Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Truyện ngắn... cay mắt (ST: Đạt)



Cua rang muối
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
 - Cua rang muối thật đó mẹ.
 Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
 - Còn răng đâu mà ăn?!




 Đợi
“Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ!”. Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ. Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi!”. Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa.
Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua…


 Xa xứ
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…".
Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…".
Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"

3 nhận xét:

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Những mẩu truyện ngắn thật cảm động,đầy tính nhân văn.Đó là hồn người,hồn quê hương,đất nước.

Nặc danh nói...

Hồi bé, mình được bà nội cực kỳ quí(Bà nội nào chẳng quí cháu?!). Nhưng trẻ con thì chưa biết nghĩ sâu, chỉ biết là bà chiều thì thích và hay làm nũng bà. Cuộc đời bà vất vả, không hợp ông nội nên sống ly thân, ở nhờ nhà người cháu gọi bà bằng cô ruột. Mình ở với mẹ, thỉnh thoảng về thăm bà. Mỗi lần về, bà lại mang hết những gì bà có ra "thết đãi" thằng cháu đích tôn và duy nhất.Lúc đó, mình chỉ biết chén cho sướng mồm, đâu có biết rằng hàng ngày bà chỉ ăn cơm với rau và châu chấu rang, chắt chiu từng xu để có cái mà thết cháu. Ở Quế Lâm về, mình cũng chỉ biếu bà được lọ mì chính. Rồi mình đi Liên Xô. Suốt bấy nhiêu năm thời chiến, bà lam lũ với ruộng khoai, vạt lúa, trong lòng luôn tự hào có thằng cháu học tận Liên Xô. Năm 1970 về phép, còn được gặp bà. Quà cho bà cũng chỉ là mấy lọ thuốc bổ: Pantogrin (nhung), sâm.... Đến năm 1973 tốt nghiệp về thì bà đã đi xa được mấy tháng. Thế là đã chẳng còn dịp để báo hiếu bà.
Thương bà quá, bà ơi.

TranKienQuoc nói...

Còn mẹ mình những năm cuối cũng vậy, thấy con cháu ở chật chội nên hè đến là cho mang hết chăn bông, đệm lên phòng bà cất: "Để cho dưới nhà thoáng mát, con chúng mày không bị nóng. Bà già rồi chả sao". Mỗi lần về, dọn phòng cho bà là hắt hơi liên tục vì bụi.
Còn cơm nước thì bà tự nấu, tự ăn; "Tao thích ăn kiểu nhà quê, mắm tôm, bìa đậu, cua tép... chứ không thích nhiều thịt cá như chúng mày. Mà giờ giấc không theo chúng mày được, ăn sớm tao còn đi nghỉ...".
Các cụ bà lúc nào cũng hy sinh vì chồng, con rồi đến cháu.