Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Cùng suy ngẫm (KQ)

Chủ nhật tuần trước, mời mấy người bạn đến thăm Gallery của anh bạn Trần Hậu Tuấn. Sau khi xem bộ sưu tập của nhiều họa sĩ nổi tiếng lứa sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (trước 1945) và thế hệ sau này, mọi người cùng ngồi trà đạo. Chủ yếu xoay quanh mỹ thuật và con người.
Có 1 điều khá tâm đắc là khi nói về nhân tình, thế thái Tuấn đã "cụ thể hóa" trong con người bằng xương bằng thịt của chúng ta còn có 3 con người khác. Đó là 1 con người NÔ LỆ, 1 con người ĐIÊN  và 1 con người NGHỆ SĨ.



Con người ta sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, lấy vợ/ chồng, sinh con đẻ cái nhưng cả phần đời sau là cuộc đời cần lao, phúc cung tận tụy kiếm tiền nuôi vợ nuôi con, xây dựng gia đình, rồi nuôi cả cháu, chắt... Nhiều người lao động cật lực rồi lao lực đến chết và tiền làm ra, tích lũy thì chả hề mang đi được. Rõ ràng đó là con người nô lệ.
Trong xã hội có không ít người người bị bệnh điên, thần kinh không bình thường, nói năng nhảm nhí, mất điều khiển, thích phá phách, phải tống vào nhà thương điên. Đó là những người điên thực sự.
Nhưng chính trong mỗi chúng ta, những người không bị điên, vẫn có những lúc điên. Ví như vì lí do nào đấy (giận vợ hay bất đồng với sếp... chẳng hạn), ta tự nhiên nổi khùng, giận cá chém thớt, chửi mắng  vợ con, thậm chí giang tay đập phá đồ đạc trong nhà. Hay như mấy ông say rượu thì khỏi nói - do không làm chủ được mình - nói năng bậy bạ, phá phách thì đúng là điên. Ấy là điên có thời gian.
Và trong ta còn có 1 con người nghệ sĩ. Một lúc nào đấy, tự nhiên ta thấy yêu đời rồi phát tiết làm 1 bài thơ, hứng giọng hát 1 ca khúc hay, vẽ 1 bức tranh đẹp, đang đá bóng tự nhiên làm 1 bàn thắng đẹp như chuyên nghiệp...
Còn với những người nghệ sĩ đích thực ư, lúc nào họ cũng phát tiết để sản ra nhiều ca khúc hay, nhiều bức tranh đẹp, nhiều bàn thắng hay... Cuộc đời nghệ sĩ có lẽ là hạnh phúc nhất, ngay cả khi họ không có đồng tiền nào trong túi. (Nói vậy không có tiền là đói, là không có toile (toan), màu để vẽ, không có giày để xỏ... thì cũng hết nghệ!).
Nào, cùng trao đổi!

Không có nhận xét nào: