Ngày 2-1-2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được công bố để lấy ý kiến nhân dân trong ba tháng. Nhiều người lẫn giữa việc lấy ý kiến của nhân dân và việc trưng cầu dân ý. Hãy thử làm rõ sự khác biệt này.
Hiến pháp
là của ai? Ai là người quyết định về Hiến pháp và họ quyết định thế nào? Đáng
tiếc những vấn đề cơ bản như vậy từ rất lâu vẫn bị hiểu nhầm.
Từ điển
Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng 2011 và các từ điển trước đó khá lâu) vẫn định nghĩa
hiến pháp là “đạo luật cơ bản của nhà nước, quy định chế độ chính trị, kinh
tế, xã hội, quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước”. Có lẽ
những người soạn dự thảo lần này cũng vẫn hiểu lầm như thế.
Nếu muốn
xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì mọi quyền lực phải thuộc về
nhân dân. Hiến pháp không phải là của nhà nước, mà là của
nhân dân. Trong Hiến pháp nhân dân là chủ thể, là người quyết định, là
những người trao quyền cho nhà nước (phân quyền cho các nhánh nhà nước như lập
pháp, hành pháp và tư pháp) đến mức nào và như thế nào để bảo vệ các quyền tự
do và sự hạnh phúc của người dân. Đấy là quyền tối cao của nhân dân. Như thế
nhân dân là người quyết định Hiến pháp. Đối tượng của Hiến pháp (đối tượng phải
thi hành, phải tuân thủ Hiến pháp và bị hạn chế quyền lực bởi Hiến pháp)
chính là nhà nước chứ không phải người dân.
Tất
nhiên, việc đòi hỏi tất cả nhân dân cùng tham gia vào soạn ra Hiến pháp là việc
bất khả thi.
Nhân dân
có thể ủy thác cho các nhóm không quá đông người (có thể là một Quốc hội lập
hiến hay các nhóm có chức năng như vậy) để soạn ra (các) dự thảo Hiến pháp.
(Các) dự
thảo đó phải được công bố công khai để nhân dân góp ý và thảo luận trong một
thời gian đủ dài.
Trên cơ
sở góp ý và thảo luận công khai đó (các) dự thảo cuối cùng được hoàn thiện (tốt
nhất là: (a) chỉ có 2 dự thảo hoàn chỉnh cuối cùng; hay (b) có 1 dự thảo với
một số điều cốt lõi mà mỗi điều có 2 lựa chọn khác nhau; hoặc (c) có 1 dự thảo
hoàn chỉnh duy nhất) để đưa ra trưng cầu dân ý.
Trong
trưng cầu dân ý tất cả các công dân bằng lá phiếu của mình đều có quyền lựa
chọn: (a) tán thành (một trong 2) bản dự thảo; hoặc (b) tán thành từng lựa chọn
của các điều cơ bản của một dự thảo; hay (c) tán thành hoặc bác bỏ một dự thảo
hoàn chỉnh duy nhất.
Việc bỏ
phiếu phải được diễn ra một cách tự do và việc kiểm phiếu phải được giám sát
chặt chẽ (bởi người dân, báo chí, đại diện của các tổ chức quốc tế) để tránh sự
gian lận. Kết quả Hiến pháp được thông qua sẽ là: (a) bản dự thảo nào được đa
số cử tri tán thành; hay (b) dự thảo Hiến pháp với các điều khoản cơ bản theo
đúng lựa chọn của đa số; hoặc (c) dự thảo duy nhất được đa số cử tri tán thành
hay Hiến pháp cũ (nếu dự thảo duy nhất này bị đa số bác bỏ).
Chỉ với
việc quyết định của nhân dân, thông qua trưng cầu dân ý như trên, thì Hiến pháp
mới thực sự là Hiến pháp.
Như thế
có thể thấy hai khâu “lấy ý kiến của dân” và “trưng cầu dân ý” là 2 khâu tách
biệt và đều rất quan trọng.
Không có
lấy ý kiến của nhân dân, không có thảo luận công khai hay không có đủ thời gian
để thảo luận công khai về (các) dự thảo, để hình thành (các) dự thảo cuối cùng
sẽ dẫn đến một Hiến pháp không tốt, không tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân
và như thế có thể gây chia rẽ, có hại cho sự phát triển của đất nước.
Việc
thông qua Hiến pháp bằng trưng cầu dân ý ở Ai cập vừa qua là một thí dụ như
vậy. Tại Ai Cập đã có trưng cầu dân ý, nhưng đã không có sự tham gia, lấy ý
kiến, thảo luận của nhân dân (hay các nhóm khác nhau) để hình thành bản dự thảo
cuối cùng đưa ra trưng cầu dân ý. Khi không có sự thảo luận công khai để cho
các ý kiến khác nhau đối chọi với nhau, thì người dân thiếu thông tin và rất dễ
nhầm trong lựa chọn (tán thành hay bác bỏ) của mình.
Chúng ta
để 3 tháng lấy ý kiến nhân dân. Để cho việc lấy ý kiến được hiệu quả thì việc
khuyến khích thảo luận, tranh luận công khai về nội dung của dự thảo là hết sức
quan trọng.
Nếu không
có thảo luận, tranh luận mà mỗi người chỉ viết ra ý kiến của mình và gửi cho
ban soạn thảo thì việc lấy ý kiến rất dễ biến thành hình thức. Không có sự cọ
xát, thậm chí sự đối đầu kịch liệt của các ý kiến khác nhau thì không thể hình
thành các nhóm ý kiến chính được phản ánh trong 2 lựa chọn của bản dự thảo cuối
cùng, khiến cho việc tiếp thu ý kiến là không thể. Ban soạn thảo dẫu có 5 đầu 6
tai cũng không thể đánh giá, phân loại ý kiến của hàng triệu người. Thiếu thảo
luận, thiếu tranh luận tự do và công khai hay cản trở việc hình thành các nhóm
khác nhau có các ý kiến khác nhau để giúp cho quá trình lấy ý kiến được hiệu
quả thể hiện trong các dự thảo cuối cùng, thì việc lấy ý kiến của nhân dân dễ
trở thành hình thức, tốn tiền của, công sức và vô ích.
Sau khi
đã có thảo luận, tranh luận để hình thành (các) dự thảo cuối cùng mà nhân dân
không được quyết định thông qua lá phiếu của mình, thì Hiến pháp, dẫu có được
100% “đại biểu” thông qua, cũng không phải là Hiến pháp thực sự để tạo ra một
nhà nước của dân, do dân, vì dân nhằm hạn chế quyền lực của nhà nước và bảo vệ
các quyền tự do của người dân.
Việc
khuyến khích nhân dân góp ý, thảo luận, tranh luận là rất đáng hoan nghênh. Sau
ba tháng nên hoàn chỉnh (các) dự thảo và đưa ra cho toàn dân quyết định. Làm
được vậy là một bước tiến lớn để xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân
và góp phần hết sức quan trọng để làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội
công bằng dân chủ văn minh.
Ghi
chú: Bài đã được đăng trên Lao động Cuối
tuần, Số 1, thứ Năm, 3/1/2013, hầu như không thay đổi với bản gốc ở
trên.
1 nhận xét:
Đồng tình với ý kiến anh Quang A. Còn nhà đương chức thì sao trước lập luận này?
Đăng nhận xét