Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Ông anh, bà chị của lính Trỗi

Chúng tôi là những cựu học sinh của mái trường đầu tiên trên miền Bắc XHCN được mang tên anh. Vì thế chúng tôi có một mối thân tình với chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi. Dù không còn một mái trường cụ thể nhưng năm nào chị cũng về họp mặt truyền thống và chị được coi là “bà chị cả” của trường.


Chuyện của 48 năm trước
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ, 5/8/1964, Mỹ bắt đầu chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đầu tiên ở các tỉnh Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An...
Sau ngày 15/10/1964, báo chí ở miền Bắc đưa tin: Cuộc thương lượng trao đổi - đòi thả người thợ điện mang tên Nguyễn Văn Trôi[1] ở miền Nam Việt Nam,đổi lấy con tin là trung tá không quân Mỹ Micheal Smolenvừa bị du kích quân Ca-ra-cát (Vê-nê-du-ê-la) bắt giữ -không thành; chính quyền Sài Gòn đã hèn hạ đưa anh ra pháp trường. Trước khi chết, anh đã quả cảm giật phắt mảnhđen khăn bịt mắt và hô lớn: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm…”. Ngay sau đó, các cơ quan, trường học trên miền Bắc đều tổ chức lễ truy điệu anh. Còn nhớ, vì không có ảnh mà nhiều trường phải treo di ảnh anh vẽ bằng bút chì.
Sang năm 1965, chiến tranh phá hoại càng ác liệt. Nhiều cơ quan, trường học ở thành phố lớn phải sơ tán về nông thôn. Cha mẹ nhiều học sinh lứa chúng tôi đã ra chiến trường, vì thế việc chăm lo hậu phương cho các gia đình liệt sĩ, gia đình có công và cán bộ, sĩ quan ra trận cũng là nhiệm vụ quan trọng; xa hơn Đảng và Bác Hồ thấy “cần thiết phải chuẩn bị lực lượng kế cận cho ngày mai”. Vậy là nhiều đứa chúng tôi được gọi lên Trường Văn hóa quân đội, đóng ở Hiệp Hòa, Hà Bắc. Doanh trại nằm ngay dưới đường bay của giặc Mỹ tới bắn phá tuyến quốc lộ 1A, sân bay Kép và Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, rất nguy hiểm nên nhà trường bí mật hành quân lên xã An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái.
Ngày 15/10/1965, đúng 1 năm sau ngày anh hy sinh, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập trường VHQĐ mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Năm học đầu tiên được khai giảng ở  An Mỹ, Đại Từ - ATK (An toàn khu) thời kháng chiến chống Pháp, ngay cửa rừng sườn đông bắc dãy Tam Đảo. Từng khóa tốt nghiệp, 100% nhập ngũ, nhiều bạn bổ sung ngay ra chiến trường.
Trong số bạn bè chúng tôi có Tất Thắng, Toàn Thịnh – con chú Lê Toàn Thư, Phó trưởng Ban Thống Nhất Trung ương. Khi trò chuyện mới hay, đầu hè năm 1969, chị Phan Thị Quyên cùng chị Nguyễn Thị Châu (vợ tử tù Lê Hồng Tư) được tổ chức đón ra Bắc. Đúng ngày sinh nhật Bác năm ấy, chú Thư đón 2 chị vào thăm Bác. Cả nghĩ đó cũng là hạnh phúc của bạn vì quen biết được vợ của người anh hùng mà chúng tôi hằng ngưỡng mộ.


Quê hương, gia đình và anh Trỗi
Sau này khi vào Nam sinh sống, thường gặp chị Quyên, tôi mới biết được nhiều sự thật cảm động… Khi trò chuyện, ai cũng nghĩ chị Quyên người Nam vì giọng nói đặc sệt Nam bộ. Vậy mà không phải, quê nội chị ởthônVăn Giáp, xã Bạch Đằng, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ; cách trung tâm Hà Nội có 17km. Từ năm 1917, dân Văn Giáp đã lang thang tứ xứ, nhiều người vào tận Nam bộkiếm sống. Thấy mưu sinh đượchọ đã kéo bà con thôn xóm cùng vào.
Năm 1937, bố mẹ chị gồng gánh đưa con cái theo cùng, đích đến là Nam Vang. Lúc đầu tá túc ở đồn điền Chúp (tỉnh Công-pông-chàm); bố làm nghề cắt tóc, mẹ bán hàng xén. Tới năm 1944, chị mới sinh nên nói giọng Nam từ bé. Vì tham gia hoạt động yêu nước nên cụ ông bị lùng bắt, phải trốn về Sài Gòn năm 1956, một năm sau cả nhà mới đoàn tụ.
Tới 1951, có đến nửa thôn Văn Giáp vào mưu sinh ở phía Nam. Họ che chở, bảo bọc nhau và mua cả mảnh đất gần Ngã tư Phú Nhuận, xây ngôi chùa lấy tên Pháp Vân - thờ 2 bà Pháp Vân, Pháp Lôi đều là dân Văn Giáp. Tới 1960, thấy cần có đất lo hậu sự, bà con lại chung tiền mua mảnh đất cỡ 10 công (10.000m2) ở Giồng Ông Tố, ngoại ô Sài Gòn,xây dựng nghĩa trang mang tên Văn Giáp.
Về Sài Gòn, gia đình chị sống ở 104 Lê Quốc Hưng (nay thuộc phường 12, Quận 4). Khi tròn 16 tuổi, chị đi làm cho Hãng bông Bạch Tuyết. Tới năm 1963, gặp anh Trỗi, 2 người yêu nhau và đám cưới được tổ chức vào ngày 21/4/1964 (ngày 10 tháng 3 âm). Sống bên anh mà không hề biết anh là chiến sĩ biệt động thành. Chỉ đến khi anh bị bắt rồi chị bị giam cùng khám với các chị Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Châu mới hay: anh Trỗi đi làm cách mạng. Đúng 6 tháng sau, ngày 15/10/1964 (nhằm 10 tháng 9), anh Trỗi thân yêu đã ra đi.
Chị kể: “Sáng đó, chị vào thăm nuôi thì bị giám thị từ chối nhưng không cho biết chúng chuẩn bị xử bắn anh ngay trường bắn Khám Chí Hòa. Sau khi bắn anh, chúng đưa về Nghĩa trang của lính ngụy ở Gò Vấp. Vì anh là Việt Cộng, chúng lại đưa về Nghĩa trang Đô Thành (nay là công viên Lê Thị Riêng)”.
Nghe tin chúng xử bắn anh, chị chạy đôn đáo khắp nơi mà không thấy. Hôm sau đọc báo mới hay, anh được chôn ở Nghĩa trang Đô Thành. Đến nơi thấy có đến 3 ngôi mộ mới mà không biết cái nào của anh? Tới sớm 17/10 nhờtục lệ “mở cửa mả” nên thấy 2 ngôi mộ đã “mở”, chị cùng ba anh từ Quảng vào mới nhận ra mộ người thân. Gia đình đã chọn chùa Pháp Vân để cầu siêu cho anh. Sau đó chị phải đưa ba anh về quê nên bà con, cô bác Văn Giáp thay mặt chị cầu siêu cho anh suốt 7 tuần chay.
Đầu năm 1965, chị quyết định thoát li. Hôm 25 tháng chạp, chị mang hương hoa ra thăm anh. Vì mộ chôn ở “đất thí”, sau 3 năm phải dời nên chị bàn trước với bố mẹ: hết 3 năm sẽ đưa hài cốt anh về Nghĩa trang Văn Giáp. Tới 7/5/1967, cụ lên xin phép dời mộ. Ban quản lí sinh nghi vì thấy tên Nguyễn Văn Trỗi, cụ nói: trùng tên và cho ít tiền mới xong. Về Nghĩa trang Văn Giáp cũng vậy, cụ cũng phải lo lót cho cảnh sát khu vực. Như vậy, mộ phần anh được bà con Văn Giáp hương khói suốt từ bấy đến giờ.
Cứ đến ngày giỗ anh hoặc kỉ niệm thành lập trường, chúng tôi thường cùng chị ra Nghĩa trang Văn Giáp viếng anh. Nơi đây trở thành địa chỉ văn hóa cho thanh thiếu niên thành phố tới cắm trại, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới. Chị kể: “Trước khi chú Sáu Dân[2] mất, chú có hỏi thăm về mộ anh Trỗi. Biết anh vẫn an nghỉ ở Nghĩa trang Văn Giáp, chú nói: “Hay là đưa nó về phần đất của tổ chức dành cho chú ở Nghĩa trang thành phố?”. Chị cảm ơn và báo cáo: “Thành phố cũng đã dành cho anh chỗ trên Nghĩa trang liệt sĩ, phòng khi Nghĩa trang Văn Giáp phải di dời do quy hoạch đô thị mới”. Khi đó chú mới yên tâm”.


Ba lần gặp Bác
“Là người con miền Nam nhưng chị rất tự hào vì được gặp Bác 3 lần. Lời Bác dặn đã theo chị suốt cuộc đời”, chị nhớ lại…
Ngày 13/5/1969, chị Quyên cùng chị Nguyễn Thị Châu, chị Tư Thảo,chị Mười Mẫn và cô Ba Thanh Loan được tổ chức đón từ R (Tây Ninh) sang Phnôm-pênh để bay ra Bắc. (Ngày đó ông Hoàng Sihanouk hết lòng với Việt Nam).  Ngày 16/5, đoàn tới Hà Nội.
Sáng 19/5, chị Quyên và chị Châu được đưa lại nhà chú Lê Toàn Thư, nhưng không ai biết sẽ được gặp Bác. Xe đưa 2 chị vào Phủ Chủ tịch. Mừng quá, nước mắt chảy dài vì không ngờ được vinh hạnh như thế. Thấy vậy, chú Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác, dặn: “Hôm nay là ngày sinh của Bác. Biết các cháu mới từ trong Nam ra nên Bác cho  2 cháu vào thăm. Nhưng gặp Bác không được khóc. Các cháu khóc nhiều sẽ làm Bác xúc động, không có lợi cho sức khỏe vì Bác dạo này yếu nhiều”. Ngồi trong ngôi nhà nhỏ xưa dùng cho người phục vụ, thấy cụ già râu tóc bạc phơ, trong bộ quần áo lụa màu mỡ gà, lững thững vòng qua ao cá tiến tới phòng khách. Định chạy ra đón Bác nhưng chú Vũ Kỳ ngăn lại, phải chờ cho Bác đến thật gần 2 chị mới chạy ra, ôm lấy Bác.
Hai chị ngồi bên Bác, thân thiết như cha, con lâu ngày đi xa lâu ngày mới gặp nhau. Bác hỏi thăm đi đường thế nào, ra Bắc nóng quá có ngủ được không; tình hình trong Nam, ở R có thiếu thốn không; cha mẹ, gia đình ra sao… Ngồi bên Bác thấy hạnh phúc, chị nhớ tới anh Trỗi từng mơ ước có ngày ra Hà Nội thăm Bác, vậy mà lần này chỉ có mình chị. Còn Bác rất tế nhị, không đả động gì tới nỗi đau ấy.
Trò chuyện một lúc, Bác nói: “Đến bữa trưa rồi, 2 cháu ở lại ăn cơm với Bác”. Bữa cơm hôm đó có cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng và chú Kỳ. Hai chị được ưu tiên ngồi sát bên Bác. Bữa cơm có thịt gà kho, cà muối và rau muống luộc cùng bát nước rau đánh dấm sấu. Bữa cơm tham đạm nhưng ngon miệng làm sao. Bác gắp từng miếng ngon cho 2 chị rồi dặn: “Ra đến miền Bắc, 2 cháu phải ăn uống, bồi dưỡng sức khỏe; nhất là cháu Châu quá yếu, cần chữa bệnh cho khỏi. Sau đó các cháu còn phải học hành để sau này về phục vụ đồng bào miền Nam”. Cơm xong, chú Vũ Kỳ cho mang dưa hấu xứ Nghệ ra tráng miệng.
Trước khi ra về, Bác ra phòng khách lấy 2 bông lay-dơn đỏ cắm trên bàn cho 2 chị. (Chị Quyên mang về ép vào sổ tay. Cách đây 20 năm, chị đã mang bông hoa này tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Cuối tháng 6 năm ấy, 2 chị lại được đón vào thăm Bác. Hai chị báo cáo với Bác sẽ được Ban Thống nhất bố trí cho đi nghỉ và thăm một số nước XHCN, trong đó sẽ tham gia đoàn phụ nữsang Cuba dự kỉ niệm 10 năm Chiến thắng Môn-ca-đa 26/7. Nghe xong, Bác hỏi sẽ ăn mặc ra sao? Biết sẽ được may áo dài, Bác dặn: khi sang Cuba sẽ phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân, nên có bộ bà ba khi về nông thôn, nên có bộ quân phục giải phóng quân cùng mũ tai bèo khi xuống thăm đơn vị bộ đội, còn áo dài để xuống máy bay và đi dự tiệc. Rồi Bác khuyên: “Sang Cuba phải đi chặng đường rất dài từ Hà Nội, Bắc Kinh, Mạc-tư-khoa rồi bay qua Đại Tây Dương tới La Habana, sẽ rất mệt. Nhân dân Cuba lại rất quý mến dân ta nên đoàn sẽ được tiếp đãi và cho đi thăm nhiều nơi, sợ rằng sức khỏe của cháu Châu không chịu nổi. Châu nên ở nhà điều trị cho hết bệnh…”.  Hai chị thấy sao mà Bác chu đáo, cẩn thận đến vậy. Sau đó Bác nói: “Hôm nay họp Bộ Chính trị. Các chú cần vụ có nấu phở cho các đồng chí ăn trưa. Bác mời 2 cháu ở lại cùng ăn, xem phở miền Bắc có giống phở miền Nam”.
Đầu tháng 7 năm đó, trước ngày đoàn lên đường, Bác lại cho gọi 2 chị vào. Sau khi dặn, sang đó không phải khách sáo, coi như về nhà mình vì nhân dân Cuba và Phi-đen rất quý nhân dân Việt Nam anh hùng, rồi Bác gửi chị Quyên mang sang tặng Phi-đen tấm ảnh sơn mài vẽ hình Phi-đen có khảm xà cừ cùng đôi dép cao su. Bác còn dặn: “Đi thăm một số nước rồi, cháu phải về chuẩn bị học tập. Quyên học lớp mấy rồi?”. Biết chị ở R mới học hết chương trình lớp 5, Bác lắc đầu: “Cháu phải học hết chương trình phổ thông, sau đó còn lên đại học. Chỉ có kiến thức mới có thể làm việc tốt cho cách mạng”.  Trưa đó, 2 chị cũng ở lại ăn cơm với Bác. Ai ngờ, đó là lần cuối cùng gặp Bác.


Đám cưới không giấy hôn thú
Phải hàng chục năm sau tôi mới được nghe câu chuyện cảm động từ con trai cụ Hà Huy Giáp. Thấy chị được mời đi khắp các đơn vị để nói chuyện về anh Trỗi và giới thiệu tác phẩm Sống Như Anh, Bác Hồ tâm sự với đồng chí Hà Huy Giáp: “Quyên nó còn trẻ, còn phải xây dựng gia đình mới. Các đồng chí có đưa đi nói chuyện cũng phải kheo khéo, kẻo khó cho cháu sau này”. Thế mới biết Bác quan tâm, lo lắng đến từng chi tiết.
Khi từ Cuba về, tại Matxcơva ngày 3/9/1969, chị Quyên nghe tin Bác mất. Đau xót. “Chị cứ tiếc mãi không có tấm ảnh nào chụp chung với Bác, em ạ. Nay đã hết cơ hội. Ngày đó chú Kỳ nói: không được chụp vì phải giữ bí mật”, chị nhớ lại.
Nhớ lời Bác, sau khi đi Cuba, Liên Xô về, chị vào học Trường phổ thông Lao động Trung ương. Trường có mật danh HT2 và sơ tán vềTừ Hồ, Bần Yên Nhân, Hưng Yên - cách Hà Nội chừng 20km. Trường có tới ngàn học viên, toàn là cán bộ khắp các đơn vị, chiến trường vì bận công tác nay mới có điều kiện đi học bổ túc. Học viên được chia làm 2 khối A và B cho cán bộ miền Bắc và miền Nam. Khối B cũng khá đông; trong đó có anh Thiện, dân Bến Tre. Ngày nghỉ, học viên khối A thường đạp xe về nhà, riêng cánh miền Nam thì ở lại. Họ ra chợ mua mớ cá, mớ rau về cải thiện. Khu trường sơ tán lại gần bờ sông nên lắm cóc; vậy là có thêm nguồn “thực phẩm không mất tiền”. Chính những sinh hoạt ấy làm anh, chị thêm gần gũi.
Chị nhắc lại chuyện cũ: “Đêm 30 tết 1965, chị được bí mật đón ra “Y tư” (Y4) – đại bản doanh của Bộ chỉ huy mặt trận Sài Gòn – Gia Định, đóng tại Hố Bò, Củ Chi; sau đó lên Tây Ninh. Khoảng tháng  10 năm ấy, chú Sáu Dân từ Y4 về Tây Ninh, họp với cơ quan Phụ nữ. Biết chị cũng mới từ thành phố ra, chú cho 100 “ria” (tiền Miên) tiêu vặt. Từ đó cứ mỗi lần đi công tác về chú đều có quà”.
Cũng năm 1973, trong buổi liên hoan tiễn chị Châu và chị Duy Liên về lại miền Nam tại nhà chú Lê Toàn Thư, chị Châu ghé tai chị: "Chú Sáu Dân và chú Mười Cúc[3]  đang ra ngoài này họp. Chị có kể chuyện của em và anh Thiện cho chú Sáu nghe”. Xa miền Nam đã 4 năm, nhớ nhà, nhớ quê, chị xin phép chú Thư cho lại thăm 2 chú.Lần đó, chú Thư và chú Tô Lâm (Phó ban Tuyên huấn Trung ương Cục) đưa chị và anh Thiện tới thăm chú Sáu. Gặp chú, anh Thiện chào:
-          Chào anh Sáu!
- Trời, mày đó hả Dũng? – chú bắt chặt tay anh và quay sang chịQuyên – Nghe Châu nói, học ở ngoài này, cháu có thân với thằng Thiện, mà Thiện có thời gian làm cơ yếu ở Y4. Chú nghĩ hoài mà không nhớ có ai tên Thiện. Té ra, Thiện chính là Tư Dũng, Lê Tâm Dũng.
Đầu 1965, anh Tư Dũng được phân công về Y4. Mậu thân 1968 lại được theo chú Sáu xuống chỉ đạo mặt trận Sài Gòn – Gia Định. Sau khi về lại “R”, anh đuợc phân công sang Sứ quán Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Phnôm-pênh. Do yêu cầu bảo mật, anh phải đổi tên  Lê Trung Thiện. Năm 1970, sau khi Chính phủ Sihanuok bị đảo chính, anh ra Bắc; sau đó đưọc phụ trách đoàn dũng sỹ diệt Mỹ sang thăm Tiệp Khắc. Đến đu 1971, anh vào học tại HT2.
Nghe kể lại chuyện cũ, chú Sáu cười:Thôi, Tư Dũng thì cứ xưng hô “anh em “ cho tiện, còn Quyên cứ giữ nguyên cách gọi “chú cháu”. Thế hai đứa làm đám cưới đi!”. Mừng quá, chị mách với chú:
- Ở ngoài này cưới phức tạp lắm chú ơi, phải đi đăng ký kết hôn. Khi đăng ký, Uỷ ban lại đưa tên 2 nguời lên bảng để nhân dân xem có đúng là anh chưa vợ, chị chưa chồng hay không; nếu đúng thì một tuần lễ sau mới cho đăng ký… Mà thôi, để cháu học xong rồi về Nam cưới luôn thể.
- Không nên vậy, nếu học đại học phải 4-5 năm sau mới xong. Năm nay Quyên đã 29, còn Tư Dũng đã 37  rồi. Cưới đi, nhất là dịp đang có chú ở ngoài này. Thế hiện nay 2 đứa quân số ở đâu?
- Dạ, trong Nam quản lý ạ. Vì quân số trong Nam, nên khi bầu cử, tụi cháu không được đi bỏ phiếu.
Khi đó, chú Sáu cuời và quay sang chú Thư:
- Nếu là quân số trong Nam thì có thể cưới không cần đăng ký. Trong chiến trường, thủ tục rất đơn giản. Khi 2 anh chị yêu thương nhau và quyết định xây dựng gia đình thì chỉ cần báo cáo tổ chức là xong, sau đó sẽ làm đám cưới. Ta có thể tổ chức cho Quyên và Tư Dũng cưới “kiểu miền Nam”.
- Ý anh như vậy thì ta sẽ tổ chức cho 2 đưá cưới “không đăng ký”- chú Thư trả lời.
Ngày 29/4/1973, vào đợt nghỉ lễ Lao động quốc tế, đám cưới “không có đăng ký kết hôn” đã được tổ chức tại nhà chú Lê Toàn Thư ở 57 Phan Đình Phùng. Chú Thư làm chủ hôn. Tối đó, các cô chú ở Ban thống nhất, cả chú Sáu Dân cùng các anh chị bên Trung ương Đoàn,  anh chị trong Nam đang học chung cùng bà con họ hàng thôn Văn Giáp… đến dự đông đủ. Đám cưới tổ chức theo kiểu “đời sống mới”, đơn giản, chỉ có kẹo bánh, thuốc lá, nước trà, nhưng tht vui.
Từ chương trình lớp 5, chị học hết chương trình lớp 10; đến năm 1973 thì vào học dự bị Đại học Bách khoa.Sau gỉai phóng, đến tháng 9/1976 chị mới trở về thành phố. Năm học thứ tư, 1979, đang có bầu, chị vẫn không bỏ học. Tối chủ nhật vào viện thì ngày thứ bảy vẫn lên lớp. Anh chị đặt tên cháu là Lê Tâm Việt để kỷ niệm anh Trỗi đã hô vang :”Việt Nam muôn năm!”trước phút hy sinh. Việt từng là cảnh sát hình sự Công an TPHCM. Năm 1987, chị sinh cháu gái, đặt tên là Lê Phan Hồng Nga để kỷ niệm mẻ dầu đầu tiên của Liên doanh Vietxovpetro.
Năm 1980, sau khi ra trường, chị về công tác tại Cty Du lịch TPHCM cho đến khi nghỉ hưu. Còn anh Tư Dũng sau về Thành uỷ TPHCM công tác, trên cương vị Chánh Văn phòng.
Anh Tư coi chúng tôi như những đứa em và gia đình anh chị là nơi chúng tôi về dự đám giỗ anh Trỗi hàng năm.





[1]Do truyền tin ngày đó rất thô sơ (bằng điện báo đánh tay hoặc truyền chữ) nhưng không có dấu nên đã gây sai sót. Sau sửa lại là Nguyễn Văn Trổi rồi cuối cùng mới là Nguyễn Văn Trỗi.
[2]Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
[3]Nguyn Văn Linh.

Không có nhận xét nào: