nếu mua quyền sử dụng dài hạn là hàng chục ngàn đô/căn, còn thuê tháng là vài ba ngàn.
Chợ này là chợ bán buôn, lớn hơn chợ trời cũ Rozynskiego (cùng bên Ochota) rất nhiều. Thượng vàng hạ cám gì cũng có: quần áo, giày dép, quần bò Jeans Thái lan, đồng hồ rởm Hongkong, hàng thực phẩm, bánh kẹo... từ châu Á sang, từ Nga về, từ Thổ qua...
Vợ chồng Đạo "ta", Hồng-Quốc Dũng k6, Văn Thắng k5, Quốc Thắng k7... từng có mặt "chiến đấu" ở đây cùng anh em sĩ quan Quân sự "tuột xích". Nhớ những ngày lạnh giá, xung quanh các cửa hàng trắng tuyết; các ông bà chủ hàng đầu đội mũ len che kín chỉ hở con mắt, người sù sụ quần áo, co ro cúm rúm, tay xỏ găng len chọc thủng mấy đầu ngón tay đang cầm cốc trà nóng,  mồm thở ra "khói", vừa uống vừa suýt soa kêu lạnh. Mấy tay mua hàng ở tỉnh xa vứt xe con ở bãi, quần áo dày cộp, chân xỏ ủng, kéo lê xe chở hàng vội đi gom hàng rồi mau mau chở về tỉnh xa, bán kiếm lời...

Nhân dịp Euro 2012 thấy báo chí viết Ba lan bỏ nhiều tỷ Euro vào đầu tư và có những thay đổi ghê gớm. Giá mà được thăm lại Ba lan dịp này.
Chúc đội tuyển Đại bàng trắng vào sâu trong giải!

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hà Thị Thành em gái anh Hà Văn Công,Thành học cùng Phúc năm thứ nhất ĐHBK k19,sau đúp xuống k20.

Hạnh Phúc

TranKienQuoc nói...

Hữu Việt gọi là Ngô Bá Thành.

Nặc danh nói...

Vượng từng ở cùng đơn vị với tôi 2 năm .Hình như bây giờ vẫn ở Ba Lan ? Hoàng Chương

TranKienQuoc nói...

Đúng, Vượng vẫn ở Ba lan, đi đi về về.