Kỳ 2: Nhà cách mạng Trần Đăng
Ninh trong ký ức người ở lại
Khi nhà cách mạng Trần Đăng Ninh mất, ông dặn dò vợ con:
sau khi ông mất, lập tức phải trả lại biệt thự, trả lại xe cho Nhà nước, vì đó
là nhà của công, xe của công. Đến tận lúc chết, dù biết mình sẽ phải để lại cuộc
đời người vợ trẻ và hai đứa con côi còn nhỏ dại, ông vẫn không hề nghĩ đến việc
tơ hào một đồng, một xu của công, để vun vén cho cá nhân mình.
Vợ chồng nhà cách mạng Trần
Đăng Ninh – những ngày ở Việt Bắc
Khi đi tìm những tư liệu về nhà cách mạng Trần Đăng Ninh, ngoài Thiếu tướng
Nguyễn Hữu Lê- người từng là thư ký của ông, tôi đã có cơ hội gặp gỡ người bạn thân thiết của gia
đình ông bà – bà Phan Thanh Hòa. Sau ngày Trần Đăng Ninh mất, theo nguyện vọng
của chồng, bà Nguyễn Thị Hồng trả lại ngôi biệt thự trên phố Phan Đình Phùng, rồi
đưa con cái đến sống trong một căn hộ tập thể nhỏ. Mãi sau này, bà và các con mới
được cấp một ngôi nhà riêng trên phố Lý Nam Đế. Ngôi nhà đó chỉ cách ngôi nhà của
bà Phan Thanh Hòa có mấy bước chân, nên có thể nói bà Hòa là người chứng kiến
nhiều nhất cuộc sống gia đình Trần Đăng Ninh sau khi ông qua đời.
Bà Phan Thanh Hòa kể: “Tôi coi chị Hồng – vợ anh Ninh như chị gái. Cháu
Châu Nguyên, Tuấn Quảng – con anh Ninh cũng coi tôi như mẹ nuôi. Khi anh Ninh mất,
Tuấn Quảng mới 1 tuổi, Châu Nguyên 4 tuổi, nhưng có lẽ chị Hồng nuôi dạy con rất
khéo, nên các cháu đều rất giống cha mẹ ở tính giản dị, khiêm tốn và sống rất
trong sạch.
Tôi từng có một thời gian dài công
tác với chị Hồng tại Vụ Giáo dục. Sau này, trường mầm non Việt Bắc được thành lập,
chị Hồng về làm Hiệu trưởng và gọi tôi về cùng. Chị em tôi gắn bó với nhau suốt
những năm tháng kháng chiến, cho đến sau này hòa bình vẫn là chị em thân thiết”.
Năm 1951, cuộc kháng chiến chống
Pháp bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn, thử thách. Vừa phải đối phó với kẻ
thù là thực dân Pháp hùng mạnh, các cán bộ cách mạng còn phải chịu đựng cuộc sống
thiếu thốn đủ điều về cả vật chất lẫn tinh thần. Trong hoàn cảnh đó, để đỡ đần
các gia đình cách mạng, để các cán bộ cách mạng yên tâm làm nhiệm vụ, Bác Hồ đã
giao cho Trần Đăng Ninh – khi đó vừa nhận chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, chuẩn
bị việc thành lập trường mầm non Việt Bắc. Sau một thời gian tìm địa
điểm và công tác chuẩn bị, Trần Đăng Ninh đã đề nghị Đảng và Bác cho thành lập
trại trẻ mẫu giáo đầu tiên, đặt tại đồi cọ bản Pìeng, thôn Tỉn Hỏa, xã Thanh Định,
huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Nhà trẻ được dựng bên đồi cọ, với 2 dãy nhà tranh
nấp dưới các tán lá cọ bên dòng suối trong mát. Cách đó hơn cây số là đồi có
lán ở của Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Phụ trách trại là bà Nguyễn
Thị Hồng,; bà Hồ Thị Minh Nguyệt phụ trách chính trị; bà Vũ Thị Đơ, phụ trách
nuôi dưỡng; cô giáo Phan Thanh Hòa, phụ trách giảng dạy. Ngày lễ Thiếu nhi Quốc
tế 1/6/1952, khóa học đầu tiên đã khai giảng. Những lớp học sinh đầu tiên của trường mầm non Việt Bắc
ngày ấy giờ đã trưởng thành, nhiều người thành đạt, nhưng tất cả họ đều nhớ về
những người thầy, người cô đầu tiên của mình. Những dịp kỷ niệm thành lập trường,
các cựu học sinh trường mầm non Việt Bắc vẫn tụ họp đông đủ, vẫn nhắc về cô
giáo Hồng, cô Hòa, những người mà họ coi như mẹ....
Trường mầm non Việt Bắc ra đời, trở thành “ông tơ bà nguyệt” cho nhà cách mạng
Trần Đăng Ninh với người vợ của ông sau này – bà Nguyễn Thị Hồng. Năm 1951, khi
gặp bà Nguyễn Thị Hồng tại trường mầm non Việt Bắc, nhà cách mạng Trần Đăng
Ninh đã có thiện cảm với cô hiệu trưởng xinh đẹp của trường mầm non Việt Bắc
ngay từ buổi gặp đầu tiên. Sau này được bạn bè mai mối, ông bà đã nên duyên vợ
chồng. Đám cưới giản dị được tổ chức ngay giữa chiến khu Việt Bắc. Trước khi kết
hôn với bà Nguyễn Thị Hồng, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh từng có một đời vợ.
Ông bà có với nhau hai người con gái. Nhưng sau này khi ông bị tù đày, vì hoàn
cảnh cuộc sống, hai vợ chồng phải xa nhau.
Bà
Nguyễn Thị Hồng là con gái một gia đình dân nghèo ở Lào Cai. Sau này, bà thi đỗ và được học bổng
toàn phần để theo học tại
trường Nữ sinh Đồng Khánh – ngôi trường nổi tiếng sản sinh ra nhiều nữ trí thức
của Việt Nam một thời. Trong kháng chiến chống Pháp, bà từng là Phó Ty Giáo dục
Lào Cai, nhưng sau vì nhiệm vụ được phân công, bà chuyển về làm việc tại Vụ
Giáo dục Mầm non.
Cùng dạy ở trường mầm non Việt Bắc ngày đó, nên bà Phan Thanh Hòa và bà
Nguyễn Thị Hồng coi nhau như chị em thân thiết. Gắn bó với gia đình nhà cách mạng
Trần Đăng Ninh suốt từ thời chiến tranh, bà Phan Thanh Hòa có rất nhiều kỷ niệm
với gia đình ông. Bà kể: “Châu Nguyên – con gái của anh Ninh và chị Hồng coi
tôi như mẹ nuôi, còn Tuấn Quảng khi chào đời, chính tôi là người đi chôn dây rốn.
Năm ngoái có dịp trở lại Việt Bắc, hai cô cháu cùng đi, Tuấn Quảng hỏi tôi, cô
còn nhớ chỗ cô từng chôn dây rốn của cháu không? Tôi cười, chỉ nhớ là chôn bên
bờ suối, còn giờ nó ở đâu thì tôi chịu”.
Trong ký ức của bà Phan Thanh Hòa, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh là một người
sống rất giản dị, gần gũi và tình cảm. Ngày đó cơ quan của ông nằm cách trường
khoảng 1km. Sau khi kết hôn, vợ chồng ông được cấp cho một cái gian nhỏ trong
khu nhà cán bộ ở trường. Trần Đăng Ninh là một người luôn quan tâm đến những
người xung quanh. Hôm nào đi làm về, dù bận rộn đến mấy thì sau khi hỏi han vợ
con, bao giờ ông cũng phải đi hỏi thăm một vòng các chị em trong trường. Khi bà
Nguyễn Thị Hồng mang bầu con gái Châu Nguyên, mọi người đến thăm, ông cứ luôn hỏi:
mọi người đã đến thăm các chị em khác chưa? Đó là tính cách của Trần Đăng Ninh:
luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến gia đình, vợ con mình.
“Vợ chồng tôi đến với nhau, cũng là do anh Ninh tác hợp. Tôi nhớ hồi đó anh
Ninh dí dỏm, hài hước lắm, có nhiều anh Ninh làm, khiến mọi người không thể nhịn
cười. Khi anh Ninh làm mối tôi với chồng tôi bây giờ, tôi “chê lên chê xuống”
vì người tuy đẹp trai nhưng...thấp quá. Một hôm tôi đi ngang qua cơ quan anh
Ninh, vừa nhìn thấy tôi, anh gọi: “Cô Hòa, vào đây vào đây”. Nói rồi anh gọi chồng
tôi ra, cụng đầu hai chúng tôi với nhau và tuyên bố: “Đấy nhé, cô cứ chê thấp,
cao hơn 3cm còn gì?”. Sau vụ “cụng đầu” đó, chúng tôi thành vợ thành chồng. Quà
cưới mà anh Ninh dành cho chúng tôi là một cái màn bộ đội. Tôi biết anh phải
quý lắm mới dành cho vợ chồng tôi món quà đó. Vì thời chiến tranh, chức Chủ nhiệm
Tổng cục Cung cấp của anh Ninh là “to” lắm. Nhưng chưa bao giờ anh ấy tơ hào bất
cứ cái gì cho bản thân mình. Ở Việt Bắc muỗi nhiều, chăn màn rất quý, anh Ninh
có thể cho vợ con mình một bộ chăn màn, nhưng anh ấy không làm thế. Bao giờ anh
Ninh cũng nghĩ đến người khác trước gia đình mình, gia đình khác có chăn màn rồi,
anh Ninh mới cấp cho gia đình mình” – Bà Hòa nhớ lại.
Khi còn sống, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh rất chiều vợ, thương con. Không
bao giờ ông nặng lời một tiếng với vợ con. Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc của vợ
chồng ông chưa được bao lâu, thì Trần Đăng Ninh mắc bệnh hiểm nghèo, ông liên tục
phải xa vợ con đi chữa bệnh. Quãng thời gian chữa bệnh ở Trung Quốc, dù ốm đau
đến mấy, ông cũng dành thời gian viết thư về nhà cho vợ con. Khi vợ ông mới
sinh con trai Tuấn Quảng được một thời gian, bà Phan Thanh Hòa cũng đang mang bầu,
bà đã rất bất ngờ và cảm động khi nhận được thư của ông từ Trung Quốc, hỏi
thăm, chúc mừng bà.
Làm cách mạng không phải vì biệt
thự, vì ô tô
Nhà cách mạng Trần Đăng Ninh là người có rất nhiều công lao trong việc xây dựng lên ngành
Hậu cần quân đội, tạo nên hệ thống huy động và cung cấp vật chất cho các
chiến dịch lớn, là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định sự thắng lợi
của các cuộc kháng chiến. Chỉ tiếc là sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, vừa trở về Hà Nội
chưa được bao lâu, Trần Đăng Ninh lại mắc trọng bệnh và qua đời khi còn rất trẻ,
không được chứng kiến những thành quả mà mình và các đồng chí cách mạng đã phải
gian khổ mới giành được. Năm 1955, bệnh tình của Trần Đăng Ninh ngày càng nặng.
Ông đã đấu tranh với bệnh tật rất kiên cường, vì thương người vợ còn quá trẻ và
hai đứa con nhỏ dại. Nhưng ông không chiến thắng được số phận.
Khi còn sống, Trần Đăng Ninh là một người rất thương lính. Với cấp dưới,
ông không bao giờ quát mắng. Nhưng ngày đó đồng chí Đinh Đức Thiện (sau này là
Thượng tướng Đinh Đức Thiện – chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) là một người rất nóng
tính. Chuyện đến tai Trần Đăng Ninh, ông cho gọi đồng chí Đinh Đức Thiện lên,
nhắc nhở: “Sao đồng chí hay quát mắng anh em lính tráng thế?”, đồng chí Đinh Đức
Thiện gãi đầu ngượng ngịu: ‘Xin lỗi anh, tôi
nóng tính quá. Lúc cáu lên là không kiềm chế được”. Trần Đăng Ninh càng nghiêm
khắc hơn: “Thế lúc cáu, cậu có quát tôi, có quát anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng
– pv) hay không? Cậu rút kinh nghiệm ngay nhé”. Tuy bị thủ trưởng mắng, nhưng
không vì thế mà đồng chí Đinh Đức Thiện tự ái. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê kể là, ngày nhận được tin Trần
Đăng Ninh mất, đồng chí Đinh Đức Thiện lập tức chạy đến. Nhưng khi đến nơi, ông
ngồi ngoài cổng khóc rất lâu, đến khi cạn
nước mắt mới vào. Trong lòng Thượng tướng Đinh Đức Thiện, dù có bị Trần Đăng
Ninh nhắc nhở, phê bình, ông vẫn luôn tôn trọng, khâm phục người anh cả của lực
lượng hậu cần.
Hồi mới về Hà Nội, gia đình nhà cách mạng Trần Đăng Ninh được bố trí chỗ ở tại
một căn biệt thự trên phố Phan Đình Phùng. Những ngày cuối
cùng, biết mình không còn sống được bao lâu nữa, ông đã dành thời gian dặn dò vợ
con rất kỹ: sau khi ông qua đời, phải trả lại toàn bộ biệt thự, xe cộ cho nhà
nước. Sau ngày ông mất, vợ ông đã làm đúng di nguyện của ông. Bà trả lại nhà,
trả lại xe rồi cùng hai con về sống trong một căn hộ tập thể nhỏ. Mãi sau này, mẹ con bà mới được cấp một ngôi nhà
trên phố Lý Nam Đế. Nhưng bà không bao giờ hé một lời than vãn, kêu ca. Bà làm
theo di nguyện của chồng không một chút do dự, bởi bà hiểu chồng bà – nhà cách
mạng Trần Đăng Ninh – đi làm cách mạng không phải vì biệt thự, vì ô tô, chỉ đơn
giản vì tình yêu đất nước và khát khao được tham gia vào cuộc cách mạng đưa dân
tộc đến với ngày tự do.
Nhà cách mạng Trần Đăng Ninh qua đời khi mới 45 tuổi. Sự ra đi của ông là một
mất mát lớn với cách mạng, và cũng là một mất mát lớn với gia đình. Khi ông mất,
bà Nguyễn Thị Hồng mới 35 tuổi, con gái Châu Nguyên 4 tuổi, con trai Tuấn Quảng
mới được 1 tuổi. Dù vẫn còn trẻ, còn nhan sắc, nhưng sau ngày chồng mất, bà một
mình ở vậy nuôi con, không đi bước nữa. Bà sống đến giờ phút cuối cùng trong đời
với nỗi nhớ khôn nguôi về người chồng đã khuất.
Bà Phan Thanh Hòa bảo, khi bà Nguyễn Thị Hồng cùng con cái chuyển về sống
trong ngôi nhà trên phố Lý Nam Đế, gia đình bà và gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở
chung một ngõ. Bà vẫn thường xuyên qua lại gia đình, chứng kiến hai người con của
nhà cách mạng Trần Đăng Ninh lớn lên từng ngày. Bà Phan Thanh Hòa kể: “Chị Hồng
là một người cả đời hy sinh cho chồng con. Chị Hồng vốn xinh đẹp, lại là trí thức, nhưng ăn mặc và lối sống rất giản dị. Từ khi anh Ninh mất,
chị càng giản dị hơn, vì muốn giữ gìn thanh danh cho chồng. Lúc nào chị ăn mặc
cũng đơn giản, nhưng nhan sắc vẫn rạng rỡ. Mỗi khi đi đâu cần ăn mặc đẹp hơn
ngày thường một chút, chị thường mượn đồ của tôi. Mãi sau này khi về già, tôi
nói mãi, chị mới mua thêm vài bộ đồ cầu kì hơn một chút.
Tuy tiết kiệm cho mình, nhưng chị Hồng lại rất chăm lo cho con cái. Anh
Ninh mất sớm, gánh nặng nuôi hai con đổ lên đầu chị Hồng. Những năm bao cấp, lương giáo viên của chị Hồng nuôi hai con vô cùng vất vả, nhưng
may là chị Hồng được người chị gái kinh tế khá giả hơn giúp đỡ, nên cũng nhẹ gánh phần nào. Là nhà
giáo nên chị Hồng rất ý thức chuyện học hành của con. Thời bao cấp khó khăn là
vậy, chị Hồng vẫn cho các con học thêm nhạc rồi cố gắng mua bằng được cái đàn piano để cháu Châu Nguyên học đàn. Sau
hòa bình, về Hà Nội học thêm rồi làm công tác giáo dục, đến lúc chuẩn bị được đề
bạt, thấy hai con đi học ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, chị Hồng lại
bỏ cả sự nghiệp của mình để về trường Trỗi công tác, để có thời gian gần gũi
con cái. Sự hy sinh mà chị Hồng dành cho chồng con là không thể kể hết được”.
Có lẽ đến lúc sang thế giới bên kia gặp chồng, bà Nguyễn Thị Hồng đã có thể
yên lòng nhắm mắt vì cả đời bà, thành công lớn nhất có lẽ là đã nuôi dạy hai
con rất đàng hoàng. Con cái bà khi trưởng thành không làm ông to bà lớn, không
làm chức nọ tước kia, nhưng đều là những người sống có tâm, có đức, tự phấn đấu
đi lên bằng nghị lực của mình, không dựa vào danh tiếng của cha và chưa bao giờ
phải hổ thẹn mỗi khi đứng thắp hương trước bàn thờ cha mẹ.
Nhà cách mạng Trần Đăng Ninh đã qua đời 57 năm, nhưng những người đồng chí,
đồng đội từng sống bên cạnh ông, vẫn không ngưng kể về ông và chưa bao giờ
nguôi đi nỗi tiếc nuối cho một người Cộng sản có Tài, có Đức, nhưng lại ra đi
khi còn quá trẻ. Trong những trang sách viết về Trần Đăng Ninh mà tôi đọc được,
do những người đồng chí đồng đội của ông kể lại, tôi hiểu được thêm về một con
người cách xa tôi cả một thế hệ, một con người tôi chưa từng gặp nhưng vô cùng
kính trọng.
Ông Hoàng Đình Phu – nguyên trưởng phòng Kế hoạch Tổng cục Cung cấp, nguyên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước kể rằng, dù Chủ nhiệm Trần Đăng Ninh đã
qua đời rất lâu, nhưng những anh em cán bộ ở Tổng cục Cung cấp vẫn vô cùng nhớ
người thủ trưởng đầu tiên, vô cùng đáng kính, nhưng cũng vô cùng giản dị của
mình. Nhớ đến ông khi những ngày ông còn sống, trong buổi họp hay liên hoan của
cơ quan, dù là người giữ cương vị rất cao trong Đảng và trong Quân đội, nhưng
khi cấp dưới mời ông, bao giờ ông cũng đến đúng giờ hoặc trước giờ, không bao
giờ đến trễ để mọi người phải đợi; Nhớ
ông vì mỗi lần đến sớm, ông thường ngồi trên một cái ghế tựa vào tường, nói
chuyện với anh em, không phân biệt trên dưới, cao thấp; nhớ ông vì nếu anh em
có mời ông vào dãy ghế trên mỗi lần họp, ông đều cười xòa: “Nếu các anh tôn trọng
thủ trưởng, muốn cho ngồi chỗ danh dự, thì thủ trưởng ngồi đâu, chỗ ấy là chỗ
danh dự, sao cứ phải là dãy ghế đầu?”, và thế là ông vẫn ngồi nguyên ở hàng ghế
đó, giữa anh em, thân mật và gần gũi như những người đồng đội bình thường, chứ
không phải là cấp trên, cấp dưới.
HTN
4 nhận xét:
Cha tôi và ông Ninh là bạn tù Hỏa Lò. Ông Ninh là tử tù vì từng là bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Sau ngày 9/3/1945, Nhất đảo chính Pháp, cha tôi tham gia tổ chức cho hơn 100 tù chính trị (cả thường phạm) vượt tù Hỏa Lò. Đêm trước, chú Lê Trọng Nghĩa (bố Trọng Huấn, Trọng Thắng) được cha tôi giao nhiệm vụ bảo vệ "thượng cấp" vượt tù theo đường "thăng thiên" (trèo tường rào) đã hoàn thành nhiệm vụ. Đường trèo rào bị lộ, hôm sau sau khi tìm ra đường cống ngầm, lần lượt nhiều nhóm chia nhau "độn thổ" ra ngoài, về với phong trào.
Hai cụ thân nhau là thế, nhất là khi cùng thanh tra vụ H122 (Hát xăng vanh đơ, bộ đội ta bị nghi là giá điệp cho Phòng Nhì Pháp) năm 1948 rồi vụ tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu 1950.
Ngày cụ Trần Đăng Ninh đang là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, đúng chiến dịch ĐBP thì lâm bệnh nặng, phải sang TQ điều trị. Cha tôi đang là chính ủy Trường Lục quân VN ở Quế Lâm hay qua lại bệnh viện ở Nam Ninh thăm bạn. Anh Kháng Chiến được theo cùng. Biết không qua khỏi, cha tôi động viên ông về chết ở bên nhà. Khi chia tay cha tôi chảy nước mắt vì lúc gian khổ không sao, nay sắp thắng lơi thì lại bệnh tật ra đi.
Xin tưởng nhớ đến ông!
Khi tôi 9 tuổi,được chứng kiến tang lễ rất trang trọng ,tiễn đưa Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp Trần Đăng Ninh tại Trường lục quân Việt Nam ,lúc đó đóng tại Quế Lâm .RẤt may mắn gia đình chúng tôi còn giữ được một số ảnh về tang lễ này,có dịp sẽ gửi lại cho em Quảng .
Sinh thời cha tôi hay kể cho chúng tôi về người bạn tù thường được anh em gọithân mật là "Anh đầu to"-bí thư xứ ủy Trần Đăng Ninh. Cha tôi kể : Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào tối 9-3-1945,tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò quyết định bằng mọi cách phải vượt ngụt về với "Tổ chức". Cha tôi lấy từ Quỹ tù chính trị 20 đồng (số tiền lúc đó là rất lớn,giá một thúng thóc có 2 hào), đưa cho ông Ninh ,ông nhất định không chịu nhận ,nói để cho anh em khác .Cha tôi nói ai cũng có rồi,anh cầm lấy phòng thân khi thoát tù. Với cha tôi kỷ niệm đó rất sâu sắc ,thể hiện nhân cách cao đẹp của nhà cách mạng Trần Đăng Ninh.
Một tin vui góp cho bài việt này vào năm 2000 nhà cách mạng Trần Đăng Ninh được Nhà Nước truy tặng Huân chương Sao Vàng .
Gia đình chúng tôi luôn nhớ về ông,với những tình cảm tốt,đẹp,thiêng liêng nhất. KC
Ngày truy tặng cụ huân chương Sao Vàng, KQ cũng được nời thay mặt gia đình ông bạn của cụ và thay mặt bạn Trỗi - bạn con. Buổi lễ giản dị nhưng long trọng. Nhớ mãi.
Ảnh đã gửi cho Quảng.
Đăng nhận xét